Không phải là đội quân đất nung, đây mới chính là thứ mà Tần Thủy Hoàng trân trọng nhất, trước nay chưa ai nhìn thấy
Tần Thủy Hoàng trong suốt những năm trị vì đã đạt được rất nhiều công lao, sáng lập chế độ hoàng đế, thiết lập quan chế trung ương Tam Công Cửu Khanh, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ; binh phạt Hung Nô phương Bắc, chinh phục Bách Việt phương Nam, xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đặt nền móng cho bản đồ Trung Quốc ngày nay và đưa Trung Quốc vào thời đại thống nhất. Nhưng vị “thiên cổ nhất đế” này đã để lại nhiều bí ẩn chấn động thế hệ tương lai sau khi qua đời, và một trong những bí ẩn đó liên quan đến lăng mộ của ông.
Từ khi được phát hiện, đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng đã nổi tiếng trên toàn thế giới với quy mô lớn, cấu trúc nghệ thuật độc đáo và sự hùng vĩ đáng kinh ngạc của nó. Tuy nhiên theo truyền thuyết, vật quý giá nhất của Tần Thủy Hoàng không phải là đội binh đất nung, mà chính là 3 món đồ bị thất lạc trong lịch sử, cho đến ngày nay chưa có ai thấy được hình dáng thật của chúng!
1. Ngọc Tỷ
Ngọc tỷ truyền quốc được tạo nên từ viên ngọc quý Hòa thị bích của Tần Thủy Hoàng, là một trong những con dấu nổi tiếng nhất lịch sử khi trải qua vô số lần thất lạc, đổi chủ. Ngọc tỷ là ấn chương của hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực tối thượng mà chỉ “thiên tử” mới có.
Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng cho đẽo Hòa thị bích thành ngọc ấn truyền quốc, có khắc 8 chữ Triện “Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương” (nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi) do chính Thừa tướng Lý Tư viết. Từ đó, Hòa thị bích trở thành Ngọc tỷ truyền quốc, tượng trưng cho hoàng quyền tối thượng và vương triều chính thống.
Mất đi viên Ngọc tỷ đồng nghĩa với sự kết thúc của triều đại, là dấu hiệu không lành. Những người tự xưng đế nhưng lại không lấy được Ngọc tỷ thì sẽ khó lòng thuyết phục dân chúng, thiên hạ bất phục. Chính bởi vì ý nghĩa đặc biệt đằng sau Ngọc tỷ, nhiều người muốn tranh đoạt nó và đã trải qua nhiều lần thay đổi chủ. Kể từ năm 221 TCN trở đi, Ngọc tỷ quyền lực của vị hoàng đế nổi tiếng Tần Thủy Hoàng được lưu truyền cho các vị đế vương đời sau, nhưng sau đó đột nhiên biến mất một cách đầy bí ẩn vào thời Ngũ Đại (khoảng giữa năm 907-960).
2. Thái A kiếm
Vật quý thứ hai là Thái A kiếm, một trong mười thanh kiếm nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại, được đúc bởi hai trong những người thợ kiếm xuất sắc nhất của thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc là Âu Dã Tử và Can Tướng. Tuy nhiên, họ không tự nhận mình là người tạo ra kiếm này mà cho rằng nó đã tồn tại trong nhân gian từ lâu, chỉ là vô hình, vô sắc, thế gian không ai phát giác ra được. Hai người chỉ là đợi thời cơ chín muồi, thiên thời – địa lợi – nhân hòa để phát hiện ra nó.
Thái A kiếm là bảo vật của nước Sở và đã được những vị vua nước Sở đeo trong suốt các triều đại, cũng là tín vật của nước Sở. Sau khi vua Tấn nghe nói về thanh kiếm này, ông đã nhiều lần sai sứ giả đến gặp vua Sở để có được thanh kiếm Thái A. Sau khi bị từ chối, ông đã không ngần ngại phái đội quân 200,000 binh lính đến tấn công nước Sở để cướp thanh kiếm này. Trước sự tiến công khốc liệt của nhà Tấn, vua nước Sở không chịu nhượng bộ để bảo vệ thanh kiếm này, thậm chí đánh đổi cả quốc gia và gia đình của mình để bảo vệ nó.
Ngay trước trận chiến quyết định, vua Tấn vẫn cử sứ giả đến đòi Thái A kiếm và đe dọa rằng: “Nếu không đưa thanh kiếm ra, quân đội nhà Tấn sẽ xâm chiếm thành này. Khi đó, không chỉ Thái A kiếm rơi vào tay nhà Tấn, mà cả triều đại nhà Sở cũng sẽ bị xóa sổ.” Đối mặt với sự đe dọa như vậy, vua Sở vẫn kiên quyết bảo vệ thanh kiếm, thậm chí mặc cả áo giáp và cầm Thái A kiếm đi đánh quân xâm lược. Vua Sở ra lệnh cho những người xung quanh: “Một khi thất bại, ta sẽ dùng thanh kiếm này để tự sát. Hãy nhanh tay lấy nó và ném xuống hồ Thái Hồ, thanh kiếm này nhất định phải để lại ở nước Sở!” Vua Sở đứng trên tường thành, đối mặt với quân đội nhà Tấn đang phía dưới thành, ông không hề tỏ ra sợ hãi, xem thường cái chết. Ông đột nhiên rút thanh kiếm Thái A và chĩa thẳng lưỡi kiếm vào kẻ thù. Ngay khi thanh kiếm được rút khỏi vỏ, dường như có một nguồn năng lượng vô hình bắn ra từ Thái A kiếm, tấn công trực tiếp vào quân đội nhà Tấn.
Đột nhiên, thế trận quân địch bỗng nổi gió dữ dội, bụi bay mù mịt, quân địch bị hỗn loạn. Quân Sở nhân cơ hội lao ra xông vào trại địch đánh, kẻ yếu đánh bại kẻ mạnh, giành đại thắng! Sau trận đánh này, Thái A kiếm một lần nữa được đăng đàn tôn thờ.
Sau này, khi nước Sở bị nước Tần đánh bại, thanh kiếm được Vương Tiễn trình lên và trở thành kiếm của Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng đã rất quý trọng thanh kiếm này, luôn mang theo không rời. Sau khi ông qua đời, thanh kiếm cùng với nhiều báu vật khác đã được chôn trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Từ đó, “thần kiếm” này đã biến mất khỏi thế giới.
3. Cửu đỉnh
Bảo vật thứ ba là Cửu đỉnh. Theo truyền thuyết thì sau khi Hạ Vũ chia “thiên hạ” thành chín châu (cửu châu), lấy đồng của các châu đúc thành 9 đỉnh (cửu đỉnh), khắc tinh hoa phong cảnh của chín châu vào Cửu đỉnh, mỗi Cửu đỉnh tượng trưng cho một châu, toàn bộ cất giữ tại kinh đô nhà Hạ. Vì thế, Cửu đỉnh trở thành biểu trưng cho quyền uy của chính quyền phong kiến và sự thống nhất quốc gia. Từ đó có câu nói “có được Cửu đỉnh là có được thiên hạ”.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các chư hầu tiến xưng vương vị, đồng thời bắt đầu nhòm ngó Cửu đỉnh. Họ cho rằng một khi có được Cửu đỉnh sẽ dễ bề “hiệp thiên tử nhi lệnh chư hầu”. Vậy nhưng, trong suốt mấy trăm năm chiến loạn đó, vẫn không có vị vương hầu nào nghĩ đến chuyện đoạt lấy Cửu đỉnh, tức là chính thức chiếm lấy thiên hạ của nhà Đông Chu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi vào cuối thời Xuân Thu, khi nước Tần ở phía tây trở nên hùng mạnh hơn hẳn các nước ở Trung Nguyên.
Trước đây, khi Sở Trang vương hỏi Chu Thiên vương về trọng lượng của cửu đỉnh mà ông đang có, chính là có ý muốn thay thế Chu Thiên tử. Có thể nói, cửu đỉnh là biểu tượng cho sự thịnh vượng của triều đại Nhà Hạ, nhà Chu và nhà Thương.
Trong suốt hàng ngàn năm, “Cửu Đỉnh” được bảo tồn nguyên vẹn trước khi xảy ra biến cố lớn. Cụ thể, khi Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội Tần Thủy Hoàng) tiêu diệt nhà Chu trong thời kỳ Chiến Quốc và sai người đưa “Cửu Đỉnh” về kinh đô Hàm Dương của nhà Tần. Tuy nhiên, 1 trong 9 chiếc đỉnh bằng đồng bị rơi xuống sông Tứ Thủy. Bảo vật giá trị này biến mất khỏi lịch sử. Kể từ đó, không ai biết tung tích của chiếc đỉnh này. Dù quân lính nhà Tần nỗ lực vớt bảo vật này nhưng đều không được. Theo đó, chỉ có 8 chiếc đỉnh bằng đồng được đưa tới Hàm Dương.
Lịch sử Trung Quốc trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, 8 chiếc đỉnh bằng đồng sau khi rơi vào tay nhà Tần cũng lần lượt bị thất lạc. Không ai biết rõ số phận những chiếc đỉnh bằng đồng quý giá này hiện nằm ở nơi nào. Hiện nay, đã hơn 2000 năm trôi qua, Cửu đỉnh vẫn chưa được tìm thấy, trở thành một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc cổ đại đã để lại nhiều báu vật hiếm có, nhưng về giá trị lịch sử, không có một món nào có thể sánh bằng Cửu đỉnh. Cửu đỉnh có thể vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất mà chưa được khám phá, và chỉ có thể hy vọng vào các nhà khảo cổ học trong tương lai để khám phá chúng và cho thế giới biết diện mạo thật của Cửu đỉnh này.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Lý Tĩnh Nhu)