Người Việt đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng Trung Hoa: Nghìn năm mây trắng chiếu rọi biển xuân
Ngày nay, tại làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn đền thờ một vị hiền nhân đất Việt đã vượt qua hàng ngàn sĩ tử Trung Hoa, trở thành khôi nguyên Tiến sỹ cả nước Đại Đường, sau này làm quan tới chức Tể tướng của Trung Hoa, được Hoàng đế Đại Đường kính trọng.
Vị hiền nhân ấy chính là Khương Công Phụ (731 – 805), tự Đức Văn, con của Huyện thừa Tiến sỹ Khương Văn Đĩnh, cháu của Thứ sử Ái Châu (thuộc Thanh Hoá ngày nay) Khương Thần Dực. Hai anh em trai là Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ đại khoa khoa thi tiến sĩ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc.
Thông minh hiếu học, lại gặp thầy giỏi
Khương Công Phụ từ bé đã biểu lộ sự thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Tất cả chữ Hán đề trên các ô thuốc Bắc, cậu đều thuộc hết, lại còn dùng que viết lại rất đúng chữ.
Ông Đĩnh thấy con sáng dạ thì mừng lắm, bèn tìm một thầy Tàu giỏi chữ cùng mở cửa hàng thuốc Bắc gần nơi trị sở Quân Yên, để gửi con theo học. Thật phúc đức cho Công Phụ đã gặp được người thầy thực tài, vốn trước đỗ đại khoa, vì chán cảnh triều đình bên chính quốc, nên đã lánh sang Cửu Chân (Thanh Hoá ngày nay), tìm nơi ẩn dật.
Thấy cậu bé người Việt họ Khương học chữ rất nhanh, tính nết cần cù, ngoan ngoãn, ông thầy Tàu ngày càng cảm mến. Những lần đi du ngoạn đó đây, ông đều cho cậu theo làm tiểu đồng. Công Phụ vừa được thưởng thức nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, lại còn được thầy dạy thêm về thơ phú, xướng họa. Tuy tuổi tác khác nhau, không cùng nòi giống, song dần dần hai người trở thành đôi bạn, ông thầy Tàu cảm thấy không thể thiếu cậu học trò người Việt rất đỗi thông minh bên cạnh mình. Ông bèn dốc hết tâm huyết để dạy dỗ Khương Công Phụ, với hy vọng thiết tha gửi gắm cho đứa trẻ này cái chí hướng và đạo học bình sinh của ông.
Thường ngày, ông vẫn khích lệ Công Phụ cố gắng học thật giỏi rồi nhất định có dịp sẽ được sang tận Tràng An, kinh đô Đại Đường, thi tài. Nghe thầy nói, Công Phụ nghĩ ngay đến đứa em ruột thịt của mình đang bên đó. Từ nhỏ em trai Công Phụ đã được một ông thầy địa lý người Tàu nhận nuôi, đem về Tràng An. Thỉnh thoảng, cậu vẫn nghe bố mẹ hỏi nhau: ”Không biết thằng Bật sống bên Tràng An như thế nào?” Nghĩ vậy, Khương Công Phụ càng náo nức trong lòng, gia công đèn sách, để mong sao thực hiện được cả hai ước mơ đang chớm nở.
Quả nhiên, sự học của cậu tiến bộ rất nhanh, khiến người thầy Tàu phải ngạc nhiên, khen ngợi. Tứ thư, Ngũ kinh cậu thuộc làu làu, thấu hiểu nghĩa lý. Càng học, cậu càng nhận ra bể học thật mênh mông, nên càng ham thích, say mê.
Đường đến Tràng An
Chẳng mấy chốc đã tới kỳ khảo hạch ở quận. Khương Công Phụ đã làm cho tất cả quan trường người Tàu kinh ngạc. Bất kể hỏi về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ đều xuất sắc, tỏ rõ một lực học phi thường. Kết quả, Khương Công Phụ được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu về Tràng An dự khoa thi Tiến sỹ, dưới triều vua Đường Đức Tông, niên hiệu Trinh Nguyên (780-784).
Trước khi lên đường, Công Phụ đã đến chào thầy. Ông tặng đứa học trò giỏi của mình cuốn sách ghi chép những lời dạy của Thánh hiền, rồi cầm tay trò ngậm ngùi dặn dò:
– Khi con trở về chắc không còn gặp lại ta. Ta cảm thấy trong người đã yếu lắm, ngày về cõi vĩnh hằng không còn xa nữa. Ta chỉ cầu mong con đỗ đạt và biết đem những điều Thánh hiền dạy người quân tử để xử sự với đời, thì ta thật thỏa lòng vì đã được con đền đáp rồi đó!
Khăn gói trên vai, chàng thanh niên họ Khương cùng các sỹ tử khác lên đường sang Tràng An. Đường sá xa xôi, hiểm trở, sông núi trập trùng, song Khương Công Phụ tính vốn ham tìm hiểu điều mới lạ, từng được theo thầy đi du ngoạn nhiều nơi, nên mặc dù cuộc hành trình kéo dài hàng tháng trời, cậu vẫn cảm thấy khỏe khoắn, phấn chấn.
Khi đến Tràng An – kinh đô Đại Đường, thì sỹ tử tứ phương đang nô nức đổ về. Trong lòng chàng trai họ Khương cũng rộn lên những cảm xúc khác nhau. Tràng An quả là tấp nập ngựa xe, phố phường khác xa quê nhà, khiến cậu có phần bỡ ngỡ. Các sĩ tử phương Bắc có vẻ cao ngạo, xem thường học trò của những miền chư hầu, song nhờ được học với người thầy Tàu chính cống, cậu nói năng giao thiệp chẳng khác gì người Tràng An, do vậy cũng dễ hòa nhập, thuận lợi cho việc dò la tin tức em trai. Tuy nhiên, tung tích của đứa em vẫn bặt vô âm tín.
Mãi đến ngày, khi nhìn trên bảng yết tên những sỹ tử dự thi, Khương Công Phụ mới bất ngờ phát hiện một thí sinh trùng họ với mình, tên là Công Phục. Song Công Phụ vẫn băn khoăn, nghi ngờ vì tên ”cúng cơm” của em mình là Bật kia mà. Thế rồi cậu quyết tìm gặp Công Phục để hỏi chuyện cho rõ lẽ. Công Phục còn nhớ mang máng bố mẹ đẻ mình ở bên Châu Ái và có người anh vẫn hay đùa nghịch với mình, nhưng thuở đó cậu còn nhỏ lắm, không thể biết chính xác được… Công Phụ vui mừng quả quyết:
– Tên chú chính là Bật. Ông thầy Tàu xin chú về làm con nuôi mới đổi tên là Phục. Nếu quả là thằng Bật em tôi, thì trên người chú có một vết chàm nơi chỗ kín?
Vậy là sau bao năm xa cách, hai anh em họ Khương đã nhận lại được nhau. Họ mừng mừng, tủi tủi, kể cho nhau nghe bao chuyện, cùng chia sẻ với nhau quyết tâm bảng vàng đề tên trong khoa thi sắp tới.
Đỗ đại khoa: “Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều tôn kính”
Khoa thi Tiến sỹ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), có một sự kiện đặc biệt làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc: Hai anh em người Việt, đất Giao Châu cùng đỗ đại khoa. Riêng người anh Khương Công Phụ đã vượt lên hàng ngàn sĩ tử, trở thành khôi nguyên Tiến sỹ cả nước Đại Đường. Sử sách Trung Hoa khi thuật lại sự kiện này, đã thừa nhận:
”Thời Đường, văn sĩ An Nam kiệt xuất có Khương Công Phụ, người Ái Châu, quận Nhật Nam…”
Lại nói, ông thầy địa lý người Tàu là bố nuôi Khương Công Phục, khi hay tin hai anh em họ Khương đều có tên trên bảng vàng, liền nghĩ rằng: Được trời đất mách bảo nên mới tìm thấy đất Cổ Hiểm, An Định – vùng ”địa linh” đã sinh ra “nhân kiệt” thuộc dòng họ Khương. Ông vội trở lại Ái Châu để báo tin vui cho vợ chồng ông Đĩnh, thắp nén hương bái tạ trời đất phương Nam và tiên tổ họ Khương.
Chỉ tiếc rằng người thầy có công dạy dỗ Khương Công Phụ vừa mới qua đời, không kịp đón nhận niềm vui lớn, mà người học trò giỏi được ông góp công dạy dỗ, vừa đạt học vị Tiến sỹ từ đất Trung Nguyên mang về.
Sau khi đỗ đạt cao, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang, thăng dần đến chức Gián nghị đại phu, rồi Tể tướng. Trong lịch sử có ghi nhận một số vị Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc, học vấn uyên bác, khi sang sứ Trung Quốc cũng được Hoàng đế Trung Quốc phong làm Trạng nguyên, nên người đời mệnh danh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đăng Đạo… Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì xưa nay có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ.
Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ Tiến sỹ và cùng làm quan lớn đất Trung Hoa đã được người đời sau ca tụng trong đôi câu đối:
“Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính”
Dịch nghĩa:
“Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa
Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều kính trọng”.
La Sỹ Bằng, một học giả Trung Quốc nhận xét: ”Thời Đường, lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo đường lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm, lỗi lạc. Tiếc không còn tập nào truyền lại ở đời… Chỉ có trong Toàn Đường văn, quyển 446 có chép được hai thiên: “Bạch vân chiếu xuân hải” và “Đối cực ngôn trữ gián sách”. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta có thể đại khái thấy được bút văn, kiến thức của một bậc văn tài…”
Thẳng thắn can vua, lưu tiếng thơm muôn thuở
Trong “Tân Đường thư”, Âu Dương Tu nói Khương Công Phụ là người “có tài cao, mỗi lần tiến tấu rất rõ ràng, Đức Tông rất xem trọng”.
Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn can gián vua, không sợ cường quyền. Hoàng đế nhà Đường ngỏ ý trọng nể, đã ban tặng ông một túi gấm thêu và bài chế tạm dịch mấy câu:
“Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn
Đổi thay hoá dục cho Thánh đề thịnh trị
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng”.
Năm 784, khi binh loạn còn chưa dứt, thấy vua làm lễ hậu táng xây tháp cho công chúa Đường An, Khương Công Phụ đã viết văn can gián xây tháp mà nên chú trọng nuôi quân hưng thịnh để nước được yên. Nhưng Đường Đức Tông không bằng lòng, đã giáng chức ông xuống là Tả thứ tử, nhận việc trông dạy học cho Thái tử. Năm Trinh Nguyên thứ 8 – 792, ông lại bị biếm chức xuống là Tuyền Châu biệt giá.
Vương Thập Bằng, làm quan Thái Thú Tuyền Châu thời Tống, đã để lại nhiều bài thơ ca ngợi Khương Công Phụ, trong đó như bài Khương Tướng Phong:
“Tướng quốc trung như Tống Quảng Bình
Nguy ngôn lưu lạc Tấn giang thành.
Thiên tư tự trực vô tâm mãi.
Hà xứ thanh sơn diệc đắc danh”.
Dịch nghĩa:
“Lòng trung của Tướng quốc như Quảng Bình thời Tống,
Lời nói ngay thẳng nên lưu lạc đến thành Tấn Giang.
Thiên tư ngay thẳng không phải lòng bán mua được,
Nơi nào núi xanh chẳng vang danh”.
Ẩn sỹ tiêu dao, trở về với Đạo
Khi bị giáng chức đến nơi xa, Khương Công Phụ đã thoả lòng mong ước bấy lâu là được làm một ẩn sỹ, vui với gió mây, trở về với Đạo.
Thịnh trị thời Đường gắn với nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Tần Hệ. Sau năm 780, ông chuyển về phía Tây núi Cửu Nhật ở Nam An ở ẩn. Sống khảng khái, Tần Hệ là mẫu nhà thơ đóng cửa gỗ, không cài then cầm kì thi tửu, vui thú điền viên. Bấy giờ, Công Phụ về Tuyền Châu, nghe nói Tần Hệ nên ngưỡng vọng mới đến bái phỏng. Hai người một kẻ mộ đạo thanh tuyền, người kia lòng trung ngưỡng kính, mới kết giao bằng hữu cùng đàm đạo bầu rượu túi thơ.
Từ đó, Công Phụ mới dựng nhà trúc ở phía Đông núi Cửu Nhật, cùng đối ngọn với Tần Hệ, hai người hai ngọn núi. Ngọn núi phía Đông hình như con Kỳ lân nên gọi là Kỳ Lân sơn, sau vì Khương Công Phụ ở nên gọi là Khương tướng phong.
Cảnh giới tinh thần thanh cao thoát tục của Khương Công Phụ được thể hiện rõ nét trong bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi biển xuân) của ông, được nhiều học giả nước ta và Trung Quốc đánh giá là tuyệt tác bất hủ.
Toàn bài phú có khoảng 323 chữ, lời văn nhẹ nhàng, thanh thoát, âm điệu du dương bay bổng, trình bày quan niệm của Đạo gia về vũ trụ. Nhờ hiểu được trời đất, vũ trụ, nên con người có thể sống thanh thản, êm đẹp, biết hòa hợp với tự nhiên, để tâm hồn bay bổng thoát ra khỏi những đam mê danh vọng và quyền lực:
“Bỉ mĩ chi tử, cố mục vô luân
Dương quế tiệp, trạo thanh tần
Tâm dao dao ư cực phố,
Vọng viễn viễn hồ thông tân.
Vân hề! Phiến ngọc chi nhân!”
Dịch nghĩa:
“Ai kia người đẹp, có mắt siêu quần
Buông chèo quế, thả buồm lan.
Lòng nao nao chân trời vô hạn,
Mắt chiêu chiêu bến rộng vô biên
Mây ơi! Người đẹp tuyệt trần!”
Khương Công Phụ cùng tri âm tiêu dao cảnh vắng am tranh được 13 năm thì mất vào năm 805, niên hiệu Vĩnh Trinh thời Đường Thuận Tông. Cuộc đời ông là một giai thoại tuyệt bích về trí tuệ uyên bác của một nhà Nho và tâm cảnh thanh tịnh vô vi của bậc Đạo sỹ.
Nguồn: DKN (Thanh Ngọc tổng hợp và biên soạn)