Làn sóng quỳ khóc kêu oan trước từ đường Bao Công ở Trung Quốc
Mới đây, sau khi đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ quỳ gối khóc tại từ đường Bao Công ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được lan truyền chóng mặt trên Internet nước này, có rất nhiều người khác cũng đã đến đây và tạo nên một làn sóng than khóc kêu oan. Sau đó, Khu thắng cảnh Từ đường Bao Công đã cho di dời tượng Bao Công và thông báo tạm thời đóng cửa để tu sửa.
“Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên – Thiết diện vô tư rõ ngay gian”. Đây là câu hát mở đầu trong bài hát chủ đề của bộ phim truyền hình “Bao Thanh Thiên”, phiên bản năm 1993 do đài truyền hình CTS của Đài Loan sản xuất và phát sóng. Trong đó mô tả nhà chính trị thời Bắc Tống Bao Chửng – người xử lý các vụ án một cách chính trực, thanh liêm, công bằng, chấp pháp nghiêm cẩn, không sợ kẻ có quyền lực hay giàu có, ông được gọi là “Bao Thanh Thiên” hay “Bao Công”.
Vào ngày 10/3 vừa qua, tại Khu thắng cảnh Từ đường Bao Công ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, một người phụ nữ mặc áo màu đỏ cam, quần xanh lam, đeo ba lô quỳ trước sảnh phủ Khai Phong, hai tay ôm hàng rào sắt và khóc lớn thành tiếng rất lâu. Sự việc này đã thu hút các du khách có mặt tại đó đến xem.
Sau khi việc này được đưa lên mạng, sự kiện “khóc trước Bao Công” đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều người đến khóc trước từ đường này.
Cư dân mạng Trung Quốc còn làm thơ về sự việc này, tạm dịch như sau:
Gối chạm đất tay bám lan can, òa lên khóc mấy ai hỏi han.
Nếu như không gặp chuyện bất công, ai lại đi khóc với Bao Công.
Quỳ trước từ đường lòng chịu oan, ma quỷ đang trốn ở nhân gian.
Ba trảm đầu đao vẫn hiện diện, nhưng lại chẳng thấy Bao Thanh Thiên.
Vụ người dân kéo đến từ đường Bao Công quỳ khóc đã khiến chính quyền địa phương căng thẳng. Hôm 15/3, Khu thắng cảnh Từ đường Bao Công đã cho di dời tượng Bao Công. Ngày hôm sau cho đặt bảng thông báo “Khu thắng cảnh tạm thời đóng cửa để tu sửa”.
Ông Cung (Gong), một nhà hoạt động nhân quyền ở Thượng Hải, Trung Quốc nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “[Tượng] Bao Công tại phủ Bao Công ở Hà Nam đã bị giấu đi rồi, không còn Bao Công thiết diện vô tư nữa, đây còn được gọi là phủ Bao Công không? Tôi đề nghị nên đặt tượng Bao Công ở trước Văn phòng Thỉnh nguyện Quốc gia Trung Quốc”.
Văn phòng Thỉnh nguyện Quốc gia là cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, là nơi giải quyết các khiếu nại và đề nghị của nhân dân.
Bà Vương (Wang), một nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc nói với phóng viên The Epoch Times: “Trong xã hội cũ, người dân vẫn có quyền đánh trống kêu oan, nhưng trong xã hội hiện tại, thậm chí còn không có quyền được khóc? Bao Công, [đại diện cho] sự công bằng công chính trong mấy ngàn năm qua, giờ đã trở thành mục tiêu bị duy trì ổn định”.
Sau khi video trên được lan truyền nhanh chóng, trên Internet ở Trung Quốc đã xuất hiện một bài viết tự nhận rằng “Người phụ nữ quỳ gối khóc tại từ đường Bao Công ở Khai Phong chính là tôi, là tôi, thực sự là tôi! Mọi người không cần tìm nữa, hôm nay tôi công khai lộ diện, tôi sẽ kể lại oan khuất của mình”. Hiện chưa thể xác minh những điều được kể trong bài viết này.
Theo tiết lộ trong bài viết này, cô là người huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh, vì nền tư pháp bất công nên bị hãm hại tới mức nhà cửa tan nát. Cô đã thắng kiện tại Tòa án Xương Đồ nhưng cơ quan thi hành án của tòa án đã giở trò lừa dối, làm thất thoát số tài sản đã bị kiểm tra và niêm phong của gia đình cô, lại còn để cho phía bị đơn được tự ý xử lý số tài sản đã bị đóng băng của họ.
Cô cho biết: “Thẩm phán thi hành án đã nhiều lần gọi điện thoại gợi ý tôi phải đưa phí bôi trơn nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn, tôi không đủ khả năng nộp khoản phí trên nên trường hợp của tôi cứ bị trì hoãn không được giải quyết. Dù đã thắng kiện nhưng cũng chỉ là cầm trong tay một mảnh giấy [phán quyết]. Một người phụ nữ nông thôn như tôi không có nơi nào để cầu cạnh”.
Ngày 10/3, cô đến nhà chị họ ở Khai Phong cho khuây khỏa, khi đến thăm từ đường Bao Công và nghĩ đến sự công bằng, chính nghĩa của vị quan này, cô đã không kiềm chế được mà bật khóc.
Người phụ nữ này cho biết sẽ nghe theo đề nghị của mọi người và đến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật để khiếu nại.
Nguồn: ntdvn