Lão Tử: Gọi ta trâu thì ta chính là trâu, Khổng Tử: Gọi ta là chó mất nhà quả rất đúng
Con người sống trên đời này, quả thực chuyện gì cũng có thể gặp phải, ngay cả bậc Thánh hiền như Lão Tử và Khổng Tử còn từng bị người ta gọi là trâu, là chó. Nhưng nếu cuộc đời cứ thuận buồm xuôi gió, thì làm sao có thể thành tựu cảnh giới của bậc Thánh nhân chứ!
Câu chuyện về Lão Tử
Ở phương Đông, không ai không biết đến Lão Tử, vào thời Xuân Thu chiến quốc, ông đã nổi danh khắp thiên hạ bởi đạo hạnh cao thâm, học thức uyên bác của mình.
Có một vị tên là Sĩ Thành Ỷ, nghe nhiều người tán tụng đạo đức và học thức của Lão Tử, nên đã không quản đường xá xa xôi khổ cực để tìm đến bái kiến ông, muốn theo Lão Tử học Đạo. Nhưng khi đến nhà của Lão Tử, lại cảm thấy rất thất vọng, anh ta nói với Lão Tử: “Tôi nghe nói phu tử là bậc Thánh nhân nên mộ danh mà đến, chân đi đến phồng da cũng không dám nghỉ ngơi, nhưng giờ gặp mặt, tôi thấy tiên sinh chẳng phải bậc Thánh nhân gì, vì trong nhà ngài có đất từ trong lỗ chuột đào ra, còn có cơm thừa, thức ăn thừa trong đó, nên nhất định là ngài vứt đi, điều này cho thấy ngài bất nhân. Không những thế, lương thực vải vóc bày ra cả một đống lớn, càng cho thấy ngài tích trữ tài vật vô độ.”
Lão Tử nghe rồi, vẫn thờ ơ, cũng không giải thích lời nào.
Lúc này trong lòng Sĩ Thành Ỷ cảm thấy kỳ lạ khó hiểu, có lẽ anh ta đang nghĩ rằng: “Nếu như nói rằng là ta đã thắng, thì ta phải rất sung sướng chứ, tại sao ta lại cảm thấy không phải như thế nhỉ, cái này là đạo lý thì đây?”
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh ta cũng nghĩ không ra nguyên cớ là gì.
Sĩ Thành Ỷ không nén nổi nên hôm sau liền đến gặp Lão Tử hỏi: “Hôm qua tôi đã nói lời vô lễ với ông, nhưng những cảnh tượng kia hôm nay đều không còn nữa, tại sao chứ?”
Lão Tử nói: “Người ta cho rằng ta là người tràn đầy trí huệ thần thánh, nhưng ta sớm đã coi nhẹ loại danh phận này rồi. Hôm qua anh gọi ta là trâu thì ta là trâu, gọi là ngựa thì ta là ngựa (nguyên văn: tích giả tử hô ngã ngưu dã nhi vị chi ngưu, hô ngã mã dã nhi vị chi mã.) Nếu ta đã lĩnh ngộ được thực chất của Đại Đạo, những điều anh nói kia đối với ta có ảnh hưởng gì đâu, bởi vì giải thích tranh luận với anh sự việc này, thì đó là một sự sỉ nhục đối với ta! Ta làm việc luôn như thế, và cũng không phải vì muốn để người ta khen mình, mới đi làm việc nào đó.”
Sỹ Thành Ỷ nghe xong, trong lòng xấu hổ vô cùng. Và bắt đầu hết sức tôn kính Lão Tử, đi men theo phía sau Lão Tử, tránh không giẫm lên bóng người của Lão Tử, nhẹ nhàng đi đến trước mặt Lão Tử hỏi: “Tôi nên làm sao để tu thân đây?”
Lão Tử trả lời anh ta: “Hôm qua anh mặt mày cao ngạo, mắt sòng sọc, mở miệng nói lời sắc bén, thân cao thể lớn, tựa như một con ngựa hoang đột nhiên bị dây thừng buộc lại, dù đã kìm được chân nhưng tâm vẫn còn lao vun vút, một khi hành động thì như tên bắn ra từ chiếc nỏ. Anh tỉ mỉ quan sát người khác, rất biết trêu đùa trí xảo mà ra vẻ dáng bộ trang trọng trung thực, nhưng phàm là biểu hiện loại này, đều cho thấy anh là người thiếu thành tín. Ngoài biên giới từng có loại người này, tên của bọn hắn được gọi là trộm cướp”.
Lão Tử có lẽ là chỉ ở biên giới của “quốc gia con người” mà lại sẩy đi một bước, liền đã đánh mất bản tính của con người rồi, xem ra nếu Sỹ Thành Ỷ muốn tu thân thì đó là việc rất nặng nề và lâu dài.
Có thể thấy, đối với Lão Tử mà nói, người khác đánh giá mình như thế nào, nói mình là trâu cũng được, là ngựa cũng được, đều không cần phải so đo. Người đắc Đạo, nhất định không quan tâm hơn thua, có thể vứt bỏ hết thảy những can nhiễu từ xúc cảm của hỷ nộ ai lạc, tu thân dưỡng tính, nội tâm thanh tĩnh như nước, mới có thể ngộ đạo.
Còn kẻ tự cho là mình đúng, phản lại sẽ nhận đủ thứ tác động từ các chủng hoàn cảnh và tình huống, không lúc nào là không bị các loại cảm xúc lui tới làm xao động, cho nên khó có thể nhìn thấy bản chất của sự vật, kỳ thật là đã đánh mất biểu hiện của bản tính.
Câu chuyện về Khổng Tử
Khổng Tử được hậu thế xưng là “vạn thế sư biểu”, từng học Đạo của Lão Tử, nên có thể nói là học trò của Lão Tử. Ông cũng từng bị ví von thành động vật, so với Lão Tử còn thê thảm hơn, ông bị ví von thành chó mất nhà. Câu chuyện được lấy từ “Sử ký – Khổng Tử thế gia” của Tư Mã Thiên như sau:
Khổng Tử trên đường chu du liệt quốc, cùng học trò đến nước Trịnh, không ngờ ở ngoại thành nước Trịnh lại lạc mất học trò. Khổng Tử đành đứng một mình ở cổng thành phía Đông của nước Trịnh chờ học trò đến tìm mình.
Lúc này, đệ tử của ông quả thực đi khắp nơi cũng không tìm thấy ông, gặp người liền hỏi. Một học trò của Khổng Tử là Tử Cống vừa hay hỏi được một người nước Trịnh, người này nói với Tử Cống rằng: “Có một người đang đứng ở chỗ cổng thành phía Đông kia, trán của ông ta lớn giống Đường Nghiêu, cổ dài giống Cao Đào, vai rộng giống Tử Sản. Nhưng nửa thân dưới của ông ta, từ hông trở xuống, so với Đại vũ ngắn hơn 3 tấc, bộ dạng nhếch nhác ủ rũ, nhìn qua giống như một con chó mất nhà vậy”.
Tử Cống đi đến Đông Môn, tìm được Khổng Tử, rồi thuật lại y nguyên lời của người nước Trịnh kia cho ông. Khổng Tử nghe xong không khỏi cười to mà nói: “Nói ta trông giống như những Thánh giả hiền nhân kia, thì không có gì; nói ta giống con chó mất nhà, nói thật rất đúng, rất đúng!”
Khổng Tử vào thời kỳ lễ băng nhạc hoại, vì thực hiện tư tưởng và chủ trương chính trị của mình mà trải qua đủ loại khốn cùng long đong, thậm chí phải xa nhà ly quốc, bên ngoài phiêu bạt 40 năm trời, trong hoàn cảnh đó, Khổng Tử lấy một tâm thái của nghĩa sĩ, là biết rõ bất khả thi mà vẫn làm, nhưng lại không phải là không giữ được tâm thái siêu thoát, vì thế khi ông nghe người khác miêu tả ông là “ủ rũ như chó mất nhà”, mới có thể ung dung mà cười lớn nói “rất đúng, rất đúng!”