Ngày lễ giáng sinh đang đến rất gần, trong bầu không khí rộn ràng này, biết bao trẻ em trên toàn thế giới đang háo hức mong chờ được nhận quà của ông già Noel. Trong thẳm sâu trí tưởng tượng của những thiên thần nhỏ, ông gìa tuyết sẽ cưỡi cỗ xe tuần lộc đi khắp thế gian để phát quà cho các bé.
Những chú tuần lộc đã trở thành một phần của truyền thống Giáng sinh. Câu chuyện về cỗ xe tuần lộc cũng hoài cổ như chính ông già Noel được trẻ em toàn thế giới yêu thích.
Cỗ xe của ông già tuyết có 9 chú tuần lộc, các chú đều có tên gọi riêng của mình là: Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donner, Blitzen và Rudolph.
Các câu chuyện về những “người trợ lý” có gạc này của ông già Noel cũng lâu đời như chính ông vậy.
Vị Thánh của toàn thế giới
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi chút về nguồn gốc của ông già noel.
Ở châu Âu; Cơ đốc giáo xưa kia vốn rất thịnh hành, rất nhiều người dân đã lan toả những truyện thần thoại của Bắc Âu và Đức. Họ chia sẻ với nhau những truyền thuyết về Thor – Thần Sấm, vị Thần nổi tiếng nhất trong tất cả các vị thần Bắc Âu vào thời điểm đó.
Thần Sấm hùng mạnh bay trên bầu trời, cưỡi trên một cỗ xe với hai con dê phép thuật có cặp sừng rất lớn. Từ trên không, vị Thần sẽ hét lên đầy uy mãnh: “Ta là Thor”.
Khi Cơ đốc giáo được truyền rộng ra khắp lục địa, việc thờ kính thần Thor không còn thịnh hành như trước. Thay vào đó, nhân loại tôn sùng Thánh Nicholas – một vị thánh từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên – người được ca tụng vì đã tặng những món quà bí mật cho mọi người. Ngài ấy mang hình hài của một ông già có bộ râu trắng và mặc một bộ trang phục màu đỏ, giống như ông già Noel đáng yêu mà chúng ta thấy ngày nay.
Theo truyền thuyết, thánh Nicholas thường đi du hành bằng một con chiến mã trắng vô cùng cao quý, khác hẳn với những con dê phép thuật được mô tả trong truyền thuyết về thần Thor.
Một ngày nọ, thánh Nicholas khám phá ra con đường đi đến Bắc Mỹ, trong khi những người định cư ở Hà Lan, Đức và Scandinavia phải đi thuyền đến Thế giới mới.
Vào năm 1812, tác giả người Mỹ Washington Irving đã gọi thánh Nicholas là: “Ông già cưỡi trên những ngọn cây. Hàng năm, trong một chuyến xe, ông đã mang những món quà của mình đến tặng cho trẻ em trên toàn thế giới”. Đây chính là khởi nguồn câu chuyện về cỗ xe tuần lộc của ông già Noel.
Năm 1821, một người thợ in ở New York tên là William Gilley, đã xuất bản một cuốn sách nhỏ mang tên “A New Year’s Present ” để kể một câu chuyện về lễ Giáng sinh. Trong đó có một mẩu chuyện nói về các chú tuần lộc, đoạn như sau:
“Ông Santeclaus già với rất nhiều niềm vui
Con tuần lộc của ông lái xe trong đêm băng giá
Nhìn kìa! Những đỉnh ống khói và những dấu chân tuyết
Ông đã mang những món quà đáng yêu đến cho mọi người”
Tuy vậy, tác giả của cuốn sách lại hoàn toàn ẩn danh, điều đó đã khiến nhiều người hoài nghi về tính xác thực của những câu chuyện. Biên tập viên Orville L.Holley của Troy Sentinel đã phỏng vấn Gilley về việc ông tự ý đưa tuần lộc vào tác phẩm. Gilley trả lời rằng:
“Thưa ngài, ý tưởng về Santeclaus và cả ý tưởng về tuần lộc hoàn toàn không phải của tôi. Tác giả đã gửi tôi tác phẩm này, kèm theo đó là một chút thông tin tham khảo. Tuy nhiên, tác giả lại nói đến tuần lộc trong một bức thư sau đó, ông ấy nói rằng vùng đất Bắc Cực có rất nhiều loài động vật. Đặc biệt, những con vật có bộ vuốt và cặp sừng giống tuần lộc rất được những người dân trong vùng tôn sùng”.
Năm 1823, Troy Sentinel phát hành bài thơ ‘A Visit From St. Nicholas’ hay còn được gọi là ‘The Night Before Christmas’. Trong thơ miêu tả có 8 chú tuần lộc đang bay, kéo theo sau là xe trượt tuyết. Đây cũng là lần đầu tiên tên của các chú tuần lộc được tiết lộ. Trong bài thơ, ông già Noel đã hát rằng:
“Nào, Dasher! Nào, Dancer! Và cả, Prancer và Vixen!
Tiến lên nào, Comet! Tiến lên nào, Cupid! Tiến lên nào, Dunder và Blixem!
Lên đỉnh mái hiên, đến đỉnh tường nhà!
Phóng đi, phóng đi, tất cả hãy phóng đi!”
Nói về nguyên do tại sao tuần lộc được chọn để thay thế cho hình tượng những chú dê phép thuật hay những chiến mã cao quý. Rất có thể theo thời gian, dân gian đã lấy cảm hứng từ chính những loài động vật sinh sống tại những vùng đất gần với nguồn gốc của Thánh Nicholas.
Đối với những người sống ở Bắc Âu, tuần lộc là loại động vật rất thân thuộc, chúng có mối liên hệ với vùng đất họ sinh sống.
Vào thế kỷ 18, tuần lộc đã được một số nền văn hóa Bắc Âu thuần hóa. Đặc biệt là người Sámi (những người không thuộc châu Âu, hay gọi là Laplanders) đã sử dụng tuần lộc để kéo xe trượt tuyết.
Chính vì lý do như vậy, tuần lộc đã trở thành một phần không thể thiếu trong những câu chuyện huyền thoại về dịp Giáng sinh.
Trong một bài thơ được sáng tác vào năm 1823, Dunder và Blixem là tên của chú tuần lộc thứ 7 và thứ 8 của ông già Noel. Chúng được đặt tên theo tiếng Hà Lan, nghĩa là “sấm sét” và “tia chớp”. Các ấn phẩm khác lại đặt tên hai chú là Donder và Blitzen.
Mãi cho đến khi bài hát “Rudolph the Red-Nosed Reindeer“ của Johnny Marks ra đời vào năm 1949, cái tên Donner được chính thức thay đổi và sử dụng cho chú tuần lộc thứ 7. Cho đến ngày nay, khi tổ chức lễ Giáng sinh, mọi người đều hát tên ‘Donner và Blitzen’ để gọi chú tuần lộc thứ 7 và thứ 8.
Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1938, trước khi bài hát nói trên của Johnny Marks ra đời, chú tuần lộc thứ 9 tên Rudolph được thêm vào danh sách.
Vì chiếc mũi đỏ chói độc đáo của Rudolph, chú tuần lộc này đã trở nên nổi tiếng nhất trong đội hình kéo xe của ông già Noel. Thậm chí, vào năm 1964, đã có một bộ phim hoạt hình được sản xuất để khắc hoạ riêng về chú tuần lộc Rudolph này.
Vào mùa Giáng sinh, biệt đội gồm 9 chú tuần lộc kéo xe trượt tuyết của ông già Noel đi xuyên thế giới đã khắc sâu và làm say đắm tâm hồn của bao thế hệ trẻ em cũng như người lớn. Nó thể hiện mối liên kết huyền bí giữa con người và động vật, nhắc nhở về tầm quan trọng của hệ động vật trên thế giới đối với nền văn minh của chúng ta.
Viên Minh biên dịch
Nguồn: Visiontimes