Người Việt không xấu xí: Mẹ Việt học cách dạy con theo Âu, Mỹ mà quên cẩm nang quý của ông bà mình

untitled-1-23

Ngày nay, với sự giao lưu văn hóa và sức mạnh của mạng xã hội, truyền thông… những phương pháp giáo dục con cái của các quốc gia tiên tiến đang được các bậc phụ huynh Việt Nam nhiệt tình ủng hộ và áp dụng. Có những điều rất khác biệt, thú vị và có giá trị sâu sắc, rất xứng đáng để chúng ta ca ngợi và thực hành. Nhưng bạn có biết, chính trong văn hóa xa xưa của người Việt chúng ta, những “nguyên lý” tương tự như các nước tiên tiến đang áp dụng đã được người Việt truyền nhau từ bao đời.

Đã có nhiều bài báo chỉ ra những “sai lầm trong nuôi dạy con của người Việt”, hay “sự ngược đời trong cách dạy trẻ ở Việt Nam”… trong đó cha mẹ hay có một thói quen là sẵn sàng làm hộ con những việc con có thể tự làm, bao bọc khiến con trở nên ích kỷ và lười lao động.

Có lẽ việc giới hạn số con trong mỗi gia đình và những cải thiện về kinh tế đã khiến nhiều gia đình có thêm điều kiện để chăm sóc cho con mình hơn. Em bé trở thành trung tâm của cả nhà, là đối tượng bé bỏng, non nớt cần được bảo vệ. Bởi vậy cách dạy con này đã dần ăn sâu vào nếp nghĩ của người Việt ngày nay.

Vậy, người xưa dạy con như thế nào?

“Lúc còn ‘trứng nước’, trăm điều trông vào bà mẹ. Bà cho con ăn ngủ đúng giờ. Việc này không phải là nhẹ nhàng. Bà tập cho con quen nề nếp. Bà bảo anh, chị bế em, phơi áo, gập áo cho em để cho anh chị quen săn sóc, yêu em. Bà bảo em bé theo anh chị. Có quà, bảo anh chị chia cho em trước. Em cầm quà, bảo đưa cho anh chị đã. Sửa cái ‘ích kỷ’ tự nhiên. Rồi, rộng ra, đưa cho bạn”. – trích “Hà Nội thanh lịch” (Hoàng Đạo Thuý).

Trẻ em được dạy làm việc nhà, san sẻ công việc với mẹ, yêu thương chăm sóc cho em, còn em nhỏ thì phải theo anh chị và biết kính trên nhường dưới. Có thể sẽ có người cho rằng, vì gia đình thời xưa đông con nên mới phải để con chia sẻ bớt công việc với mẹ như vậy. Nhưng đó lại là cách dạy con hoàn toàn tiến bộ được áp dụng trong các phương pháp nổi tiếng của Nhật, Pháp, Đức… mà chúng ta đang học hỏi.

Có nhiều mẹ “Tây” đã khá kinh ngạc khi chứng kiến mẹ Việt chăm con, họ nói rằng các mẹ Việt lo sợ nhiều thứ quá. Lo con làm vương vãi thức ăn khi tự xúc, lo con làm bể đồ khi tự rửa bát, lo con làm em ngã khi trông em… Thật ra trẻ em không yếu đuối và vụng về như chúng ta tưởng, các bé có khả năng học hỏi và rất thích các trải nghiệm mới, thích những trách nhiệm được giao và những lời khen tặng.

Dù bé là con một không có anh chị em để chăm lo thì bé cũng có thể tự làm được rất nhiều việc để giúp mẹ. Dạy trẻ làm việc nhà không phải chỉ là để trẻ yêu lao động, mà còn là bài học về trách nhiệm và thói quen nghĩ tới người khác trước. Khi được đích thân làm việc và quan tâm tới người khác từ những chi tiết nhỏ nhất, trẻ sẽ không ích kỷ và đòi hỏi nhiều.

Người xưa cũng luôn dạy con phải biết nhường nhịn và chia sẻ. Bắt đầu từ việc đối với người nhà, rồi rộng ra là đối với bạn bè, người ngoài. Ngày nay, chúng ta vô tình khiến nét đẹp này bị mai một một cách không tự biết khi luôn bênh vực con mình và lo chúng bị thiệt thòi trong các mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa. Giáo dục từ những việc nhỏ như khi nhận được tấm bánh, miếng quà… điều này có khác gì so với tư tưởng giáo dục của người Nhật Bản đâu?

hoang hau masako 2 1589018851945940776428
Người Nhật dạy con tự mình giải quyết những vấn đề của riêng chúng và không can thiệp khi còn có thể. Nguồn ảnh: afamily.

Thậm chí mẹ Việt xưa còn dạy con từ khi còn đang mang thai bằng cách tự rèn mình trước. Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy từng viết thế này: “Bà mẹ rèn mình từ lúc thai nghén: ‘Cắt không ngay không ăn, chiếu giải lệch không ngồi’. Ôi! Chín tháng mang nặng, đẻ đau, ba năm bú mớm. Công mẹ không phải chỉ là nguồn sữa”.

Từ cái nết ăn, nết ngồi, chính mẹ phải làm gương trước, rèn giũa bản thân từ khi còn mang thai. Vì trách nhiệm nuôi dạy một con người thành người tốt trước tiên là ở người mẹ từ khi con còn là trứng nước. Thế mới thấy, ý thức giáo dục của người xưa, trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ thuở xưa thật trân quý và nghiêm túc phi thường.

Một trong những “tiêu chuẩn kỳ lạ” của mẹ Việt ngày nay đang dần được nhìn nhận lại, đó là cân nặng của con. Chỉ cốt sao bé ăn được nhiều để phổng phao, mập mạp, thì người lớn sẽ làm mọi cách để “dụ” bé. Dù rằng, đôi khi những cách đó sẽ hình thành thói quen và tính cách xấu.

Đến nhiều nhà có con nhỏ ngày nay, bạn sẽ dễ dàng thấy các em được chiều chuộng, thích gì ăn nấy, thích ăn bao nhiêu cũng được, cách ăn uống cũng hết sức tự nhiên và thậm chí là có phần “hoang dã”. Tôi từng ngồi ăn cùng gia đình người bạn có con 6 tuổi. Bé rất thích món thịt gà rán ngày hôm đó nên đã liên tục bốc ăn. Khi bà nhắc khéo rằng không nên cho bé ăn nhiều quá thì mẹ bé lại tỉnh bơ nói: “Trẻ con mà bà, ăn được là tốt, cứ để nó ăn, người lớn mình ăn rau cũng được”.

Con bạn không nhất thiết phải ăn thanh cảnh, nhưng cũng không thể vì miếng ăn mà bỏ qua hết phép tắc. Những gì hình thành từ nhỏ sẽ khó phai và khó giải thích hơn cho trẻ khi chúng lớn lên. Đơn giản là hãy để chúng trải nghiệm và hình thành thói quen. Người xưa ăn miếng thịt thì thường xắn nhỏ, khi gắp thì vừa bát. Trứng cũng thế, ít ai bỏ cả quả trứng vào chén cơm mà không cắt nó ra làm đôi, rồi ăn từng nửa một. Ăn quả chuối, hay bắp ngô thì cũng bẻ làm đôi trước khi ăn…

Khi ăn thì không nói chuyện nhồm nhoàm, phải biết nhường nhịn mọi người ngồi cùng mâm chứ không phải cứ gắp miếng to, miếng đầy. Những điều đơn giản, nhỏ bé như vậy thôi, nhưng cũng chính là cách trẻ nhỏ hình thành nhân cách và thế giới quan của mình.

Chúng ta thấy cách giáo dục của người Nhật như để trẻ 1 tuổi phải xếp dép ngay ngắn trước khi vào lớp, trẻ 3, 4 tuổi dọn khay ăn của mình, hay trẻ 5, 6 tuổi dọn nhà vệ sinh của trường là rất bổ ích. Thật ra đó chẳng phải là rèn cái nếp ăn, nếp ở đơn giản nhất hay sao?

Nuôi con cho mập mạp và học thật giỏi là cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục chưa đúng của nhiều phụ huynh thời nay. Ở Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con (ở tuổi ấu thơ) của cha mẹ nếu họ để cho con mình thừa cân quá mức quy định. Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn. Và tất nhiên các bé cũng cần được giáo dục để trở thành người tốt trước khi trở thành người giỏi giang. “Con chỉ cần học giỏi thôi, còn lại tất cả việc nhà là do cha mẹ hoặc người giúp việc làm” là suy nghĩ vô tình khiến con cái trở thành nạn nhân của chính cha mẹ mình.

untitled 1 22untitled 1 22
Ngoài ăn uống theo chế độ dinh dưỡng ,các mẹ Việt cũng nên dạy cho con cách rèn luyện bản thân, lễ phép với người trên, nhường nhịn người dưới như ông bà ta thủa xưa vẫn dạy con cháu mình. Ảnh dẫn theo precisepet.com

Cụ Hoàng Đạo Thúy cũng đã viết rằng: “Cũng có những người mẹ yếu đuối, thương rồi nuông chiều, không biết là chuẩn bị cho con một đời khó khăn”. 

Còn rất nhiều những nét văn hóa tốt đẹp của người xưa trong việc giáo dục con trẻ mà chúng ta đã vô tình lãng quên. Dù mỗi thời cuộc đều có những sự thay đổi trong văn hóa nhất định của một cộng đồng hoặc cả nhân loại, nhưng tầm quan trọng của giáo dục thì không bao giờ có thể thay đổi được. Giáo dục con trẻ không những là trách nhiệm của cha mẹ, mà còn là của cả cộng đồng.

Từ nhà trường, học trò như sống trong một vùng không khí học tập, các nhà hàng xóm cũng để ý đến con của nhau… Ở tất cả, có một ý thức trách nhiệm với việc giáo dục. (Hoàng Đạo Thúy)

Khi chúng ta ý thức được việc giáo dục những con người tốt quan trọng như thế nào, thì chúng ta mới có trách nhiệm và tự rèn luyện bản thân. Chúng ta mới không áp đặt những “tiêu chuẩn” thiếu suy xét cho những bà mẹ chăm con đầy áp lực và cực nhọc. Chúng ta mới rộng lượng hơn thay vì phê phán, chê bai khả năng chăm bẵm con của các bà mẹ để họ không phải chạy theo dư luận mà vô tình hại con mình.

Và với những người làm cha làm mẹ, việc nuôi dưỡng một con người là việc cực kỳ nghiêm túc và không nên mắc sai lầm. Từ những việc nhỏ nhặt nhất, bạn có thể khiến con mình trở thành người tốt hoặc ngược lại. Đừng coi thường những điều nhỏ, trong giáo dục không có tiểu tiết nào là không đáng được quan tâm.

Xin trích lại lời của người xưa về tầm quan trọng của việc dạy con:

“Ai cũng coi việc dạy con là quan trọng, mà pháp luật cũng ghi rõ trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, không phải chỉ với trẻ dưới tuổi ‘thành niên’ thôi. Con cái lớn tuổi mà có lỗi, luật không kể tội cha mẹ, nhưng cha mẹ vẫn không trốn được trách nhiệm. Cái khổ thâm nhất là lúc mình đã kiệt sức rồi mà không làm gì được để giảm lỗi cho con nữa”. (Hoàng Đạo Thúy)

Bạn còn biết những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nào trong việc giáo dục con nhỏ từ tiền nhân không? Hãy để lại chia sẻ của bạn để chúng ta cùng học hỏi và áp dụng.

Nguồn: DKN

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: