Những câu chuyện Thần Tiên làm nên danh tiếng lầu Hoàng Hạc
Hoàng Hạc Lâu là thắng địa nổi tiếng với rất nhiều truyền thuyết về các bậc chân nhân đắc Đạo. Đó là những truyền thuyết khiến lầu Hoàng Hạc nổi tiếng là “Thánh địa thành Tiên”.
Đến thời Đường, thi nhân Thôi Hiệu đã miêu tả dấu tích Thần Tiên trên lầu Hoàng Hạc:
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ”
Câu chuyện người xưa tu Đạo thành Tiên đã làm nên danh tiếng lầu Hoàng Hạc. Dưới đây là một vài trong số đó:
Phí Y và lầu Hoàng Hạc
Phí Y, tự Văn Vĩ, là bậc danh thần thời Tam Quốc. Ông từng làm thị lang ở Hoàng Môn nhà Thục Hán, rất được Gia Cát Lượng trọng dụng. Ông cùng với Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Đổng Doãn, được ca ngợi là “Tứ Anh” của nhà Thục.
“Hoàng Hạc Lâu ký” của Diêm Bá Cẩn và “Nhập Thục ký – quyển 5” của Lục Du đều ghi chép rằng, đại tướng quân Phí Y từng thành Tiên tại lầu Hoàng Hạc. Sau khi đắc Đạo thăng thiên, Phí Y vẫn thường cưỡi hạc vàng trở lại nhân gian và ngự trong lầu Hoàng Hạc. Tên gọi “Hoàng Hạc Lâu” cũng bắt đầu từ đó. Nguồn gốc đình Phí Y ở phía đông bắc của lầu Hoàng Hạc chính là xuất phát từ truyền thuyết này.
Tử An cưỡi hạc vàng
Trong “Nam Tề Thư – Chí đệ thất – Châu Quận hạ” có truyền thuyết kể rằng, sau khi Tử An tu Đạo thành Tiên, ông đã cưỡi hạc vàng bay qua thành lầu Hạ Khẩu ở Đông Ngô. Trên ghềnh đá Hoàng Hộc ở góc tây nam của tòa lầu có một tòa tháp phòng thủ, đó chính là Hoàng Hạc Lâu.
Vào thời Tam Quốc, Hạ Khẩu nằm ở vùng hạ du nơi hội tụ của hai con sông Hán Thủy và Trường Giang. Đây là cứ điểm thủy lục trọng yếu có ý nghĩa chiến lược trong tấn công và phòng thủ, địa thế giống như thanh kiếm chĩa thẳng vào Đông Ngô.
Vào năm Hoàng Vũ thứ hai (năm 223), Tôn Quyền cho xây dựng thành Hạ Khẩu để đồn binh trấn thủ. Thành Hạ Khẩu đứng đối diện với dòng Trường Giang, chếch về phía tây nam chính là ghềnh Hoàng Hộc. “Kinh Châu Đồ Ký” miêu tả: “Thượng tắc viễn thiếu sơn xuyên, Hạ tắc kích lãng khi khu” (Trên nhìn ra sông núi, dưới sóng nước gập ghềnh).
Trên ghềnh Hoàng Hộc, ngay tại vị trí cao điểm trọng yếu ấy, người ta xây dựng một tòa tháp canh phòng thủ, đó là Hoàng Hạc Lâu. Ngày nay, lầu Hoàng Hạc nằm ở phía tây nam thành Vũ Xương, Trung Quốc.
Có câu thơ rằng: “Đãn kiến thạch thành đa thảo mộc, túc tri giang hạ cửu hưng vong” (Chỉ thấy thành đá bao cỏ dại, đủ biết Giang Hạ mấy thăng trầm). Lịch sử Tam Quốc như khói mây qua mắt, các triều đại nối tiếp lên vũ đài, Hoàng Hạc Lâu cũng không tránh khỏi vận mệnh phải nhiều lần trùng tu, xây dựng. Vị trí của lầu Hoàng Hạc ngày nay đã không còn là địa điểm ban đầu, ngay cả kiến trúc cũng không còn nguyên vẹn như xưa.
Hiếu tử Tuân Tương gặp Tiên nhân
Trong “Thuật Dị Ký” của Nhậm Phưởng thời Nam Triều có câu chuyện kể rằng, Tuân Tương từng may mắn gặp Tiên nhân cưỡi hoàng hạc.
Tương truyền, Tuân Tương (Thúc Vĩ) là một người con có hiếu, cậu yêu thích văn chương và Đạo thuật, sau này ở ẩn tu hành. Một lần khi du ngoạn ở Giang Hạ, Tuân Tương lên lầu Hoàng Hạc và phóng cặp mắt nhìn ra xa. Bỗng cậu thấy ở phía tây nam lờ mờ như có thứ gì đó nhẹ nhàng từ trên mây giáng hạ, chỉ trong chớp mắt đã thấy một vị Tiên nhân mặc áo lông vũ cưỡi hạc vàng bay đến.
Chim hạc thu cánh dừng lại ở bên ngoài, còn Tiên nhân thì tiến vào trong lầu và trò chuyện với Tuân Tương, hai người vui vẻ chuyện trò rất hòa hợp. Sau đó Tiên nhân từ biệt Tuân Tương rồi cưỡi hạc bay lên trời.
Lã Động Tân đắc Đạo thăng thiên
Lã Động Tân là vị Tiên rất trứ danh trong tám vị Thần bất tử của Đạo giáo. Ông tên thật là Lã Nham, tự Động Tân, Đạo hiệu là Thuần Dương Tử, Toàn Chân phái suy tôn ông là Thuần Dương Tổ Sư.
“Lã Tổ Chí – quyển 1” ghi chép rằng, trước khi thu nhận Lã Động Tân làm đồ đệ, sư phụ Chung Ly Quyền đã mười lần khảo nghiệm ông, kiểm tra xem tâm tính ông thuần tịnh đến mức độ nào, đã đạt đến tiêu chuẩn của người tu Đạo hay không.
Lần khảo nghiệm thứ nhất, khi vừa trở về nhà ông thấy cả gia đình mình đều đã chết vì bệnh.
Lần khảo nghiệm thứ hai, Lã Động Tân mang hàng đi bán. Hai bên đã thỏa thuận xong xuôi về giá cả, nhưng ngay sau đó người mua lại trở mặt và chỉ muốn trả một nửa số tiền.
Lần khảo nghiệm thứ ba, vào tết Nguyên Đán có một người ăn xin đến nhà Lã Động Tân và liên tục đòi tiền, không những thế anh ta còn rút dao dọa dẫm rồi mắng chửi ông bằng những lời ác ý.
Lần khảo nghiệm thứ tư, Lã Động Tân đang chăn cừu trên núi thì bị một con hổ rượt đuổi.
Lần khảo nghiệm thứ năm, Lã Động Tân đang đọc sách trong lều cỏ trên núi thì có một cô nương dung mạo diễm lệ bước đến. Cô gái nói rằng cô bị lạc, trời lại sắp tối nên muốn xin tá túc một đêm. Suốt ba đêm liền cô gái trẻ tìm mọi cách quyến rũ Lã Động Tân nhưng ông không hề động tâm.
Lần khảo nghiệm thứ sáu, nhà Lã Động Tân bị trộm đột nhập và lấy đi mọi thứ, trong phút chốc ông chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Lã Động Tân phải tiếp tục làm lụng để nuôi thân, khi ông đang cày ruộng thì bỗng phát hiện hàng chục chiếc đĩa vàng. Ông bèn chôn số vàng ấy trở lại chỗ cũ và tiếp tục làm việc như trước.
Lần khảo nghiệm thứ bảy, Lã Động Tân ra chợ mua một số đồ bằng đồng, sau khi về nhà tất cả số đồng ấy đều biến thành vàng. Ông lập tức đi tìm người bán đồng và trả lại toàn bộ số vàng.
Lần khảo nghiệm thứ tám, Lã Động Tân gặp một Đạo sĩ điên rao bán thuốc ngoài chợ. Vị Đạo sĩ nói rằng, người nào uống thuốc sẽ phải chết, suốt mười ngày trôi qua không một ai dám mua thuốc. Lã Động Tân ngộ ra đây là bậc chân nhân đắc Đạo, ông bèn mua thuốc đem về nhà. Vị Đạo sĩ nói với ông: “Ngươi hãy nhanh chóng chuẩn bị hậu sự đi”. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, Lã Động Tân vẫn bình an vô sự.
Lần khảo nghiệm thứ chín, khi một mình chèo thuyền đến giữa sông, ông đột nhiên gặp trận cuồng phong làm lật thuyền.
Lần khảo nghiệm thứ mười, khi ông đang ngồi trong phòng thì đột nhiên có vô số quỷ thần hình thù kỳ dị đến trước mặt, có kẻ muốn đánh, muốn đấm, lại có kẻ đến để đòi mệnh.
Sau khi Lã Động Tân xuất sắc vượt qua mười khảo nghiệm, sư phụ Chung Ly Quyền mới xuất hiện và thu nhận ông làm đồ đệ, đồng thời dạy ông kim thuật cứu người. Lã Động Tân biết rằng sử dụng kim thuật có thể biến đá thành vàng, nhưng sau 3000 năm số vàng ấy sẽ trở lại nguyên hình thành đá.
Ông không muốn để hậu nhân phải chịu tổn thất nên đã quyết định không học kim thuật. Chung Ly Quyền càng thêm hài lòng vì ông có đạo tâm và huệ căn thâm hậu.
Tương truyền, Lã Động Tân từng tu hành và truyền Đạo ở Hoàng Hạc Lâu. “Lịch Thế Chân Tiên Thể Đạo Thông Giám” kể rằng, Lã Động Tân “lên lầu Hoàng Hạc, vào trưa ngày 20 tháng 5 thăng thiên mà đi”.
Tiên nhân thưởng tiền
Vào thời Tống, lầu Hoàng Hạc được mệnh danh là “Thiên hạ tuyệt cảnh”, lúc ấy vẫn còn lưu lại dấu vết các vị Tiên nhân.
Tương truyền, ở bên ngoài thủy môn Hán Dương có động Tiên. Khi Lục Du và bạn bè du lãm đến nơi này, ông đã tận mắt chứng kiến những vết nứt lởm chởm, sừng sững vài thước cao trên bức tường đá ở vị trí động Tiên trong truyền thuyết. Xưa kia, vị Tiên nhân ẩn thân nơi ấy từng mở cửa động để ra ngoài du ngoạn, một người lính già may mắn gặp vị Tiên đang du ngoạn ấy và được ban cho vài đồng vàng. Sau này, số vàng ấy đều hóa thành đá.
Cưỡi hạc vàng thăng thiên
Trong “Báo ứng lục” cũng ghi chép câu chuyện truyền kỳ về vị Tiên cưỡi hoàng hạc thăng thiên.
Xưa có một quán rượu của ông chủ họ Tân. Một ngày, có vị khách mặc quần áo rách rưới bước vào quán và hỏi: “Có thể cho tôi một ly rượu được không?”.
Ông chủ Tân thấy vị khách này dung mạo khôi ngô, khí độ bất phàm, đoán biết không phải kẻ phàm nhân thô tục, vậy nên ông bèn rót đầy một ly rượu lớn cung kính mời khách. Từ đó vị khách này thường xuyên đến quán rượu, lần nào uống xong cũng không trả tiền, tuy nhiên ông chủ Tân lại không hề tỏ ra khó chịu hay khinh nhờn ông ta.
Một ngày, vị khách nói với ông chủ Tân: “Tôi đã nợ ông rất nhiều rượu mà vẫn chưa trả tiền cho ông”.
Nói rồi, vị khách liền lấy ra miếng vỏ cam vẽ lên tường một con hạc vàng. Khi ông gõ nhịp và hát, bức tranh hạc vàng trên tường bỗng nhẹ nhàng nhảy múa theo điệu nhạc. Những thực khách khác nhìn thấy cảnh tượng kỳ diệu này đều lũ lượt đến thưởng lãm và để lại tiền thưởng.
Con hạc vàng trên tường đã mang lại cho ông chủ Tân rất nhiều tài phú. Vào một ngày 10 năm sau đó, vị khách năm xưa đột nhiên quay lại sau thời gian dài vắng bóng. Ông chủ Tân liền vội vàng bước tới cảm tạ: “Tiên sinh, xin hãy để tôi được cung dưỡng ngài, ngài mong muốn gì tôi đều sẵn sàng đáp ứng”.
Vị khách cười đáp: “Tôi nào vì điều ấy mà đến đây?”.
Vị khách lấy trong ngực ra ống tiêu và thổi, chỉ một lát sau, từng đám mây từ trên trời hạ xuống. Con hạc vàng trong bức tranh bay đến bên cạnh, vị khách bước lên lưng hạc và bay lên trời. Sau này, ông chủ Tân vì để tưởng nhớ vị khách Tiên mà xây lên một tòa lầu, đó chính là Hoàng Hạc Lâu.
Sáu truyền thuyết kể trên khiến lầu Hoàng Hạc nổi tiếng là “Thánh địa thành Tiên”. Cũng nhờ có hạc vàng ghé thăm mà thành quách và tháp canh trên ghềnh Hoàng Hộc đã một thời trở nên hưng thịnh. Dưới gầm trời bao la này, thời gian như bóng câu qua cửa, phù vân sớm tối chóng tàn, thế gian vạn sự thảy đều không. Đến thời thịnh Đường thi nhân Thôi Hiệu đã để lại đôi dòng cảm thán:
“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ.
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu”
Bản dịch của Tản Đà:
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ”.
Những sự tích tu Tiên từng một thời lừng lẫy, vì sao theo thời gian lại bị coi là hoang đường, là tưởng tượng viển vông trong mắt của thế hệ sau này? Điều gì đã khiến chúng ta càng ngày càng rời xa cảnh giới tu Tiên đắc Đạo của người xưa? Nếu thoát ra khỏi mọi quan niệm trói buộc, thì những câu chuyện Thần Tiên trong truyền thuyết sẽ truyền cảm hứng cho con người có được những cảm ngộ ảo diệu thâm sâu.
Theo NTDVN (Minh Hạnh) Đạp Tuyết Phi Hồng – Epoch Times