Người này đã bày mưu loại bỏ Đặng Ngải, Chung Hội và Khương Duy nhưng cuối cùng lại chết dưới tay một người phụ nữ
Ở cuối thời kỳ Tam Quốc có 3 nhân vật kỳ tài hiếm hoi là Đặng Ngải, Chung Hội và Khương Duy. Tuy nhiên, điều bất ngờ là cả 3 nhân vật này cuối cùng lại chết dưới tay Vệ Quán, một nhân vật không mấy nổi bật trong Tam quốc. Vậy thì làm thế nào mà nhân vật nhỏ bé này đã từng bước hạ gục cả 3 danh tướng nổi tiếng đó?
Đặng Ngải và Chung Hội là người của chính quyền Tào Ngụy, còn Khương Duy là người của chính quyền Thục Hán. Đặc biệt là Khương Duy, ông thực sự là trụ cột của nhà Thục Hán.
Vệ Quán xuất thân từ gia tộc Tào Ngụy. Ông ra đời trong gia đình quan lại, cha là Vệ Ký giữ chức thượng thư nhà Tào Ngụy. Họ Tư Mã trở thành quyền thần thao túng nhà Ngụy. Vệ Quán hành sự thận trọng, nghiêm túc, được mọi người trong triều kính trọng.
Năm 260, Ngụy Nguyên đế Tào Hoán lên ngôi, Vệ Quán được thăng làm Thị trung, rồi chuyển sang làm Đình úy khanh. Ông được quyền thần Tư Mã Chiêu tin cậy và trọng dụng. Tuy nhiên, Vệ Quán chỉ nắm trong tay 1000 binh sĩ, trong khi Chung Hội và Đặng Ngải mới là người nắm giữ thực quyền. Sau khi chiến thắng, Đặng Ngải cho rằng mình lập công lớn nên rất ngạo mạn. Vệ Quán cảm thấy rằng người này tương lai sẽ gây họa nên xúi giục Chung Hội bắt giữ Đặng Ngải.
Năm thứ hai, để chấn hưng triều Hán, Khương Duy kích động Chung Hội cử binh tạo phản. Chung Hội biết Vệ Quán trung thành với Tào Ngụy nên ép Vệ Quán phải theo mình. Vệ Quán bề ngoài giả vờ đồng ý nhưng lại bí mật triệu tập quân mã thảo phạt Khương Duy và Chung Hội.
Cuối cùng, Khương Duy và Chung Hội bại trận, bị quân đội Tào Ngụy chém chết, Vệ Quán lại một lần nữa chiến thắng. Các tướng sĩ dưới quyền Đặng Ngải thấy Chung Hội và Khương Duy chết vội đuổi theo xe tù chở cha con Đặng Ngải, đánh cướp lấy và cứu Đặng Ngải, Đặng Trung ra. Vệ Quán ở Thành Đô sợ Đặng Ngải thù mình việc bắt giữ, bèn sai Điền Tục mang quân đánh giết họ Đặng. Điền Tục đánh bại quân bản bộ của Đặng Ngải và giết chết cha con họ Đặng ở phía tây Miên Trúc.
Như vậy, cả Đặng Ngải, Chung Hội và Khương Duy đều bị Vệ Quán đa mưu túc trí loại bỏ. Do lập công dẹp loạn ở Thục, Vệ Quán được triều đình rất ca ngợi và định trọng thưởng, nhưng ông không nhận, quy công cho các tướng sĩ. Cuối cùng triều đình phong ông làm Đô đốc Quan Trung, Trấn tây tướng quân; sau đó thăng làm Trấn đông tướng quân, Miên Dương hầu.
Năm 265, con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm giành ngôi nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn. Vệ Quán trở thành công thần khai quốc nhà Tấn. Ông được thăng lên tước công, làm Thứ sử Thanh châu, sau đó kiêm thêm chức Chinh đông Đại tướng quân, Thanh châu mục. Con trai ông cũng được kết hôn với công chúa.
Mâu thuẫn trong cung
Tấn Vũ Đế kén vợ cho thái tử Tư Mã Trung, muốn chọn con gái Vệ Quán cho thái tử. Dương hoàng hậu khuyên nên lấy con gái đại thần khác là Giả Sung làm con dâu. Vũ Đế không đồng tình vì cho rằng con gái Vệ Quán xinh đẹp, trắng trẻo, giỏi giang, đông con; trong khi nhà họ Giả xấu xí, lùn đen, hay ganh ghét. Do Dương hoàng hậu nài nỉ nhiều lần, cuối cùng Tấn Vũ Đế đồng ý, cho Tư Mã Trung lấy con gái Giả Sung là Giả Nam Phong.
Thái tử Trung vốn là người đần độn, Vệ Quán lo lắng cho cơ nghiệp nhà Tấn sau này, nên định đề nghị vua thay Thái tử, nhưng không tiện nói thẳng. Vì vậy ông vờ say rượu, vỗ lên ngai vàng của Vũ Đế nói rằng chỗ đó thật đáng tiếc. Tấn Vũ Đế tuy hiểu dụng ý can ngăn của ông, nhưng lờ đi như không biết. Thái tử phi là Giả Nam Phong biết chuyện, rất hận thù Vệ Quán.
Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế, còn Thái tử phi Giả Nam Phong lên làm Hoàng hậu. Do vua mới đần độn nên toàn bộ việc triều chính đều do ngoại thất nhà Giả Nam Phong kiểm soát.
Vì mối hận thù từ trước, cùng với việc khao khát quyền lực nên Giả Nam Phong ra lệnh cho Sở Vương Tư Mã Vĩ bắt giữ Vệ Quán, không cho Vệ Quán can thiệp vào quyền lực độc tôn của bà.
Vệ Quán nhận ra tình hình đã trở nên tồi tệ và không thể phản kháng, cuối cùng Vệ Quán cùng với con cháu, tất cả chín người đều bị Tư Mã Vĩ giết chết. Lúc này Vệ Quán thọ 72 tuổi.
Vệ Quán là người có tài mưu lược, bày mưu giết chết được cả Đặng Ngải, Chung Hội và Khương Duy nhưng cuối cùng lại phải chết dưới tay một người phụ nữ trong cung. Quả là đáng tiếc!
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)