Blog
Người xưa coi trọng lễ nghĩa, đặt tên cho con cũng hết sức cầu kỳ!
Rất nhiều bậc cha mẹ sau khi sinh con ra đời thường khá đau đầu trong việc đặt tên cho con. Bởi cái tên không những gắn liền cả đời với đứa trẻ mà còn liên quan mọi mặt đến cuộc sống sau này của con. Vậy những bậc cha mẹ thuở xưa thường đặt tên cho con cái của mình như thế nào?
Vì tên gọi thường gắn liền với cuộc đời của con người, cho nên cha mẹ đều mong tìm được một cái tên vừa hàm súc vừa dễ nghe. Đặc biệt, đối với những bé gái, nhiều phụ huynh còn dựa vào thơ văn thời Đường, thời Tống để đặt tên cho con.
Chẳng hạn, tên “Giang Sơ Ảnh”, bắt nguồn từ bài thơ đời Tống: “Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển/ Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.” (Dịch nghĩa: Bóng cành mai thưa đâm nghiêng nghiêng trên dòng nước trong và cạn. Mùi hương thoang thoảng lan toả trong bóng hoàng hôn).
Hay như tên “Vương Uy Nhuy”, bắt nguồn từ bài thơ Đường: “Lan diệp xuân uy nhuy/ Quế hoa thu kiểu khiết.” (Dịch nghĩa: Lá cây hoa lan đến mùa xuân mọc phồn thịnh. Hoa quế đến mùa thu là nở rộ trong trắng và tinh khiết).
Còn trong thời đại mới, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng tên gọi của chúng ta, ngoài việc mang theo họ của cha mẹ mình, thì cái tên cũng chỉ là để phân biệt từng cá thể trong xã hội. Tuy nhiên, theo văn hoá truyền thống, hai chữ “tên thật” và “tên chữ” lại hoàn toàn khác nhau, tương ứng với hai từ Hán việt là “danh” và “tự”.
Ví dụ, Trung Quốc có nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên, tên thật là Khuất Bình, tên chữ là Nguyên. Còn anh hùng Hạng Vũ, tên thật là Hạng Tịch, tên chữ là Vũ. Vậy tại sao người xưa đều kêu tên chữ, chứ không gọi bằng tên thật của họ?
Văn hoá Trung Quốc rất chú trọng tôn ti, trật tự, quan hệ gần xa. Họ sẽ căn cứ vào mối quan hệ để xưng hô cho phù hợp. Ví dụ, quan hệ thân thiết như giữa cha và con, thì người cha sẽ gọi con gái bằng tên thật, còn nếu quan hệ xã giao thông thường thì đều xưng tên chữ hoặc tên hiệu. Thực ra, tên thật là do cha mẹ đặt khi con cái mới ra đời, còn tên chữ là tên khi con đã trưởng thành. Vậy tại sao tên chữ lại được đặt vào thời điểm trưởng thành?
Bởi vì sau khi tổ chức lễ thành nhân xong cũng đồng nghĩa với việc người đó đã trưởng thành và là cá nhân độc lập trong xã hội. Theo phong tục cổ đại, nam giới khi đến tuổi 20 sẽ tổ chức lễ thành nhân, để chúc mừng và đánh dấu độ tuổi trưởng thành. Trong buổi lễ, họ sẽ lấy một tên chữ để làm tên gọi chính thức, và những người khác trong xã hội từ đó sẽ xưng hô bằng tên chữ này. Các bậc trưởng bối và bản thân sẽ gọi thẳng tên thật, còn người ngoài sẽ gọi bằng tên chữ.
Ví dụ, Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, người khác thường gọi ông là huynh đài Khổng Minh, còn ông tự xưng tên thật là Lượng. Ví dụ câu đầu tiên trong bài biểu “Xuất sư biểu” viết rằng: “Thần Lượng ngôn”, ông đã tự xưng là Lượng. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác trong văn hóa Trung Quốc.
Còn đối với các cô gái, họ thường chọn tên chữ của mình sau lễ thành nhân ở tuổi 15, hoặc sau khi có hôn ước. Ví dụ, trong “Hồng Lâu Mộng”, Giả Bảo Ngọc hỏi Đại Ngọc rằng: “Xin hỏi tôn danh của muội muội?”, Đại Ngọc liền đáp tên thật của mình. Nhưng sau đó, Bảo Ngọc đã hỏi lại: “Vậy tên chữ của biểu muội là gì?”, Lâm Đại Ngọc bèn đáp không có tên chữ. Vì lúc bấy giờ, Lâm Đại ngọc chưa tròn 15 tuổi, cũng chưa thành thân, nên vẫn chưa có tên chữ. Sau này, người ta thường dùng hai chữ “khuê nữ” để ám chỉ rằng cô gái đó vẫn chưa thành thân.
Ngoài tên chữ ra, người xưa còn có tên hiệu. Ví dụ trong “Chu Lễ” viết: “Hiệu, vị tôn kỳ danh, canh mĩ xưng yên.” Tạm dịch: Ngoài tên thật, tên chữ ra thì tên hiệu là tôn xưng, mỹ xưng của người). Tên danh, tên tự là do người lớn đặt, còn tên hiệu là bản thân tự đặt hoặc người khác đặt giúp. Ví dụ, Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ, người đời lại gọi ông là Tô Đông Pha. Còn Trịnh Bản Kiều, tên thật là Trịnh Tiếp, tự Khắc Nhu, hiệu Bản Kiều. Còn Tề Bạch Thạch, tên thật là Tề Thuần Chi, hiệu là Bạch Thạch tiên nhân.
Trong xã hội hiện đại, hầu hết chúng ta chỉ có tên thật, rất ít người có thêm tên chữ. Tác giả có một người bạn từng tham gia một hội thảo học thuật. Vì các diễn giả đều là những học giả đức cao vọng trọng, nên anh rất muốn mời họ đề chữ lên cuốn sách họ viết. Nhưng vì anh bạn này không có tên chữ, các học giả lại một mực không gọi thẳng tên thật của anh ấy, cuối cùng đành phải lấy họ của anh viết lên bìa cuốn sách, phía sau viết thêm chức danh nghề nghiệp của anh.
Từ đây, chúng ta có thể thấy những học giả này đều rất tuân thủ phép tắc truyền thống, và thể hiện sự tôn trọng người khác qua những chi tiết nhỏ nhất.
Nguồn: Epochtimesviet