Khám phá

Những điều kỳ diệu đã làm nên ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (938 – 981 – 1288). Kỳ 1

Đất nước ta có nhiều kỳ quan cùng địa thế hiểm trở hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Đó cũng là những bảo vật trấn quốc đã góp phần to lớn vào những chiến công oanh liệt chói ngời sử sách. Sông Bạch Đằng là một trong những nơi như thế.

Đây cũng là nơi duy nhất ba lần ghi dấu đại thắng của thủy binh Đại Việt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Góp phần làm nên những chiến công hào hùng trên con sông này, ngoài sự anh dũng chiến đấu của quân dân và tài cầm binh của các thống soái thì vẫn còn đó những nhân tố kỳ diệu trong dân gian…

Kỳ 1: Bố Cái Đại Vương hiển thánh giúp Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán

Sơn hà hiểm yếu trời kia đặt, hào kiệt công danh đất ấy từng…

Sông Bạch Đằng hay Bạch Đằng Giang (chữ Hán: 白藤江) còn mang tên Nôm giản dị là Sông Rừng, hiệu là sông Vân Cừ. Nó là một con sông nằm giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km, nằm trong hệ thống sông Thái Bình.

Sông rộng hơn 2 dặm, có nhiều núi cao và nhiều nhánh sông đổ về. Tính từ thượng lưu nối với sông Đá Bạc đến cửa Nam Triệu. Phía trên, sông Bạch Đằng tiếp nước sông Đá Bạc từ Lục Đầu qua sông Kinh Thầy đổ xuống và các dòng nước sông Gia Đước, sông Thải, sông Giá bên hữu ngạn, còn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch, thung lũng… Phía tả ngạn có sông Khoai, sông Xinh đổ về. Hạ lưu sông Bạch Đằng chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc thủy triều dâng, mặt sông mênh mông trải rộng vài km. Lòng sông vừa rộng vừa sâu trung bình khoảng 8m -> 11m, có chỗ sâu tới 16m và cửa sông giáp biển cũng sâu 13m -> 14m. Độ chênh lệch giữa mức nước lên cao nhất và mức nước xuống thấp nhất vào kỳ nước cường từ 2m5 -> 3m2 và vào kỳ nước kém 0,5m -> 1m, Bạch Đằng giang ào ào chảy xuôi ra biển. Với chế độ nhật triều, thời gian từ khi nước triều lên cho đến lúc xuống chỉ trong vòng một ngày. (1)

640px cua song bach dang
Sông Bạch Đằng ngày nay. (Ảnh: Wikipedia)

Vì sông lớn và chế độ thủy triều đầy nguy hiểm, nên dân gian đến nay còn truyền câu:

“Con ơi, nhớ lấy lời cha.
Nước lên, gió bấc chớ qua sông Rừng”.

Nguyễn Trãi cũng từng viết trong Dư Địa Chí :

“Sông Vân Cừ rộng 2 dặm 69 trượng, sâu 5 thước, trên có núi cao chót vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận chân trời, thật là nơi hiểm yếu. Nước ta khống chế kẻ Bắc, sông này là chỗ cổ họng”.

Sông Bạch Đằng giữ vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông đường thủy vùng Đông Bắc nước ta, và nối liền với con đường biển trọng yếu giữa nước ta và Trung Quốc. Phía trong là bờ biển, phía ngoài là một loạt các đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long ngăn cách với biển cả, thuận lợi cho tàu thuyền đi lại. Từ điểm trọng yếu ấy mà các triều đại phương Bắc từ trước cho đến mãi sau này đều nghiên cứu kỹ lưỡng đường thủy an toàn này từ Quảng Đông (Trung Quốc) xuyên qua vịnh Quảng Ninh vào hệ thống sông Bạch Đằng, rồi nhanh chóng hội quân với kỵ binh ở đất liền, đồng thời nhờ vào những hòn đảo lớn nhỏ che chắn chúng sẽ tránh được các cơn bão và thẳng tiến vào Thăng Long nước ta. Chúng đặt tên cho con đường biển xâm lược này là Đông Kênh. (2)

Tiễu trừ Kiều nghịch tặc, Ngô chúa chống ngoại xâm…

Ngô Quyền sinh ngày 12/3/897, trong một dòng họ hào trưởng ở châu Đường Lâm. Ông được dân gian ca ngợi là: “Bậc anh hùng tuấn kiệt, trí dũng”. Điều kỳ diệu ở Ngô Quyền là khi mới sinh ra có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng. Ngô Quyền lớn lên khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng. (3)

ntdvn ngo
Ngô Quyền khi mới sinh ra có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng. Ngô Quyền lớn lên khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng. (Wikipedia – CC BY-SA 3.0)

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết để cướp ngôi Tiết độ sứ. Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ, ông liền tập hợp lực lượng kéo quân ra Bắc đánh Kiều Công Tiễn để trị tội phản chủ. Kiều Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Trong khi ấy, Kiều Công Chuẩn (con Kiều Công Tiễn) không đồng tình với kế sách của cha, bí mật sai Kiều Công Hãn mang thư cấp báo cho Ngô Quyền rõ tình hình quân Nam Hán sắp kéo sang. Ngô Quyền quyết định nhanh chóng: trước giết Kiều Công Tiễn, sau chuẩn bị đối phó quân Nam Hán. Vì được tin mật báo nhanh và hành động quyết đoán, khi quân Nam Hán chưa kịp kéo sang, mùa thu năm 938, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn rồi.

Hào kiệt dâng kế lạ, Bắc quân hết đường về…

Sách An Nam chí lược của Lê Tắc viết rằng:

“Công Tiễn bị Ngô Quyền vây, sức yếu bị thua mới cầu cứu nhà Nam Hán” .

Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép:

“Lưu Cung tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Lưu Cung hỏi kế ở Sùng Văn sứ là Tiêu Ích, Tiêu Ích nói: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến”. Vua Nam Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào.” (4)

Kiều Công Hãn thấy Ngô Quyền lo quân ít, định chiêu mộ thêm quân để chống giặc, ông bèn khuyên rằng:

“Nam Hán mạnh về thủy chiến, nếu sang nước ta tất đi đường biển, nhất định sẽ vượt qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay trên sông Bạch Đằng”.

Ngô Quyền khen kế đó hay, liền nghĩ đến địa thế hiểm yếu của thiên nhiên mà bày ra thế trận cọc ngầm trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt giặc.

Sử chép:

Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng:

Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát ra”. (5)

ntdvn coc
Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát ra. (Wikimedia Commons)

Một lời khuyên của thức giả có khi đáng giá hơn sức mạnh của trăm vạn hùng binh. Vì thế trong chiến công đánh thắng quân Nam Hán, công đầu nên kể đến Kiều Công Hãn, một vị hào kiệt đầy mưu lược và lương thiện chính trực hiếm có trong lịch sử. Dù biết ông nội của mình là Kiều Công Tiễn sẽ bị Ngô Quyền giết nhưng vì đại nghĩa ông vẫn đặt quốc gia và bách tính lên trên gia đình. Có thể nói lòng lo lắng cho nước nhà và tầm nhìn sáng suốt của ông đã tạo nên nguồn cảm hứng để Ngô Quyền thực hiện thành công trận phục kích lưu danh thiên cổ này.

Trời giúp trang hảo hán, phò vua cứu dân lành…

Tuy đã có mưu sâu kế lạ, quân tướng đang khí thế ngút trời và được lòng dân, nhưng để Ngô Quyền thực hiện thành công chiến lược “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” kia thì lòng người là cần nhưng chẳng thể thiếu ý Trời và những yếu tố khác. Ví như để có thể dụ địch đến bãi cọc đã đóng mà không bị phát lộ thì phải nắm thật vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán đúng thời điểm để khi thuyền địch tới bãi cọc rồi, thủy triều mới rút; có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm. Nhưng nắm được quy luật của thiên nhiên mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có sự liên lạc hiệu quả để hiệp đồng tác chiến của một đoàn quân thủy có quy mô lớn. Muốn làm được như vậy thì tướng lĩnh phải tài năng, quân lính phải khí thế, kinh nghiệm thực chiến cần phong phú, kiến thức về địa hình, địa vật phải chắc, quân kỷ phải nghiêm minh…

Nhưng có lẽ Ngô Quyền sinh ra là chân mệnh thiên tử, người mang sứ mệnh giải thoát cho dân Nam khỏi ách đô hộ nghìn năm của phương Bắc và làm nên lịch sử ngay tại dòng sông này. Nên ông Trời đã khéo an bài sắp đặt mọi nhân tố cần thiết cho ông từ trước.

body of water under blue and white skies 1533720
Để dụ địch đến bãi cọc đã đóng mà không bị lộ cần nắm thật vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán thời điểm sao cho tới bãi cọc rồi, thủy triều rút; thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm. (Ảnh: Pexels)

Năm 938, khi Ngô Quyền về vùng ven biển Đông Bắc (An Dương) chiêu mộ lực lượng chuẩn bị đối phó với quân Nam Hán xâm lược, thì được các thanh niên địa phương hết lòng hỗ trợ, có thể kể đến: Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận, ba anh em họ Lý ở làng Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo… cùng hàng trăm trai tráng quanh vùng. Họ đều là những người dân ven biển, sống bằng nghề sông nước nên lập tức được trọng dụng ngay. Nguyễn Tất Tố còn trở thành gia tướng cho Ngô Quyền.

Cũng cần nói thêm, Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận vốn sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, họ bơi lội giỏi, tinh thông võ nghệ và am hiểu tường tận sông nước Bạch Đằng. Thanh niên trai tráng trong làng theo chân họ vốn từ nhỏ cũng sống bằng nghề chài lưới. Đây chính là nhân tố cuối cùng mà Ngô Quyền cần: một đạo thủy quân thiện chiến và các tướng lãnh thông thuộc địa hình địa phương.

Nguyễn Tất Tố xin được tình nguyện làm người nhử quân giặc vào trận địa cọc. Ông nói rằng:

Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nào thì nước lên nước xuống, nay muốn giặc mắc bẫy thì chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng thời khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy. Bọn giặc vốn kiêu ngạo tưởng quân ta thất thế tất sẽ hùng hổ đuổi theo; ta sẽ dụ chúng vào bẫy cọc, đến khi nước rút nhanh, thì thuyền chiến của chúng như những con cá mắc cạn. Lúc đó sợ gì mà không phá được giặc”.

Ngô Quyền mừng lắm bèn giao cho Nguyễn Tất Tố một đội thuyền nhỏ cùng với Đào Nhuận, ba anh em họ Lý đi thám sát, thăm dò con nước, các nhánh sông, cồn gò, bãi bồi, rừng sú vẹt, đầm lầy, kênh rạch, bờ bãi quanh hai bờ sông Bạch Đằng để bố trí quân mai phục, che giấu thuyền bè, đẵn gỗ đóng cọc. Họ phải hoàn thành nhiệm vụ “Đánh thật mà giả, giả như thất trận thật”. Ngô Quyền quyết định chọn khúc hạ lưu sông Bạch Đằng làm nơi phục binh. Ông lệnh cho các tướng điều động quân dân vào rừng chặt cây làm cọc. Bấy giờ vào cuối năm 938, mưa dầm dề nhiều ngày, quân dân hăng hái lặn lội mưa rét ngày đêm vận chuyển hàng nghìn hàng vạn cây lim, sến, táu… rồi vạt nhọn, bịt sắt, cắm xuống lòng sông; chỉ hơn một tháng là mọi việc hoàn thành.

ntdvn bai coc tren song bach dang
Bấy giờ mưa dầm dề nhiều ngày, quân dân lặn lội mưa rét ngày đêm vận chuyển nghìn vạn cây lim, sến, táu… rồi vạt nhọn, bịt sắt, cắm xuống lòng sông; chỉ hơn một tháng là mọi việc hoàn thành. (Wikimedia Commons)

Thuận theo ý trời, Bố Cái Đại Vương hiển thánh phù trợ

Không những là sự giúp sức của quân và dân, ý trời còn khiến cho thần linh sở tại trợ giúp Ngô Quyền hoàn thành công nghiệp này. Theo sách Việt Điện U Linh, phần Lịch Đại Đế Vương, chương Bố Cái Đại Vương đã thuật lại chuyện Phùng Hưng hiển linh trợ giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán như sau:

Vương vừa mới mất đã hiển linh, thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên gia ốc, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày. Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo cáo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý. Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt.”

“Thời Tiền Ngô chúa kiến quốc, Bắc binh nhập khẩu, Tiên chúa đã lo, nửa đêm hốt nhiên mộng thấy một ông già đầu bạc, y quan nghiêm nhã, tay cầm quạt lông, chống gậy trúc, tự xưng tính danh rằng: “Ta lãnh thần binh vạn đội, sẵn sàng mai phục chỗ yếu hại, chúa công tức tốc tiến binh chống cự, đã có âm trợ, chớ lo phiền chi cả”.

Đến khi tiến binh trên Bạch Đằng, quả thấy trên không có tiếng xe ngựa. Trận ấy quả được đại tiệp. Tiên chúa lấy làm lạ, chiếu kiến lập miếu điện, trang nghiêm hơn xưa, lại sắm thêm quạt lông, cờ hoàng đạo, chiêng đồng, trống đại, rồi làm lễ thái lao, con hát đến làm lễ tạ. Lịch triều theo đó dần dần thành ra cổ lễ”…

540px tuongphunghung
Tượng thờ Phùng Hưng tại đền thờ ông ở quê hương-làng Cam Lâm xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây Hà Nội. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 3.0)

Một cỗ nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm…

Lại nói về Lưu Cung nghe Kiều Công Tiễn cầu cứu nên nhân cơ hội này muốn chiếm lấy Giao Chỉ. Ông ta liền phong cho con mình là Vạn vương Lưu Hoằng Tháo làm Giao Vương, đem quân cứu Kiều Công Tiễn, còn Lưu Cung đóng ở Hải Môn để làm viện binh. Trước đó Lưu Cung hỏi kế Sùng Vân Sứ là Tiêu Ích. Tiêu Ích nói: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển lại nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến”. Vua Nam Hán nôn nóng nên không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào.

Khi quân Hoằng Tháo vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lệnh đội thuyền chiến nhỏ do Nguyễn Tất Tố chỉ huy đánh mạnh vào thuyền giặc, khiến giặc bất ngờ. Hoằng Tháo thấy đoàn thuyền Việt “nhỏ như những lá tre”, sao có thể chống lại những con thuyền to lớn dũng mãnh này được. Hắn tự đắc thúc chiến, và đó cũng là lúc đội thuyền Nguyễn Tất Tố vờ thua bỏ chạy, làm cho địch tưởng thật, ồ ạt đuổi theo, tiến vào bãi cọc mà không hề hay biết.

ntdvn ngo quyen dai pha quan nam han tren song bach dang
Khi quân Hoằng Tháo vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lệnh đội thuyền chiến nhỏ do Nguyễn Tất Tố chỉ huy đánh mạnh vào thuyền giặc, khiến giặc bất ngờ. (Wikimedia Commons)

Bấy giờ nước sông bắt đầu rút nhanh. Đây chính là giờ phút quyết định, Ngô Quyền dốc toàn lực ra đánh: tả ngạn có Dương Tam Kha, hữu ngạn là Ngô Văn Xương và Đỗ Cảnh Thạc phục sẵn hai bên bờ để phối hợp thủy quân đánh tạt sườn địch, sẵn sàng diệt địch khi chúng chạy tràn lên bờ. Ở phía thượng nguồn, từ cửa biển ngược lên không xa, một đạo quân chủ lực do Ngô Quyền chỉ huy phục sẵn chặn đường lui của địch. Quân Nam Hán hỗn loạn, khi chúng tháo chạy thì bị những bè lửa ngùn ngụt cháy lao đến thiêu đốt, phần thì bị cánh quân Nguyễn Tất Tố quay lại đánh. Sự phối hợp nhịp nhàng, theo đúng kế hoạch của quân ta khiến quân Nam Hán đại bại, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng tại trận. Trận Bạch Đằng diễn ra nhanh gọn, triệt để đến mức độ vua Nam Hán đóng quân sát biên giới mà không kịp tiếp ứng, chỉ biết thương khóc con và rút quân về.

Lưu Cung vì muốn mở rộng bờ cõi mà chủ quan. Nếu nghe theo lời Tiêu Ích cử người đi thám thính trước thì có thể sẽ phát hiện dân quân Đại Việt đang ngày đêm chặt cây, vận chuyển, đóng cọc dưới sông… thì y sẽ có kế hoạch khác, và kế hoạch của Ngô Quyền cũng sẽ thay đổi theo, Hoằng Tháo cũng không bị chết thảm như vậy. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”, vì Ngô Quyền có mệnh là chân Chúa trời Nam, được ý Trời và lòng người dựa vào, nên Lưu Cung phải thua âu cũng là chuyện dễ hiểu.

Cuộc chiến diễn ra và kết thúc chỉ trong vòng một ngày, gần như toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, chủ tướng bị chém chết tại trận. Có thể nói đây là trận đánh thần tốc với hiệu quả cao vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm nước ta. Nó đã đặt dấu chấm hết cho nền thống trị 1000 năm Bắc thuộc. Mùa xuân Năm Kỷ Hợi 939 (cách năm Kỷ Hợi 2019 của chúng ta đúng 1080 năm), Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa, xưng là Ngô Vương, xây dựng nhà nước tự chủ, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô, sử sách gọi ông là Tiền Ngô Vương.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:

Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục. Sách Việt sử tiêu án chép: Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành”.

Tuy chưa xưng Đế, nhưng chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Vương là vô cùng quan trọng trong lịch sử nước nhà, đúng như sử gia Ngô Thì Sĩ nhận xét:

“Lưu Nghiễm ngấp ngó Giao Châu, thừa lúc Đình Nghệ mới mất, cậy có quân ứng viện của Công Tiễn, chắc rằng có thể đánh một trận phá được Ngô Quyền, nhân thế lấy được nước Nam dễ như móc túi vậy. Nếu không có một trận đánh to để hỏa nhuệ khí của Lưu Nghiễm, thì cái tình hình ngoại thuộc lại dần dần thịnh lên, cho nên trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi”. (6)

Thế mới nói, mùa xuân năm 939 là mùa khai sinh ra nước Đại Việt vậy, quả đúng là:

“Kiền khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Nghìn thu vết nhục nhã sạch làu”…
(Bình Ngô Đại Cáo-Nguyễn Trãi).

Nguồn: ntdvn (Tâm Thanh)

Chú thích:
(1): Báo Quảng Ninh
(2): Wikipedia
(3): Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ), quyển 5
(4), (5): Đại Việt sử ký toàn thư
(6): Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sĩ

Sách tham khảo:
Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam quốc sử khảo, Lịch sử cổ Đại Việt.

 

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *