Một người chưa trưởng thành sẽ có 5 dấu hiệu này
Nhiều người thích câu nói: “Nguyện xuất tẩu bán sinh, quy lai nhưng thị thiếu niên”, nghĩa là: Nguyện người đi hết nửa đời, lúc về vẫn là thiếu niên. Dù bạn có trải qua bao nhiêu thăng trầm, mong rằng bạn vẫn sẽ là người thẳng thắn, đầy nắng, nghị lực và không bao giờ quên ý định ban đầu của mình. Đó là một trạng thái rất đẹp và hiếm có khi có thể luôn giữ được sự hồn nhiên của tuổi trẻ.
Nhưng điều đáng nói là sống trẻ không có nghĩa là có thể sống non nớt. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi phát hiện ra một hiện tượng lạ trong cuộc sống: khi nhiều người bị người khác đánh giá là non nớt, họ thường dùng tinh thần tuổi trẻ của mình như một lời ngụy biện, cho rằng mình không non nớt, mà chỉ là không trải đời bằng bạn thôi.
Trên thực tế, “tuổi trẻ” và “sự non nớt” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tuổi trẻ có nghĩa là sức sống và sự ngây thơ, còn non nớt có nghĩa là liều lĩnh và thiếu hiểu biết.
Như chúng ta đã biết, mức độ trưởng thành về tinh thần của một người thường có thể quyết định sự nghiệp và tầm cao cuộc đời của người đó. Vậy làm thế nào để đánh giá một người đã trưởng thành hay chưa? Tất nhiên, nó không dựa trên tuổi tác. Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp năm dấu hiệu cho thấy một người chưa trưởng thành để bạn suy ngẫm.
1. Lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa
Tục ngữ có câu: “Nhất thốn quang âm nhất thốn kim. Thốn kim nan mãi thốn quang âm”, nghĩa là: Một tấc thời gian là một tấc vàng, nhưng vàng không mua được tấc thời gian.
Về mặt lý thuyết, vì cuộc sống không thể bắt đầu lại nên thời gian rất quý giá đối với mọi người.
Nhưng điều khác biệt là có một số người ý thức được điều này nên càng quý trọng thời gian hơn, mong được sống một cuộc đời vô tận trong một khoảng thời gian hữu hạn, trong khi những người khác lại không ý thức được điều này, và mỗi ngày đều lãng phí thời gian một cách u mê, để thời gian trôi qua một cách lãng phí.
Tôi nghĩ điều này là dấu hiệu đầu tiên của sự non nớt, họ không biết quý trọng thời gian, quen và thích lãng phí nhiều thời gian quý báu vào những việc nhàm chán và vô nghĩa.
Con người đến với thế giới này không phải là điều dễ dàng, thế giới này rất rộng lớn, có quá nhiều người, vạn vật thú vị và đầy ý nghĩa, vậy nên hãy trân trọng thời gian và cuộc sống của chính mình.
2. Phung phí tiền bạc, không có quan niệm tiêu dùng đúng đắn và hợp lý
Biểu hiện thứ hai của sự non nớt là không có quan niệm đúng đắn về tiêu dùng và không có đủ kế hoạch để kiểm soát của cải.
Không có vấn đề gì trong việc tiêu thụ nhưng mọi thứ nên được thực hiện có chừng mực. Nhưng điều phổ biến nhất hiện nay lại là tiêu dùng quá mức. Để thỏa mãn ham muốn vật chất, họ sẽ không ngần ngại tiêu xài quá mức trong tương lai và mắc nợ rất nhiều vì điều này.
Trên thực tế, bạn không cần phải mua nhiều thứ và cũng không cần phải tốn nhiều tiền. Nói thẳng ra, nhiều khi chúng ta tiêu dùng một cách say mê hoặc trả giá cho cái gọi là thể diện. Đây thực chất là một kiểu phi lý và ép buộc. Những người có đầu óc thực sự trưởng thành sẽ không làm điều này.
Và quan trọng hơn, nếu một người không có tiền tiết kiệm, đồng nghĩa với việc họ đã mất khả năng chống lại rủi ro, đồng nghĩa với việc họ đã mất đi rất nhiều sự chủ động.
Tiêu dùng hợp lý và hình thành quan niệm tiêu dùng đúng đắn là rất quan trọng và cần thiết.
3. Làm theo những gì người khác nói và mù quáng chạy theo xu hướng mà không có chủ kiến hay suy nghĩ
Trương Tam nói với Lí Tứ rằng hiện nay kiếm tiền từ việc phát sóng trực tiếp rất dễ dàng và tiền về quá nhanh. Vì vậy Lí Tứ đã làm điều đó mà không hề do dự. Nhưng sau đó anh ta không những không kiếm được tiền mà còn lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực.
Không phải là phát sóng trực tiếp không kiếm được tiền, hay là lời nói của Trương Tam không đáng tin cậy. Điều tôi thực sự muốn nói là chúng ta nên có suy nghĩ và phán đoán của riêng mình.
Biểu hiện thứ ba của sự non nớt của một người là không có chính kiến độc lập, quen nghe theo người khác nói, mù quáng chạy theo xu hướng và làm theo bất cứ điều gì người khác nói.
Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự phù hợp” trong các bài viết trước của mình. Nhiều thứ phù hợp với Trương Tam nhưng có thể không phù hợp với Lí Tứ. Những gì phù hợp với năm ngoái có thể không phù hợp với bây giờ.
Bởi vì thế giới đang thay đổi quá nhanh, điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người đều khác nhau. Vì vậy, những người thực sự trưởng thành, khi lắng nghe những góp ý, thường suy nghĩ sâu sắc để tìm ra những gì mình có thể làm, từ đó đưa ra quyết định hợp lý nhất.
4. Hành động mà không quan tâm đến cảm xúc và hậu quả của người khác
Không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa sự trưởng thành và tuổi tác. Mặc dù nhiều người còn trẻ nhưng họ vẫn có thể giải quyết vấn đề một cách chín chắn. Tuy nhiên, mặc dù có một số người trông có vẻ trưởng thành về mặt tuổi tác nhưng họ lại rất thiếu khiêm tốn khi làm việc, chẳng hạn như quá xúc động.
Biểu hiện thứ tư của sự non nớt là dễ xúc động, bốc đồng, cáu kỉnh khi có chuyện xảy ra, khi nói và làm việc gì đó không tính đến cảm xúc và hậu quả của người khác.
Có câu nói thế này: “Chỉ có trẻ con mới phân biệt đúng sai, trong thế giới người lớn chỉ có ưu nhược điểm’.
Trong thế giới người lớn, đúng hay sai thường không quan trọng, nói chính xác hơn là thắng hay thua không quan trọng chút nào. Nếu cãi nhau với người yêu hoặc bố mẹ, nếu bạn thắng thì thường sẽ đánh mất đi mối quan hệ; nếu vướng vào người xấu, chuyện xấu thì dù có thắng cũng vẫn thua.
Giải quyết mọi việc một cách bình tĩnh, đưa ra dự đoán trước và suy nghĩ về hậu quả của việc làm đó. Điều này thường có thể giúp bạn tránh được nhiều đường vòng.
5. Không độc lập, luôn dựa dẫm và trông cậy vào người khác
Tôi tin rằng nhiều người đã từng nghe đến cụm từ “đứa bé khổng lồ”, nghĩa là dù đã đến tuổi trưởng thành nhưng tâm trí của họ vẫn còn ở giai đoạn trẻ sơ sinh, những người cực kỳ non nớt.
Tôi đã thấy nhiều người ở độ tuổi ba mươi, bốn mươi đã lập gia đình và có con vẫn xin tiền cha mẹ, trả nợ thế chấp và chi phí sinh hoạt. Tôi không thể chấp nhận được loại người này. Hầu hết họ đều vô ơn và vô trách nhiệm.
Biểu hiện thứ năm của sự non nớt là chưa đủ tự lập và luôn dựa dẫm, kỳ vọng vào người khác. Sự thiếu độc lập này không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần và tư tưởng.
Nói về độc lập tài chính, tôi nghĩ điều đầu tiên để một người trưởng thành khỏe mạnh có thể độc lập về tài chính là có thể tự chăm sóc bản thân và những người xung quanh, thay vì để những người xung quanh chăm sóc bản thân mình.
Thực lòng mà nói, không có mối quan hệ nào có thể nương tựa mãi mãi, ngay cả cha mẹ cũng sẽ có ngày già đi. Dựa vào chính mình trong mọi việc mới là sáng suốt. Trong quãng đời còn lại, hãy trưởng thành, sống hết mình và cảm nhận bằng trái tim rằng thế giới này thật tuyệt vời.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Tống Vân)