Lý do thật sự đằng sau khiến các vị vua triều Nguyễn không lập Hoàng hậu?

da-sua-4-1

Từ thời vua Minh Mệnh trở đi, các vua kế vị đời sau đều không tấn phong hiền thê của mình lên ngôi Hoàng hậu khi tại vị, trừ trường hợp Hoàng hậu Nam Phương thời vua Bảo Đại. Tại sao lại như vậy?

Có thuyết cho rằng, ngay thời vua Gia Long, vị vua khai sáng triều Nguyễn vì không muốn chia sẻ quyền lực cho ai, hoặc lo sợ người ngoài lấn át quyền lực nên đã đặt ra lệ “Tứ bất” là: không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử, không phong Tể tướng, không lấy Trạng nguyên (có sách chép là không phong vương).

Thế nhưng, đến nay các nhà sử học vẫn chưa tìm ra văn bản nào quy định về điều này. Mặt khác, trong thực tế, vua Gia Long đã tấn phong ngôi Hoàng hậu chánh cung cho bà Tống Thị Lan – mẹ của Hoàng tử Cảnh và Hoàng tử Chiêu ngay khi ông còn tại vị. Sách Đại Nam thực lục cho biết: năm Bính Dần (1806), mùa Thu, tháng 7, ngày Kỷ Mùi, vua sách lập vương hậu Tống Thị Lan làm Hoàng hậu… Ngày Quý Hợi, vua ngự ở điện Thái Hòa nhận lễ mừng, hạ chiếu bố cáo trong ngoài…

Kể từ thời vua Minh Mệnh (vị vua thứ 2 của triều Nguyễn) trở đi, các vua kế vị sau đều không lập Hậu khi còn tại vị (trừ Hoàng hậu Nam Phương thời vua Bảo Đại). Các bà vợ của vua chỉ được sách phong làm phi, tần và ngôi cao nhất là Hoàng quý phi.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Lý do thật sự đằng sau khiến các vị vua triều Nguyễn không lập Hoàng hậu?
Từ trái qua phải: Hựu Thiên Thuần Hoàng Hậu – Từ Cung Hoàng Thái Hậu – Nam Phương Hoàng Hậu. Nguồn ảnh: internet.

Nhắc đến vua Minh Mệnh, nhiều tư liệu lịch sử cho biết, ông rất nhiều phi tần, nhiều đến mức phải giải phóng bớt đi. Sách Minh Mạng chính yếu cho biết; mùa xuân, năm Minh Mạng thứ 6, tháng giêng trong kinh thành ít mưa, vua lo sợ hạn hán, cho rằng trong thâm cung có nhiều âm khí uất tắc, nên đã giải phóng bớt một trăm người, để mong giải trừ thiên tai.

Điều ấy chứng tỏ; Minh Mệnh là một vị vua rất lo lắng cho đời sống nhân dân, không hề vì sắc dục mà bỏ bê chính sự, vì thế việc lập Hoàng hậu của ông cũng vô cùng khắt khe.

Năm 1836, vua Minh Mệnh chia các phi tần làm 9 bậc gọi là “cửu giai” (chữ giai nghĩa là đẹp). Đầu tiên là bậc “nhất giai”, cao hơn là bậc “cửu giai” – tức Hoàng Quý phi, rồi đến cao nhất là Hoàng hậu. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” viết: “Trên nhất giai, đặt một hoàng quý phi để giúp hoàng hậu là ngôi chủ quỹ trong cung, giữ nội chính cho được tề chỉnh”.

Nhưng thực tế vua Minh Mệnh chưa lập ai làm Hoàng hậu. Trong lời dụ của mình, vua giải thích rằng: “… ngôi chủ quỹ trong cung còn để trống để đợi đức hiền”.

Vậy là chủ đích của vua là muốn tìm một người phụ nữ đầy đủ phẩm hạnh, mẫu mực đoan chính để ngồi vào ngôi vị Hoàng hậu cho thật xứng đáng, làm tấm gương mẫu mực cho nữ nhân khắp Đại Nam về tứ đức Công – Dung -Ngôn – Hạnh cao quý. Tiếc thay, cho đến hết đời, vua Minh Mệnh cũng không tìm thấy ai đủ đức để ngồi vào vị trí này.

Về việc tìm không được người làm Hoàng hậu, sách “Quốc sử di biên” của Thám hoa Phan Thúc Trực có ghi chép rằng: “Chính cung húy Kiều – con gái doanh tượng quan chưa có con, đệ nhị cung húy Hinh là con gái Lê Tông Chất. Có lần, vua hơi se mình, chính cung và đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc (Thiên Mụ). Nhị cung nói rằng: “Nếu đắc tội với trời, thì cầu đảo vào đâu được”. Đến lúc vua khỏi, chính cung đem câu nói ấy, tâu với vua. Vua giận lắm! Cho nên, ngôi hoàng hậu vẫn để trống bàn mãi không định được”.

Theo như những ghi chép trên có thể thấy, vua Minh Mệnh không phải là người đặt ra tiền lệ không được lập Hoàng hậu. Việc lập Hoàng hậu cũng được vua đem ra bàn định nhiều lần, song vua chưa chọn được ai xứng đáng theo quan niệm của ông để đứng vào ngôi vị này.

Đến thời vua Thiệu Trị, vua cũng từng định lập vợ cả là Quý phi Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ) làm Hoàng hậu. Sách Đại Nam liệt truyện cho biết: “Đến khi vua gần mất, mọi việc về sau, đều dặn dò ủy thác cho hậu. Lại diện dụ các quan rằng: Quý phi là nguyên phối (vợ cả) của trẫm, là người Phước đức hiền minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn sách lập làm hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi”.

Các vị vua sau này như Tự Đức hay Khải Định cũng không lập Hoàng hậu, vì không dám chắc những phi tần này có đủ những đức hạnh phi thường để xứng đáng làm bậc Mẫu nghi thiên hạ hay không.

Có ý kiến cho rằng các vua kế vị không lập hoàng hậu là do không dám vượt tiền lệ của vua Minh Mạng. Theo tác giả Lê Nguyễn trong cuốn Nhà Nguyễn và những vấn đề lịch sử: “Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và các vua kế vị không tuyên phong hoàng hậu không xuất phát từ một tiền lệ nào cả, đơn giản vì các ngài chưa tìm được người xứng đáng để đưa vào ngôi vị này, hoặc chưa đến lúc cần làm việc đó. Một hậu duệ của các ngài là vua Bảo Đại vẫn đường hoàng tấn phong Nam Phương Hoàng hậu mà đâu cần một sự phá lệ nào”.

Lý do thật sự đằng sau khiến các vị vua triều Nguyễn không lập Hoàng hậu?
Nam Phương hoàng hậu – vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Nguồn ảnh: internet.

Việc lập Phi, lập Hoàng hậu luôn tuân theo nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, trong đó phẩm hạnh là điều tối quan trọng nhất. Hoàng hậu ngoài tình cảm phu thê sâu nặng với nhà vua, thì còn được xem là Quốc mẫu của thiên hạ, là địa vị tối cao của hậu cung, không thể tuỳ tiện trao cho người không đủ năng lực, không đủ đạo đức, đam mê quyền lực nắm giữ, triều chính ắt sẽ loạn, vận nước sẽ đi xuống. Vì thế, các vua triều Nguyễn đều hết sức cẩn trọng trong việc tấn phong Hoàng hậu cho các vị thê thiếp của mình, ắt đều có đạo lý thâm sâu.

Viên Minh biên tập.
Nguồn: Zing

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: