NHỮNG ĐỨA CON CỦA MÁ
Hồi nội đem trầu cau cưới má về cho ba, nhiều người nói má có phúc lấy chồng ăn học đầy mình. Đã vậy còn đẹp trai, con út, vườn ruộng thì mênh mông. Bên xứ đó biết bao con gái, vậy mà qua tuốt miệt này cưới má.
Sau đám cưới một tuần, má lên chức liền. Không phải má của Dung đâu bởi lúc đó Dung còn là một sinh linh bay phất phơ tận phương nào. Má thành má của đứa nhỏ hai tuổi, ốm nhách ốm nhom tên Xiêm, con của ba với cô miên lai nào đó ở miệt Sóc Trăng-Trà Vinh.
Một năm sau, má sinh thêm Dung. Suốt khoảng thời thơ bé, Dung gặp Bác Hai ở trên xóm chợ nhiều hơn ba mình. Ba Dung làm soạn giả, kiêm dàn dựng, kiêm luôn ông bầu cho một gánh hát. Chắc vì kiêm nhiều việc như vậy, nên ba đi quanh năm, suốt tháng. Quên luôn mình còn có vợ, hai con gái và bà mẹ già ở cái xóm Xẻo Mây này.
Gánh của ba hát hay cở nào, đi lưu diễn bao nhiêu tỉnh miền Tây thì Dung với má không biết. Má với Dung chưa một lần được coi đoàn của ba diễn. Ba nổi tiếng, nổi danh ra sao cũng chẳng biết, chỉ biết ba về nhà khi cần tiền mà thôi.
Ba về lâu thì bữa trước bữa sau là đi, mau thì ăn xong bữa cơm. Trước khi đi, bao giờ trong tay ba cũng có cái kim tây đính một hai khâu vàng bà nội đưa. Nội không đưa thì má cũng đưa thôi, không có gì khác biệt. Những lần ba về, chị hai Xiêm và Dung đứng lấp ló chỗ cột nhà lén len nhìn. Tóc ba mướt rượt, quần áo thẳng băng không như ba của tụi thằng Tí hay con Lượm. Chị hai với Dung không dám mơ được ba làm nhong nhong cho mình cưỡi như ba tụi nó, chỉ muốn được ba ôm một cái để hít hà mùi dầu thơm trên người ba cho đã. Chắc tại chị hai Xiêm lem nhem nên ba không nhận ra được đó là con gái của mình. Cũng như ba sợ ẵm Dung sẽ làm nhăn mất bộ đồ hổng chừng.
Lần này ba về bốn ngày rồi mà chưa đi. Không ai biết lý do nhưng Dung biết. Sáng hôm kia má đi chợ, Dung nghe giọng nội cương quyết :
– Bây đói thì về đây tao nuôi. Tao không cho bây tiền làm tuồng dựng tuồng gì nữa. Bao năm nay bây rút rỉa nhà này, giờ còn cái vỏ mục chớ còn cái gì đâu. Chuyện bây tác tệ bên ngoài tao biết hết. Nhưng tao nói cho bây biết, nhà này chỉ có con dâu duy nhất là má con Dung thôi. Bây mà dẫn cái ngữ ẻo lả, ngã ngớn đó về, tao vác chổi chà, tao đập cho mang nhục.
Ngày hôm sau thì ba đi. Lúc xuống đò, ba còn dặn đi dặn lại má:
– ” Coi ráng chạy dùm anh nghe mình” Đó là lần đầu tiên Dung nghe ba gọi má ngọt ngào êm dịu như vậy.
Cả tuần đó, má quơ quào từ vườn sau ra tới nhà trước. Bầy vịt định nuôi đẻ, đám heo mới vô tạ, cá dưới ao má đem bán hết. Bán mão luôn đám xoài cát sau vườn. Khuya, má tần ngần thở dài mấy lần khi gói cặp vòng cưới chạm kiểu bánh ú trong cái khăn mùi xoa. Má sợ chưa đủ số ba cần. Sợ ba trông, thay vì nhắn ba về như dự định, má tất tả dẫn chị hai và Dung đón xe đò tới chỗ đoàn hát đang diễn.
Tới chỗ đoàn hát của ba đang dựng rạp thì trời đã trưa. Má kêu hai ly nước mía trước cửa rạp cho chị hai Xiêm với Dung uống và biểu hai đứa ngồi yên đó, đừng chạy lung tung. Nói đôi ba câu nhờ dì bán nước mía ngó chừng, má đi vội vô rạp kiếm ba. Má nói đi một chút mà Dung uống hết ly nước mía cả buổi trời, hổng thấy má trở ra. Tới lúc chị hai Xiêm ngủ gục lên gục xuống, mới thấy má ra. Hồi đi, má nói sẽ ở mấy ngày cho hai chị em coi hát đã luôn. Vậy mà trả tiền nước mía xong, má xốc lại giỏ đệm, biểu chuẩn bị về cho kịp chuyến đò chiều. Mặc kệ dì nước mía có lòng nài giữ, dì nói :
– Chị về chi giờ này cho mệt, sáng mai hãy về cho khoẻ. Chắc chị có bà con là đào kép gì hả. Nếu chị hổng ngại, lại nhà tui nghỉ ngơi. Tối nay đoàn hát tuồng Dương Qúy Phi hay lắm. Cô Mỹ Hạnh vợ ông bầu Thanh đóng vai chánh. Đào hát Sài Gòn chính tông nghe. Trời ơi, cổ đẹp hết biết luôn …
o0o
Bẵng đi mấy năm, hôm đó lối xế xế chiều, nghe con Mực sủa inh ỏi ngòai ngõ, má bước ra. Thấy một người đàn bà trẻ đẹp tay bồng, tay dẫn con nhỏ, đứng bợ ngợ trước cổng rào, má đon đả mời vô nhà uống miếng nước, miệng hỏi chớ em kiếm ai? Người đàn bà chần chờ một chút rồi nói kiếm người bà con mà tìm nhà không ra, Không biết họ dọn đi chỗ khác hay sao đó. Má ừ hử theo, rồi má mời người đàn bà ở lại ngủ, mai hảy kiếm tiếp. Mặc cho nội rầy rà dân cù bơ cù bất biết tốt xấu thế nào mà rước vô nhà, lỡ gặp dân lừa gạt sáng ra không còn cái quần mà bận. Mà má cũng kỳ ghê nơi, cho ở nhờ là tốt rồi, má còn mần gà nấu cháo đãi người ta. Chị hai Xiêm hỏi:
-Mắc mớ gì không dọn canh rau má, cá kho đang ăn mà phải mần gà vậy má.
Má thở hắt, trả lời: -Người ta dân Sài Gòn, sợ không quen đồ ăn ở quê. Má thiệt là hay nhìn sơ vậy mà biết là dân Sài gòn, dù má chưa đi Sài gòn bao giờ.
Sáng hôm sau, nhà không bị mất mát cái gì. Ngược lại, còn dư ra. Dư hai đứa nhỏ đang ngủ trên bộ ván và cái phong thư được dằn bằng ly uống trà để trên bàn. Nội kêu chị hai Xiêm đọc coi thư nói cái gì. Chị lập cà, lập cập vừa đọc vừa đánh vần, chữ được chữ mất. Chị đọc xong thì nội kêu trời ơi đất hỡi, biểu Dung chạy lên chợ kêu bác hai xuống liền. Bác hai xuống tới nói đôi ba câu, Nội lại sai bác đi kêu ba về gấp, về liền coi thực hư ra sao.
Còn phần má, hổng cần tới cái thư bởi má hổng biết chữ, nhưng má vẫn biết hết. Má biết người đàn bà đó tên Mỹ Hạnh. Má nhớ rõ vóc dáng, gương mặt ấy dù chỉ nhìn lén, thoáng qua có một lần. Chắc tại cổ ỷ y tưởng má hổng biết mặt cổ. Ui, mà cần gì biết. Nhìn tay cổ đeo hai chiếc vòng kiểu chạm bánh ú thì má biết cổ là ai liền. Ngay khi cổ cùng hai đứa nhỏ ngồi trên bộ ván, má cũng đã biết hai đứa nhỏ đó con ai luôn. Chẳng cần chờ ba về xác nhận.
Tuần sau, má xách cặp gà tơ mập ú với giỏ xoài cát chín cây đi lên nhà ông chủ tịch xã. Chẳng biết do ổng thông cảm hoàn cảnh má hay do sợ oai bà chủ tịch xã. Chỉ biết hôm sau, má xách cái sổ hộ khẩu lên xã, thì ổng lấy con dấu đóng lộp cộp gì đó. Vậy là má có thêm liền hai đứa con nữa mà khỏi phải đẻ chửa gì ráo trọi.
Nhiều bữa, má ăn chén cơm mà bỏ lên bỏ xuống mâm hai ba lần, tay này chan canh cho bé Thủy, tay kia lấy xương cá cho út Thông. Nội lại kêu trời kêu đất:
-” Dâu ơi, dâu hỡi, bây hiền chi mà hiền dữ vậy!” Nào đâu chỉ có vậy, má trần thân lai nhộng với tụi nói. Mấy tháng đầu, đêm nào thằng Thông cũng thức giấc khóc rỉ rả cả tiếng đồng hồ. Má một tay xoa lưng nó, miệng ầu ơ ví dầu:
-” Ngủ đi con, ngủ ngoan má thương ”. Vậy mà nó cứ luôn miệng gọi má ơi, má ời. Con Thủy chiều chạng vạng nào cũng ra đứng trước cổng rào khóc hù hụ như ma trù. Má hỏi nó nhớ má nó hả, nó lắc đầu nói không phải. Nó khóc vì sợ tiếng con Vạt Sành kêu trên cây mận hồng đào trước sân. Nó nói có câu vậy thôi đó, bữa sau má xách dao ra đốn bay cây mận hồng đào bự chảng. Không ai dạy, ai biểu nó hết mà bữa kia, thấy má ngồi phơi đậu xanh trước hàng hiên, con Thủy lụm cái nón lá má để gần đó, lon ton chạy lại, quạt quạt hỏi:
– ”Mát hông má má bớt mệt chưa má”.
Má cười, trả lời nó:- ” Má mát, má hổng mệt ” trong khi mồ hôi vẫn chảy thành dòng trên mặt.
Ba gần như biệt tích biệt tăm, không phải ba bận rộn như hồi xưa đâu. Sau khi cô đào chánh Mỹ Hạnh đi theo người tình mới vài tháng, ba bán gánh hát lại cho người khác. Ba về trồng kiểng, làm thơ cùng người yêu dấu mới của ba, một bà góa trẻ ở chợ Tam Bình.
Năm đó, mới ra giêng thì ba về. Mém chút nữa Dung không nhận ra ba. Ba gầy yếu, tóc bù xù, nước da vàng vọt, khác với dáng dấp phong độ thường ngày. Chiều ấy, trong khi nội vẫn kêu ” trời ơi , đất hỡi ” như thường lệ ở nhà trên, thì má ngồi khóc hu hu sau bếp. Má kêu bốn chị em lại dặn dò chị hai Xiêm những công việc vườn ruộng, heo gà. Phần Dung, má cắt đặt lo nấu cơm nước. Thủy với Thông phải luôn ở nhà trên để nội sai biểu lặt vặt. Má nói ba bị sơ gan cổ chướng nặng lắm do hồi trước, ba uống rượu với hút thuốc nhiều. Sắp tới, má phải lo đi chạy thuốc với ba. Bốn chị em thương má thì phải nghe lời má dặn.
Má bắt đầu những tháng ngày giành giật ba với tử thần. Thời đó chưa có xạ trị như bây giờ, chỉ dựa vào thuốc nam thuốc bắc. Chỗ nào nghe có thầy hay, má cũng lặn lội đưa ba tới coi mạch hốt thuốc. Ngày xưa, với những người đàn bà của ba, má còn giành giật không lại, huống hồ bây giờ là tử thần. Gần năm sau, ba mất.
Một năm sau ngày ba mất, bữa chiều kia đang ngồi trên trường kỷ, nội bảo thấy nhức đầu. Vừa mới bước xuống, định lại hộc tủ lấy chai dầu, thì nội ngã ngang ra. Khi nội tỉnh dậy, phân nửa người bị liệt không thể đi đứng như xưa. Thầy thuốc bảo nội trúng gió. Má tiếp tục chạy thầy chạy thuốc nhưng nửa năm sau, nội cũng qua đời. Má thường ngày đã ít nói bây giờ càng ít nói hơn. Má như cái bóng câm lặng chỉ biết làm việc quần quật từ sáng tới chiều để nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Hôm đám giỗ đầu xả tang bà nội, có ông khách lạ đi cùng bác hai tới dự. Lạ vì trước giờ ổng không có qua lại chi với nhà Dung, cũng không phải dòng họ bà con. Chớ ai cũng biết ổng là chủ tiệm tạp hóa Thuận Bình có cái nhà lầu bự chảng ngoài chợ, gần nhà bác hai. Tối đêm đó, bốn chị em Dung núp bên mé hiên để nghe lén coi Bác hai nói gì với má. Dung nghe bác hai trai khuyên má tái giá với ông chủ tiệm tạp hóa. Bác nói má cực khổ nhiều rồi. Nay một thân một mình bốn đứa con làm sao mà lo xuể. Bác nói ổng là bạn lâu năm với bác, người tử tế đàng hoàng, vợ chết sớm ở vậy nuôi con khôn lớn. Ổng qúy thương cái tính hiền lành, chịu khó của má. Nhiều người cũng bẹo dáng, bẹo hình nhưng ổng không chịu. Bác hai gái cũng nói thêm vào :
– Anh tư Bình là bà con bên tui thành ra tui biết rõ gia cảnh ảnh. Thím đừng có lo những chuyện rườm rà sau này. Mấy đứa con của ảnh tụi nó hiểu chuyện lắm. Biết ảnh muốn chấp nối với thím, tụi nó mừng và ủng hộ, nói vô hết mình. Thằng con lớn cưới vợ, ảnh cũng chia phần cho nó hẳn hoi. Con nhỏ kế có người đi hỏi rồi. Thằng út đang đi học, sắp ra trường. Hai chị em nó đang ở cái nhà anh Tư mua trên Sài gòn hồi mấy năm trước.
Ảnh có nói với tui nếu thím ưng, mọi chuyện tùy ý thím hết. Thím dẫn tụi nhỏ ra đó cùng buôn bán. Giả như thím thích ở vườn ruộng, nhà ngoài chợ ảnh cho thuê lấy tiền mỗi tháng, rồi ảnh mua thêm đất đai về đây hủ hỉ cùng thím với mấy đứa nhỏ. Nói chung, cần tình nghĩa với nhau, chớ cuộc sống cơm gạo coi như không cần lo. Thím nghe anh chị khuyên, bước thêm bước nữa để có người bầu bạn đở hẩm hiu lúc tuổi già. Con cái phải lớn, rồi lấy vợ lấy chồng đâu có ở cùng mình hoài được.
Những ngày sau đó, cứ đôi ba hôm vào xế chiều, bác Tư đi cùng vợ chồng bác hai vào thăm má con Dung. Lần nào bác tư cũng xách lỉnh kỉnh bánh trái, qùa cáp Bốn chị em Dung thì thầm đoán già đoán non chuyện má có lấy chồng nữa không Chị hai Xiêm nói tùy ý má, còn Dung quen không có ý kiến xưa nay. Út Thông hình như thích bác Tư nhất là sau khi bác cho nó mấy món đồ chơi. Riêng con Thủy thì ngược lại, nói một cách dứt khoát- ”Em hổng cho má lấy chồng đâu!”. Tưởng nó nói giỡn chơi, ai dè nó làm thiệt.
Hôm trước, lúc chạng vạng, khi bác hai cùng ông bác tư ra về. Vừa tới cây cầu nhỏ bắt qua con rạch, thì hỡi ơi cái cây tay vịn cầu không cánh mà bay. Người nhà quê như mấy chị em Dung không cần tay vịn vẫn đi ào ào, nhưng người ở chợ như những vị khách ấy thì lại khác. Má giả lả bảo, chắc mấy đứa con nít trong xóm sơ ý làm rớt cây tay vịn. Má sai Dung với chị Xiêm lấy hai cây trúc thật dài, cắm xuống bên mé rạch để mấy bác vịn vào như chống sào để đi cho dễ.
Quay vào nhà, việc đầu tiên má gọi con Thủy hỏi nó giấu cây vịn cầu ở đâu mau ra gắn lại. Má nói nó làm vậy là vô phép, người ta biết sẽ cười má không biết dạy con. Còn như nữa má sẽ bắt khoanh tay qùy gối ở trên nhà trên. Lúc đầu nó chối nhưng khi nghe má nói -”Con là con của má, tánh nết con ra sao má biết rõ ” thì nó cúi gầm mặt mím chặt mô. Chợt nó ngước mặt lên nói :
– “Con hổng làm vậy nữa. Nhưng má đừng lấy chồng được không má. Hông ấy, con nghĩ học cho má đở cực, má đừng lấy chồng nhe má.” Nói tới đó thì nó mếu máo khóc. Thằng Thông chẳng biết trời trăng gì, cũng hùa theo khóc. Nó ôm lấy má như sợ ai đó giật má đi mất hổng bằng. Nó nói bằng giọng ngọng nghịu :
– “Con hổng cần mấy chiếc xe đồ chơi đó nữa. Chút con liệng nó xuống sông. Má đừng lấy chồng nghe má. Má đừng bỏ út Thông nghe má …”
Chị hai Xiêm với Dung đứng gần đó cũng oà khóc theo. Má đưa tay ngoắc chị em Dung lại. Má ôm đứa này, rờ đầu đứa kia, nước mắt má chảy ròng ròng mà miệng má cười, má nói :
– Má có nói má lấy chồng hồi nào đâu Tụi con đừng khóc. Má không lấy chồng, má ở vậy với tụi con. Cuộc đời của má chuyện gì cũng thua kém, không bằng người khác. Cái má được là có bốn chị em con. Thương má thì cố gắng học hành, nên người tử tế.
Không biết má nói gì mà bác Tư Bình không còn tới nhà nữa. Nhưng chắc chắc không phải sợ cái câu hăm dọa của con Thủy
– ” Ổng mà còn tới nữa, em dỡ cầu để ổng lội rạch về cho biết ”. Người ta ở quê nuôi một đứa con đi học đã là chuyện khó Đằng này, bốn chị em Dung điều tới trường đầy đủ. Trăm dâu đổ đầu tầm, má quần quật từ sáng đến chiều với ruộng vườn. Hết heo gà tới trồng rau, trồng cải… chuyện gì má cũng làm tuốt luốt.
Năm đầu tiên chị Xiêm học đại học ở Sài gòn thì gặp anh Hải. Anh là cháu bà chủ khu nhà trọ chị đang ở để đi học. Anh từ Mỹ về thăm họ hàng, trời xui khiến thế nào mà anh chị phải lòng nhau. Anh ngỏ lời nếu chị ưng thì anh sẽ cưới và rước chị về bển. Nhưng chị lại từ chối. Biết chuyện, má nhắn chị dẫn anh về quê chơi. Tối đó, không biết Má nói gì mà sáng bữa sau, chị lại đồng ý lời đề nghị của anh. Đám cưới được gấp rút tổ chức ngay sau đó. Dung hỏi, má cười cười rồi nói :
– Má thấy cậu Hải mặt mũi dễ coi, nhìn cũng đàng hoàng tử tế. Má biết hai Xiêm cũng thương người ta, nhưng hổng nở xa má với tụi bây. Nó muốn ở đây đở đần má… Con má tánh ý ra sao má biết rõ. Bởi vậy, má kêu nó đừng vì má mà lỡ duyên nợ. Má còn khoẻ, còn lo tụi con được. Mai mốt má già, báo hiếu má cũng chưa muộn.
Đám cưới xong, hai năm sau thì chị Xiêm theo chồng về Mỹ. Bữa đưa chỉ đi ra sân bay, bốn chị em ôm nhau khóc sướt mướt. Chỉ có má là không khóc, má còn rầy mấy chị em là không được khóc người ta cười cho. Phải mừng cho chị chứ, có đâu bù lu bù loa như con nít. Vậy mà, chị đi rồi, ba ngày sau má đụng cái gì đổ bể cái đấy.
Lá thư đầu tiên gửi về, chị bảo bên nhà chồng rất tốt với chị. Sắp tới chị sẽ đi học tiếp. Chị kể chị nằm mơ thấy cùng với chị em Dung đi nhổ bông súng về nấu canh chua cá linh. Tỉnh giấc dậy, chị nhớ nhà òa khóc khiến chồng chị phải an ủi mãi. Chắc sợ bấy nhiêu đó không đủ diễn tả nỗi nhớ của mình, cuối thư chị còn nhắc lại ” nhớ má qúa trời má ơi ”. Báo hại cả tuần sau đó, má cứ lấy cái thư ra nhìn ngó hoài dù má không biết đọc, rồi má lại lén lén kéo cái khăn lau nước mắt .
Bẵng đi một thời gian chừng năm mấy. Trong một lá thư khác, chị Xiêm nói gặp một người tên là Carol Lê, chính là cô đào hát Mỹ Hạnh ngày xưa. Bà là khách quen của tiệm Nail nơi chị đang làm. Một lần bã thuận miệng hỏi chị ở tỉnh nào của miền Tây, hỏi hỏi nói nói thế nào mà nhận ra là quen biết nhau. Nghe chị bảo Thủy và Thông đều đã lớn và học hành rất giỏi, bà vui lắm. Bây giờ bã giàu có do ông chồng chết để lại nhiều tiền của. Bà có một đứa con với chồng sau. Hiện tại bà đang cặp kè với ông ca sĩ của trung tâm ca nhạc nên thỉnh thoảng bà vẫn đi hát cho vui trong những dịp họp mặt, hội hè.
Mấy tháng sau, vào giữa mùa hè lối xế xế chiều, có bà rất đẹp và sang trọng đứng tần ngần trước ngỏ nhà Dung. Cũng y chang như hồi xưa, má biết bà ta tên Mỹ Hạnh. Biết lý do bà ta tới nhà, nên má lật đật mời vô nhà rồi hối Dung bắt gà nấu cháo. Mấy hôm sau bà ta xin phép má đưa Thủy và Thông cùng đi chơi với bà ở đâu tận Nha trang – Đà lạt. Đúng ra bà mời cả nhà cùng đi nhưng má từ chối khéo. Má nói má đi xe không quen, vả lại con Heo nái ở nhà gần đẻ nên má phải canh chừng. Má không đi thì Dung dĩ nhiên cũng không đi.
Một tuần sau khi trở về nhà, Thủy với Thông tranh nhau kể cho má nghe chuyện đi chơi, chuyện bà Hạnh mua sắm cho mình những gì. Buổi tối, bà Hạnh ướm lời muốn làm giấy tờ đem Thủy và Thông về bển cho có tương lai thì má gật đầu cái rụp, như thể má đưa cho người ta hai cái trứng gà, trứng vịt chớ không phải hai đứa con của mình. Thế nhưng ngay lúc đó, con Thủy lên tiếng liền, nó nói tỉnh khô hà:
– Con cám ơn má còn nhớ tới tụi con và lo lắng tương lai cho tụi con. Bây giờ đủ trí khôn biết quyết định cho cuộc đời mình, con không đi đâu hết, con ở đây với má lớn và chị ba quen rồi Út Thông nó có theo má thì theo, chứ con thì không …
Biết tính con Thủy cứng cỏi hồi đó giờ, má quay qua khuyên nó:
– Đi đi con cho sung sướng tấm thân, má vẫn còn chị ba mày đở đần tay chân, đừng lo cho má. Chừng nào quởn quởn thì về thăm.
Không chờ má nói hết con Thủy cắt ngang lời :
– Đó giờ con có thấy cực khổ gì đâu má. Má kêu con đi chi bằng má kêu con nhảy sông chết khuất cho rồi.
Thấy khuyên lơn con Thủy không xong, má quay qua thằng Thông. Nó xưa giờ ngoan hiền luôn nghe lời má. Nhưng má chưa kịp nói gì, thì nó đã lắc đầu không ngừng và mếu máo nói :
– Hông, con ở đây với má với mấy chị. Hổng đi đâu hết, má đừng đuổi con đi nhe má, tội nghiệp con.
Vậy là má khóc. Má khóc thì hai đứa nó với Dung cũng khóc theo.
o0o
Trong bốn chị em nhà Dung, Thủy xinh đẹp hơn hết và tính tình cũng khác. Thủy mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như đàn ông, con trai. Hễ nó muốn làm cái gì là làm tới đầu tới đuôi. Má thường bảo trong bốn đứa con, người má lo lắng nhất là con Thủy. Nhiều lúc Dung nói chơi với má nó không ăn hiếp người ta thì thôi, ai dám ăn hiếp nó mà má lo.
Hồi nó mười tám, mười chín tuổi đã có nhiều người ngoài xóm chợ giàu có mai mối xa gần. Nhưng nó chẳng quan tâm tới. Những khi ai mà khen ”con nhà ai nhìn ngộ qúa, dễ thương qúa” thì nó trả lời kiểu khơi khơi :
– Giống má tui chớ ai, đừng có thấy má tui nhà quê mà lầm nghe, gái Nha mân chính gốc đấy. Đẹp nhất xứ bên đó, nếu không nội tui đâu lặn lội qua tới bển cưới. Hồi ba tui mới mất, má tui một nách bốn con mà vẫn có người đi hỏi cưới á. Còn lâu tui mới bằng má tui hồi trẻ …
Học sư phạm ra trường, Dung xin về dạy trên xã cho gần nhà thì Thủy vào đại học. Dung quen rồi đi tới hôn nhân với Tánh, l hiệu phó trong trường. Trước đám cưới, má kêu hai vợ chồng Dung lại, nói cho hai đứa miếng đất kế bên để cất nhà ở riêng cho thoải mái Nhưng Tánh không chịu, Tánh nói :
– Con cám ơn má, nhưng ở riêng làm chi má ơi. Nhà mình cũng đơn chiếc, cứ để tụi con ở chung phụ hợ má một tay. Chừng nào út Thông lớn cưới vợ hãy tính tiếp. Nhà con ở bển đông anh em nên không cần phải lo nhiều.
Ngày đám cưới Dung, chị Xiêm mới sinh con còn non ngày tháng nên không về được. Trước đám cưới mấy bữa, Thủy dẫn bạn trai về cho má biết mặt như đã hứa. Lần đầu gặp mặt, Dung một phen hết hồn. Cậu ấy cao ráo, dễ nhìn nhưng hai cánh tay xăm chằng chịt hình thù xanh đỏ như dân anh chị. Dung đem chuyện đó nói với má, kêu má dò hỏi Thủy không khéo lại rước họa vào thân. Bữa chiều lúc Thủy lui cui nấu cơm dưới bếp, Không biết má hỏi chuyện gì mà sau đó coi mòi má ủng hộ tình cảm hai đứa. Dung dò hỏi má thì má nói một câu giống như hồi chị hai Xiêm lấy chồng, má nói :
-”Con má tánh ý ra sao, má biết rõ” .
Dung sinh đứa con đầu lòng là lúc đám cưới Thủy. Cậu ta là con chủ quán ăn mà Thủy đi làm thêm thời sinh viên. Hồi trẻ nghe đâu cũng có một thời quậy phá, nhưng từ khi quen Thủy thì mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Chẳng biết Thủy nhìn người đúng hay do má hên nên đoán trúng. Chỉ biết chồng Thủy tướng tá như con voi, vậy chứ Thủy hét một tiếng là chạy te te. Cưới vợ về thì nhất mực thương yêu, chí thú lo mần ăn.
Thủy sinh đứa con đầu lòng thì Thông ra trường và lấy vợ. Chẳng biết thế nào mà Thông lại lọt vào mắt xanh của một cô dân Sài gòn chính gốc, nhà mặt phố. Thường ngày má hay nói Thông là đứa ngoan ngoãn và khiến má yên tâm nhất. Thế mà Thông cũng chính là đứa có nhiều rắc rối nhất trong cuộc sống gia đình.
Đầu tiên, khi Thông cưới vợ, Dung là người lo lắng bởi vợ Thông vốn con nhà giàu được nuông chiều từ nhỏ. Người ta tiểu thư biết có hợp với nhà mình không. Thật tình, Dung mong Thông cưới một cô vợ ở quê hơn. Sau khi nói một câu cũ rích ‘‘ Con má tánh ý ra sao má biết rõ ” thì má xách trầu cau đi hỏi vợ cho Thông. Sóng gió bắt đầu xảy ra từ lúc vợ Thông sinh đứa con đầu lòng. Trước đó, Thủy đã nhiều lần nói với Dung chuyện Hằng vợ Thông có ý khinh khi, chê má nhà quê. Hằng luôn tìm cớ tránh né để khỏi về quê chồng trong những dịp lễ tết hay giỗ kỵ .
Chuyện ngày càng lớn hơn khi bé Ngọc con Thông được vài tuổi. Một lần, má lên thăm hai vợ chồng Thông. Khi má đưa cho bé Ngọc qùa bánh dưới quê, con bé cứ lắc đầu không chịu lấy. Má gạn hỏi nó ngây thơ trả lời là ”mẹ dặn như vậy”. Chiều đó, khi Thủy qua chơi chị giúp việc tọc mạch lại cho Thủy nghe. Thủy làm ầm lên chưởi Thông không biết dạy vợ rồi một hai xách giỏ bắt má qua nhà mình ở. Về sau, hễ má lên Sài gòn thăm cháu, ngồi chưa nóng đít bên nhà Thông là Thủy xách xe chạy qua rước má về nhà mình. Từ đó sinh ra xích mích không thuận thảo với vợ chồng Thông khiến cho má buồn lòng, thành ra mấy năm liên tiếp, má không đi Sài gòn thăm cháu như hồi trước.
Người ta hay nói con nhà tông không giống lông cũng giống cánh thiệt hổng sai. Thông làm việc ở ngân hàng chẳng liên quan chi tới nghệ thuật. Nhưng cao ráo đẹp trai, phong độ giống ba hồi trẻ, Thông lại có khiếu với cái đẹp. Thông thích chụp ảnh từ thời sinh viên. Tay ngang không qua trường lớp gì hết mà Thông lại đoạt giải trong một cuộc thi ảnh. Sau đó, được mời chụp cho mấy cô ca sĩ, người mẫu. Lẽ tự nhiên, nhiều cô gái đẹp vây quanh Thông vì nhiều nguyên do riêng. Mới đầu Hằng cũng ghen tuông, rồi ghen thế nào không biết mà Thông đòi ly dị. Người ta đồn thổi về chuyện một cô người mẫu triển vọng đang ra sức mồi chài Thông.
Một bữa chừng xế trưa, má đang ngồi trên võng trước hiên nhà, vợ Thông dẫn bé Ngọc xuống tới. Vừa thấy má, Hằng oà lên khóc tức tưởi, bảo là Thông dứt khoát đòi ly dị dù Hằng năn nỉ hết lời, Hằng nói :
– Hôm bữa con có nói cho chị tư nghe. Chị giận lắm, chị đi gặp con hồ ly tinh đó làm cho một trận. Nhưng mà nó nhất khoát không chịu buông anh Thông ra. Chị Hai cũng điện thoại về can ngăn anh Thông nhiều lần mà ảnh không nghe. Má giúp con với má ơi, ảnh mà ly dị thì con với bé Ngọc phải làm sao đây!
Nhằm ngay mùa hè không có đi dạy nên Dung đi cùng má và vợ Thông trở ngược lên Sài Gòn. Tới nhà Thủy thì trời xế chiều Trong khi Thủy hặm hực kể lại chuyện Thông bồ bịch và không nghe lời mình thì má kêu Dung gọi điện thoại cho Thông, nói má lên vậy thôi.
Sau bữa cơm chiều, Thông ghé qua nhà. Vừa thấy mặt, Thủy ào ào la rầy Thông như cũ. Ngay lúc đó, cô con gái nhỏ của Thủy từ trên lầu xuống nói :– Ngoại biểu mình cậu lên lầu cho ngoại nói chuyện.
Bóng Thông vừa khuất sau góc cầu thang, Thủy nói với Dung bằng giọng đầy lo lắng :
– Em coi vụ này chắc hổng xong qúa chị ba. Em làm dữ, đòi từ mặt nó luôn mà nó còn không nghe huống hồ má. Má đó giờ có la rầy đứa nào bao giờ đâu. Má lại thương nó nhất, không khéo nó năn nỉ má xiêu lòng cho coi.
Nghe Thủy nói vậy, Hằng đang ngồi trong góc nhà lại oà khóc tiếp. Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn không thấy má với Thông đi xuống nhà. Thủy nóng ruột đi ra đi vô, rồi chợt ghĩ ra cách. Thủy kêu đứa con gái lớn đang ngồi chơi với bé Ngọc và bảo :
– Diễm, con vô tủ lạnh bưng hai ly nước lên lầu cho ngoại với cậu út. Nhớ đứng lại lâu lâu nghe coi ngoại với cậu út nói gì, rồi xuống kể cho mẹ nghe.
Với khoản thời gian ngắn ngủi để hai ly nước, con bé chỉ nghe lóm được bà ngoại nói với cậu út một câu như vầy:
– Đã là đàn ông thì đừng có làm khổ những người đàn bà yêu thương mình. Vợ nó không biết thì từ từ nói cho nó biết. Má không giận, không trách nó. Con là chồng, chấp nhất nó mà chi ” .
Lát sau ,Thông một tay dìu má chầm chậm bước xuống bậc cầu thang. Ngồi nói vài chuyện ở quê này nọ với Dung xong, Thông đứng dậy nhướng mắt về phía Hằng rồi nói :
– Chê má tui nhà quê mà xuống dưới kiếm má chi vậy. Tính ngủ ở đây luôn hả? Về bển dọn dẹp nhà cửa cho bé Ngọc đi ngủ sớm. Lôi con bé đi cả ngày chắc nó mệt nhừ rồi.
Hằng sụt sùi chống chế ‘‘em đâu có chê má nhà quê hồi nào đâu” rồi lủi thủi dẫn con đi theo sau lưng Thông. Ra tới cửa, Hằng còn quay đầu lại có ý kiếm má, Hằng nói với vào:
– “Sáng sớm mai, con qua chở má đi ăn sáng nhe má, má chờ con nghe má ” .
Má cười cười:- ” ừ , má chờ’ . Thông vừa chạy khuất đầu ngõ, Thủy nôn nóng hỏi liền :
– Sao rồi má, thằng Thông nó nói sao hả má? Hổng ấy, để mai con kiếm con kia làm cho trận nữa cho nó sợ.
Má không trả lời Thủy là Thông nói cái gì. Má chỉ nói gọn, ” Không có chuyện gì nữa đâu” và Kế tiếp là cái câu mà mấy chị em Dung nghe không biết bao lần ”Con má tánh ý ra sao, má biết rõ” .
Thông không ly dị vợ như từng tuyên bố. Hằng cũng chẳng còn tính tiểu thư như xưa. Cứ lễ tết thì vợ chồng con cái kéo nhau về quê chơi. Vắng vắng vài tháng thì Hằng gọi điện thoại về kêu
-”Má ơi, bé Ngọc nhắc má qúa chừng. Má lên chơi với tụi con vài tuần đi má. Con thèm bánh canh má nấu rồi”. Đôi lúc con Thủy đâm ra hờn mát như hồi con nít, bảo:
-” Má thiên vị, thương vợ chồng út Thông hơn thương tui”.
Thời gian cứ hối hả trôi. Má vẫn chạy tới chạy lui với những đứa con của mình. Một buổi trưa ăn cơm xong, tự nhiên má kêu thấy nóng trong người. Má sai Thanh, con gái lớn của Dung, nhắc cái ghế mây -mà đợt trước chị hai Xiêm về thăm mua tặng- ra gốc nhãn trước sân để má ra ngồi hóng gió sông. Má biểu nó bật cái radio nhỏ xíu xài bằng pin- của cậu mợ út đem về hôm bữa- cho má nghe chương trình tân cổ như thường lệ. Má ngồi trên cái ghế mây nhìn theo bóng nắng che khuất một phần sông.
Chợt má xếp cái quạt lại để gọn trong lòng, tựa người vào phía sau thành ghế. Má thở hắt ra một cái, rồi khép chặt đôi mắt ngủ một giấc thiên thu không thức dậy nữa. Chẳng còn nói cái câu quen thuộc mà bốn chị em Dung nghe tới nổi thuộc lòng mấy chục năm nay: -”Con má tánh ý ra sao , má biết rõ”.
Gió từ mé sông thổi lắt lay trên cành lá. Cái radio treo tòn ten sau lưng ghế đang thả vào không gian những câu vọng cổ buồn hiu hắt.
Tác giả: Song Nhi