Blog
Lôi 3 đời nhà Tào Tháo ra chửi rủa, nhân vật này thoát chết chỉ nhờ một câu nói 8 chữ
Mặc dù từng kết thù với Tào Tháo nhưng văn sĩ này chẳng những không bị trả thù mà còn được trọng dụng chỉ nhờ vào một câu ứng đối vẻn vẹn 8 chữ.
Là một trong những vị quân chủ khét tiếng thời Tam Quốc, uy danh của Tào Tháo xưng bá một phương năm xưa đã từng khiến không ít kẻ phải khiếp sợ.
Thế nhưng ít ai biết rằng, Tào Mạnh Đức lúc sinh thời đã từng bị một nhân vật viết hẳn một áng hịch văn để vạch trần tội lỗi. Thậm chí người này còn cả gan tới nỗi lôi cả 3 đời nhà Tào Tháo ra để… mắng chửi!
Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ, nhân vật “ăn gan hùm” này chẳng những không bị vị quân chủ họ Tào trừng trị mà còn được ông thu nạp về tập đoàn chính trị của mình chỉ nhờ vào một câu ứng đối vẻn vẹn 8 chữ.
Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!
Lẵng Tài Lộc Buôn May Bán Đắt
Tháp Tỏi Ngũ Hạt Hút Tài Lộc
Vòng Tỏi May Mắn Chiêu Tài Hút Lộc
Người có tính cách táo bạo nhưng lại sở hữu số phận may mắn như trên chính là Trần Lâm – một danh sĩ tương đối có tiếng tăm vào thời bấy giờ.
Danh tính văn sĩ đầu quân cho Viên Thiệu từng cả gan viết hịch lăng mạ Tào Tháo
Trần Lâm (?-217) là một nhà văn vào cuối thời Đông Hán, góp mặt trong hàng ngũ “Kiến An thất tử” (bảy danh sĩ thời Kiến An) và sánh ngang với những tên tuổi nổi danh tài hoa lúc bấy giờ như Khổng Dung, Từ Cán, Vương Xán, Ứng Xướng…
Chính sử không ghi chép nhiều về thân thế của Trần Lâm, chỉ biết rằng ông chính thức bước lên vũ đài lịch sử với vai trò chính trị đầu tiên ở trong phe cánh của Đại tướng quân Hà Tiến và nêu cao chủ trương tru diệt hoạn quan.
Sau khi Hà Tiến bị giết, Trần Lâm gia nhập thế lực của Viên Thiệu. Vào năm 200, khi Viên Thiệu chuẩn bị quyết chiến cùng Tào Tháo, vị văn nhân này đã viết ra một thiên hịch văn nổi tiếng mang tên “vi Viên Thiệu hịch Dự Châu văn“.
Dưới bút lực mạnh mẽ cùng phong cách phóng khoáng của Trần Lâm, áng văn trên đã trở thành một trong những thiên hùng văn nổi danh thời bấy giờ và cũng được hậu thế hết lời ca ngợi.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, bài hịch nổi tiếng do Trần Lâm viết nên thực chất là một “bản cáo trạng” tố cáo những tội danh và tai tiếng mà Tào Tháo từng làm ra lúc sinh thời, thậm chí còn đem cả 3 đời tổ tông nhà họ Tào ra để mắng chửi.
Mặc dù đây đã trở thành một áng hịch văn lưu danh thiên cổ, thế nhưng việc Trần Lâm trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Tào Mạnh Đức khét tiếng một phương khi ấy đã khiến nhiều người cho rằng, ông nhận định sẽ phải gánh chịu chiêu bài trả thù tàn độc của vị quân chủ họ Tào kia.
Tuy nhiên thực tế lịch sử đã chứng minh, số phận của Trần Lâm sau đó lại trái ngược hoàn toàn so với những gì mà người đời vẫn nghĩ. Tào Tháo là người vô cùng yêu mến hiền tài, đặc biệt yêu mến những người giỏi văn chương như Trần Lâm nên không những không tha tội mà còn trọng dụng.
Lôi cả 3 đời nhà họ Tào ra mắng chửi, vì sao Trần Lâm không chỉ được tha chết mà còn được trọng dụng?
Về nội dung của bài hịch “vi Viên Thiệu hịch Dự Châu văn“, “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 22 đã từng dẫn lại, trong đó có đoạn vạch tội Tào Tháo hết sức gay gắt:
“Thân ở ngôi Tam công mà làm việc trộm cướp, nhơ nhuốc quốc thể, làm khổ đến dân, hại cả người sống lẫn người chết. Vả lại chính sự tế toái thảm khốc, luật lệ bày ra thật nhiều, khác gì dò bẫy đầy cả khe, hang hố lấp cả đường, giơ tay mắc phải lưới, đụng chân vấp phải cạm.
Cho nên ở Duyện, Dự có những người đau buồn, kinh đô có những lời than vãn. Xem hết cả sử sách xưa nay, những kẻ làm tôi vô đạo, tham tàn ác nghiệt, cũng chỉ đến như Tháo là cùng”.
Chưa dừng lại ở đó, bản cáo trạng trên còn chỉ thẳng mặt, nói thẳng tên 3 đời nhà Tào gia với những lời không lấy gì làm tốt đẹp:
“Ông nó là Trung thường thị tên Đằng, cùng với bọn Tả Quan, Từ Hoàng hưng yêu tác quan, tham lam, nát đạo hại dân. Bố nó là Tung, con nuôi của Đằng, nhân có nhờ đút lót mà được chức vị, xe vàng khiên ngọc, đem nộp cửa quyền, trộm giữ ngôi cao, làm nghiêng đổ quyền lớn. Đến Tháo: nòi giống sót của hoạn quan, vốn không có đức hạnh, gian giảo độc ác, thích gây ra sự biến loạn, vui mừng khi thấy sự tai vạ“.
Thiết nghĩ Tào Tháo lúc sinh thời vốn là một người có dã tâm, lại từng làm ra không ít việc gây tranh cãi, cho nên danh tiếng chung quy cũng có nhiều tỳ vết. Thế nhưng người dám cả gan lôi cả 3 đời nhà họ Tào ra để mắng mỏ thì có lẽ chỉ có duy nhất một Trần Lâm “ăn gan hùm, mật gấu” mà thôi.
Về thái độ của Tào Tháo đối với bài hịch này, “Thái Bình ngự lãm” chú dẫn “Ngụy thư” từng ghi lại rằng:
“Lúc ấy Tào Tháo đang mắc bệnh đau đầu, nằm liệt giường không dậy nổi, sau khi đọc xong hịch văn của Trần Lâm thì ngồi bật dậy và nói: ‘Thiên văn chương này đã chữa hết bệnh của ta’.”
Sau khi phá Viên Thiệu và bắt được Trần Lâm, ông vẫn nhớ đến áng văn mắng chửi cả gia tộc mình năm xưa và từng chất vấn Trần Lâm rằng:
“Năm đó ngươi viết hịch văn cho họ Viên, quở trách sai lầm của ta thì cũng được, nhưng hà cớ gì phải mắng chửi tổ tông ba đời nhà ta?”.
Bấy giờ, Trần Lâm cũng thành thật tạ tội và nói: “Tên đã lên cung, không thể không bắn“.
Câu nói trên sau đó đã trở thành một thành ngữ nổi tiếng Trung Quốc dùng để nhắc nhở người đời một đạo lý: Sự việc đã đến lúc thì không thể không làm, cũng như lời nói đã tới thời điểm cần dùng thì không thể không nói ra.
Cũng chính câu nói vẻn vẹn 8 chữ ấy đã khiến Tào Tháo cảm mến cái tài của Trần Lâm nên ông đã không trị tội mà còn trọng dụng ông làm chức quan chuyên lo việc giấy bút dưới trướng mình.
Số phận của Trần Lâm được cho là may mắn hơn rất nhiều so với một vị bằng hữu cùng thời khác là Khổng Dung – người cháu đời thứ 20 của Khổng Tử và cũng là người đứng đầu trong hàng ngũ “Kiến An thất tử“.
Năm xưa, Khổng Dung vì dám công khai phản đối điều luật cấm uống rượu do Tào Tháo ban ra nên đã bị vị quân chủ này ghi thù, không lâu sau đó thì cả nhà ông bị bắt giết vì lý do “có mưu đồ phản nghịch”.
Cùng với danh sĩ Nễ Hành, Trần Lâm là một trong số ít những người dám cả gan quở trách Tào Tháo nhưng vẫn giữ được tính mạng. Thậm chí ông còn được chính vị quân chủ này trọng dụng, con đường quan lộ cũng nhờ đó mà càng thêm thăng tiến. Về sau Lâm được Tào Phi xếp vào nhóm 7 văn xuất chúng bậc nhất cuối đời Đông Hán, đời sau gọi là Kiến An thất tử.
Theo Soha