Kết hôn còn được gọi là vào động phòng, vậy động phòng là gì? Đọc bài viết này để hiểu đúng hai từ “động phòng”
Người Trung Hoa quan niệm tứ đại hỷ của kiếp nhân sinh là: cửu hạn phùng cam lâm (hạn hán lâu ngày gặp mưa rào), tha hương ngộ cố tri (gặp lại cố hương nơi xứ lạ), động phòng hoa chúc (động phòng hoa chúc), kim bảng đề danh (tên được ghi trên bảng vàng). Động phòng hoa chúc là một hạnh phúc lớn của đời người, mà vào động phòng chính là kết hôn. Nhưng vì sao người ta lại gọi kết hôn là động phòng?
Hoàng Đế và xã hội nguyên thủy lâu đời nhất
Vào thời thượng cổ, lúc Viêm Hoàng nhị đế liên hợp đánh bại Xi Vưu, thành lập nền văn minh bộ lạc thống nhất. Thời bấy giờ, con người không cần canh tác, cây trái và thú hoang có sẵn; họ chỉ việc săn bắn, hái lượm; cũng không có pháp luật hay chế độ hôn nhân gia đình. Con người sống bầy đàn, một mặt có thể cùng nhau chống cự dã thú, mặt khác là có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Như vậy, rất nhiều người sống cùng nhau trong một hang động, nên có khái niệm quần hôn. Vì sự phát triển của nền văn minh Hoa Hạ, lúc bấy giờ Hoàng Đế muốn bãi bỏ tập quán sống bầy đàn. Nhưng con người sinh hoạt quần cư thế này đã kéo dài rất lâu, muốn lập tức bãi bỏ là điều tương đối khó khăn.
Một lần, Hoàng Đế cùng các đại thần đi tuần tra các hang động xem người dân cư trú có an toàn hay không. Bỗng họ thấy một hang động bị đá chặn. Lối ra vào vẻn vẹn chỉ đủ cho một người bước qua. Hoàng Đế tò mò đi vào bên trong và phát hiện ra ba người đang sống bên trong. Khi hỏi thăm thì được biết, ba người này lúc đầu cũng cùng tất cả mọi người chung sống, bất quá bởi vì hai người yêu nhau không muốn bị người khác quấy rầy nên đã dọn ra ngoài sinh hoạt. Hoàng Đế đột nhiên nảy sinh ý tưởng ngăn chặn quần hôn.
Vào động phòng
Khi trở về bộ lạc, Hoàng Đế đưa ra một giải pháp muốn các đại thần cùng nhau thảo luận: “Hôm nay chúng ta đã thấy hang động cư trú của người dân, biện pháp duy nhất để ngăn chặn quần hôn là thực hiện chế độ một vợ một chồng. Khi kết hôn, trước tiên tập trung cư dân đến chúc mừng, cử hành nghi lễ. Trước bái thiên địa, sau bái cha mẹ, rồi phu thê giao bái. Sau đó uống rượu, hát ca nhảy múa, tuyên bố hai người đã chính thức thành vợ chồng.
Xong đưa hai vợ chồng vào phòng trong hang động đã chuẩn bị trước, xung quanh xếp tường cao, chỉ để một cửa nhỏ ra vào. Việc ăn uống đều do người thân hai bên cung cấp, dài thì 3 tháng, ngắn thì 40 ngày, để họ ở trong hang động tạo dựng tình cảm vợ chồng, học cách nổi lửa nấu ăn, học cách sống.
Từ nay về sau, hễ người trong bộ lạc kết hôn, nam nữ vào động phòng thì gọi là hôn phối chính thức. Không ai được phép cướp vợ chồng của người khác. Để phân biệt người đã kết hôn và người chưa kết hôn thì phụ nữ đã kết hôn không được thả tóc nữa mà phải vấn tóc. Mọi người nhìn là biết người nữ này đã kết hôn. Những người nam khác không được mưu tính gì với cô ta nữa, nếu không sẽ phạm vào quy định của bộ lạc”.
Hoàng Đế nói xong ý tưởng của mình, mọi người đều ủng hộ. Họ đề nghị viết quy định pháp luật, công bố cho dân chúng. Quy định nhanh chóng được dân chúng bộ lạc tán thành. Họ đua nhau đào hang động, xếp đá chặn cửa hang con cái của họ. Khi chúng kết hôn, sau khi cử hành nghi lễ thì đưa hai vợ chồng vào động phòng. Thế là hủ tục quần hôn dần dần biến mất, chế độ một vợ một chồng dần dần hình thành.
Vào thời điểm đó, con người không sống trong nhà nên không có khái niệm nhà ở. Nơi con người ở đều là hang động nên họ gọi kết hôn là vào động phòng. Nếu như lúc đó có nhà đất hoặc nhà gỗ, cũng có thể kết hôn sẽ được gọi là vào nhà đất và vào nhà gỗ. “Động” có nghĩa là “hang động” và “phòng” đề cập đến căn phòng mà họ sống.
Đây là câu chuyện xảy ra từ thời kỳ thượng cổ, nhưng vào động phòng đã cùng với sự phát triển của nền văn minh nhân loại vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Đồng thời vì đã quen thuộc với tên gọi như thế nên người ta không có ý định thay đổi.
Người Trung Quốc tự hào vì họ có nền văn minh kéo dài 5000 năm. Tức là nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Văn hóa truyền thống của họ cứ như thế qua thời gian được duy trì và phát triển. Không thể phủ nhận rằng, các nước lân cận Trung Nguyên trong đó có Việt Nam cũng ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn minh của người Hoa Hạ. Nếu truy sâu về lịch sử loài người, chúng ta sẽ biết được rất nhiều tích cổ thú vị, và câu chuyện về “động phòng” này là một ví dụ.
Nguồn: Aboluowang (Vương Hòa).
Minh nguyệt biên dịch