Blog
Lá thư mẹ gửi con gái nghi oan bạn học trộm tiền: ‘Con ơi, đừng bao giờ định nghĩa người khác!’
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, điều đó không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là họ không nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu, tin tưởng và lòng tốt, từ đó cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống. Mong con học cách tôn trọng người khác, mong con có một đôi mắt biết phát hiện ra điều tốt ở mỗi người và trở thành tia sáng có thể sưởi ấm người khác.
“Con gái thân yêu,
Cách đây không lâu, khi đón con đi học về, mẹ thấy con thỉnh thoảng lại khóc, mẹ rất buồn.
Về mâu thuẫn giữa bạn và bạn Hoàng cùng lớp, mẹ có rất nhiều điều muốn nói với con.
100 ngàn mà con để trong cặp bị mất, con tìm khắp nơi mà vẫn không thấy, vì vậy con nói với giáo viên rằng con nghi ngờ bạn Hoàng lấy trộm tiền của mình.
Còn lý do khiến con nghi ngờ bạn ấy chỉ vì Hoàng là đứa trẻ hư và ngỗ ngược nhất lớp, con kể rằng bạn ấy đã từng lấy trộm cục tẩy của bạn cùng lớp.
Trong thời gian đó, mỗi ngày về nhà con đều nhắc tới Hoàng, con không ngừng kể cho bố và mẹ nghe chuyện bạn ấy không nghe lời ở trường, cố gắng chứng minh những nghi ngờ của mình là đúng, và muốn bố mẹ giúp con nghiêm khắc “dạy dỗ” bạn.
Tuy nhiên, cô giáo và mẹ đã cùng nhau xem camera trong lớp học, cả ngày hôm đó Hoàng không hề lại gần cặp sách của con, vì vậy, số tiền bị mất không liên quan đến bạn ấy.
Con chỉ vì bạn ấy là “học sinh hư” mà gán cho bạn chiếc mác “ăn trộm”, điều này rất không công bằng với bạn.
Có một bộ phim nói về đề tài “đứa trẻ hư” của nước ngoài có tên “Les Choristes”.
Hôm nay, mẹ muốn bắt đầu từ bộ phim này, kể cho con nghe về câu chuyện liên quan tới những “đứa trẻ hư”.
Có một ngôi trường nội trú ở miền quê nước Pháp, học sinh ở đây đều là những “đứa trẻ hư” mà những trường bình thường không dạy dỗ được.
“Đáy ao” là biệt danh của ngôi trường này, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ sinh động nhất dành cho nhóm “đứa trẻ hư” này: bùn dưới đáy ao, vừa bẩn vừa không thể cứu chữa.
Là giám thị mới, thầy Clément Mathieu đã được chứng kiến “uy lực” của sự nghịch ngợm của những “học sinh hư” này ngay trong ngày đầu tiên đến trường.
Một học sinh, không hài lòng với một thầy giáo già, đã đặt một cái bẫy trên cửa phòng của thầy và làm tổn thương khuôn mặt của ông ấy.
Thầy giáo Mathieu cũng đã phải khâu 10 mũi ở cánh tay vì trò đùa của một học sinh.
Thầy Mathieu cũng không thoát khỏi số phận phải chịu những trò đùa ác ý, không ai nghe lời ông, các học sinh cười nhạo cái đầu trọc và dáng người của ông.
Có thể con sẽ hỏi, không lẽ không có ai có thể quản giáo được những “đứa trẻ hư” nghịch ngợm này ư?
Tất nhiên là có.
Hiệu trưởng Rachin giống như cai ngục, coi tất cả học sinh như tù nhân.
“Ai làm sai, người đó sẽ bị trừng phạt” là câu thần chú và cũng là quy tắc ứng xử của ông ấy.
Sau khi thầy giáo già bị thương bởi một trò chơi khăm, điều đầu tiên thầy Rachin làm không phải là gọi bác sĩ mà là yêu cầu tất cả học sinh tập hợp lại.
Sau khi phát hiện ra không ai thừa nhận sự việc này, ông ấy cầm danh sách và nói với thầy Mathieu: “Hãy gọi tên một cách ngẫu nhiên, sau đó cấm túc và cấm mọi hoạt động giải trí của học sinh đó.”
Con xem, bất cứ khi nào mắc lỗi, thầy Rachin không bao giờ hỏi lý do hay lỗi do ai, trong mắt ông ấy, tất cả những đứa trẻ sống ở đây đều là “những đứa trẻ hư”.
Chừng nào đứa trẻ còn bị dán nhãn là “đứa trẻ hư”, thì dù đứa trẻ có làm gì, đó đều là điều xấu.
Hiệu trưởng cảm thấy rằng bạo lực và trừng phạt là cách tốt nhất để đối phó với “đứa trẻ hư”.
Nhưng phương pháp tiêu cực và thô bạo này đã không làm cho nhóm trẻ em này khá hơn.
Thay vào đó, để nổi dậy chống lại việc bị bạo hành, ý nghĩ trả thù các giáo viên và hiệu trưởng ngày một mãnh liệt hơn.
Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường giáo dục tiêu cực và thô bạo như vậy, quả thực rất đau đớn.
Mẹ từng đọc được một câu chuyện như này.
Một cô bé lớn lên dưới sự giáo dục khô khan, thiếu tình thương của mẹ, để nuôi cô bé khôn lớn, người mẹ đã làm việc rất vất vả, nhưng vì bản thân không biết cách đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và áp lực trong cuộc sống nên cô bé tự nhiên trở thành nơi để người mẹ trút hết mọi bực tức trong lòng.
Cô bé thường xuyên bị la mắng vì cả những việc nhỏ nhặt nhất, mẹ cô bé đánh vào đầu, vặn tai và đánh vào mông cô bé.
Cô bé cần phải tuyệt đối nghe lời mẹ, người mẹ thậm chí còn từng nói với cô bé nhưng lời như “Sinh mày ra đúng là một gánh nặng!”
Cách đối xử của người mẹ khiến cô bé có lúc nghi ngờ ý nghĩa cuộc sống của mình, thậm chí có xu hướng trầm cảm ở tuổi thiếu niên.
Khi lớn lên, vì luôn bị ám ảnh bởi tuổi thơ không vui vẻ của mình, cô bé luôn rất thiếu tự tin, thờ ơ, sợ hãi nhiều thứ và không có cảm giác an toàn.
Khi đi học đại học, cô bé cố gắng ở thật xa và cố tình giảm liên lạc với mẹ, cô bé nghĩ rằng mình sẽ sống một mình hết cuộc đời này.
Một nhà tâm lý học từng nói rằng, một tuổi thơ bất hạnh cần cả đời để chữa lành.
Con gái à, một đứa trẻ ngoan hay hư không bao giờ nên được quyết định bởi một việc hay một hành vi của chúng.
Con có thể cho rằng đối xử khô khan, hay đòn roi với trẻ là quyền của người lớn, nhưng những hành động thô bạo không thể thay đổi được trái tim của trẻ mà sẽ chỉ nhận lại phản ứng dữ dội hơn.
Thay vì qua quýt và thô bạo, chúng ta nên tin vào lòng tốt và tình yêu vốn có ở mỗi con người.
Cũng giống như một câu thoại trong “Les Choristes”:
“Trái tim nào cũng cần tình yêu thương, sự dịu dàng, bao dung và thấu hiểu. Mỗi đứa trẻ đều xuất thân từ một nơi trong sáng và đơn thuần, và chúng luôn là những báu vật quý giá ở trên đời.”
Khi một đứa trẻ bị đối xử một cách thô bạo, tình yêu thương sẽ không thể được sinh ra trong trái tim của chúng.
Và sự tôn trọng con cái chính là tiền đề của tình yêu và sự giáo dục.
Trong phim truyền hình “Kỳ thi quan trọng”, cậu bé Quân đặc biệt thích vẽ, nhưng mẹ cậu lại cho rằng hoạt hình không tốt bằng chuyên ngành tài chính nên đã đổi nguyện vọng thi đại học của cậu sang một ngôi trường nổi tiếng hơn.
Một lần, trong lúc mẹ đang ngủ, Quân lén lấy máy tính bảng của mình ra để hoàn thành bài dự thi vẽ của mình, nhưng đã bị mẹ bắt gặp.
Người mẹ tức giận phá hủy tác phẩm mà con trai vẽ trong suốt vài tháng trời, sự việc này khiến Quân tức giận hét lên: “Mẹ còn không bằng mẹ kế!”
Người lớn cần tôn trọng cảm xúc của trẻ, cần xem xét nhu cầu của trẻ thay vì sử dụng sức mạnh của mình để chế ngự trẻ.
Dù đối xử với đứa trẻ như thế nào, thì việc coi chúng như một cá thể độc lập, có suy nghĩ, nhân cách riêng và bình đẳng với chính mình chính là hiện thân của sự tôn trọng.
Có một câu chuyện như này.
Hai cha con ra đường vào buổi sáng, đúng lúc công nhân vệ sinh đang phun nước cho cây xanh.
Cậu con trai chừng năm, sáu tuổi cũng muốn cho cây uống nước, vì vậy mà ba cậu bé đã rất lịch sự hỏi người công nhân vệ sinh: “Anh à, có thể cho con trai tôi tưới nước cho cây một chút được không?”
Người công nhân vệ sinh đồng ý.
Cậu bé cầm lấy vòi nước, ba cậu đứng đằng sau giúp đỡ, cùng cậu bé tưới nước cho cây.
Một lúc sau, cậu bé ngẩng đầu lên hỏi ba mình: “Sau này lớn lên, con muốn làm một người tưới nước cho cây.”
Người ba nhẹ nhàng nói: “Được chứ, chỉ cần con học hành chăm chỉ, nỗ lực làm việc, con sẽ trở thành người tưới nước rất giỏi.”
Sau đó ba cậu bé lại hỏi: “Vậy con không muốn trở thành chú bộ đội cứu người nữa ư?”
Cậu bé nghĩ một lúc rồi hỏi: “Ba, con có thể vừa làm bộ đội, vừa làm người tưới nước được không?”
Người ba đáp: “Không thành vấn đề, chỉ cần con chăm chỉ, cố gắng, sau này con muốn làm gì, ba cũng đều ủng hộ con.”
Trong một cuốn sách có tên “Con đường ít người đi”, có một câu nói như vậy:
“Những bậc cha mẹ thực sự yêu con cái của mình đều biết rằng, yêu thương con là tôn trọng con, tôn trọng mong muốn và cảm xúc của con, tôn trọng quyền đưa ra quyết định của con.”
Sở dĩ kể cho con về bộ phim kinh điển “Les Choristes” là bởi mẹ muốn nói với con rằng đối xử với một đứa trẻ bằng sự thờ ơ và tàn nhẫn có nghĩa là vực thẳm và tuyệt vọng cho đứa trẻ.
Sự tôn trọng, chân thành và tin tưởng có thể thay đổi số phận của một cậu bé hư.
Từ những gì con nói với mẹ về bạn, mẹ biết rằng Hoàng sống trong một gia đình đơn thân, ba của bạn ấy quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, không thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho cậu bé, đó cũng có thể là một trong những lý do khiến cậu bé nghịch ngợm như vậy.
Nhưng mẹ hi vọng con có thể khám phá thế giới nội tâm mềm mại và nhạy cảm của những cậu bé nghịch ngợm qua đôi mắt của thầy Mathieu, như cái cách mà thầy đã cảm hóa được các bạn học sinh hư ở cuối phim, và nhìn thấy những điểm sáng, sự dễ thương ở các bạn ấy.
Mẹ mong rằng con đừng nhìn một người theo cách gán ghép quá nghiêng theo hướng xấu, theo cái nhìn của đám đông.
Con à, cuối cùng mẹ muốn nói với con rằng cuộc đời không phải là một đường thẳng bằng phẳng mà là một đường cong được tạo nên bởi vô số điểm mà con không thể nhìn thấy, những điểm ấy là vô số những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, và không phải điều nhỏ nhặt nào cũng quyết định cuộc đời của một con người.
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, điều đó không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là họ không nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu, tin tưởng và lòng tốt, từ đó cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống.
Con của mẹ, mong con giống như thầy Mathieu, đối xử với người khác bằng tình yêu thương và sự chân thành, học cách tôn trọng sự khác biệt của mỗi cuộc đời và đánh giá cao sự rực rỡ do mỗi sự khác biệt mang lại.
Mong con học cách tôn trọng người khác, mong con có một đôi mắt biết phát hiện ra điều tốt ở mỗi người và trở thành tia sáng có thể sưởi ấm người khác.
Nguồn: Cafebiz