Nàng chỉ là tiện nữ, nhưng liều thân vào thăm vua, tuẫn tiết cùng vua, 67 ngày sau cơ thể vẫn như lúc sống
Trong bài viết “Gian thần giết con đãi Tề Hoàn công” có đề cập đến nguyên nhân cái chết bi thảm của Tề Hoàn công khi không nghe lời Quản Trọng, thiết đãi gian thần, cuối cùng bị gian thần hãm hại, nhốt vua không cho ăn uống, không được gặp ai, chỉ có duy nhất tiện nữ liều mạng trèo vào thăm Tề Hoàn công. Vậy người tiện nữ ấy là ai?
Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Ông trị vì từ năm 685 TCN đến năm 643 TCN, tổng cộng 42 năm. Ông thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách Ngũ bá.
Năm 679 TCN, ông triệu tập các nước chư hầu để hội minh, trở thành vị Bá chủ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa thời Tiên Tần. Khi đó Hoa Hạ chư hầu bị áp chế bởi các chư hầu, Quản Trọng đã đề xuất Tôn vương Nhương di, Bắc kích Sơn Nhung, Nam phạt nước Sở, do đó Tề Hoàn công chân chính trở thành Trung Nguyên bá chủ, được Thiên tử nhà Chu phong thưởng và làm lễ chính thức.
Với sự nghiệp bá chủ thời Xuân Thu, Tề Hoàn công được nhìn nhận là nhà chính trị kiệt xuất thời cổ đại, biết cách sử dụng nhân tài để gây dựng sự nghiệp. Trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, Tề Hoàn công là vị vua ở ngôi lâu nhất và ở cương vị bá chủ chư hầu dài nhất (hơn 35 năm).
Trong thời kỳ nhà Chu suy yếu, ông vẫn chủ trương tôn thiên tử, trấn áp di địch, cứu trợ các chư hầu. Điều đó khiến ông được các chư hầu quy phục.
Tề Hoàn công có nhiều con trai. Trong 6 người con, ông lập công tử Khương Chiêu làm Thế tử. Khi đã già yếu, ông cùng Quản Trọng ủy thác Khương Chiêu cho Tống Tương công giúp đỡ.
Năm 643 TCN, Tề Hoàn công lâm bệnh nặng. Các công tử hợp bè đảng tranh vị, chẳng ai quan tâm đến phụ thân đang lâm bệnh. Bọn Dịch Nha, Thụ Điêu còn đưa Hoàn công vào giam trong tẩm cung, cho xây tường rào bao cung điện, không cho một ai được vào gặp.
Bọn Dịch Nha và Thụ Điêu còn giả thánh chỉ: “Ta đang bệnh nặng không ai được làm phiền đến ta”.
Hoàn công đang nằm ở trên giường, muốn dậy mà không được, mới lên tiếng gọi, cũng chẳng thấy ai thưa. Hoàn công mở to hai mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Bỗng nghe đánh xịch một tiếng, có người đẩy cửa sổ bước vào. Hoàn công mở to mắt nhìn xem ai thì ra đó là người tiện thiếp tên gọi Án Nga Nhi. Hoàn công nóì :
– Trong bụng ta thấy đói, chỉ muốn ăn cháo, nhà ngươi đi lấy cho ta.
Án Nga Nhi nói:
– Bây giờ lấy đâu cho được cháo!
Tề Hoàn công nói:
– Được chén nước nóng thì cũng đỡ khát.
Án Nga Nhi nói:
– Nước nóng cũng không lấy đâu được!
Tề Hoàn công hỏi:
– Tại sao thế?
Án Nga Nhi nói:
– Dịch Nha và Thụ Điêu làm loạn, nghiêm giữ cửa cung, đã đắp một bức tường cao ba trượng, làm cho trong ngoài ngăn cách, không giao thông với nhau được, còn ai đem được các thức ăn, thức uống vào đây !
Tề Hoàn công nói:
– Nhà ngươi làm thế nào mà vào được?
Án Nga Nhi nói:
– Thiếp chịu ơn chúa công thương đến vậy nên liều thân trèo qua tường vào đây, để được trông thấy chúa công lúc nhắm mắt.
Tề Hoàn Công nói:
– Thế tử Chiêu ở đâu?
Án Nga Nhi nói:
– Hai người ngăn cấm không cho thế tử vào cung.
Hoàn công than rằng:
– Trọng phụ ngày xưa thật là bậc thánh! Vì ta không minh, đến nỗi nên cơ sự này !
Nói xong, liền cố sức kêu lên một tiếng thật to rằng:
– Trời ôi! Ai ngờ ta đến nỗi này!
Hoàn công kêu luôn mấy tiếng, hộc máu ra đằng miệng, rồi bảo Án Nga Nhi rằng:
– Ta có sáu người vợ yêu và mười người con, mà không một người nào ở trước mặt cả, thành ra lúc ta chết chỉ có một mình nhà người; ta tiếc ngày xưa ta không biết trước mà trọng đãi nhà ngươi.
Án Nga Nhi nói :
– Chúa công cứ yên lòng, một mai có điều gì, thiếp xin tình nguyện chết theo chúa công.
Hoàn công than rằng :
– Ta chết xuống âm phủ, còn mặt mũi nào mà trông thấy Trọng Phụ nữa!
Nói xong, lấy vạt áo phủ vào mặt, rồi thở dài mấy tiếng mà chết. Án Nga Nhi thấy Hoàn cõng đã chết rồi, khóc lóc một hồi, muốn gọi người ngoài, nhưng tường cao, gọi bên ngoài cũng không nghe tiếng được; muốn trèo tường ra, thì phía trong tường không có chỗ nào mà bám chân, nghĩ quanh nghĩ quẩn, lại thở dài mà than rằng :
– Ta đã nói xin chết theo chúa công, thì ta phải chết, còn việc khâm liệm không dự gì đến ta cả.
Nói xong, liền cởi áo trùm lên thi thể Tề Hoàn công, bưng hai cánh cửa sổ mà đậy lại, rồi ngồi dưới chân giường, lạy mấy lạy mà khấn rằng:
– Xin linh hồn chúa công chớ đi xa vội, đợi thiếp theo cùng.
Khấn xong, đập đầu vào cột, vỡ óc ra mà chết. Đêm hôm ấy, đứa tiểu nội thị chui vào, trông thấy ở dưới chân cột, máu chảy lênh láng, có một cái thây người chết, giật mình kinh sợ, vội vàng bỏ ra, báo với Thụ Điêu và Dịch Nha rằng:
Chúa công đã đập đầu vào cột mà tự tử rồi !
Thụ Diêu và Dịch Nha không tin, sai bọn nội thị đục rộng tường ra, rồi hai người thân hành vào xem, thấy một thi thể đàn bà, thì giật mình sợ hãi. Trong đám nội thị có người nhận đước mặt Án Nga Nhi mới nói với Thụ Điêu và Dịch Nha rằng :
– Đây là thi thể của Án Nga Nhi.
Lại mở hai cánh cửa ở trên đầu giường, thấy thi thể Tề Hoàn công, không biết chết từ bao giờ.
Bấy giờ, các con của Hoàn công vẫn chỉ lo tranh nhau ngôi vị. Cuối cùng, công tử trưởng là Khương Vô Khuy tranh ngôi bị hại, công tử Chiêu được Tống Tương công ủng hộ lên làm vua, tức là Tề Hiếu công.
Do các con ông mải tranh chấp quyền lực, mãi tới tháng 12 năm 643 TCN tức là hơn 2 tháng sau khi mất (67 ngày), ông mới được làm lễ nhập quan và tới tháng 8 năm sau (642 TCN) mới được mai táng.
Điều kỳ lạ là sau khi mọi người làm lễ nhập quan cho Tề Hoàn Công, thi thể để đã lâu ngày, thịt nát cả ra, hôi thối không thể chịu được dòi bọ bò ra cả ngoài tường. Còn thi thể Án Nga Nhi thì vẫn tươi như lúc sống; một vị đại thần khen là một người đàn bà trung liệt, cũng sai người nhập quan cho nàng, sau được an táng bên cạnh Tề Hoàn Công.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long