Blog
Nỗi bất hạnh lớn nhất của cha mẹ: Cố gắng dành cho con mọi thứ, nhưng quên dạy chúng cách biết ơn
Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con cái theo bản năng, trao cho con cái một tình yêu vô điều kiện, cả đời ngược xuôi, dốc sức dốc lòng hy sinh vì con cái, rồi đổi lại là sự “dửng dưng”, lạnh nhạt của chúng.
Nỗi bất hạnh lớn nhất của cha mẹ: Chu cấp mọi điều cho con cái nhưng quên dạy chúng cách biết ơn
Có một mẩu chuyện ở Trung Quốc đại lục: Một bà mẹ quỳ gối trước mặt con mình hơn một tiếng đồng hồ, lý do là để thuyết phục đứa con đi học. Nhưng đứa con không hề quan tâm trước cảnh tượng đó, đứa con ngồi trên ghế, ung dung vắt chân và cầm chiếc điện thoại, đăng tải hình ảnh người mẹ đang quỳ gối đăng lên mạng xã hội với dòng chữ: “Niềm vui mỗi ngày”.
Sau khi mẩu tin này nổi trên mạng, cô giáo đã đích thân đến nhà, giáo dục đứa con phải biết ơn cha mẹ, không được đối xử như vậy với cha mẹ, nhưng người mẹ lại liên tục ngắt lời cô giáo: “Đấy là do tôi nguyện ý, không phải con tôi, cô đừng nói nó thế này, thế kia…”
Một câu chuyện khác nữa, một cậu bé 10 tuổi có thành tích học tập vô cùng xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, vô cùng năng động và tài năng. Có một điều đáng nói là, cậu luôn cảm thấy: “Tại sao mình xuất sắc như thế này lại sống trong một gia đình tầm thường, cha mẹ không giỏi giang gì cả”.
Bố mẹ cậu chỉ đi chiếc xe rẻ tiền, trong khi các bạn trong lớp ai nấy đều có điện thoại thông minh, cậu chỉ có một cái đồng hồ trẻ em. Mục tiêu mà cậu bé 10 tuổi đặt ra cho chính mình: “Muốn học thật giỏi để có thể đổi đời, thoát khỏi gia đình này”.
Trong kì thi cuối cấp, cậu đứng ở vị trí thứ nhất, điều này khiến bố mẹ cậu vô cùng hạnh phúc, họ cảm thấy rằng; dù có vất vả và khó nhọc đến đâu, chỉ cần thấy con có thành tích xuất sắc, họ cũng bằng lòng đánh đổi. Họ cũng không hề biết rằng, đứa con mà họ hết mực yêu thương lại luôn “chán ghét” và mong sớm thoát khỏi ngôi nhà của mình.
Sự thật là, có những bậc cha mẹ hết lòng hết dạ vì con, nhưng đã quên dạy chúng cách biết ơn. Những đứa trẻ không có lòng biết ơn sẽ coi tất cả những điều cha mẹ dành cho mình đều là điều hiển nhiên, khi không được đáp ứng nhu cầu thì sẽ quay ra trách cứ, oán hận họ.
Trên một cái cây, khi quả có vấn đề thì cái gốc không nằm ngoài nguyên nhân. Một đứa trẻ lớn lên không có lòng biết ơn, phần lớn là do cách giáo dục của cha mẹ chưa đúng cách. Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con vô điều kiện, không tiếc tiền tạo điều kiện tốt nhất cho con cái, không muốn con mình chịu bất kể sự vất vả, thiệt thòi nào. Họ sẽ vô tình nuôi dạy nên những đứa trẻ “không biết ơn”.
Bài học làm người đầu tiên chính là học cách biết ơn, biết ơn đối với cha mẹ, người đã sinh thành và dưỡng dục bản thân nên người. Nỗi bi ai, bất hạnh lớn nhất của cha mẹ chính là: “Dốc chọn một đời hy sinh vì con cái, nhưng lại nuôi dưỡng nên một đứa trẻ vô ơn”.
Một người biết ơn thì suốt cuộc đời họ nhất định sẽ luôn “thuận buồm xuôi gió”
Trong bộ phim Iran “Bức thư của Hassan”, một người đàn ông giàu có trong thành phố đã đến một thị trấn nghèo để quyên góp đồ dùng học tập, và đứa trẻ nghèo Hassan là một trong những người được hưởng trợ góp. Năm cây bút chì mà Hassan nhận được đựng trong một chiếc túi giấy nhiều màu sắc, trên đó có ghi địa chỉ mua chiếc bút chì đó.
Mẹ của Hassan là một người phụ nữ có tu dưỡng và phẩm hạnh tốt, bà nhẹ nhàng nói với cậu: “Con phải giữ tờ giấy này. Đây là tờ giấy duy nhất ghi địa chỉ mà ở đó con có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã giúp đỡ con”.
Hassan giữ địa chỉ này cho đến sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu vừa học vừa đi làm thêm, vừa có thu nhập. Để bày tỏ sự giúp đỡ của người xưa kia đã giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng cậu sẽ gửi một tấm thiệp đến quán căn tin.
Điều này khiến cho người chủ quán căn tin vô cùng ấn tượng, cảm thấy vô cùng cảm động. Ông đã hỏi thăm địa chỉ của người đàn ông giàu có xưa kia và gửi những lá thư cho anh ta.
Người đàn ông giàu có cũng vô cùng cảm động trước tấm lòng biết ơn của Hassan và đề nghị cậu đến thành phố để làm quản gia cho mình.
Đúng vậy, biết ơn không phải để đòi hỏi bất kể phần thưởng hay báo đáp nào, nhưng người có lòng biết ơn thường có những phần thưởng bất ngờ. Một đứa trẻ không có lòng cảm ân thì dù thành tích, sự nghiệp có cao đến đâu cũng không được coi là xuất sắc. Một đứa con đối với cha mẹ mình mà vô ơn, vô nghĩa, chính là nỗi bi ai lớn nhất của cha mẹ.
Ở đời, mỗi người nên nuôi dưỡng cho bản thân mình một tấm lòng cảm ân, biết ơn người khác, đây cũng chính là bước đầu tạo dựng cho bản thân một đức tính lương thiện, tử tế. Một người sống lương thiện, luôn biết ơn những điều trong cuộc sống, thì suốt cuộc đời họ nhất định sẽ luôn “thuận buồm xuôi gió”.
Lan Hòa biên dịch
Secretchina – Wendy