Nam Phương hoàng hậu: Từ tiểu thư đại phú hào lừng danh phương Nam – Đến chính cung Hoàng hậu cao quý
Nam Phương hoàng hậu là vị hoàng hậu cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Hoàng đế Bảo Đại vô cùng trân quý, yêu thương người con gái vừa xinh đẹp, đoan trang, vừa thông minh, nhân hậu này, nên đã ban cho vị hoàng hậu của mình danh xưng cao quý: Nam Phương hoàng hậu – hương thơm của miền Nam. Và vị hoàng hậu cuối cùng đã sống một cuộc đời lặng lẽ tỏa hương như thế…
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ra tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Ông ngoại của bà là Lê Phát Đạt, tục gọi là Huyện Sỹ ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX.
Ông ngoại là đại hào phú trứ danh Sài Gòn
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Sài Gòn nổi lên tứ đại hào phú lẫy lừng: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” – họ là những người giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh và xứ Đông Dương.
Những đại hào phú này giàu có đáng kinh ngạc, mà “Nhất Sỹ” – ông Huyện Sỹ, chính là ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, là người giàu có bậc nhất.
Ông Huyện Sỹ được các tu sĩ người Pháp đưa sang du học ở Malaysia. Ông được học các ngôn ngữ như: tiếng La Tinh, tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Quốc ngữ. Khi về nước, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt, và được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi từ năm 1880 thì làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.
Từ đây, ông nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất đất Sài Gòn. Năm 1904, đất Gò Công bỏ hoang vô số kể, ai đủ can đảm chịu ra mặt đóng thuế thì làm chủ chính thức, mà không mấy ai dám vì sợ bị ghép tội theo Pháp. Thế rồi, ông Lê Phát Đạt bị nài ép mua, ông bất đắc dĩ phải chạy tiền mua liều. Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền. Ông trở nên giàu có nhanh chóng.
Mặc dù giàu có như vậy, nhưng trong nhà ông có treo câu đối răn mình:
“Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách
Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”
Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ nhà thờ Huyện Sỹ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần một tiếng, đủ thấy rằng vùng đất của ông Huyện Sỹ mênh mông chừng nào. Không chỉ có thế, các con của ông Huyện Sỹ, kể cả bà Lê Thị Bính – mẹ của Nam Phương hoàng hậu – đều là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai.
Riêng trưởng nam của ông Huyện Sỹ là ông Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông Lê Phát An là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là “hoàng thân, quốc thích” được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình.
Theo Saigonxua.org, mức độ giàu có của gia đình Huyện Sỹ được cho là lớn hơn nhiều lần so với vua Bảo Đại. Vậy nên, mới có câu chuyện là vào năm 1934, nhân dịp gả cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu về Huế làm Hoàng hậu, người cậu Lê Phát An đã tặng cho cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn (bấy giờ giá vàng khoảng 50 đồng/lượng, nên món quà này tương đương 20.000 lượng vàng).
Gia đình ông Nguyễn Hữu Hào, cha của Nam Phương hoàng hậu, rể của Huyện Sỹ – cũng là bậc đại phú hào vô cùng giàu có. Vậy nên, bà Nguyễn Hữu Thị Lan từ nhỏ đã “sống trong tơ lụa”.
Từ đại tiểu thư đến chính cung hoàng hậu
Bà Nguyễn Hữu Thị Lan cùng người chị của mình tức Agnès Nguyễn Hữu Hào sống trong nhung lụa từ bé, tuổi xuân êm đềm.
Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp trung học), bà về nước và gặp gỡ vua Bảo Đại lần đầu tiên trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace – Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý thành phố sắp đặt.
Xuất thân từ một gia đình giàu có ở miền Nam, lại được thừa hưởng nền giáo dục phương Tây và theo học tại một trường nữ nổi tiếng tại Pháp, bà luôn có một cái nhìn thông thoáng và bao dung. Nhan sắc và trí tuệ của bà vào thời ấy có lẽ ít người sánh kịp.
Trong cuốn Con rồng Việt Nam, vua Bảo Đại chia sẻ rằng:
“Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của hoàng thành Huế…”.
Dù gia thế giàu có, nhưng việc hoàng đế Bảo Đại chọn một phụ nữ theo đạo Công giáo làm chính thất bị phản đối từ nhiều phía. Để dẹp yên bất đồng từ triều đình, Hoàng đế Bảo Đại thẳng thắn: “Trẫm cưới vợ cho trẫm chứ đâu phải cưới cho Triều đình”. Mặt khác, ông cũng cho biết rằng Hoàng hậu tương lại sẽ tuân thủ đúng tập tục lễ nghi, giữ trọn lề thói của một nàng dâu nước Nam, để làm an lòng Từ Cung Thái hậu.
Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng đế phong bà Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương hoàng hậu.
Vì tình yêu say đắm, cùng với sự yêu quý, trân trọng dành cho Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã vì bà mà dẹp bỏ tam cung lục viện, cam kết cuộc sống hôn nhân một vợ một chồng chung thuỷ.
Nhân cách cao quý của một vị Hoàng hậu
Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại có tất cả năm người con. Công việc hàng ngày của hoàng hậu là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng, bà cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên Đế, và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên Cung và Từ Cung Hoàng thái hậu.
Hoàng hậu còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Hoàng hậu nổi tiếng là người nhân từ, có lối sống bao dung, rộng lượng.
Thế nhưng, cuộc đời của vị hoàng hậu cuối cùng này cũng gặp nhiều sóng gió như chính triều đại mà chồng bà – Hoàng đế Bảo Đại – cầm quyền.
Sau khi thoái vị vào năm 1945, năm 1946, cựu Hoàng Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh (Trung Quốc), vì tình hình chính trị rối ren, nên khi công việc kết thúc, cựu hoàng đã lưu lại Hong Kong một thời gian.
Lúc này, bà vũ nữ Lý Lệ Hà – một trong những giai nhân xuất hiện trong cuộc đời cựu hoàng sau thời điểm ông thoái vị – đã sang Hong Kong tìm gặp ông.
Bà Nam Phương biết chuyện, song đứng trước nhiều biến cố, bà vẫn giữ được phong cách hành xử tinh tế, nhân cách cao thượng, cùng tình yêu thương chồng sâu sắc, đặc biệt thể hiện qua lá thư mà bà gửi cho “người thứ 3”.
Nội dung lá thư như sau: “Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, ta còn gặp lại nhau. Đức Từ cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.
Không một lời mắng nhiếc, hờn giận hay trách móc, cũng không có cả những ngôn từ xúc phạm hay nhục mạ. Từng lời của bà Nam Phương đều rất chừng mực, nhẹ nhàng, từ tốn mà thanh tao. Không rõ bức thư đã ảnh hưởng đến tâm lý của Lý Lệ Hà đến đâu nhưng nhiều năm sau đó, bà ấy đã gìn giữ bức thư như một kỷ vật rất quan trọng của cuộc đời.
Năm tháng cuối đời của cựu hoàng hậu tại Pháp
Tháng 12/1946, tình hình chính trị và quân sự giữa Việt và Pháp rất căng thẳng. Cựu hoàng Bảo Đại đã sang Hong Kong, bà Nam Phương cùng 5 con sống trong cung An Định. Bà cảm thấy rất hoang mang và tuyệt vọng. Bà chọn giải pháp đưa các con vào nương nhờ nhà thờ dòng Chúa cứu thế, nơi thuộc quyền quản lý của các linh mục Canada. Cuộc sống ở đây khá kham khổ so với sinh hoạt trước kia của họ.
Năm 1947, bà cùng các con cuối cùng đã lên đường sang Pháp. Bà Nam Phương vẫn có cuộc sống sung túc với khối tài sản đồ sộ trên khắp nước Pháp và các lãnh địa Pháp, như các lâu đài lớn ở Cannes, Limousin, Paris… nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo…
Thời gian đầu, mẹ con cựu hoàng hậu sống ở lâu đài Thorenc tại Cannes. Bà Nam Phương gửi các con vào trường trung học Couvent des Oiseaux, nơi bà từng học thời con gái, hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, bà thường đọc sách báo hoặc chăm sóc hoa lá trong vườn, buổi tối thì chơi dương cầm cho các con nghe.
Dù không sống cùng cựu hoàng Bảo Đại ở phương Tây, nhưng hoàng hậu Nam Phương không bao giờ có nhân tình, dù chỉ là đi khiêu vũ với một người đàn ông nào khác.
Về sau, hoàng hậu Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống tại lâu đài Domaine de la Perche ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Nouvelle-Aquitaine, cách Paris hoa lệ khoảng 500 cây số.
Bà hoàng nước Nam một thời sống những ngày bình lặng nơi đây, lặng lẽ với thú vui điền viên trong trang trại Charbrignac. Rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam học thức.
Vào một ngày mùa thu năm 1963, bà đã lặng lẽ ra đi khi không có một người thân ruột thịt nào bên cạnh. Khi đó, các con bà đang đi học hoặc đi làm ở Paris, còn cựu hoàng Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp.
Đám tang của bà rất lặng lẽ. Ngày đưa tang, hai Hoàng tử Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và ba Công chúa Phương Mai (1937), Phương Liên (1938) và Phương Dung (1942) đi bên cạnh quan tài của mẹ.
Trên ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá, mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:
“Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu chi lăng” (Dịch nghĩa: Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).
Vậy là, cuộc đời của vị hoàng hậu cuối cùng đã khép lại. Vật chất, danh vọng, sắc đẹp chỉ như giấc mộng thoáng qua, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, mỹ đức của vị hoàng hậu bao dung, nhân từ vẫn còn vương vấn mãi, như chính danh hiệu Nam Phương của bà – Hương thơm từ phương Nam…
Nguồn: ntdvn (Tâm An)