Lã Bất Vi buôn bán cả Đế vương, từ người buôn thành một chính trị gia, có công lớn đưa Tần Thủy Hoàng lên ngôi Hoàng đế
Lã Bất Vi là một thương nhân người nước Vệ, sau trở thành Tướng quốc của nước Tần thời Chiến Quốc. Ông nổi tiếng trong lịch sử về buôn quan bán tước, xoay trở từ người buôn bán bình thường trở thành một chính trị gia có ảnh hưởng.
Lã Bất Vi xuất thân tầm thường, Lã Bất Vi là một thương nhân, nhờ buôn bán thành công nên rất giàu có.
Năm thứ 40 đời Tần Chiêu Tương vương (267 TCN), Điệu Thái tử mất. Năm thứ 42 (265 TCN), ngôi Thái tử còn khuyết, nên Tần vương cho con thứ là An Quốc quân làm Thái tử. An Quốc quân có hơn 20 người con và nhiều vợ, trong đó người vợ được yêu nhất được lập làm chính phu nhân, gọi là Hoa Dương phu nhân.
Hoa Dương phu nhân không có con, mà một người con của An Quốc quân là Dị Nhân sinh ra bởi thị thiếp Hạ Cơ không được yêu quý, nên Dị Nhân phải làm con tin của Tần ở nước Triệu. Tần mấy lần đánh Triệu, nên Triệu bạc đãi Dị Nhân.
Lã Bất Vi ở Hàm Đan nước Triệu, thấy vương tôn (cháu vua) của nước Tần là Dị Nhân. Ông đã nói một câu như thế này: “Đầu cơ kiếm lợi” (Kỳ hoá khả cư – 奇貨可居).
Thành ngữ “đầu cơ kiếm lợi” cũng chính từ đây mà ra. Ý nghĩa là vụ mua bán tốt, mua một món hàng tốt, tích trữ lại, sau đó bán với giá cao hơn.
Lã Bất Vi trở về hỏi phụ thân: “Trồng trọt có thể đạt được lợi nhuận gấp mấy lần?”. Phụ thân ông nói: “10 lần”. Sau đó Lã Bất Vi lại hỏi: “Vậy bán hàng châu ngọc thu lợi được mấy lần?”. Phụ thân ông đáp: “100 lần”. Lã Bất Vi tiếp tục hỏi: “Nếu phò tá một người mà người đó làm vua, nắm giữ sơn hà, thì lợi được mấy lần?”.
Phụ thân ông đáp: “Cái lợi đó là gấp hàng ngàn, hàng vạn lần, không thể tính đếm”. Lã Bất Vi nói: “Được, vậy thì con sẽ làm ăn mối này, con sẽ đem hết toàn bộ gia sản để đầu tư vào mối làm ăn này”. Thế là ông đã tiêu rất nhiều rất nhiều tiền để kết giao với vương tôn nước Tần là Dị Nhân.
Dị Nhân thời còn ở nước Triệu, hàng ngày sống một cuộc sống không mấy dễ chịu. Vốn dĩ phụ thân của ông không yêu mến ông, cho nên mới để ông làm con tin, vì thế chi phí sinh hoạt của ông rất hữu hạn, ra ngoài không có xe theo sau, chỉ có một cỗ xe nhỏ tự mình đánh, trong tay không dư dả mấy.
Lã Bất Vi khi thấy Dị Nhân như vậy, ông nói với Dị Nhân: “Tôi có thể làm cho địa vị của ông trở nên vô cùng lớn”. Khi đó Dị Nhân chỉ cười rồi nói: “Ông bạn à, hãy để lại chút sức lực để làm rạng danh tiền đồ của ông đi”. Lã Bất Vi nói: “Địa vị của tôi đương nhiên sẽ trở nên rất lớn, nhưng tôi muốn đợi địa vị của ông lớn lên trước đã, thì tôi mới có thể làm vậy được”. Dị Nhân lập tức hiểu được điều Lã Bất Vi muốn làm là gì.
Lã Bất Vi phân tích cho Dị Nhân rằng: “Hiện tại Tần vương đã rất già rồi. Ông ấy có thể chết bất cứ lúc nào, sau đó An Quốc Quân nhất định là người kế vị. Nếu ông muốn kế vị An Quốc Quân để làm Tần vương thì không có chút ưu thế nào.
Thứ nhất, mẫu thân của ông không được sủng ái. Thứ hai, thời Đông Chu liệt quốc, thông thường con trai trưởng của vợ cả sẽ làm người kế vị. Còn ông, ông không phải là con trai trưởng, cũng không phải là con trai út, trong hàng ngũ các anh em của ông thì ông nằm ở giữa.
Hơn nữa, ông lại ở rất xa An Quốc Quân – phụ thân của ông. An Quốc Quân cả ngày không thấy mặt ông, không có cảm tình đối với ông. Sau khi An Quốc Quân mất, làm sao có thể để ông kế vị, đây là điều không thể. Nhưng tôi có cách để ông có thể làm quốc vương”.
Dị Nhân hỏi: “Đó là cách gì?”. Lã Bất Vi đáp: “Bởi vì người mà phụ thân ông sủng ái nhất chính là Hoa Dương phu nhân. Hoa Dương phu nhân lại không có con trai, nếu ông có thể để Hoa Dương phu nhân nhận ông làm con trai, hy vọng kế vị của ông sẽ vô cùng lớn trong tương lai”.
Dị Nhân nói: “Tôi không có biện pháp nào, bởi vì giờ tôi về nước Tần cũng về không được, lại không có tiền nữa. Làm thế nào đây?”.
Lã Bất Vi nói: “Tôi sẽ giúp ông việc này”. Thế là Lã Bất Vi lấy 500 cân vàng kim đến nước Tần (vàng kim khi đó là đúc bằng đồng). Lã Bất Vi là người dân bình thường, ông làm sao có thể vào cung, hơn nữa lại gặp người thiếp mà thái tử sủng ái nhất?
Đầu tiên ông đến tìm chị gái của Hoa Dương phu nhân nói: “Tôi nghe nói người mà tôn sùng nhan sắc, thì khi nhan sắc suy tàn, tình yêu cũng nhạt mất. Em gái bà rất đẹp, nhờ đó mà được sủng ái. Tương lai đến một ngày, khi nhan sắc em gái bà không còn, thì sự sủng ái của thái tử dành cho em gái bà khẳng định sẽ không còn như trước.
Do đó đến lúc nhan sắc cô ta nhạt phai, cô ấy nói với thái tử điều gì thì điều ấy cũng đã muộn. Cho nên nhân lúc cô ấy được sủng ái nhất, cô ấy nói gì thái tử nghe nấy, lấy con trai cô ấy lập thành quốc vương. Tương lai khi thái tử mất, con trai cô ấy sẽ là người kế vị ngai vàng, vị trí quyền quý của cô ấy có thể đảm bảo tiếp tục”.
Vấn đề là Hoa Dương phu nhân không có con trai, Lã Bất Vi bèn giới thiệu Dị Nhân cho Hoa Dương phu nhân. Ông nói với chị gái của Hoa Dương phu nhân:
“Con người Dị Nhân này, hiền lương hiếu hạnh không ai bằng. Mỗi năm cứ đến ngày Đông Chí cho đến tận đầu năm sau, Dị Nhân đều đốt một lò hương hướng về phía tây, chính là hướng về nước Tần mà lễ bái. Sau đó cung chúc Tần vương, cung chúc thái tử, cung chúc Hoa Dương phu nhân thân thể khoẻ mạnh. Cho nên Dị Nhân có danh tiếng rất tốt. Nếu em gái bà có thể nhận Dị Nhân làm con trai, đây là biện pháp giữ gìn phú quý”.
Chị gái Hoa Dương phu nhân nói những lời này đến người em gái, kết quả Hoa Dương phu nhân chấp thuận nhận Dị Nhân làm con trai.
Lã Bất Vi thông qua du thuyết, đã biến Dị Nhân từ một con tin trở thành người kế vị, sau đó ông còn đem tuyệt sắc mỹ nữ là Triệu Cơ gả cho Dị Nhân. Tháng Giêng năm Tần Chiêu Tương Vương thứ 48, tức năm 259 TCN, Triệu Cơ sinh hạ được một bé trai.
Đứa bé này, 38 năm sau chính là Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ. Khi trận chiến Trường Bình vừa mới kết thúc, khoảng năm 257 TCN, đại quân nước Tần lần lượt tấn công nước Triệu, bao vây đô thành Hàm Đan.
Lần này hoàn cảnh của Dị Nhân tương đối nguy hiểm. Ông bèn thương lượng với Lã Bất Vi làm thế nào để có thể rời khỏi nước Triệu? Lã Bất Vi đem hết tiền của mình ra, tổng cộng có 600 cân vàng kim.
Ông hối lộ Đại phu Công Tôn Càn – người canh giữ Dị Nhân, hối lộ vị tướng trấn thủ cổng phía nam, nói rằng: “Hiện nay Tần – Triệu đang xảy ra chiến tranh, Hàm Đan rất nguy hiểm, ta hy vọng các ông mở cho ta con đường thoát.” Tướng quân thủ thành và binh sĩ đã đồng ý.
Một đêm nọ, Lã Bất Vi len lén mang Dị Nhân lên xe ngựa, họ ra khỏi thành lúc nửa đêm. Lần đào thoát này rất bí mật, rất cẩn trọng. Vì để không dẫn động sự hoài nghi của binh sĩ, vợ và con không cùng đi với Dị Nhân, họ ẩn trốn ở nhà mẹ của Triệu Cơ.
Gia thế của Triệu Cơ là một gia đình giàu có ở Hàm Đan, có rất nhiều tiền. Cho nên khi Tần Thuỷ Hoàng còn nhỏ, trên thực tế là ông ta lớn lên ở nước Triệu. Ông sinh năm 259 TCN nhưng mãi đến năm 251 TCN mới về nước Tần.
Thời đó, cùng làm con tin ở nước Triệu còn có một người nữa, chính là Thái tử Đan – người sau này ra lệnh cho Kinh Kha đi hành thích Tần vương. Thái tử Đan lúc nhỏ cùng với Tần Thuỷ Hoàng chơi với nhau rất vui vẻ.
Sau khi Lã Bất Vi đem Dị Nhân về nước Tần, ông đề Dị Nhân đi bái kiến Hoa Dương phu nhân ngay. Vì Hoa Dương phu nhân là người nước Sở, cho nên Lã Bất Vi để Dị Nhân mang y phục nước Sở tới bái kiến Hoa Dương phu nhân. Hoa Dương phu nhân khi thấy người con trai đột nhiên mặc trang phục nước Sở, bà mới hỏi Dị Nhân tại sao lại mang y phục Sở quốc?
Dị Nhân đáp: “Con làm vậy để tưởng nhớ mẫu thân. Mẫu thân là người nước Sở nên con mặc y phục nước Sở”. Điều này làm Hoa Dương phu nhân vô cùng cảm động, thế là bà đặt tên cho Dị Nhân là Tử Sở – chính là Tần Trang Tương Vương sau này.
Năm Tần Chiêu Tương vương thứ 56 (251 TCN), Tần vương mất. Sau một thời gian để tang cha, sang năm sau (250 TCN) thì An Quốc quân lên làm Tần vương, tức là Tần Hiếu Văn vương, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu, Dị Nhân (lúc này đã đổi tên thành Tử Sở) do đó trở thành Thái tử.
Sau 6 năm cách biệt, Triệu Cơ cùng con là Doanh Chính được đón về nước Tần. Nhưng Hiếu Văn vương lên ngôi được 3 ngày đã mất. Thái tử Tử Sở lên thay, tức là Tần Trang Tương vương, tôn mẹ nuôi là Hoa Dương hậu làm Hoa Dương Thái hậu, mẹ đẻ Hạ Cơ là Hạ Thái hậu. (Có ý kiến cho rằng chính Bất Vi chủ mưu hại vua Tần để Tử Sở sớm lên thay ngôi.)
Năm đầu (249 TCN), Tần Trang Tương vương liền phong cho Bất Vi làm Tướng quốc, tước hiệu Văn Tín hầu (文信侯), được ăn thuế 100.000 hộ thực ở quận Hà Nam, Lạc Dương. Trang Tương vương làm vua được 3 năm thì mất, Thái tử là Chính lên ngôi, gọi là Tần vương Chính, tức Tần Thủy Hoàng sau này, tôn Lã Bất Vi làm Trọng Phụ.
Lúc Tần vương Doanh Chính kế vị chỉ có 13 tuổi, đại quyền của quốc gia nằm trong tay Lã Bất Vi. Khi Tần vương dần dần trưởng thành, ông cương nghị quả cảm, vạm vỡ phi thường. Năm 238 TCN, khi Tần đang cử hành Quan lễ (冠禮: lễ đội mũ trưởng thành), một người tên là Lao Ái đã phát động tạo phản, sau khi thất bại người này bị ngũ mã phanh thây. Cuộc phản loạn này cũng có liên quan đến Lã Bất Vi.
Tần vương Doanh Chính vô cùng tức giận, Tần vương muốn giết cả Tướng quốc Lã Bất Vi, nhưng vì Bất Vi thời trước có công lớn, lại được các tân khách, biện sĩ nói giúp khá đông nên không nỡ làm tội.
Tháng 10 năm thứ 10 (237 TCN), Tần Vương cách chức Tướng quốc của Lã Bất Vi. Đến khi người Tề là Mao Tiều thuyết vua Tần, vua Tần mới sang Ung đón Thái hậu về Hàm Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín hầu Lã Bất Vi ở Hà Nam. Được hơn một năm, các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín hầu lũ lượt ở trên đường.
Doanh Chính sợ Lã Bất Vi làm loạn, bèn viết thư nói:
“Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế của mười vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần, mà hiệu là Trọng Phụ? ”
Rồi bắt đem cả nhà Bất Vi dời sang Thục (nay là vùng Tứ Xuyên). Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết, bèn uống thuốc độc tự tử. Khi đó, ông tầm 57 tuổi.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo DKN/wiki