Kẻ ngốc cầu người, kẻ trí cầu mình
Suy cho cùng thì khi mưa gió bão tuyết ập đến, mái nhà của người khác có lớn tới đâu, cũng không thể bằng được ô của chính mình. Chỉ khi học cách tự che ô cho mình, bạn mới có thể dũng cảm tiến về phía trước mà không sợ mưa to gió lớn.
Một MC nổi tiếng từng nói: “Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người già. Cứ dựa dẫm mãi, cuối cùng mới phát hiện ra, chỉ có thể dựa vào mình”.
Đúng vậy. Chúng ta khi còn trẻ luôn cho rằng tứ hải là nhà, đâu đâu cũng là anh em huynh đệ, khó khăn là sẽ ngay lập tức có người tương trợ, bước vào tuổi trung niên rồi mới ngộ ra được rằng cái gọi là “kết nghĩa vườn đào” cuối cùng cũng vẫn chỉ là người dưng.
Suy cho cùng thì khi mưa gió bão tuyết ập đến, mái nhà của người khác có lớn tới đâu, cũng không thể bằng được ô của chính mình.
Chỉ khi học cách tự che ô cho mình, bạn mới có thể dũng cảm tiến về phía trước mà không sợ mưa to gió lớn.
1. Kẻ ngốc cầu người, kẻ trí cầu mình
Con người khi gặp khó khăn, việc đầu tiên họ nghĩ tới chính là cầu người khác giúp đỡ, chứ không phải tự mình nghĩ cách.
Có một câu chuyện như này: Có một tín đồ đang đứng tránh mưa dưới một mái hiên thì trông thấy một vị thiền sư cầm ô đi ngang qua.
Anh ta vội vàng gọi với theo vị thiền sư: “Thiền sư, phiền ngài cho tôi đi nhờ một đoạn, phổ độ chúng sinh”.
Thiên sư chỉ lắc lắc đầu nói: “Anh đứng dưới mái hiên, ta đứng dưới mưa. Dưới hiên không bị ướt, sao còn cần ta độ cho anh nữa?”
Tín đồ lập tức chạy ra ngoài trời mưa rồi nói với thiền sư: “Bây giờ tôi đứng dưới mưa rồi”.
Thiền sư vẫn lắc đầu nói: “Anh bị mưa ướt đấy là vì anh không có ô. Không phải ta độ anh mà là ô độ anh, anh tự đi tìm ô đi!”
Người tín đồ đứng giữa trời mưa tức giận nói: “Tôi thấy là ngài không muốn độ tôi thôi, hà tất phải vòng vo như vậy!”
Thiền sư nói: “Muốn không bị ướt phải tự tìm cho mình một cái ô. Chỉ biết đứng đó chờ người khác tới giúp đỡ là không đúng. Người không tự mình nỗ lực, cuối cùng sẽ không có được gì”.
Một người, nếu muốn có được hạnh phúc và thoải mái, phải đứng lên lấy nó bằng nỗ lực và cố gắng của mình, chứ không phải ngồi đó, đợi người khác tới giúp với sự nhiệt tình.
Marie Curie từng nói: “Đường phải tự mình bước đi, có vậy mới càng đi càng rộng được”.
Cầu người chi bằng tự cầu mình, chỉ biết dựa vào người khác, sẽ rất khó có được tiến bộ lớn.
Dạo trước, một người bạn có kể cho tôi nghe câu chuyện về họ hàng của cô ấy.
Con trai của người họ hàng tên B, năm nay học lớp 11, còn một năm nữa là thi đại học, nhưng thành tích lại càng ngày càng kém, đi học đủ các lớp học thêm, tiêu không biết bao nhiêu tiền nhưng thành tích vẫn không nâng lên được chút nào.
Cuối cùng, người họ hàng bèn tới nhờ cô bạn đó của tôi, hiện đang là giáo viên cấp 3 giúp đỡ.
Cô bạn sau khi dạy được một vài buổi, phát hiện ra vài vấn đề: Trong lúc nghe giảng, B không chịu tập trung, nhưng mỗi lần hỏi hiểu chưa thì B lại luôn gật đầu nói hiểu rồi. Tới khi cho làm đề thì lại không làm được, xin cô bạn giải bài luôn.
Ban đầu cô bạn tưởng là đề mình ra khó quá nên kiên nhẫn giảng giải từng bước một cho B. Nhưng sau vài lần dạy như vậy, phát hiện ra B hoàn toàn không có khả năng giải đề một cách độc lập, toàn phải nhìn vào tờ gợi ý đáp án.
Cô bạn lúc kể với tôi chuyện này lắc đầu mãi, nói: “Trong lòng B nghĩ rằng tôi sẽ chỉ cho đáp án, không thì cũng có sách giải rồi, nên nhất định không chịu động não”.
Đời người giống như một cuốn sách bài tập vậy, có câu dễ cũng có câu khó, ai cũng có những câu hỏi khó cần phải tự mình đi giải đáp, chẳng ai có thể thay bạn dọn đường mãi cả.
Lấy một ví dụ, bạn đang đi thì làm rơi món đồ rất nặng ở trên đường, bạn dùng hết sức mình rồi nhưng vẫn không nhấc nổi nó lên, lúc này người qua đường trông thấy có lẽ sẽ tới giúp bạn một tay.
Nhưng nếu ngay từ khi bắt đầu, bạn cứ đứng ì ra đấy không chịu làm gì, vậy thì ai biết được bạn cần giúp đỡ?
Phàm là chuyện gì cũng chỉ biết dựa vào người khác, đặt hết hi vọng vào người khác, dần dần bạn sẽ trở nên bị động, mất đi động lực tiến về phía trước.
Kẻ ngốc cầu người, kẻ khôn tự cầu mình. Quý nhân đầu tiên và đáng tin cậy nhất trong cuộc đời mỗi người vừa hay lại là chính mình.
Trong khi chúng ta ngồi đó than vãn sao mình xui xẻo thế, sao vận mệnh lại không công bằng như vậy, có người sớm đã công thành danh toại, hưởng thụ cuộc sống rồi.
Băng tuyết không phải một ngày là đóng băng thành được, có công mài sắt mới có ngày nên kim.
Thay vì ngồi đó chờ người khác giúp đỡ, chi bằng tập trung tinh thần đi thay đổi bản thân, làm phong phú hơn đầu óc của bản thân. Chỉ khi tự mình chiến thắng khó khăn và thử thách, tự mình đi trải nghiệm, chúng ta mới đúc kết ra được kinh nghiệm và phương pháp để chiến đấu với thử thách tiếp theo.
2. Cảm giác an toàn lớn nhất là tự mình cho mình
Trong “Luận ngữ” có câu nói: “Quân tử cầu kỉ, tiểu nhân cầu người”. Dựa vào người khác để có được, suy cho cùng cũng chẳng phải của mình. Chỉ khi tự mình đi lấy, mình mới có cảm giác an tâm.
Nhân vật Liz trong bộ phim “Homeless to Harvard: The Liz Murray Story” được sinh ra trong một khu ổ chuột của Mỹ.
Hoàn cảnh gia đình cô thậm chí còn bi đát hơn cả những gia đình nghèo khác, ba nghiện ma túy phải vào trại cai nghiện, mẹ nghiện ma túy nghiện rượu, bị tâm thần phân liệt.
Khi Liz 15 tuổi, mẹ cô qua đời, Liz chỉ còn biết lang thang ngoài phố xin người khác đồ ăn.
Một cuộc đời bi kịch như vậy nhưng cũng không khiến Liz đánh mất đi khát khao và hi vọng vào một cuộc đời mới tươi đẹp hơn, mà ngược lại còn giúp cô ý thức được rõ ràng hơn rằng, chỉ có học tập, mới giúp cô thay đổi được vận mệnh của mình.
Nghĩ vậy, cô nỗ lực tìm mọi cách để được đi học. Ban ngày cô vừa làm việc vừa đọc sách, cô dán tài liệu học tập lên tường; buổi tối, cô không có nhà phải lang thang ngoài đường, cô mượn đèn đường làm đèn học.
Trong vòng 2 năm, cô không chỉ học hết chương trình học của cấp 3, trở thành một học sinh vô cùng ưu tú, mà còn thành công thi đỗ vào Đại học Harvard.
Có thể có người sẽ nói, đó là vì cô muốn thay đổi số phận nên mới nỗ lực như vậy.
Nhưng cũng giống như chính miệng Liz nói: “Tôi thấy mình rất may mắn, bởi với tôi mà nói, tôi chưa bao giờ biết thế nào là cảm giác an toàn, tôi chỉ có thể không ngừng tiến về phía trước, tôi phải làm vậy, trên thế giới này, tôi không còn đường để quay về nữa”.
Cảm giác an toàn không phải là thứ tự nhiên rơi từ trên trời xuống. Liz muốn thoát khỏi đống bùn lầy cô bị mắc kẹt suốt tuổi thơ của mình nên luôn nỗ lực làm việc để kiếm tiền đi học, cô không ngừng nỗ lực để trở nên ưu tú hơn, cuối cùng giành được cho mình một cuộc sống ổn định.
Cảm giác an toàn lớn nhất luôn là tự bạn cho mình.
Trong “Kinh dịch” có một câu nói được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng: “Bạch thiên hựu chi, cát vô bất lợi”, câu nói này muốn nói với chúng ta rằng, tự mình nỗ lực, ông trời mới giúp đỡ.
Muốn trở nên ưu tú, muốn được công ty công nhận, bạn phải không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, chứ không phải ngồi đó lo lắng sợ bị người khác vượt qua.
Muốn mọi người kính nể, bạn phải là người rộng lượng, phải biết chia sẻ nghĩ cho người khác với, chứ không phải ở đó lười biếng tham lam.
Nỗ lực một cách có ý thức, đạt tới độ cao mà mình muốn, đây mới là cảm giác an toàn tốt nhất.
3. Trông chờ vào người khác, chi bằng đầu tư cho bản thân
Lão tử nói: “Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường”. Thắng người khác là người có sức mạnh, nhưng thắng chính mình mới là kẻ mạnh đích thực.
Đời người giống như một chiếc thuyền, ai cũng phải chuẩn bị cho mình khả năng cầm lái. Lúc này, nếu bản lĩnh chưa được mài giũa tới nơi tới chốn, cơ hội chỉ có thể lướt qua bạn mà thôi.
Có một câu chuyện như này: T vừa tốt nghiệp năm ngoái, T xin vào làm việc trong một nhà máy lắp ráp, vì là một người mới nên nhà máy đã chỉ định một nhân viên lâu năm xuống hướng dẫn cho T.
Nhưng chỉ sau 1 tuần, nhân viên kia không dạy T nữa, còn bản thân T thì vẫn vụng về như lúc mới vào làm, thường xuyên để xảy ra sai sót, bị quản lý mắng nhiều lần.
Cho tới một hôm khi gặp lại người nhân viên từng hướng dẫn mình, lời nói của nhân viên ấy khiến T sực tỉnh.
Dạo trước khi người nhân viên hướng dẫn T lắp đặt, T mỗi lần xảy ra lỗi gì đều nhờ nhân viên đó giúp đỡ, vì vậy mà dù biết sai nhưng vẫn khó thay đổi.
Kể từ sau đó, T khi rảnh rỗi sẽ ngồi tra tư liệu, đi học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp khác, dần dần, T thậm chí còn tự mình nghĩ ra được cách lắp đặt tiết kiệm thời gian và công sức, được đồng nghiệp và quản lý khen ngợi.
Vì vậy rất nhiều khi không phải là chúng ta không học được, mà là bởi chúng ta luôn trải cho mình một chiếc thảm ở phía sau, làm không được một cái là lùi lại vào cái thảm êm ái đó, vì vậy mà không bao giờ quyết tâm hết mình đi làm gì.
Có một câu nói rằng: “Đời người trước giờ luôn là tự mình thành toàn cho mình”.
Bức màn của sân khấu cuộc đời bất cứ lúc nào cũng có thể được vén lên, có thể trở thành một nhà diễn thuyết giỏi giang hay không, mấu chốt nằm ở việc bạn lựa chọn đối diện trực tiếp hay trốn tránh vấn đề.
Thay vì ngồi đó chờ ông trời đánh rơi miếng bánh xuống đầu, hay đang đi đường nhặt được đống tiền, chi bằng tập trung vào bản thân, đầu tư cho mình.
Làm phong phú bản thân thông qua học hỏi và tích lũy, tận dụng những khoảnh thời gian rảnh rỗi đi làm những việc có ý nghĩa, kì vọng vào tương lai, hạnh phúc sớm muộn cũng sẽ tới bên bạn.
Có người từng nói: “Thành công không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất chính là nỗ lực”.
Muốn thành công, bạn phải chăm chỉ. Đời người không có đường tắt, mưa gió bão bùng phải tự mình vượt qua. Trong quãng đời còn lại, mong bạn không sợ hãi trước phong ba bão táp, không dựa dẫm vào người khác và học cách tự che ô cho mình.
Nguồn: cafef