SKĐS – Mụn trứng cá là bệnh về da liễu. Khi bị mụn trứng cá nghĩa là da đã bị viêm, trong khi nhiều người có thói quen sờ tay lên mặt và nặn mà không bảo đảm vô khuẩn khiến cho tình trạng viêm nặng hơn, có thể gây sẹo.
Dù ít hay nhiều, mụn trứng cá cũng làm cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp. Vì vậy, nhiều người đã làm mọi cách để điều trị mụn, nhưng đáng tiếc nhiều trường hợp mụn không những không giảm mà còn xuất hiện nhiều hơn với tổn thương nặng nề.
Các cấp độ của mụn trứng cá
Có nhiều loại trứng cá khác nhau như mụn trứng cá đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đỏ, mụn dạng nang… Mỗi loại mụn đều là hình thái tổn thương của mụn trứng cá.
Sự mất cân bằng nội tiết tố khiến cho tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, gây bít kín dẫn đến việc chất bã nhờn ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn (comedone).
Khi nhân mụn thành hình và có quá nhiều bã nhờn làm cho lỗ chân lông bị bít kín sẽ sản sinh ra một loại vi khuẩn có tên là Propionibacterium acnes gây viêm nhiễm da, hình thành mụn mủ, mụn bọc.
Tùy từng trường hợp có thể gặp các cấp độ của mụn trứng cá khác nhau trong đó có thể là:
- Mụn đầu trắng: thường nằm gọn trong lỗ chân lông, không nổi lên bề mặt làn da và được gọi là mụn cám.
- Mụn đầu đen: một phần nhân mụn nổi lên khỏi lỗ chân lông và được gọi là mụn trứng cá đầu đen.
Khi 2 loại mụn này bị tác động, cấu trúc bị thay đổi sẽ dẫn tới sự phát triển của rất nhiều loại thương tổn – lúc này, chúng có thể biến thành những nhọt đầy mủ.
Khi mụn đầu trắng ra khỏi nang lông, nhọt sẽ hình thành. Chất dầu sẽ hóa rắn, các tế bào chết trong lỗ chân lông và vi khuẩn sẽ nhanh chóng tập hợp, tạo ra mụn mủ – viêm da.
Nếu mụn mủ tiếp tục bị viêm, sẽ hình thành các mụn thể nang.
Các thể nang này khi bị vỡ sẽ chỉ khỏi tạm thời (hình thành mụn mủ mới) hoặc trở thành sẹo vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây mụn phổ biến
Có nhiều nguyên nhân gây mụn trong đó thường gặp là:
– Do thay đổi nội tiết tố: Hormone trong cơ thể thay đổi ở các giai đoạn như dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, hoặc phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể gây ra mụn. Sự thay đổi về nội tiết tố kích thích tuyến dầu nhờn trên da, dầu nhờn tiết ra nhiều dẫn đến sự bí tắc ở nang lông khiến da dễ nổi mụn.
– Do da bị nhiễm khuẩn: Vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.acnes) thường gây ra mụn trứng cá trên da. Loại vi khuẩn này có thể làm viêm nhiễm lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn hình thành.
– Thói quen sinh hoạt không hợp lý: Chế độ ăn uống không lành mạnh như thiếu chất xơ, vitamin và việc nạp quá nhiều thực phẩm giàu đường, tinh bột, ăn đồ cay, nóng, sử dụng đồ uống có chất kích thích như bia, rượu,.. có thể làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
– Căng thẳng: Tình trạng stress, suy nghĩ quá nhiều, mất ngủ hay căng thẳng kéo dài có thể khiến da nổi mụn.
– Môi trường ô nhiễm: Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí, nguồn nước nhiễm phèn,… cũng là tác nhân gây ra tình trạng mụn trứng cá, mụn bọc trên cơ thể, nhất là ở mặt.
– Vệ sinh da không đúng cách: Việc không rửa mặt, rửa mặt qua loa, không tẩy trang kỹ khi trang điểm hoặc thường xuyên chạm/sờ tay lên mặt cũng là một trong những nguyên nhân gây mụn.
– Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc kém chất lượng: Việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với loại da hoặc những sản phẩm không rõ nguồn gốc, các loại kem trộn, kem lột da,… có thể chứa các hợp chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây kích ứng da, gây mụn hoặc nguy hiểm hơn khiến da bị nhiễm trùng nặng.
– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có chứa thành phần như corticosteroid, testosterone, lithium và nhiều chất kháng sinh, cũng là nguyên nhân dẫn đến nổi mụn khi sử dụng thuốc.
Điều trị và phòng ngừa mụn trứng cá
Để tránh những biến chứng có thể xảy ra, khi bị mụn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để khám và điều trị. Hiện nay, việc điều trị mụn chính vẫn là sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống.
Ngoài ra, còn có các biện pháp hỗ trợ khác như lấy nhân mụn, dẫn lưu các áp xe nếu các tổn thương có mủ nhiều..
Để điều trị mụn đạt hiệu quả tối ưu, mọi người nên đi khám sớm khi trên mặt bắt đầu nổi những hạt mụn đầu tiên. Thực tế có những trường hợp vì đi khám và điều trị muộn nên không có cách nào để chữa liền các vết sẹo.
Trong thời gian điều trị mụn không nên sử dụng mỹ phẩm… Mụn dễ tái phát trở lại, vì vậy, sau liệu trình điều trị, người bệnh nên chăm sóc tốt da mặt, có chế độ làm việc, học tập hợp lý, tránh bị stress…
Đối với phòng bệnh, hiện chưa có phương pháp nào giúp phòng mụn trứng cá hoàn toàn. Do vậy, giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả mụn trứng cá cũng như ngăn ngừa mụn mọc thêm cụ thể:
- Chăm sóc da đều đặn mỗi ngày, rửa mặt nhẹ nhàng, rửa sạch mặt trước khi đi ngủ, ngay khi ra đường về, không chà xát da quá mạnh và quá thường xuyên, tôn trọng cấu trúc da.
- Không tự ý cạy, nặn mụn.
- Tránh làm việc gây đổ mồ hôi quá nhiều. Tắm và lau sạch cơ thể sau khi ra nhiều mồ hôi.
- Trường hợp mụn mủ có thể bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn (khi dùng kháng sinh đường uống phải theo chỉ dẫn của bác sĩ), hoặc một số chế phẩm giúp giảm sừng hóa, tan nhân mụn.
- Không thoa các loại mỹ phẩm lạ lên da, nhất là dạng crème (kem), dạng dầu…
- Kết hợp uống các thảo dược có tác dụng từ từ giúp tái lập cân bằng sinh lý da, tăng hiệu quả điều trị mụn trứng cá của các thuốc tác dụng tại chỗ. Từ đó tạo tác dụng giúp mụn trứng cá nhanh khỏi hơn đồng thời giảm nguy cơ mụn mọc thêm và tái phát.
- Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hạn chế stress. Giảm bớt căng thẳng tinh thần trong cuộc sống; Kiêng ăn các thức ăn ngọt – béo như chè, bánh ngọt, chocolate, xoài, sầu riêng…