Blog
Người thổi sáo thành Hamelin – Câu chuyện rùng rợn về vụ mất tích của 130 đứa trẻ
Người thổi sáo thành Hamelin là câu chuyện cổ tích về cái giá phải trả cho sự vô ơn. Tuy nhiên, dường như rất ít người biết rằng câu chuyện trên có ẩn chứa những sự kiện có thật.
- Nhà phát minh người Ý tin rằng vòng tròn đồng ruộng là mô hình tạo ra năng lượng miễn phí
- Khám phá nguồn gốc thực sự của Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn
- Xác chết đột nhiên tỉnh lại, kể cho bác sĩ nghe một sự thật kinh hoàng
Câu chuyện người thổi sáo ma thuật
Rất nhiều thế hệ đã được nghe kể về câu chuyện người thổi sáo ma thuật đã bắt cóc hơn 100 đứa trẻ. Người ta xem đó là câu chuyện răn dạy đạo đức, khuyên trẻ con nên giữ lời và biết ơn kẻ khác. Thế nhưng, có vẻ như đằng sau câu chuyện bí ẩn này còn ẩn giấu nhiều sự kiện lịch sử khá rùng rợn khác nữa.
Câu chuyện người thổi sáo thành Hamelin
Khi nào, Io! Lúc họ đến bên sườn núi,
Một cảnh cổng diệu kỳ mở rộng,
Cứ như thể cái hang đột nhiên bị khoét sâu;
Và người thổi sáo đi trước, lũ trẻ theo sau,
Thế rồi tất cả bước cho đến kẻ cuối cùng,
Cánh cửa trên sườn núi vụt đóng lại.
Đoạn thơ của Robert Browning trong tác phẩm The Pied Piper of Hamelin: A Child’s Story đã tóm tắt lại câu chuyện cổ tích kỳ quái này. Chuyện kể rằng vào khoảng năm 1284, thị trấn Hamelin ở Hạ Saxony, Đức xảy ra nạn chuột hoành hành. Chúng cắn phá các kho chứa ngô, lúa mì… Vì thế, thị trưởng ở đây đã treo giải thưởng 1000 đồng guider vàng cho ai đuổi được chuột.
Ngay ngày hôm sau, có một thanh niên ăn bận sặc sỡ đến ngỏ ý sẽ đuổi chuột giúp người dân trong thị trấn để nhận thưởng. Anh ta dùng âm nhạc dẫn dụ lũ chuột ra khỏi Hamelin. Tuy nhiên, khi đã sạch chuột, người dân trong thị trấn lại nuốt lời. Thay vì trả 1000 đồng vàng như đã hứa, thị trưởng lại chỉ trả 50 đồng.
Sự bội bạc và vô ơn của người dân lẫn thị trưởng khiến người thổi sáo rời đi trong giận dữ, anh ta thề rằng sẽ trả thù họ. Vào ngày 26 tháng 7 năm đó, người thổi sáo quay lại Hamelin và dẫn lũ trẻ đi mất dạng, giống như đã làm với lũ chuột.
Cả thị trấn chỉ còn sót lại một hoặc ba đứa trẻ, tùy từng phiên bản kể. Một đứa bị què không thể đuổi kịp, đứa khác bị điếc không nghe được gì và đứa còn lại bị mù nên không thấy những đứa trẻ khác đi đâu.
Một sự kiện có thật trong lịch sử
Ghi chép được biết đến sớm nhất về câu chuyện này đến từ chính thị trấn Hamelin. Nó được miêu tả trong một bức tranh kính trên cửa sổ ở nhà thờ Hamelin, chế tác vào khoảng năm 1300 SCN.
Dù đã bị phá hủy vào năm 1660, nhưng nhiều nguồn ghi chép vẫn còn sót lại. Văn bản cổ nhất nhắc đến sự việc là bản thảo của Lueneburg (1440-50), với những lời thuật như sau:
“Vào năm 1284, vào lễ Thánh John và Thánh Paul ngày 26 tháng 6, một người thổi sáo, ăn mặc sặc sỡ màu mè, đã dẫn dụ 130 trẻ em sinh ra ở Hamelin và biến mất ở nơi hành quyết gần ngọn đồi”.
Một mục cập nhật năm 1394 trong sổ sách của thị trấn Hamelin cũng ghi lại ngắn gọn “Đã 100 năm kể từ khi con cháu chúng ta ra đi”.
Con phố được cho là nơi lũ trẻ xuất hiện lần cuối được gọi là Bungelosen Strasse (phố không có trống), vì không ai được phép chơi nhạc hay nhảy múa ở đó. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là không có bất kỳ ghi chép nào đề cập đến chuột hay nạn chuột phá kho trong tất cả các nguồn tài liệu này.
Những giả thuyết rùng rợn về số phận lũ trẻ thành Hamelin
Nếu lũ trẻ không biến mất vì người thổi sáo báo thù như truyện cổ tích viết, vậy thì chuyện gì đã xảy ra với chúng? Có rất nhiều giả thuyết giải thích cho câu chuyện:
– Lũ trẻ không bỏ đi mà thật ra đều qua đời trong dịch bệnh Cái Chết Đen và người thổi sáo là ẩn dụ cho tử thần. Tuy nhiên, giả thuyết này không thuyết phục về mặt thời gian, vì Cái Chết Đen xảy ra nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 1348 – 1350, tức là hơn nửa thế kỷ sau sự kiện ở thành Hamelin.
– Lũ trẻ không bị ai dụ dỗ mà bị chính cha mẹ gửi đi vì hoàn cảnh nghèo đói.
– Lũ trẻ tham gia vào những cuộc thập tự chinh trẻ em và tất cả đều đã bỏ mạng ở khu vực tương ứng với Romani ngày nay.
– Một giả thuyết khác, tươi sáng hơn, đó là lũ trẻ gắn với chuyến di cư của một vài người Đức đến các thuộc địa ở Đông Âu. Và người thổi sáo với bộ dạng lòe loẹt, sặc sỡ đóng vai trò như người chiêu mộ, chịu trách nhiệm tổ chức cuộc di cư.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng sự kiện tại Hamelin có liên quan đến chứng “cuồng nhảy múa” vốn được ghi nhận ở châu Âu vào khoảng từ thế kỷ 14 đến 17. Hầu hết nạn nhân đều được miêu tả là “nhảy múa cuồng loạn trên đường phố trong nhiều giờ, nhiều ngày và thậm chí nhiều tháng, cho đến khi họ ngã gục vì kiệt sức hoặc đau tim, đột quỵ”.
Dù bí ẩn về người thổi sáo thành Hamelin chưa được làm sáng tỏ, nhưng qua những ghi chép còn sót lại, có lẽ sự kiện mà nó đề cập đến quá ám ảnh. Đến mức là người ta kể về nó qua hàng thế hệ.
Nguồn: ancient-origins