Người phụ nữ không nên quá an dật
Ngày nay, có nhiều cô gái trẻ hy vọng tương lai được gả vào gia đình khá giả để thụ hưởng cuộc sống nhàn hạ. Tuy nhiên, sống quá an dật không phải là chuyện tốt.
Cụm từ “an dật” thường được sử dụng trong kinh điển Phật giáo từ các bản dịch chữ Hán. Chữ ‘an’ (安) nghĩa là an yên, an toàn, ổn định. Nhưng chữ ‘an’ đi cùng với chữ ‘dật’ (逸) lại biểu thị trạng thái, tâm tính không tốt lành, với ý nghĩa ẩn dật, nhàn rỗi, buông thả. Chữ dật trong phóng dật, dễ dẫn đến những chuyện lầm lỗi.
Bà Kính Khương dạy con
Trong ‘Liệt Nữ Truyện’ có câu chuyện ‘Kính Khương dạy con’, nội dung như sau: vào một ngày, Công Văn Bá làm quan ở nước Lỗ trở về nhà, nhìn thấy mẹ của mình đang dệt vải thì nói: “Gia đình nhà ta thế này mà mẹ còn phải dệt vải nữa hay sao? Mẹ cho rằng con không thể hầu hạ mẹ được sao?”
Bà Kính Khương nghe con trai nói vậy thì ngừng dệt vải, quay ra trả lời: “Con người lao động thì có suy tư, suy tư thì sinh thiện niệm. Còn như phóng dật thì ắt sẽ dâm, đã dâm thì sẽ quên điều thiện, quên điều thiện thì ác tâm sẽ sinh.
Trên từ Thiên tử, chư Hầu, tam Công, cửu Khanh, dưới cho đến lê dân bá tánh đều cần phải lao động, hoặc là lao tâm, lao lực thì nền chính trị mới trong sáng, nhân dân an hòa, quốc gia thịnh vượng. Đây chính là nền tảng của việc trị quốc, an dân”.
Mẹ của Công Văn Bá đã dạy cho ông chân lý rất mộc mạc, cần cù chăm chỉ thì đất nước mới hưng thịnh, phóng dật, lười nhác thì người bại, nước vong.
Làm người không nên quá an dật, đặc biệt là người phụ nữ. Cho dù gia đình có điều kiện, người phụ nữ cũng cần dưỡng thành nề nếp siêng năng. Tự bản thân có thể bài trí, dọn dẹp, chăm sóc tổ ấm là tốt nhất.
Người phụ nữ sau khi đọc sách thì chăm chỉ việc nhà tức là đã thực hành lời dạy của thánh hiền. Dụng tâm vào công việc thì dục vọng không khởi, chế phục được các phiền não, dẹp bỏ những tập khí bất thiện.
Nguy hại của việc quá nhàn rỗi
Thông thường, con người khi phải lo toan kinh tế, họ đều dồn hết tâm sức nỗ lực lao động. Rất nhiều cặp vợ chồng trong quá trình chịu đựng vất vả thì có thể chung sống hạnh phúc. Nhưng sau khi có nhà cửa và kinh tế dư giả thì lại sinh ra cãi vã. Vì sao lại xuất hiện tình trạng này?
Bởi lúc này, họ có quá nhiều thời gian nhàn rỗi, nên nghĩ đến những chuyện không nên nghĩ, nói những lời không nên nói, khiến quan hệ vợ chồng bất hoà, rạn nứt.
Cho nên, nếu điều kiện gia đình khá giả, người phụ nữ nên dành thời gian đọc sách, nuôi dưỡng tâm thuần thiện. Bởi phụ nữ lương thiện thì gia đạo êm ấm. Ngoài ra, phụ nữ cần chăm sóc nhà cửa và để tâm vào việc giáo dục con cái. Nếu con cái đã trưởng thành, yên bề gia thất, người phụ nữ có thể làm thêm các việc thiện tạo phúc cho người, tích đức cho mình.
Phép tắc làm người phụ nữ thời xưa không phải là không còn phù hợp với phụ nữ trong xã hội ngày nay. Bởi thời đại nào, trong gia đình cũng cần những người phụ nữ biết tu thân, có tài có đức. Người đàn ông nào lại không mong muốn có được một người vợ vừa khiêm tốn, nhu thuận, đảm đang các việc mà lại biết an phận? Nếu gia đình nào cũng có những người phụ nữ đức hạnh như vậy thì thiên hạ làm sao có thể không an ổn, thái bình?
Nguồn: Truyền Thống.