Khi bạn gặp những người có 3 thói quen xấu này, hãy tránh xa càng sớm càng tốt
Người xưa nói: “Chọn bạn mà chơi” là có đạo lý. Nếu bạn gặp phải những người có 3 thói quen xấu này thì hãy tránh xa càng sớm càng tốt nhé.
1. Người hay phàn nàn
Truyện kể rằng, có một đệ tử Phật thích phàn nàn, và thiền sư quyết định khai đạo cho anh ta. Một hôm, vị thiền sư bảo đệ tử đi chợ mua muối, sau khi mua xong, ông bảo anh ta lấy một nắm muối bỏ vào cốc nước, khi muối tan, ông lấy một thìa muối, và cho lên miệng nếm thử xem nó có vị như thế nào.
Sau khi người đệ tử nếm nước muối, anh ta cau mày nói: “Mặn quá ạ!”
Vị thiền sư lại dẫn đệ tử ra sông, bảo đổ số muối còn lại xuống sông rồi để cho đệ tử uống một ngụm nước sông và hỏi: “Vị nó như thế nào?”
Đệ tử đáp: “Trong và ngọt.”
Thiền sư lại hỏi: “Còn đắng không?”
Đệ tử lắc đầu, nhưng ánh mắt bỗng sáng lên, như thể đã hiểu được điều gì. Kể từ đó anh ta không bao giờ phàn nàn nữa.
Người đệ tử tu Phật trong câu chuyện này có lẽ ngộ tính cao nên có thể hiểu được ẩn ý sâu xa của vị thiền sư. Còn bạn, bạn có hiểu vì sao anh ta thay đổi tính cách chỉ sau hai lần nếm trải vị muối hay không?
Nếu tâm lượng người ta chỉ nhỏ bé như cốc nước thì hễ muối rắc vào nó sẽ chuyển sang vị mặn. Cũng giống như anh ta rất thích phàn nàn về những thứ “không đẹp” trong cuộc sống.
Làm người tâm lượng rộng thì giống như dòng sông, có thể hoà tan thìa muối một cách dễ dàng. Câu chuyện làm nổi bật lên sự khoan dung với con người trong cuộc sống và khoan dung là một đức tính tốt.
Câu chuyện này không chỉ hướng dẫn chúng ta cách dung nhẫn cho người mà còn học cách bỏ qua những chuyện không đáng xảy ra, không đáng phải để tâm. Nếu tâm rộng mở thì mọi thứ đều chỉ là hạt bụi nhỏ, nếu tâm hẹp hòi thì mọi thứ đều là chướng ngại.
Những người thực sự thông minh không bao giờ phàn nàn vì họ biết rằng sự lựa chọn trong cuộc sống luôn nằm trong tay họ.
2. Người thích nói những điều xấu xa
Triết gia Platon đã từng nói: “Người khôn nói vì họ có điều muốn nói, kẻ ngu nói vì họ muốn nói điều gì đó”. Trong cuộc sống, có rất nhiều người luôn nhầm lẫn châm biếm, hèn hạ là hài hước; nhầm tưởng mất lịch sự là thẳng thắn. Họ ít biết rằng thể hiện bản thân theo ý mình là hành vi có trí tuệ cảm xúc thấp nhất ở người trưởng thành.
“Thế thuyết tân ngữ” đã ghi lại một câu chuyện như vậy: Khi Khổng Dung 10 tuổi, ông cùng cha đến Lạc Dương để thăm Lý Anh. Khổng Dung đã tự nhận là họ hàng của Lý Anh. Sau khi Lý Anh tiếp cha con Khổng Dung, liền hỏi: “Chúng ta là họ hàng thế nào?”
Khổng Dung đáp: “Trước kia Khổng Tử là tổ tiên của tôi và tổ tiên của ông lại là Lão Tử. Hai vị này có quan hệ thầy trò, cho nên chúng ta cũng là bạn bè thân thích”.
Lý Anh rất ngưỡng mộ tài trí của cậu bé và cho rằng đứa trẻ này lớn lên chắc chắn sẽ có tương lai. Nhưng Trần Vĩ, người cùng có mặt ở đó lại không đồng tình và mỉa mai nói: “Khi còn nhỏ ngươi thông minh, nhưng khi lớn lên có thể sẽ không thông minh nữa”.
Khổng Dung lập tức đối đáp lại: “Hồi nhỏ ông nhất định rất thông minh”.
Trần Vĩ nghe nói xấu hổ không nói nên lời.
Tục ngữ có câu: “Một lời nói tử tế ấm ba mùa đông, một lời tổn thương lạnh sáu tháng ròng”.
Luôn luôn tranh cãi sẽ chỉ khiến mọi người không ưa bạn, luôn nói lời gay gắt sẽ chỉ làm tiêu hao tính cách của bạn. Người thực sự thông minh biết im lặng và nói năng chừng mực, không tạo trở ngại cho người khác và không để mình vướng vào những tranh chấp bằng lời nói.
3. Kẻ dối trá
Nhân gian có câu: “Thà ở một mình còn hơn là phải đối phó với những kẻ dối trá”. Nếu đem ra so sánh thì sự cô độc thi vị còn tốt hơn những giao tiếp xã hội đạo đức giả.
Tôi từng đọc được câu chuyện như thế này:
Con chim ác là đi khắp nơi khoe khoang:“Tôi là người thẳng thắn, thích nói sự thật và không bao giờ sợ làm mất lòng người khác”. Và nóchế nhạo những con chó là “những cái đuôi ngoe nguẩy”. Khi nhìn thấy con lừa, con chim ác là nói đùa: “Đồ ngốc, bạn phải bịt mắt mình lại.”
Một lần, quản lý quạ đang kiểm tra núi rừng. Chim ác là biết tin, vội bay đến trước mặt quạ và khen ngợi không ngừng: “Thưa ngài, ngài là viên quản lý bậc thầy. Lông của ngài thật đẹp, ngài là loài chim đẹp nhất trên thế giới. Giọng hát của ngài rất hay, ngài có thể được gọi là ca sĩ giỏi nhất trong vương quốc loài chim.”
Sau khi quạ rời đi, các con thú tụ tập xung quanh và hỏi chim ác là tại sao nó không nói sự thật và vì sao nói “không sợ làm mất lòng người khác” mà lại nói dối trắng trợn như vậy?
Lời nói và việc làm không nhất quán sẽ chỉ hủy hoại thiện chí của người khác đối với bạn. Người gió chiều nào ngả chiều đó sẽ chỉ làm lu mờ nhân cách của bản thân. Bởi vì mọi người cảm động bởi sự chân thành chứ không phải đạo đức giả.
Những người thực sự thông minh không bao giờ thỏa hiệp vì họ biết rất rõ rằng tấm danh thiếp tốt nhất trên thế giới này chính là sự chân thành.
Trên đây là ba thói quen xấu nếu có sẽ để lại hậu quả rất đáng tiếc. Nếu xung quanh bạn có những người như vậy thì hãy tránh xa. Và nếu chính bản thân bạn có chúng thì hãy tìm cách khắc phục để có được những mối quan hệ chất lượng và nâng tầm giá trị của bản thân.
Nguồn: Secretchina (Gia Huy).