Ngoài câu: “Trên ngựa Lâm Xung, xuống ngựa Võ Tòng” còn một câu nữa ít người biết đến
Trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc cổ đại, bằng tài năng, sức mạnh, lòng dũng cảm và tinh thần trượng nghĩa, nhiều anh hùng đã trở thành huyền thoại được truyền qua nhiều thời đại, vang danh tận đến ngày nay. Trong số đó, hai nhân vật Lâm Xung và Võ Tòng trong danh tác kinh điển Thủy hử có thể nói là hình tượng anh hùng tiêu biểu.
Du hành qua dòng sông dài thời gian, chúng ta trở về thời nhà Tống đầy biến động. Tại thời điểm này, nạn tham nhũng và bất công xã hội đã khiến nhiều anh hùng dấn thân vào con đường khởi nghĩa. Khi đó, câu chuyện về Lâm Xung và Võ Tòng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, hình thành nên lời ca ngợi: “Trên ngựa Lâm Xung, xuống ngựa Võ Tòng”.
Kỳ thật đằng sau câu nói này còn có một câu khác nhưng không có nhiều người trong thế gian biết đến. Tuy nhiên, có rất nhiều truyền thuyết về hai vị anh hùng này khiến người đời phải tò mò về họ.
Lâm Xung
Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về anh hùng Lâm Xung. Ông là nhân vật nổi tiếng nhất nhì trong tiểu thuyết nổi tiếng Thủy hử. Ở Lương Sơn Bạc, Lâm Xung là đầu lĩnh thứ sáu, được sao Thiên Hùng Tinh chiếu mệnh.
Lâm Xung có biệt danh rất độc đáo là “Báo tử đầu”. Đúng như tên gọi, ông nhìn đặc biệt sung sức: thân cao tám thước, đầu báo, mặt tròn, râu hùm, hàm én, rất giống Trương Phi.
Xuất phát điểm Lâm Xung vốn là một giáo đầu xuất sắc nhất tại thành Đông Kinh. Tinh thần của ông rất hào sảng, dũng cảm. Ông cũng là một người coi nhân nghĩa và tình huynh đệ.
Là một giáo đầu, đương nhiên không có gì để bàn luận về võ nghệ của Lâm Xung. Vũ khí mà ông sử dụng cũng rất lợi hại, nó là một chiếc xà mâu. Lâm Xung có kỹ thuật đánh xà mâu cực kỳ điêu luyện, thương pháp của ông cũng thuộc loại xuất quỷ nhập thần vang danh thiên hạ.
Lâm Xung làm việc dưới quyền Thái úy Cao Cầu – người mà về sau đã trở thành kẻ thù số một của các anh hùng Lương Sơn Bạc. Con trai nuôi của tham quan Cao Cầu là Cao Nha Nội, có tiếng là một tên tham dâm háo sắc.
Một ngày nọ, họ Cao vô tình nhìn thấy vợ của Lâm Xung, một giai nhân tuyệt sắc, Cao Nha Nội lập tức bị mê mẩn. Thật bất hạnh cho nàng khi trở thành người bị gã háo sắc tơ tưởng. Vốn là kẻ hèn hạ, trong lòng lại có dã tâm, Cao Nha Nội dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt nàng.
Lợi dụng lúc Lâm Xung vắng nhà, Cao Nha Nội âm mưu thực hiện kế hoạch để thỏa mãn mục đích đê tiện. Lâm phu nhân bị thất thân, vì quá tủi nhục nên đã chọn cái chết để bảo toàn danh tiết.
Nhận tin dữ, Lâm Xung vác vũ khí đến đòi lại lẽ phải cho vợ nhưng lại bị tên vô lại Cao Cầu ngăn chặn. Mặc dù rất đau khổ và tức giận nhưng Lâm Xung không thể làm được gì. Thế nhưng rắc rối này mới là khúc dạo đầu cho kiếp nạn còn tiếp diễn phía sau.
Vì Lâm Xung xúc phạm đến Cao Cầu nên bị bãi chức. Trong lúc trốn chạy tuyệt vọng, ông gia nhập với các anh hùng Lương Sơn Bạc, chặt đầu thủ lĩnh Vương Luân đố kỵ thiếu quyết đoán, sau đó ủng hộ anh hùng Tiều Cái lên làm thủ lĩnh của Lương Sơn.
Mặc dù Lâm Xung bị một bộ phận không nhỏ người chê cười là “kẻ nhụt chí” vì đã không xuống tay với kẻ đã hãm hiếp vợ của mình; tuy nhiên rất nhiều ý kiến khác lại cho rằng ông hoàn toàn xứng đáng với câu ví “trên ngựa Lâm Xung”.
Theo ghi chép, sau khi tới Lương Sơn và tấn công Chúc Gia Trang, Lâm Xung đã bắt sống Hổ Tam Nương trên ngựa.
Xem phim Thủy hử chúng ta đều biết, Hổ Tam Nương là một người nữ tướng tài giỏi. Về sau bà trở thành một trong những nữ anh hùng hiếm có của Lương Sơn Bạc. Người hạ gục được Hổ Tam Nương nhất định tài năng hơn bà.
Trước đây, khi Tống Giang đem quân đánh Chúc Gia Trang, Hổ Gia Trang sai Hổ Tam Nương vốn có hôn ước với Chúc Bưu của Chúc Gia Trang đi ứng cứu. Hổ Tam Nương đánh và bắt sống Vương Anh của quân Lương Sơn, nhưng khi đem quân truy kích Tống Giang, Hổ Tam Nương đã bị Lâm Xung bắt sống.
Trước đó, để gia nhập Lương Sơn, Lâm Xung cũng đã cùng danh tướng Dương Chí đánh nhau 50 hiệp không phân thắng bại. Thủ lĩnh Vương Luân thấy vậy liền can ngăn hai người và mời lên trại uống rượu. Dương Chí nể phục võ nghệ của Lâm Xung, nên tặng vàng bạc cho Vương Luân để hắn thu nhận ông.
Sau khi nhận lời chiêu mộ của Tống Giang, Lâm Xung xuất trận đã hạ gục rất nhiều danh tướng như Ngô Túc, Lưu Nguyên, Du Cảnh Thần và nhiều tướng lĩnh khác. Quả thật năng lực của Lâm Xung được xếp vào là hạng nhất. Hầu hết mọi người đều không phản đối tuyên bố này.
Như vậy, câu ví trên ngựa không ai bì được với Lâm Xung không có gì khó hiểu.
Võ Tòng
Có lẽ người không yêu thích truyện kiếm hiệp cũng biết về sự tích “Võ Tòng giết hổ trên đồi Cảnh Dương”. Người đấm chết hổ bằng tay không, thế gian chỉ có một người và đó là anh hùng Lương Sơn: Võ Tòng.
Anh hùng Võ Tòng cũng là một nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hử. Võ Tòng cũng xuất hiện trong Kim Bình Mai – một tác phẩm dựa trên một chương chuyện của Thủy hử, và một số tác phẩm khác. Võ Tòng nguyên là thủ lĩnh núi Nhị Long và sau này tụ nghĩa ở Lương Sơn Bạc.
Khi ở Lương Sơn, Võ Tòng là đầu lĩnh thứ mười bốn, được sao Thiên Thương Tinh chiếu mệnh. Do ảnh hưởng của Thủy hử, trong một thời gian dài Võ Tòng được xem là một nhân vật hư cấu. Tuy nhiên, về sau, dựa trên một số bằng chứng, các nhà nghiên cứu đã xác nhận ông là một nhân vật có thật trong lịch sử.
Võ Tòng mồ côi cha mẹ và được anh trai nuôi nấng, dạy dỗ. Ông là người tráng kiện, oai hùng, mắt sáng như sao, mày ngài, ngực rộng, cơ bắp cuồn cuộn, cao tám trượng. Lúc trưởng thành Võ Tòng có võ nghệ cao cường, thường hay uống rượu, thích hành hiệp trượng nghĩa, nổi tiếng là người có nghĩa khí.
Trong lúc say, do bất hoà với một quản sự phòng cơ mật của huyện Thanh Hà, Võ Tòng đã đấm ông ta một cú. Người đó lăn ra bất tỉnh, ông nghĩ mình đã giết người nên bỏ trốn đến quận Hoành Hải, nương nhờ Sài Tiến – hậu duệ của Chu Thế Tông Sài Vinh. Khi biết tin quản sự chưa chết nên định tính quay về quê tìm anh trai, nhưng ông lại bị bệnh sốt rét nên chưa về được.
Cùng thời điểm này, anh em Tống Giang và Tống Thanh cũng đến gia trang của Sài Tiến. Hai người đã chăm sóc bệnh tình cho Võ Tòng, biết ông chính là Tống Công Minh ở Vận Thành, họ đã cùng nhau kết nghĩa anh em. Đến khi Võ Tòng khoẻ lại, cả ba người rời khỏi nhà Sài Tiến và hẹn ngày tái ngộ.
Trên đường về quê thăm anh, khi đi ngang qua huyện Dương Cốc, Võ Tòng ghé vào một quán rượu, bên ngoài quán ghi một câu là: “Uống ba chén không nên qua đồi”. Võ Tòng vốn thích rượu, thấy dòng chữ này cảm thấy rất khó chịu. Ông hỏi lý do thì chủ quán kể rằng, trên đồi Cảnh Dương có con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người, cho nên ai uống quá say không nên đi qua đó. Võ Tòng nghe vậy rất phẫn nộ, uống một mạch hết rượu trong quán.
Chiều hôm đó, Võ Tòng trong cơn say, một mình cầm gậy lên đồi tìm hổ. Sớm hôm sau gặp hổ, ông cầm gậy vờn với nó đến tối. Đến lúc trời chạng vạng sáng, sau khi dùng nhiều mưu kế mà không được, ông vứt gậy, một tay vật con hổ chúi đầu xuống đất, một tay đấm, con hổ vỡ đầu chết tươi. Nhờ chuyện này Võ Tòng được huyện lệnh của vùng phong chức Đô đầu.
Khi nói đến người có quyền pháp thô bạo nhất, gây sát thương mạnh nhất trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, chắc chắn người đó là Võ Tòng.
Bởi những lý do trên, câu ví “trên ngựa Lâm Xung, dưới ngựa Võ Tòng” không có gì để bàn cãi. Nó đã được truyền bá trong nhân gian lâu như vậy chắc chắn có lý do xứng đáng. Tuy nhiên, đằng sau câu nói này còn có một câu khác mà ít người biết, đó là “thà chọc tức Võ Tòng còn hơn Lâm Xung”.
Theo nghĩa gốc, tức là thà chọc tức Võ Tòng còn hơn động chạm đến Lâm Xung. Xét về tính cách và đặc tính thì hai người không giống nhau, xét về quyền pháp cũng khác biệt.
Tính khí của Võ Tòng nóng nảy, manh động, nắm đấm của Võ Tòng mạnh đến đáng sợ nhưng vẫn có cách để đối phó vì có thể thỏa hiệp. Còn với Lâm Xung, đúng như câu ví, không nên chọc tức ông. Mặc dù Lâm Xung không ngay lập tức chém chết Cao Nha Nội, nhưng ông đã đứng về phía chính nghĩa để lật đổ cả một tập đoàn quan quyền hủ bại trong đó có cả lão Cao Cầu. Lâm Xung đúng như câu nói “anh hùng nuôi chí lớn” và “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”.
Về sức mạnh, Võ Tòng mạnh hơn Lâm Xung. Dù sao Võ Tòng cả đời đều luyện võ. Phần lớn ông dùng nắm đấm trực tiếp hạ gục đối thủ. Trong khi Lâm Xung có nội tâm thâm sâu hơn, ông có mưu tính và giỏi dùng chiến thuật. Lâm Xung là người có học thức, lại có thâm niên làm quan, do đó ông tháo vát hơn Võ Tòng. Động vào Lâm Xung nếu không sớm thì muộn kẻ đó cũng bị ông xử lý.
Câu nói “thà chọc tức Võ Tòng còn hơn Lâm Xung” cũng đả khai được hiểu nhầm của nhiều người về một Lâm Xung “hèn nhát”. Âu đó chỉ là thời cơ chưa chín mồi nên Lâm Xung đành phải nuốt hận vào trong.
Hầu hết mọi người đều công nhận rằng, những anh hùng tên tuổi vang danh thiên hạ, đã đi vào sử sách như huyền thoại vĩnh cửu, thứ nhất họ đều là người dũng mãnh, gan dạ, chính nghĩa và hướng thiện. Kỳ thực, về sau, Võ Tòng đã xuất gia tu Phật, Lâm Xung mắc bệnh nặng cũng buông bỏ thế sự theo bằng hữu nương nhờ cửa Phật.
Nguồn: Soundofhope (Lý Tĩnh Nhu).