Khổng Tử dặn: Gia đình “khinh già, chiều trẻ”, ắt không phải điềm may!

new-project-4

Khổng Phu Tử (tiếng Trung: 孔夫子) hoặc Khổng Tử (tiếng Trung: 孔子) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu (chữ Hán: 孔丘; 28 tháng 9, 551 TCN – 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni (chữ Hán: 仲尼). Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.

Trí huệ và công đức của Khổng Tử được đúc kết trong mỹ tự Vạn thế sư biểu (Bậc thầy của muôn đời sau), hoặc Đại thành chí thánh tiên sư, hay như có câu thơ rằng: “Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ”, tạm dịch: Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm dài.

Khổng Tử dù đã ra đi gần 2500 năm, nhưng những tư tưởng và triết lý nhân sinh của ông vẫn được hậu thế coi là chân lý.

Một ngày nọ, quốc vương nước Lỗ hỏi Khổng Tử: “Ta nghe nói mở rộng xây dựng nhà cửa về hướng Đông không phải việc tốt lành. Có phải vậy không?”

Khổng Tử nói: “Tôi nghe nói thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại, mà việc mở rộng xây dựng về phía đông không nằm trong số đó”. Vậy 5 điều đáng lo ngại Khổng Tử nói ấy là gì?

Điều xấu thứ nhất: “Hại người lợi mình”

Tiền tài, vật chất là thứ khi sinh không mang đến, chết không mang theo, nhưng sức khỏe, sinh mệnh thì không tiền tài và danh lợi nào có thể đánh đổi lấy được.

Chỉ vì lợi ích cá nhân mà lừa gạt người, chiếm đoạt và làm tổn hại đến phúc phận của người khác, kì thực cũng là chính hại bản thân mình, tiêu hao phúc đức của chính mình.

Phúc lộc thọ cũng theo đó mà giảm, khi báo ứng đến thì tiền tài chiếm đoạt được nào còn ý nghĩa gì?

Điều xấu thứ hai: “Khinh già, trọng trẻ là gia đình xấu”

Người cao tuổi bỏ mặc không chăm, không quan tâm, không phụng dưỡng mà đem tất cả tình yêu thương đặt lên trẻ nhỏ. Gia đình như vậy thì sẽ không gặp may mắn.

Tại sao gia đình này lại không may mắn?

Người xưa thường ví mối quan hệ trong gia đình với một cây cổ thụ, trong đó quả là con cái, thân cây là cha mẹ, gốc rễ là ông bà. Nếu muốn cây phát triển xanh tốt thì cần chăm bón chất dinh dưỡng vào đâu? Chắc hẳn là từ gốc rễ rồi.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, hầu hết bậc cha mẹ đều chăm bón chất dinh dưỡng lên trái cây, kết quả là những trái cây non không thể hấp thụ chất dinh dưỡng nên dẫn đến bị thối rữa. Đây là mấu chốt trong vấn đề nuôi dạy con trẻ thời hiện đại.

Ngày xưa, con cháu hiếu thảo với cha mẹ ông bà thường được gọi là người con hiếu thảo, người cháu hiếu thảo. Tuy nhiên thời nay, hàm nghĩa của hiếu thảo đã bị đảo ngược hoàn toàn, nghĩa là hiếu với con, thuận với cháu.

Sự gương mẫu của cha mẹ là hành động tốt nhất để giáo dục con cái. Nó có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Ở trong nhà, bạn cư xử nhẹ nhàng, cung kính và lễ phép với cha mẹ thì không cần nói, con trẻ cũng sẽ tự học theo.

Nhưng nếu bạn thiếu tôn kính với cha mẹ, con trẻ cũng trẻ học theo. Tương lai chúng sẽ đối xử lại

Nhưng nếu bạn thiếu tôn kính cha mẹ, con trẻ cũng sẽ nhìn thấy và học theo. Tương lai chúng sẽ đối xử lại với bạn như thế.

Điều xấu thứ 3: “Thích nổi danh nhưng bất tài là đất nước suy”

Người thích nổi danh sẽ thích những kẻ xu nịnh và bài xích những người hiền đức, đây là cái họa của quốc gia.

Nếu một quốc gia không trọng dụng người có hiền đức mà bổ nhiệm người không xứng đáng, thích nổi danh, thì đất nước đó sớm muộn cũng bại vong.

Người xưa giảng: Tránh xa tiểu nhân, gần người hiền đức.

Chỉ những người có tài đức, không coi trọng danh lợi, có tấm lòng khiêm chính thì mới có thể trụ cột đất nước.

Điều xấu thứ 4: “Già không dạy bảo, trẻ thời không học, đó cũng là tập tục xấu ở đời”

Người già không muốn dạy bảo người trẻ, người trẻ tuổi thì mang tâm ngạo mạn không muốn học hỏi kinh nghiệm, đây quả là một thói quen không may mắn.

Người xưa đã sớm có phong tục: “Kính già, nhường trẻ”, quá khứ cũng thường giảng: Người lớn cần ra dáng người lớn, người nhỏ cần ra dáng người nhỏ.

Người già, cũng không được cậy là người già mà bắt nạt trẻ, cần phải làm gương cho lớp trẻ, tận tình giáo huấn lớp trẻ. Là người trẻ, thì cần phải ‘kính lão, yêu lão’, cần tiếp thu giáo huấn của người lớn tuổi, học tập kinh nghiệm của họ.

Điều xấu thứ 5: “Thánh nhân không quản, người xấu tự ý làm loạn, đây cũng là điều xấu đối với thiên hạ”

Bậc Thánh hiền là những người có trí tuệ và đức hạnh thế nhưng họ đều đi ẩn cư hết. Đây quả là điều đáng buồn với thiên hạ.

Tại sao bậc Thánh nhân lại ẩn cư hết? Bởi vì họ không được trọng dụng, quốc gia không dùng đến, khuyên can cũng không nghe. Người tài đức không coi trọng danh lợi tiền tài, khi thấy bản thân không còn đất dùng thì tự nhiên chọn lấy cách sống ẩn cư. Ngược lại, người bất tài dùng mọi thủ đoạn để chiếm lấy quyền lực và trèo lên vị trí cao. Đây là cái họa của quốc gia.

Do đó, điều không may mắn thực sự không nằm ở việc phong thủy tốt xấu thế nào mà nằm ở đạo đức con người. Người Trung Quốc cổ đại nói: “Nơi người phúc đức ở sẽ thành phúc địa, đất lành người tốt ở”.

Câu này ý nói rằng, nơi nào ban đầu vốn có phong thủy không tốt, nhưng nếu người phúc đức đến ở một thời gian, phong thủy liền thay đổi, trở thành miền đất tốt lành. Còn nếu như vùng đất ban đầu có phong thủy tốt nhưng để người vô đức sống trên đó một đoạn thời gian, nó cũng sẽ chuyển thành xấu.

Vì vậy, mấu chốt không nằm ở phong thủy ban đầu tốt hay xấu mà chính là quá trình tu thân tích đức được bao nhiêu. Nếu biết sống lương thiện, đạo hiếu với cha mẹ thì ngôi nhà đó dù phong thủy ban đầu không tốt cũng sẽ trở thành mảnh đất lành.

Lan Hòa biên tập
Nguồn: Sound Of Hope (Lý Trí)

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: