Người có phúc không cần toan tính, kẻ vô phúc tính cũng bằng không

hnavnde

Hán Văn Đế không có tham vọng làm hoàng đế nhưng lại được kế vị ngai vàng. Dân gian có câu: “Người có phúc không cần toan tính, kẻ vô phúc tính cũng bằng không”.

Những năm gần đây, thể loại phim cung đấu kể về các cuộc đấu đá khốc liệt chốn thâm cung, khiến người ta lầm tưởng rằng chỉ những kẻ tranh tranh đấu đấu, không từ thủ đoạn nào mới có thể lên làm hoàng đế. Nhưng lịch sử chân thực lại cho chúng ta thấy rằng, càng hao tâm tổn sức, càng rắp tâm tính kế thì trái lại, lại càng không đạt được. Điều ấy cũng giống như câu ngạn ngữ: Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không thì chẳng thể cưỡng cầu.

Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, triều đình nhà Hán đã trải qua những tháng ngày rối ren tưởng như không có hồi kết: Hán Cao Hậu Lã Trĩ chuyên quyền nhiếp chính, giết hại các hoàng tử và phi tần, đồng thời khắc chế thế lực họ Lưu. Sau khi Lã Hậu qua đời, các đại thần và tôn thất họ Lưu bắt đầu nổi dậy tiêu diệt phe cánh họ Lã, gây nên “Loạn chư Lã” nổi tiếng trong lịch sử. Mãi đến khi Hán Văn Đế Lưu Hằng lên ngôi, triều đình mới trở lại thanh bình.

Hán Văn Đế lên kế vị là dựa vào Thiên mệnh, ông hoàn toàn không có tham vọng, không phí tận tâm cơ tranh giành vương vị, cũng không tốn công mưu cầu mà cuối cùng vẫn đắc được.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Dưới đây là câu chuyện “không muốn làm hoàng đế mà vẫn làm hoàng đế” của Lưu Hằng và mẫu thân ông – Bạc Cơ phu nhân.

Hán Văn Đế tên thật là Lưu Hằng, mẹ ông là Bạc Cơ, một phi tần không được Lưu Bang sủng ái.

Vào những năm cuối thời nhà Tần, thiên hạ rối ren loạn lạc, khắp nơi xảy ra các cuộc tranh giành tạo phản, trong đó có một người tên là Ngụy Báo, tự phong cho mình làm Ngụy vương. Trong gia tộc họ Ngụy có một người phụ nữ tên là Ngụy Ảo. Ngụy Ảo lấy chồng họ Bạc và sinh ra một người con gái, nàng chính là Bạc Cơ. Sau này, Bạc Cơ được đưa vào Ngụy phủ và trở thành tiểu thiếp của Ngụy vương Báo.

Đương thời, trong dân gian có một nữ nhân là bậc thầy tướng số nổi tiếng, đó chính là Hứa Phụ. Hứa Phụ biết xem tướng, giỏi số mệnh, hết thảy những điều bà tiên đoán đều linh nghiệm. Bà Ngụy may mắn gặp được Hứa Phụ, liền thỉnh cầu Hứa Phụ xem tướng cho con gái mình là Bạc Cơ. Hứa Phụ nói rằng Bạc tiểu thư là bậc đại quý nhân, sau này ắt sinh ra thiên tử.

thien tu
(Tranh: Leo-BM/NTDVN)

Ngụy Báo hay tin thì vô cùng mừng rỡ, ông thầm nghĩ: “Bạc Cơ là ái thiếp của ta, thiên tử mà nàng sinh ra chẳng phải cũng chính là con trai ta sao? Nếu con trai ta lên làm thiên tử, vậy thì ta là gì? Chẳng phải ta là cha của thiên tử, là thái thượng hoàng đó sao?”

Từ đó, Ngụy Báo không còn an phận nữa mà bắt đầu khởi dã tâm. Nếu như trước kia cánh quân của Ngụy Báo phụ thuộc vào Lưu Bang thì giờ đây ông ta liền phân khai, hơn nữa còn bí mật hợp lực với Hạng Vũ cùng đánh Hán. Lưu Bang bèn phái Hàn Tín dẫn quân đến đánh, quân Ngụy đại bại, toàn bộ thê thiếp của Ngụy vương Báo cũng bị đưa về hậu cung nhà Hán.

Chỉ sau một đêm Bạc Cơ từ ái thiếp của quân vương bỗng biến thành tỳ nữ, bị đưa vào phường dệt vải, ngày đêm làm bạn với khung cửi, thoi đưa.

Bạc Cơ ngày ngày đều phải dệt vải, dệt đến mức hai tay tê dại. Mỗi lần nhớ đến lời tiên tri của Hứa Phụ, trong tâm nàng không khỏi cảm thấy chua chát, nực cười: “Ta còn có thể sinh ra thiên tử nữa sao? Số mệnh của ta khó có thể bảo toàn, những ngày dài đằng đẵng như thế này biết đến bao giờ mới kết thúc? Ta còn trông chờ được gì nữa đây?”

Một ngày nọ, sau một ngày dài làm việc mệt nhọc, Bạc Cơ thấy một con thiên long từ trời giáng xuống rồi bay thẳng tới trước mặt quấn quýt bên nàng. Bạc Cơ kinh hãi tỉnh dậy, mới biết thì ra là giấc mộng. Thiên long giáng hạ, chẳng hay là điềm báo chi đây? Nàng ngây dại ngồi đó ngẩn ngơ một hồi, chợt nhớ đến hai người bạn thân khi còn ở trong cung nhà Ngụy, không biết giờ đây họ đang ở phương nào? Ngày xưa ấy, nàng và hai người bạn từng phát thệ rằng: “Nếu được phú quý, xin đừng quên nhau”. Từ ngày vào cung Hán nàng không còn nghe tin tức gì về họ, không biết hiện giờ họ ra sao?

Hai người bạn mà Bạc Cơ nghĩ đến từng là thị thiếp trong cung của Ngụy Báo, một người là Quản phu nhân, người còn lại là Triệu Tử Nhi. Ba người bạn thân thiết gắn bó bên nhau, đã từng nắm tay hứa với nhau rằng: Trong ba người, cho dù ai được phú quý trước thì xin đừng quên những người còn lại. Đến nay, cả Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi đều được sủng hạnh, ngày đêm ở trong cung hầu hạ Lưu Bang.

Một ngày, Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi cùng nhau đàm luận chuyện cũ, chợt nhớ đến lời ước hẹn năm xưa, họ cười cười nói nói chế giễu Bạc Cơ. Câu chuyện này tình cờ lọt vào tai Lưu Bang, ông liền hỏi lại ngọn ngành. Lưu Bang nghe xong cảm thấy có chút thê lương, trong lòng không khỏi thương xót Bạc Cơ. Đêm ấy, ông đã cho triệu kiến Bạc Cơ.

Bạc Cơ được đưa vào tẩm cung, cảm thấy muôn phần kinh ngạc. Nàng thầm nghĩ: “Lẽ nào giấc mộng đêm qua đã ứng nghiệm? Xưa nay người ta vẫn nói thiên tử là chân long giáng thế, có lẽ nào…?”

Không ngờ chỉ sau một đêm sủng hạnh, Bạc Cơ liền mang thai. Sau chín tháng mười ngày nàng sinh hạ một tiểu hoàng tử và đặt tên là Lưu Hằng, cũng chính là Hán Văn Đế sau này.

Nhưng từ sau đêm định mệnh ấy, Lưu Bang đã không còn nhớ đến Bạc Cơ nữa. Bạc Cơ bị bỏ rơi, chịu đối xử lạnh nhạt, nàng chỉ yên phận một mình trong chốn hậu cung chăm sóc con trai Lưu Hằng. Bạc Cơ vốn là người tri thư đạt lý, trong những ngày ở hậu cung dạy con trai đọc sách, nàng cũng tự mình đọc thi thư, đặc biệt là các sách về thuật Hoàng Lão (tức Đạo giáo).

Nàng cảm thán cho số mệnh hẩm hiu của bản thân, nhưng vẫn tin tưởng sâu sắc rằng: “Vô vi nhi vô bất vi” (không làm gì mà không gì là không làm). Trong lòng vô dục vô cầu, sống cuộc sống nhân sinh điềm đạm, không ham muốn, chẳng truy cầu, trải qua một cuộc đời an nhiên lặng lẽ. Nàng đã đem tất cả tâm huyết và cách nhìn nhân sinh ấy để nuôi dạy con trai khôn lớn trưởng thành.

Nhờ sự giáo dục của mẹ, Lưu Hằng từ nhỏ đã là người nhân đức, đôn hậu, và đặc biệt luôn tận hiếu với mẫu thân. Trong “Nhị thập tứ hiếu”, tấm gương đầu tiên về lòng hiếu thảo chính là Hán Văn Đế Lưu Hằng. Khi mẫu thân của ông là Bạc thái hậu đổ bệnh, ông đích thân hầu hạ thuốc thang. Trước mỗi lần mẫu thân uống thuốc, ông lại tự mình nếm trước, sau đó mới yên tâm bưng thuốc mời mẫu thân. Mẫu thân đổ bệnh, ông túc trực chăm sóc đến quên ăn quên ngủ. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua nhưng tấm gương hiếu hạnh của Hán Văn Đế vẫn còn được truyền tụng đến ngày nay.

han
Hán Văn Đế nếm thuốc (Ảnh: Liang Yannian / Wikipedia)

Hoàng tử Lưu Hằng được phong làm quân vương đất Đại khi mới tròn 7 tuổi. Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang băng hà, Lã Hậu chuyên quyền độc đoán, thẳng tay đàn áp gần như tất cả các hoàng tử do phi tần thê thiếp của Lưu Bang sinh ra. Phàm là các phi tần được Lưu Bang sủng hạnh thì đều bị giam cầm, giết hại. Thích phu nhân là ái thiếp được Lưu Bang yêu chiều nhất, cũng là người bị hãm hại tàn khốc nhất, bị biến thành “nhân trệ” (người heo), sau đó lại bị giết hại vô cùng thê thảm.

Duy chỉ riêng Bạc Cơ là không được sủng hạnh, thường ngày nàng vẫn khiêm nhường nhún mình trước người khác, không can dự thị phi, không có dã tâm tham vọng, nên không chỉ mẹ con được bình an, mà còn được Lã Hậu ân chuẩn cho phép xuất cung, theo con trai đến đất phong là nước Đại. Lưu Hằng làm Đại vương, Bạc Cơ cũng trở thành thái hậu của Đại quốc. Hai mẹ con yên phận một góc trời, cánh xa chốn cung đình đầy thị phi nhà Hán.

Đại quốc là hoang mạc xa xôi nằm ở phía tây bắc tiếp giáp với Hung Nô, là vùng đất nghèo nàn cằn cỗi mà không một vương tôn công tử nào nguyện ý lui tới đây. Nhưng chính tại nơi này, Lưu Hằng được sống những tháng ngày bình yên. Nước Đại nhờ có Lưu Hằng mà quốc thái dân an, bách tính được an cư lạc nghiệp, mẫu từ tử hiếu, dân chúng sống những tháng ngày an lạc yên vui.

han van
Hán Văn Đế Lưu Hằng (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi Lã Hậu qua đời, phe cánh dòng họ Lã bị tru sát, các đại thần bèn bàn bạc nên lập ai làm hoàng đế. Hơn chục năm qua, triều thần vẫn còn nỗi ám ảnh trước sự chuyên chế bạo ngược của Lã Hậu, họ cho rằng nếu gia tộc ngoại thích có thế lực sẽ mang đến mối nguy hiểm cự đại. Vậy nên, cách tốt nhất là chọn một hoàng tử mà gia tộc mẫu thân không có thế lực lớn mạnh lên làm quân vương.

Xem khắp trong những hoàng tử còn sống sót của tiên đế, duy chỉ có Lưu Hằng là người nhân đức, trung hậu, lại có hiếu, hơn nữa gia tộc họ Bạc không lớn mạnh, thái hậu Bạc Cơ lại nổi tiếng hiền đức. Do đó, Lưu Hằng cũng tự nhiên trở thành ứng viên lý tưởng cho ngôi vị hoàng đế. Sau đó các đại thần cử người tới đất Đại nghênh đón Đại vương Lưu Hằng về Trường An.

Lưu Hằng nhiều lần từ chối, lấy lý do là bản thân mình đức mỏng không xứng với danh vị. Nhưng các đại thần vẫn kiên trì đến khấu đầu thỉnh cầu, cuối cùng Lưu Hằng mới nhận lời đăng cơ kế vị, trở thành Hán Văn Đế.

Hán Văn Đế tại vị 23 năm, nổi tiếng là một bậc minh quân hiền đức. Ông đã thiết lập và cai trị nhà Hán trở thành một cường quốc thái bình thịnh trị, mở ra thời kỳ “Văn Cảnh chi trị” huy hoàng trong lịch sử. Sau khi Hán Văn Đế qua đời, thái tử Lưu Khải lên kế vị trở thành Hán Cảnh Đế, tôn tổ mẫu Bạc Cơ làm Thái hoàng Thái hậu. Bạc Cơ sống yên bình đến năm 155 TCN thì qua đời, thi thể được an táng tại Nam Lăng.

Bạn đọc thân mến, trên đây là câu chuyện có thực trong lịch sử. Hán Văn Đế không có dã tâm làm quân vương nhưng lại được lên làm hoàng đế. Kỳ thực đó chính là Thiên mệnh, Thượng Thiên đã có an bài mà sức người dẫu muốn cải biến cũng không thể làm được. Tục ngữ có câu: “Hữu phúc chi nhân bất dụng mang, vô phúc chi nhân bão đoạn tràng”, người có phúc không cần toan tính, chẳng cần vội vàng, còn kẻ vô phúc thì dẫu có bôn ba tính toán, cuối cùng cũng chỉ là không.

Nguồn: ntdvn

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: