Liệu những người có cùng bát tự thì số phận có giống nhau hay không?
Mọi người thường đặt ra câu hỏi: liệu những người sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm có số phận giống nhau không? Trên thực tế, hai người có cùng giờ, ngày, tháng, năm sinh sẽ có sự tương đồng về số phận. Nhưng không có hai người có điều kiện hoàn toàn giống nhau, cũng không có hai số phận hoàn toàn giống nhau, đây chính là tính cá nhân của số phận.
Các ví dụ sau đây là minh chứng.
Thứ nhất, phu nhân của hai vị quan
Phu nhân của Trâu Tiểu Sơn tiên sinh ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô và phu nhân của Trần Mật Sơn tiên sinh ở An Châu, tỉnh Chiết Giang có bát tự giống hệt nhau. Tiểu Sơn tiên sinh là Lễ Bộ Thị Lang, còn Trần Mật Sơn tiên sinh là Chánh sứ của Quý Châu. Họ đều là quan nhị phẩm. Về chức tước thì Chánh sứ không cao bằng Lễ Bộ Thị Lang; nhưng vê lương bổng thì Lễ bộ lại không bằng Chánh sứ, nên bù đắp cho nhau. Cả hai phu nhân đều sống thọ, nhưng phu nhân của Trần tiên sinh trở thành góa phụ từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, bà rất thịnh vượng và hạnh phúc trong những năm cuối đời. Còn phu nhân của Trâu tiên sinh và ông rất yêu thương nhau, nhưng ở tuổi già, bà mất thị lực và gia đình hơi khó khăn, tạo ra sự cân bằng giữa họ.
Đây là một ví dụ về hai phụ nữ có cùng bát tự, có số phận tương đồng nhưng không hoàn toàn giống nhau, được mô tả bởi Kỷ Hiểu Lam – một vị quan và danh sĩ tài hoa đời nhà Thanh.
Kỷ Hiểu Lam suy đi nghĩ lại, cao quý, hèn hạ, phú quý trong bát tự chỉ có thể tính toán đại khái. Sự biến đổi và thay đổi trong đó có chút khác biệt. Điều này có thể là do các vùng có phía bắc và phía nam, và thời gian có nửa đầu và nửa sau.
Thứ hai, cháu trai của Kỷ Hiểu lam và con của người hầu
Cháu trai thứ sáu của Kỷ Hiểu Lam và Lưu Vân Bằng – con trai của người hầu trong nhà ông, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng giờ, và cả hai đều sinh ra trong cùng một căn phòng. Theo lý thuyết, số phận của họ nên giống nhau, nhưng thực tế lại khác biệt lớn.
Cháu trai của Kỷ Hiểu Lam không may qua đời ở tuổi mười sáu, nhưng Lưu Vân Bằng vẫn sống khỏe mạnh. Theo lý thuyết của phong thủy, Bát tự ( còn được gọi là tứ trụ) căn cứ vào 4 trụ cột (Giờ – Ngày – Tháng – Năm sinh) để suy đoán về cuộc đời của một ai đó từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Theo lẽ thường, số phận của những người có bát tự giống nhau nên tương tự nhau. Vậy tại sao lại có sự khác biệt?
Kỷ Hiểu Lam đã dày công nghiên cứu nguyên nhân khiến hai người có cùng bát tự, cùng nơi sinh nhưng lại có số phận hoàn toàn khác nhau.
Cuối cùng, ông nói: “Điều này có thể liên quan đến phúc lộc cơm ăn, áo mặc và của cải. Số cơm ăn, áo mặc và của cải của mỗi người đã được định sẵn từ lúc mới sinh ra. Nhưng vì cháu trai của tôi lớn lên trong một gia đình giàu có, được nuông chiều từ nhỏ, mỗi ngày mặc quần áo đẹp và ăn những món ăn ngon, đã tiêu hao hết phần phúc lộc của cả đời từ khi còn trẻ, nên đã qua đời ở tuổi thanh xuân”.
Thứ ba, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và ông lão nuôi ong
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, rất tin vào thuyết vận mệnh. Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương: “Vận mệnh của mỗi người đều do trời định. Khi hạ thế, giờ, ngày, tháng, năm sinh của người đó đã được định đoạt, vận mệnh của người đó ở kiếp này cũng do trời định đoạt”. Chu Nguyên Chương hỏi: “Nếu có một người có cùng bát tự với tôi, có phải sẽ có hai vị hoàng đế không?”
Ngay lập tức Chu Nguyên Chương ra lệnh tới các nơi để tìm kiếm những người có bát tự giống với mình. Kết quả, tìm được một người ở tại huyện Từ khê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và người này nhanh chóng được triệu vào hoàng cung.
Chu Nguyên Chương nhìn qua thì thấy ông ta chỉ là một ông lão bình thường. Ông lão nói: “Tiểu nhân họ Hàn, nuôi ong trong núi, tổng cộng có mười ba chỗ, hơn tám trăm tổ, số lượng ong là ba muơi triệu con”.
Lưu Bá Ôn nói: “Hoàng thượng, ngài và ông ta đều là số phận của vị hoàng đế, khác biệt là, Hoàng thượng là vua của con người, còn ông ta là vua của con ong. Hoàng thượng chỉ huy cả thiên hạ, chính xác có mười ba tỉnh, hơn tám trăm hạt, và ba mươi triệu người dân, con số hoàn toàn khớp nhau”.
Truyền thuyết này được lưu truyền rộng rãi. Thực ra không chỉ có vậy, những người có cùng bát tự sinh ra trong môi trường, thời đại và vùng miền khác nhau cũng sẽ có số phận khác nhau.
Kết luận
Bát tự không thể quyết định hoàn toàn vận mệnh của một người, tức là vận mệnh có thể thay đổi được. Ví dụ điển hình nhất đó là tác giả của cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn”, số phận của ông trước đó đã được người khác tính toán chính xác, nhưng sau khi ông bắt đầu kế hoạch thay đổi vận mệnh, mọi thứ trở nên không còn chính xác nữa.
Trên thực tế, có nhiều người số phận của họ rất tốt, như nhiều quan chức cao cấp hay doanh nhân giàu có, nhưng lại phải chịu thất bại nặng nề, như đi tù, bị kết án tử hình, hoặc tự tử. Nguyên nhân là do họ không biết trân trọng những gì mình có. Họ chỉ biết mải mê vào những sự kiện xa hoa, kiêu ngạo và ngông cuồng một cách mù quáng; thậm chí làm những việc ác và gây ra tội ác lớn, dẫn đến tiêu hao hết phúc báo và phải nhận quả báo.
Trong vận mệnh, có những điều cố định và cũng có những sự biến đổi. Có những phần không thể thay đổi được và cũng có những phần có thể thay đổi do con người.
Nếu con người có tư tưởng tốt, ông trời sẽ phù hộ; không cần quan tâm đến chuyện được hay mất. Đừng coi thường những hành động tốt nhỏ bé, vì chúng có thể mang lại phúc lành; giống như một giọt nước, dù nhỏ bé, nhưng dần dần sẽ làm đầy một chiếc bình lớn. Sự chênh lệch về phúc lành giữa con người và con người, cũng như sự chênh lệch về số phận cuối cùng, sẽ được mở rộng dần theo thời gian.
Bảo Châu biên dịch
Nguồn: Secretchina (Ỷ Thiên)