Lục Tốn, từ thư sinh đến thiên tài quân sự, làm nên trận Di Lăng lịch sử, trụ cột vững chắc của Giang Đông
Cuộc đời của Lục Tốn có thể được miêu tả chính xác bằng câu nói trong Sử Ký của Tư Mã Thiên – “Biết nhẫn ắt thành công”.
Trong cuốn tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, sự xuất hiện của Lục Tốn không hẳn là nổi bật. Tuy ông là tướng dẫn đầu trong các cuộc chiến tiếng tăm lừng lẫy, thế nhưng không để lại ấn tượng quá rõ rệt trong lòng người đọc.
Vào thời Tam Quốc Chí, ngoại trừ các bậc đế vương thì chỉ có hai nhân vật trở thành truyền kỳ. Một là Gia Cát Lượng, người thứ hai chính là Lục Tốn. Có thể thấy rằng, ông thực sự là người nắm giữ địa vị quan trọng trong dòng chảy lịch sử.
Người này chính là tướng lĩnh trong cuộc chiến Di Lăng, là trụ cột vững chắc của Giang Đông – Lục Tốn, Lục Bác Ngôn.
Từ một kẻ thư sinh trói gà không chặt trong mắt người đời, đến vị thiên tài quân sự vang danh lừng lẫy trong thời đại Tam Quốc.
Cuộc đời của Lục Tốn có thể được miêu tả chính xác bằng câu nói trong Sử Ký của Tư Mã Thiên – “Biết nhẫn ắt thành công”.
Không chấp nhặt sự đúng sai của một câu nói
Cuối thời Đông Hán, tầng lớp sĩ tộc nổi lên thành rừng.
Bốn nhà Lục, Cố, Chu, Trương khi đó là những gia tộc tiếng tăm nhất ở Ngô Quận, người đời gọi họ là “Tứ gia Ngô Quận”.
Lục Tốn, lại chính là nhân vật xuất thân từ nhà họ Lục.
Vậy mà, dù xuất thân từ dòng họ giàu có như thế, ông cũng khó thoát được trò đùa của số phận.
Cuộc đời của Lục Tốn có khởi đầu không hề suôn sẻ.
Phụ thân mất sớm, gia nghiệp lụi bại, nên ông chỉ có thể đến nhờ cậy người họ hàng tên Lục Khang làm thái thú ở Lư Giang.
Lục Tốn vốn cho rằng chỉ cần đi theo Lục Khang là có thể bình yên sống qua ngày, nhưng sự thực tàn khốc lại một lần nữa phá vỡ giấc mơ của ông.
Con người sống trên đời, yếu đuối chính là nguồn gốc của tội lỗi.
Lục Khang vì đắc tội với tên bạo chúa lúc bấy giờ là Viên Thuật nên bị đuổi khỏi Lư Giang. Trong sử sách ghi chép: Cả gia tộc hơn trăm người, gặp cảnh ly tán đói khổ, người chết hơn nửa.
Sau này Tôn Sách đi về phía dưới vùng Giang Nam, xảy ra tranh chấp kịch liệt với đại gia tộc quyền quý ở đó, điều này khiến gia tộc họ Lục vốn đã suy bại lại càng thêm phần lo sợ bất an.
May mắn thay sau khi Tôn Quyền em trai của Tôn Sách lên ngôi kế vị, mâu thuẫn giữa hai bên dần dần được xoa dịu. Để có được địa vị vững chắc ở Giang Đông, Tôn Quyền quyết định hoà giải với các gia tộc nơi đây.
Khi đó, Lục Tốn vừa tròn 21 tuổi. Trên vai ông bấy giờ không chỉ là sự vinh nhục của bản thân, mà còn là sự được mất của cả gia tộc.
Bỏ qua hiềm khích, chung sống hoà bình, hay là sự không thoả hiệp, tiếp tục đối đầu?
Lục Tốn đã quyết đoán lựa chọn vế thứ nhất.
Lúc mới gia nhập phủ của Tôn Quyền, Lục Tốn vẫn chưa được trọng dụng.
Ông biết rằng, Tôn Quyền chiêu mộ bản thân chẳng qua là một “trò chơi quyền lực” mà thôi.
Nhưng dù chỉ là trò chơi, ông cũng phải là người thắng cuộc cuối cùng.
Lục Tốn hiểu rõ, muốn trở thành một người tài giỏi, để lấy lại sự vinh quang cho gia tộc, việc làm trước mắt là phải nhẫn nại chờ đợi cơ hội.
Ông tình nguyện chỉ làm một huyện lệnh nhỏ của huyện Hải Tinh, ngày ngày đều cần cù và tận tuỵ hoàn thành tốt công việc của mình.
Đồng thời, ông cũng dần dần để lộ ra tài năng quân sự của mình.
Khi ấy ở Cối Kê, Phàn Dương thường xuyên xuất hiện sơn tặc đến làm loạn rồi cướp bóc. Vì thế Lục Tốn đã đề xuất với Tôn Quyền kế hoạch chiêu mộ binh lính.
Sau khi được phê chuẩn, Lục Tốn lập tức tiến hành thực hiện, rất nhanh đã thành lập lên một đội quân có năng lực chiến đấu dũng mãnh, đánh tan đám sơn tặc.
Kế hoạch chiêu mộ binh lính lần đầu này của Lục Tốn đã khiến Tôn Quyền vô cùng hài lòng.
Trước tình hình khó khăn của Đông Ngô “cốt lõi chưa yên, khó tính đường dài”, Lục Tốn đã nói rằng “Người tráng kiện thì làm quân sĩ, kẻ gầy yếu thì làm đồn điền”, khuyên Tôn Quyền chưa vội tranh hùng mà hãy tiếp tục kế hoạch chiêu binh quy mô lớn.
Với quy mô to lớn như vậy khó tránh được sự kích động, khiến cho bách tính mới ổn định tại Giang Đông lại một lần nữa trở nên hoảng loạn bất an.
Vì vậy liền có người đến tố cáo Lục Tốn với Tôn Quyền. Người này chính là Thái Thú của Cối Kê – Thuần Vu Thức. Hắn tố cáo Lục Tốn là người “vơ vét của cải của dân, khiến bách tính rơi vào lầm than”, đáng bị đem ra trừng phạt.
Sau này, trong lúc Lục Tốn tấu trình với Tôn Quyền có nhắc đến Thuần Vu Thức nhưng lại hết lời khen ngợi đối phương là một vị quan tốt.
Tôn Quyền liền ngạc nhiên mà hỏi rằng: “Nguyên do gì Thuần Vu Thức tố cáo ông với ta mà ông lại hết lời khen ngợi hắn.”
Lục Tốn trả lời: “Thuần Vu Thức tố cáo thần chẳng qua là vì một lòng nghĩ cho bách tính. Nếu như thần gièm pha thù hằn ông ta chỉ vì điều này, chẳng phải là lừa dối thánh thượng, lấy oán báo ân sao? Hành động như vậy thật là nhỏ nhen.”
Tôn Quyền nghe xong rất vui mừng, cho rằng cách làm của Lục Tốn chính là việc làm của người trượng nghĩa, điều mà kẻ bình thường không thể làm được.
Tâm vững vàng, bão lớn có sợ chi.
So với việc so đo tính toán đúng sai trong câu nói, chi bằng hãy mở rộng trái tim và tấm lòng, thẳng thắn khách quan đối diện.
Một phen sóng gió như vậy cuối cùng đã được hoá giải nhờ sự độ lượng hơn người của Lục Tốn.
Không tranh vinh nhục nhất thời
Cơ hội chỉ đến với người có chuẩn bị, cũng như chỉ đến với người có khả năng.
Công Nguyên năm 219, Quan Vũ mang quân vây đánh Phàn Thành, uy trấn Trung Hoa thời đó. Thấy vậy, Lục Tốn đã bày cho Đô đốc Lã Mông một kế sách vô cùng gan dạ, đó là dùng kế sách kiêu binh đánh lừa Quan Vũ, tìm cơ hội đoạt lại Kinh Châu.
Sau đó, Lục Tốn đã viết một bức thư cho Quan Vũ, bày tỏ sự hết sức khiêm nhường, tôn kính và ca ngợi Quan Vũ, cũng chính bức thư tưởng chừng chẳng có gì quan trọng này, lại có thể lấy mạng một người vốn tự cao tự đại như Quan Vũ.
Một người nửa đời thận trọng tỉ mỉ như Lục Tốn, từ lâu đã khắc ghi sâu sắc sự “khiêm nhường, kính trọng” trong trái tim. Vì vậy, mặc dù bức thư gửi Quan Vũ là sự “cố ý”, nhưng thực ra cũng chứa vài phần thật lòng bên trong.
Có lẽ cũng vì chính điều này mà làm lay động lòng người.
Quan Vũ đọc xong bức thư, vô cùng đắc ý nói với thuộc hạ của mình: “Tôn Trọng Mưu vốn đã tầm nhìn hạn hẹp, lại có tên tướng kém cỏi thế này .”
Đối với thái độ coi thường của Quan Vũ, Lục Tốn không hề để tâm bởi vì ông biết rằng: “Lúc này ngậm đắng nuốt cay chính là vì đạt được thắng lợi sau này.”
Không lâu sau đó, Quan Vũ đã lơ là cảnh giác và chuyển dần binh lực lên tiền tuyến.
Biết rằng thời cơ đã đến, Lã Mông đem quân qua sông, Lục Tốn đánh chiếm Di Lăng.
Quân lính Đông Ngô đánh chặn ở cả 2 bên, cho dù là anh hùng như Quan Vũ cũng chỉ đành ôm hận mà chết.
Kẻ kiêu ngạo dễ lạc lối, người nhẫn nhịn dễ thành công. Lục Tốn cuối cùng đã dùng sự nhẫn nhịn của mình để đánh thắng sự kiêu ngạo của Hạng Vũ.
Năm 221, Lưu Bị lấy danh nghĩa trả thù cho Quan Vũ, dẫn đầu một đội quân tiến đến Đông Ngô, mở đầu trận “Đại chiến Di Lăng”.
Sau khi quân Thục tiến đến Di Lăng, Lưu Bị trước tiên phái tướng quân Ngô Ban thống lĩnh nghìn binh thành lập doanh trại trên đất liền, ý đồ thách thức quân Ngô.
Chỉ có vài nghìn binh lính mà dám ngang ngược vậy sao? Các tướng lĩnh Đông Ngô biết vậy bèn rất tức giận và hừng hực muốn nghênh chiến.
Tuy nhiên Lục Tốn lại lắc đầu nói: “Nhất định là bẫy. Lưu Bị đem dẫn đội quân tinh nhuệ lớn mạnh đến vậy, chúng ta không thế cứ như vậy đối đầu với hắn. Đợi đến khi chúng kiệt sức, chúng ta sẽ tiếp tục tính kế”.
Tóm lại, Lục Tốn chỉ giữ vững một câu nói: Không đánh.
Sau này, khi tướng quân Ngô là Tôn Hoàn bị Lưu Bị bao vây đã cho người đến cầu cứu Lục Tốn.
Lục Tốn một lần nữa lắc đầu nói: “Tôn tướng quân hãy giữ vững tinh thần binh lính, lương thực trong thành vẫn còn đủ, tạm thời không cần lo lắng. Hãy đợi đến khi bên ta có hành động, khi đó nỗi lo của tướng quân ắt sẽ được giải quyết”.
Vẫn là một câu nói đó: Không đánh.
Các tướng quân khi nghe xong đều vô cùng tức giận. Họ đều là các lão tướng vang danh một thời, có người còn là thuộc gia tộc họ Tôn, trước nay đều không phục Lục Tốn. Đến giờ lại thấy Lục Tốn nhát chết như vậy, trong lòng càng thêm bực bội.
Trái lại với sự kích động của các lão tướng, Lục Tốn vẫn quyết định không tham chiến.
Ông chấp nhận lời chỉ trích từ các lão tướng, kiên quyết án binh bất động, giữ vững tâm “nhẫn” đến cuối cùng.
Và rồi sự nhẫn nại của ông rất nhanh đã có câu trả lời.
Do thời tiết vô cùng nóng bức khắc nghiệt, quân Lục Tốn có thể chịu đựng nhưng phía Lưu Bị thì không. Lưu Bị đã ra lệnh cho quân lính đóng quân vào trong rừng rậm để giảm bớt tác động của sự oi bức.
Lợi dụng thời cơ này, Lục Tốn liền tấn công quyết đoán, với một mồi lửa đốt cháy toàn bộ quân binh tinh nhuệ của Lưu Bị.
Có câu: “Lưu Bị – Thiên hạ kiêu hùng, Tào Tháo cũng phải khiếp sợ.” Ngay cả một nhân vật như vậy vẫn bị đánh bại dưới sự nhẫn nhịn của Lục Tốn.
Giữ vững niềm tin
Sau đại chiến Di Lăng, danh tiếng của Lục Tốn trở nên lẫy lừng, Tôn Quyền ngày càng tín nhiệm ông hơn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Lục Tốn hành sự, Tôn Quyền thậm chí còn khắc ấn chương của mình để ở chỗ của Lục Tốn.
Mỗi lần Tôn Quyền viết thư cho Gia Cát Lượng, ông đều gọi Lục Tốn đến để tham khảo ý kiến.
Những văn thư gửi cho Gia Cát Lượng cũng được đưa cho Lục Tốn xem trước. Nếu có điểm sai sót cũng để Lục Tốn chỉnh sửa xong mới gửi đi.
Nhìn vào lịch sử của Trung Quốc, mối quan hệ thân thiết giữa quân thần như vậy quả thực vô cùng hiếm thấy.
Đáng tiếc rằng, những điều này đều do Tôn Quyền tự mình tưởng tượng mà ra.
So với sự độc tài của Thừa tướng Thục Hán, Tôn Quyền sử dụng thủ đoạn nắm quyền quân đội, giảm bớt quyền lực thừa tướng.
Sau khi lên ngôi, Tôn Quyền bỏ ngoài tai lời khuyên của đa số các triều thần, gạt bỏ sự ủng hộ của Trương Chiêu, bỏ mặc Lục Tốn chiến công hiển hách.
Tôn Quyền quay ra trọng dụng những người không mấy nổi bật như Tôn Thiệu, Cố Ung, Bộ Trắc đảm nhiệm chức thừa tướng. Trong đó có Cố Cố Ung, dựa vào cách làm việc không màng chính sự, không nói nhiều lời mà làm chức “thừa tướng cùng ăn” suốt 19 năm.
Có thể nói rằng, một hoàn cảnh chính trị như vậy là vô cùng đáng ngại. Các đại thần chỉ không cẩn thận một chút thôi là có thể rước hoạ vào thân.
Mà cách đối mặt tốt nhất, chính là làm giống như Cố Ung. Việc không liên quan đến mình, cứ vậy ung dung vui vẻ.
Tuy nhiên, Lục Tốn lại không hề làm như vậy. Một người đã nhẫn nhịn cả đời như ông cuối cùng cũng quyết định đứng lên giải quyết, vì trách nhiệm của chính ông, và cũng vì tương lai đất nước.
Những năm tuổi già, Tôn Quyền tuy lập Tôn Hoà lên làm thái tử, nhưng lại vô cùng yêu mến và trọng dụng con trai thứ Lữ Vương.
Dưới sự dung túng của Tôn Quyền, Lữ Vương công khai đối đầu thái tử, hai bên cạnh tranh không ngừng, quyết không nhân nhượng đối phương.
Lục Tốn vốn dĩ trấn thủ Vũ Xương, rời xa khỏi nơi thị phi, nhưng chẳng ngờ cây muốn lặng mà gió không ngừng.
Vì để đạt được sự ủng hộ của các vị trọng thần trong triều, mà cả thái tử và Lữ Vương đều dùng trăm phương nghìn kế để lôi kéo Lục Tốn về phe mình.
Lục Tốn không đành lòng nhìn cảnh huynh đệ tương tàn, triều đình rơi vào thế bất ổn, nên bèn bẩm báo sự việc với Tôn Quyền.
“Thái tử vốn là con trưởng, điều này chắc như bàn thạch không thể thay đổi, Lữ Vương thân phận con thứ, cả hai người cần được đối xử đúng với địa vị, như vậy mới có thể ổn định triều cương. Thần khấu đầu chảy máu, kính mong Thánh Thượng lắng nghe lời thỉnh cầu”.
Lục Tốn viết bức thư này xuất phát từ tấm lòng trung thành với vua, vậy mà trong mắt Tôn Quyền thì Lục Tốn lại có ý đồ thâm sâu khác.
Tôn Quyền cho rằng, thì ra Lục Tốn lại hợp sức cùng các đại thần trong triều để ủng hộ thái tử, chưa kể Lục Tốn lại đang nắm giữ một phần binh quyền trong tay.
Đây là điều mà Tôn Quyền không thể chấp nhận, vì thế ông đã thay đổi hoàn toàn thái độ và sự ủng hộ dành cho Lục Tốn ngày trước, thay vào đó là sự khiển trách nghiêm khắc đối với vị trung thần này.
Sự tâm huyết, lòng trung thành của Lục Tốn giờ đây chỉ có thể đổi lấy sự nhiếc mắng và khiến trách.
Điều này khiến Lục Tốn vô cùng bất bình, cuối cùng tất cả những tình nghĩa quân thần đã âm thầm ra đi cùng với những lời quở mắng và trách móc.
Có thể cho đến cuối cùng, ông cũng ko hiểu rằng: Ranh giời giữa quân và thần là không thể xoá bỏ, dù hai bên có từng tín nhiệm hay trung thành, thì cuối cùng cũng cần phải giữa ranh giới quân thần đó.
Hoặc cũng có thể, Lục Tốn sớm đã nhìn ra những điều này, nhưng thứ ông lựa chọn chính là niềm tin và trách nhiệm của người trung thần.
Chết trong vang danh, không uổng đời này. Dù cho ngọc nát, cũng giữ niềm tin.
So với việc cho rằng Tam Quốc là thời đại của kẻ trí tuệ, chi bằng hãy nói Tam Quốc là thời đại của kẻ biết nhẫn càng chính xác hơn.
Tư Mã Ý vì biết nhẫn nhịn mà trở thành người chiến thắng.
Giả Văn Hoà vì biết nhẫn nhịn mà cả đời vô lo.
Lục Bác Ngôn cũng là người biết nhẫn, chỉ là nhiều thêm phần kiên trì với niềm tin của bản thân, nên bớt đi phần lạnh lùng nên có để giữ ranh giới quân thần.
Nguyệt Hòa
Theo Soha