Lã Hậu cả đời khôn ngoan, nhưng lại đánh giá nhầm 1 người mà khiến cả gia tộc họ Lã bị giết vì người này
Vào năm 179 trước Công nguyên, tại cung Trường An, Tây Hán Hoàng đế Lưu Hằng vừa đăng cơ, đang chờ đợi tin mới nhất của gia tộc họ Lã.
Bất ngờ có 1 tiểu thái giám hổn hển tiến lên bẩm báo: “Bẩm, bẩm Bệ hạ toàn bộ gia tộc Lã thị đã bị diệt, còn lại một số thành phần đang bị xử tử”. Hán Văn Đế nghe thế chấn động đã làm rơi cả cuốn sách, liền nói: “Ngươi nói rõ hơn nào!” “Bệ hạ, bọn họ chết rồi, đều chết rồi, những phản nghịch kia đều chết rồi.” Tiểu thái giám vừa cười vừa nói.
Hán Văn Đế “ừ” một tiếng rồi đứng lên, chỉnh lại y phục, ngửa mặt lên trời nói: “Trời phù hộ Đại Hán”! Tất cả các đại thần đều reo hò “Vạn tuế, vạn tuế, vạn tuế!“.
Tại thời điểm này, gia tộc Lã đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Họa căn do Lã Hậu để lại cuối cùng đã bị xóa bỏ và chế độ nhà Hán trở lại với họ Lưu.
Lã Hậu là vợ cả của Lưu Bang, bà kết hôn với Lưu Bang khi ông còn làm Đình trưởng và có sinh được một trai một gái.
Thời đầu, Lã Hậu làm vợ Lưu Bang, bà cũng như bao người phụ nữ khác, đảm đang chăm sóc bố mẹ chồng và nuôi dạy con cái, nghe theo lời chồng. Về sau, khi Lưu Bang dẫn quân khởi nghĩa, thế lực ngày càng hùng mạnh, dần dần có khuynh hướng bá chủ thiên hạ. Lúc này, sức mạnh trong tính cách của Lã Hậu và khát khao quyền lực bên trong của bà bắt đầu được bộc lộ.
Lã Hậu có 1 thời gian bị quân của Hạng Vũ giam cầm, sau đó được Hàn Tín cứu thoát, sau này khi về với Lưu Bang, Lưu Bang đã có một Thích phu nhân trẻ đẹp hơn người, và một cậu con trai rất được Lưu Bang sủng ái.
Mặc dù Lưu Bang đã truyền ngôi thái tử cho con trưởng Lưu Doanh, nhưng Lã Hậu luôn lo lắng rằng Lưu Bang sẽ vì tình cảm với mẹ con Thích phu nhân mà thay đổi ngôi vị, mà “phế anh lập em”.
Vì lý do này, bà đã dùng thủ đoạn để buộc Trương Lương tìm cho Lưu Doanh 4 hiền sĩ làm thầy giáo cho Lưu Doanh (4 vị hiền sĩ này trước đây Lưu Bang không mời được họ), trên thực tế, là mưu sĩ của Thái tử. Về sau, Lưu Bang thấy thái tử có những người mưu sĩ tài giỏi bên cạnh như vậy vậy nên từ bỏ ý định đổi thái tử, củng cố địa vị thái tử của Lưu Doanh.
Nhưng Lã Hậu không dừng lại ở đó, sau khi Lưu Bang băng hà, con trai của Lã Hậu là Lưu Doanh kế vị, nhưng lúc này quyền hành nhà Hán lại nằm trong tay Lã Hậu. Sau khi Lã Hậu lên nắm quyền, bất kể trong triều đình, quần chúng hay trong hoàng cung, bà ta đều thể hiện bộ mặt tàn nhẫn của mình, thủ đoạn của bà ta càng nham hiểm và thâm độc hơn.
Lã Hậu ra tay trước với mẹ con Thích thị, không chỉ trắng trợn hạ độc Triệu Vương Lưu Như Ý đến chết mà còn nhẫn tâm biến Thích phu nhân thành “Nhân Trư” (chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là Nhân trư (人彘), nghĩa là con người lợn.)
Sau mấy hôm, Thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem “Nhân trư”. Hán Huệ Đế thấy thế, ngạc nhiên bèn hỏi, biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên, do quá ám ảnh mà ông mắc bệnh một thời gian dài.
Điều này cũng khiến cho gia tộc họ Lã phát triển càng hung hăng hơn, nhiều hậu duệ họ Lưu rất bất mãn với sự độc tôn của Lã Hậu, Lã Hậu đã giải quyết sự bất mãn này như thế nào? Đó là một từ – giết tận.
Lã Hậu lên nắm quyền đã tàn sát con cháu Lưu gia, không thể xác minh có bao nhiêu sinh mạng vô tội bị giết, nhưng cuối cùng con cháu Lưu gia còn sống sót hoặc là nghe theo lời của Lã Hậu, hoặc là bất lực mà không thể làm gì.
Kể từ đó, họ Lã không chỉ kiểm soát quyền lực chính trị của nhà Hán, mà còn cả sức mạnh quân sự của các đội quân tinh nhuệ của nhà Hán.
Tuy nhiên, có một người đã trở thành ngoại lệ, anh ta không chỉ nhiều lần khiêu khích Lã Hậu mà còn giết chết một thành viên của gia tộc Lã sau khi say rượu, đó là Lưu Chương, cháu trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang, và là con trai thứ hai của Tề Điệu Huệ Vương Lưu Phì. Lưu Chương đau lòng vì con cháu họ Lưu không có được địa vị tương xứng. Vậy thì tại sao Lã hoàng hậu lại dung túng cho Lưu Chương như vậy?
Sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử, người ta cho rằng có hai nguyên nhân: Một là vợ của Lưu Chương là cháu gái của Lã Hậu, vì vậy đối với hành vi của Lưu Chương có sự nhân nhượng hơn. Thời đó, có không ít con gái họ Lã được gả cho con cháu họ Lưu, mục đích là lấy người trong tộc làm nội gián để theo dõi nhất cử nhất động của nhà họ Lưu.
Thứ hai là Lưu Chương tính tình thẳng thắn, không đủ để đạt được đại sự trong mắt của Lã Hậu. Vì vậy, bất chấp Lưu Chương nhiều lần khiêu khích, Lã Hậu vẫn không đề phòng và chính tính cách của mình đã cứu mạng Lưu Chương.
Khi Lã Hậu qua đời, nhà họ Lã có ý định chiếm đoạt ngai vàng. Nhưng khi Lưu Chương được tin báo về âm mưu đó, Lưu Chương lập tức dẫn quân vào cung, trong trận chiến bảo vệ ngôi vị này, nhà họ Lưu đã giành thắng lợi tuyệt đối.
Sau đó, Hán Văn Đế Lưu Hằng lên kế vị, dưới sự cai quản của Hán Văn Đế và sự chung sức của các quan trong triều, quốc lực nhà Hán phát triển nhanh chóng, nhân dân an cư lạc nghiệp. Còn Lưu Chương thì đích thân chém đầu tể tướng Lã Sản lập công lớn, sau đó được Hán Văn Đế ban lộc 2000 hộ. Tháng 2 năm 178 TCN, Lưu Chương phong làm Thành Dương Vương.
Lúc đầu, vì có công bình định gia tộc họ Lã, Hán Văn Đế từng hứa phong ông làm vua nước Triệu, nhưng sau khi biết rằng Lưu Chương có ý hỗ trợ anh trai mình là Tề Vương Lưu Tương xưng đế, nên Hán Văn Đế chỉ phong cho ông làm Thành Dương Vương. Lưu Chương sau khi được phong làm thái tử được hai năm thì qua đời, khi chết mới 24 tuổi.
Các học giả đời sau nhận định rằng Lã Trĩ cả đời sáng suốt, khôn ngoan, nhưng lại đánh giá sai 1 người, để cuối cùng Lưu Chương đã giết rất nhiều con cháu nhà họ Lã.
Nguyệt Hòa
Theo sound of hope