Lịch sử Trung Quốc chỉ có một vương triều duy nhất không tham ô hủ bại, hoàng đế trong triều được tôn là “Thiên cổ nhất đế”
Trung Quốc có hơn hai ngàn năm lịch sử của các triều đại phong kiến, chỉ riêng hoàng đế đã có hơn bốn trăm người, trong đó không thiếu các vị vua tàn nhẫn và khát máu, cũng như nhiều vị vua tầm thường chẳng có tài cán gì. Tuy nhiên, một số vị hoàng đế khi xuất hiện đã được định sẵn sẽ lưu danh thiên cổ.
Nếu nói về các hoàng đế “nhiều đất dụng võ” trong lịch sử, có câu tục ngữ: “Tần Hoàng Hán Vũ, Đường Tông Tống Tổ”, năng lực của hoàng đế thường quyết định sự thịnh suy của triều đại. Tần, Hán, Đường và Minh cũng được công nhận là những triều đại thống trị người Hán hùng mạnh nhất. Hơn nữa, trong thời kỳ vương triều đại Đường, quân sự và kinh tế đã đạt đến đỉnh cao vượt bật, là một trong những triều đại phồn hoa nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân là hoàng đế tài hoa nhất trong triều đại nhà Đường, được công nhận là văn võ song toàn. Trong thời gian Lý Thế Dân cai trị, hầu như không có hiện tượng tham ô hủ bại, các quan chức an phận thủ kỷ, toàn tâm toàn ý làm việc vì nhân dân. Nhờ đó, ông đã sáng lập được triều đại Trinh Quán, là thời kỳ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không có tham ô. Vì vậy cho đến ngày nay, những thành tựu của Lý Thế Dân không ai vượt qua được, và ông cũng được gọi là “Thiên Cổ Nhất Đế”. Dưới thời Lý Thế Dân cai trị Đại Đường, hoàng đế lấy mình làm gương, quan viên tận tâm vì việc công. Ông bổ nhiệm người có năng lực và trung thành, biết người khéo dùng, rộng rãi tiếp thu ý kiến dân chúng, tôn trọng sinh mệnh, sinh hoạt đơn giản, giỏi lắng nghe ý kiến từ các quan thần.
Dưới sự cai trị của ông, triều Đường đã áp dụng các chính sách lấy nông làm gốc, nghiêm khắc tiết kiệm, an cư lạc nghiệp, phục hưng văn hóa giáo dục, hoàn thiện chế độ khoa cử cùng các chính sách khác, giúp xã hội trở nên ổn định. Đồng thời, ông cũng bình định các mối nguy hiểm bên ngoài và tôn trọng phong tục của các dân tộc biên giới, ổn định vùng lãnh thổ xa xôi. Lãnh thổ nhà Đường rất rộng lớn, thậm chí cả các vùng ngày nay như hồ Balkhash,… đều nằm trong bản đồ nhà Đường.
Về ngoại giao cũng rất mạnh mẽ, có hơn 70 quốc gia trên thế giới duy trì quan hệ với nhà Đường. Nhật Bản đương thời cũng đặc biệt ngưỡng mộ văn hóa và công nghệ của triều Đường, còn cử người đến để học tập. Lý Thế Dân cũng rất dụng tâm trong việc xử lý chính sự, ông không muốn kết án nhầm bất kỳ người tốt nào, thường xuyên quan tâm đến các vụ án trong tù và không muốn ai bị chết oan.
Năm Trinh Quán thứ sáu (632), Lý Thế Dân phát hiện gần 300 người sắp bị xử tử vào cuối năm, ông cho phép những người này về nhà thu xếp việc hậu sự và hẹn quay lại vào mùa thu năm sau để chịu tội. Năm thứ hai, tất cả những người phạm tội đều đúng hẹn trở lại mà không có ai chạy trốn. Thái Tông rất xúc động và ân xá cho họ. “Giao ước tử vong”này cũng trở thành một trong những bằng chứng cho danh xưng “Thiên cổ nhất đế” của Lý Thế Dân.
Ông đã từng nói: “Đạo làm vua trước hết là phải cứu dân. Nếu hại dân để cầu thân, thế chẳng khác nào cắt bỏ cái chân để đầy cái bụng, bụng no mà thân tàn. Tại các buổi thượng triều, mỗi khi muốn nói điều gì, ta đều suy nghĩ liệu lời đó có lợi ích cho dân chúng hay không, vì vậy nên mới không dám nói nhiều.” Điều này tương đồng với tư tưởng cai trị nhân đạo của đế vương Lý Thế Dân.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: soundofhope (Lý Tĩnh Nhu)