Nội hàm thâm sâu ẩn giấu đằng sau Tây Du Ký. Thế nhân mấy ai tỏ tường?
Mở đầu Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, tu khán Tây Du thích ách truyện”, ý nói rằng: Muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký.
Có người nói, nếu bạn có thể thật sự hiểu được Tây Du Ký, vậy thì bạn đã thấu hiểu hết thảy mọi khổ nạn trên thế gian, cũng là hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này.
Cũng có người cho rằng, Tây Du Ký xứng đáng ở vị trí đầu tiên trong tứ đại danh tác, hơn nữa đó còn là tác phẩm vĩ đại nhất trên thế gian.
Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành. Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, cuối cùng lấy được Chân Kinh, thành tựu đời người.
1. Ngũ vị nhất thể
Trong Tây Du Ký, năm vị gồm bốn thầy trò Đường Tăng cùng với Bạch Long Mã, thật ra chỉ là một người, trong truyện cũng nhiều lần ám chỉ về điều này. Đoạn cuối cùng của tác phẩm khi viết đến “Ngũ Thánh thành chân” có một bài thơ nói rõ hơn ý tứ đó, trong đó bốn câu mở đầu là:
“Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”.
Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người.
Thực ra, tác giả đã nói rõ điều này trong những chương hồi đầu tiên của tác phẩm. Tôn Ngộ Không khi tầm sư học đạo trở thành đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư trên núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. Ở đây, Tà Nguyệt Tam Tinh (trăng khuyết và ba vì sao) chính là chữ “Tâm” (心). “Tà Nguyệt” chẳng phải chính là một nét móc đó sao? Ba ngôi sao chẳng phải chính là chỉ ba nét chấm đó sao? Vậy nên, Tôn Ngộ Không là thể hiện cho chữ Tâm của người tu hành.
Người Trung Hoa có câu: “Tâm viên ý mã” (tâm con vượn, ý con ngựa), nghĩa là tâm trí con người ta thường xáo động và dễ mất kiểm soát. Cũng bởi vì tâm người luôn bay nhảy tự do như vậy, nên tư tưởng con người có thể qua lại giữa thiên đường và địa ngục, có thể dao động giữa thiện và ác. Vì vậy, về sau này Quan Âm Bồ Tát đã phải tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài “Khẩn cô nhi chú” để khắc chế cái tâm này.
Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng: “Tâm có 72 tướng”, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau.
Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí huệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành hỏa nhãn kim tinh. Mắt của Ngộ Không sáng tỏ là tượng trưng cho trí huệ sáng rực như vàng kim.
Bên cạnh đó, chiếc gậy Như Ý và Cân Đẩu Vân của Ngộ Không cũng ẩn chứa những hàm nghĩa sâu sắc.
Gậy Như Ý nặng 1 vạn 3 nghìn 5 trăm cân, giống với những điều được viết trong Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nan Kinh: “Cả ngày lẫn đêm, con người ta thở 1 vạn 3 nghìn 5 trăm nhịp”. Vậy nên, gậy Như Ý là tượng trưng cho khí.
Trên đời này, thứ gì có thể “trên thì lên đến 33 tầng trời, dưới thì xuống tới 18 tầng địa ngục; lớn thì có thể thông thấu khắp trời, nhỏ thì như cái kim thêu”? Chính là khí độ của con người.
Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không lộn nhào một cái là đi được 10 vạn 8 nghìn dặm, nhưng lại không thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai. Đó là nói, con người dẫu làm gì thì cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ.
Cân Đẩu Vân của Ngộ Không có thể bay 10 vạn 8 nghìn dặm, vừa khéo lại là khoảng cách từ đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn, điều này có ngụ ý gì? Đó chính là: Linh Sơn dù có xa hơn nữa thì cũng chỉ một niệm của tâm là có thể đến nơi. Thiện ác chỉ cách nhau một niệm, một niệm có thể thành Phật, nhưng một niệm cũng có thể biến thành tà ma.
Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm, tượng trưng cho cái tâm lên trời xuống đất của con người bị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong thế giới trần tục đè chặt.
Núi Ngũ Hành cũng tượng trưng cho “tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu si), mạn (ngạo mạn), nghi (hoài nghi)” trong Phật học. Phật Tổ nói rằng, 5 chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không nhảy ra khỏi 5 chữ này. Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên Cung, cũng chính là bị ngũ độc này vây khốn.
Về sau, khi thầy trò Đường Tăng đến Hoả Diệm Sơn, núi Ngũ Hành đã trở thành Lưỡng Giới Sơn (ngọn núi giữa hai ranh giới). Đi qua ngọn núi này, cái tâm từng xáo động không yên đó cuối cùng cũng có thể nhảy ra khỏi Tam Giới.
Bạch Long Mã là ý chí lực. Ý chí của con người giống như ngựa hoang, chỉ khi xác định được mục tiêu tiến tới, mới có thể chuyên tâm chuyên ý mà lấy được Chân Kinh.
Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là cái Tâm đã thu phục được Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì không có Tây Thiên nào là không đến được.
Về sau, Ngộ Không và Đường Tăng lại thu phục được Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” – đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành.
Tóm lại, thầy trò Đường Tăng diệt trừ yêu quái trên suốt chặng đường sang Tây Thiên, thật ra chính là người tu hành đang trừ bỏ ma tính trên con đường nhân thế, do đó lấy kinh cũng chính là một quá trình dưỡng tính tu tâm. Linh Sơn thật sự, chính là ở trong tâm người.
2. Linh Sơn là ở trong Tâm người
Trong hồi thứ 19, khi thầy trò Đường Tăng vừa mới bước trên con đường lấy kinh, Ô Sào thiền sư đã truyền thụ cho Đường Tăng một bộ “Đa Tâm Kinh”. Nhưng Đường Tăng vẫn không hiểu ý, cuối cùng mãi đến hồi 85, Ngộ Không phải nhắc nhở Đường Tăng rằng:
“Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp,
Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.”
(Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,
Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu!
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp,
Tu ở Linh Sơn đạo rất mầu).
Bởi cần phải tu Tâm để trừ dứt ma tính thì mới có thể đánh thức chính mình, mới có thể lĩnh ngộ được Phật Pháp. Do đó, đến lúc này Đường Tăng đã đáp lại rằng: “Đồ đệ ạ, ta há không biết sao? Nếu theo bốn câu ấy, dù thiên kinh vạn quyển cũng chỉ là tu Tâm.”
3. Quá trình sang Tây Thiên chính là quá trình trừ bỏ ma tính
Tôn Ngộ Không vừa mới phò giá Đường Tăng đã đánh chết 6 cường đạo. Trong nguyên tác, tên của 6 cường đạo này lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) – đây chính là lục căn.
Tôn Ngộ Không đánh chết lục căn, cho thấy lục căn phải thanh tịnh thì mới có thể lên đường lấy Chân Kinh.
Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ mà xa rời giới hạn ấy.
Vậy là bốn thầy trò dễ dàng rời khỏi giới hạn mà Ngộ Không đặt ra, và khi bước ra khỏi giới hạn ấy họ liền gặp phải các loại yêu ma.
Ngộ Không mở đường dẫn dắt bốn thầy trò tiến về phía trước, trên đường lại không ngừng diệt trừ yêu quái, ý nói rằng Tâm đang hàng phục ma tính.
Mỗi một yêu quái trên đường sang Tây Thiên đều có ngụ ý sâu xa. Hết thảy yêu quái đều là một ẩn dụ, thảy đều là huyễn hóa của ma tính. Mỗi một yêu quái là đại biểu cho Danh – Lợi – Tình nơi thế gian đang trói buộc con người, hết thảy đều xuất phát từ ma tính của bản thân một người.
Ví dụ, Hắc Hùng Tinh xuất hiện trong hồi thứ 16 là do sân niệm của Ngộ Không xui khiến. Hắc Hùng Tinh nổi lửa thiêu hủy thiền viện Quan Âm, cũng chính là ma tính đang trở ngại người tu đắc chính quả.
Ngưu Ma Vương cũng là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngộ Không kết bái huynh đệ, lực lượng ngang nhau, vậy nên phát hỏa (nổi nóng) cũng chính là bản thân đang so tài với chính mình.
Hồng Hài Nhi và Hỏa Diệm Sơn đều là ngọn lửa trong tâm. Nguyên nhân Hỏa Diệm Sơn hình thành là do năm xưa khi Tôn Ngộ Không chui ra từ lò Bát Quái, vì để trút cơn giận mà đá một miếng gạch chịu lửa xuống trần. Vì cái tâm không chế ước ngọn lửa của bản thân, nên cuối cùng lại đốt cháy chính mình.
Hồng Hài Nhi tượng trưng cho ngọn lửa thù hận. Hồng Hài Nhi phóng Tam Muội Chân Hỏa thiêu cháy Ngộ Không là ngụ ý rằng, một người luôn sống trong thù hận, thì cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương cái tâm của mình.
Hoàng Phong quái biết thổi Tam Muội Thần Phong, đây là đại biểu cho phong khí của xã hội, phong khí xã hội có thể khiến trái tim con người (Ngộ Không) mê mờ lạc mất phương hướng.
Ba hình tượng biến hoá của Bạch Cốt Tinh lần lượt đại biểu cho Tình – Ái – Dục của một người. Ngộ Không đã đánh chết toàn bộ chúng, nói rõ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại tiến bước của chúng ta.
Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh (bộ xương trắng thành tinh) cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên Trư Bát Giới bắt đầu ly gián, khiến con người thất lạc mất nội tâm của mình, vì vậy Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi.
4. Yêu quái là tượng trưng cho các loại mê hoặc của thế gian
Kim Giác và Ngân Giác
Kim Giác và Ngân Giác vốn là 2 đồng tử coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, trốn xuống trần rồi trở thành yêu quái tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa. Khi thầy trò Đường Tăng đi ngang qua đây, Kim Giác và Ngân Giác đã dùng sợi dây thừng trói chặt Tôn Ngộ Không, sau lại dùng Tử Kim hồ lô nhốt lấy Tôn Ngộ Không.
Ở đây, từ tên gọi có thể thấy Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương là tượng trưng cho sức mê hoặc của kim tiền, bởi kim tiền có thể trói chặt, phong bế tâm con người, khó mà thoát ra được.
Hoàng Mi Quái
Hoàng Mi Lão Quái giả dạng Phật Tổ ở chùa Tiểu Lôi Âm, đã dùng não bạt vàng nhốt chặt Tôn Ngộ Không. Pháp bảo não bạt vàng này cũng tượng trưng cho tiền bạc, bởi tiền bạc có thể vây hãm cái tâm người ta.
Yêu tinh nhện, rết, và bọ cạp
Bảy con nhện tinh đại biểu cho thất tình lục dục của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tấm lưới do nhện giăng lên, có thể trói chặt con người.
Người đời bởi tư niệm sinh tình, bị tơ tình vây khốn. Trên thân của yêu tinh rết có nghìn con mắt, đó chính là tượng trưng cho các loại dục vọng vật chất mà mắt người thấy được.
Bọ cạp tinh đại biểu cho mỹ sắc, mỹ sắc sẽ dẫn dụ người ta giống như con bọ cạp, vậy nên thầy trò Đường Tăng đều không địch nổi nó.
Lục nhĩ mỹ hầu
Mỹ hầu vương thật giả, một Tôn Ngộ Không chân tâm hướng Phật đã đánh bại được một Ngộ Không giả không thật lòng hướng Phật. Đây là hai loại ý chí, hai loại tư tưởng của bản thân trong một người đang tranh đấu với nhau. Đã sinh ta “hai lòng” thì cần phải trừ bỏ hai lòng này; chỉ cần trừ bỏ hai lòng, một lòng một ý, mới có thể đạt được thành công. Vậy nên Tôn Ngộ Không giả bị đánh chết, thầy trò mới có thể tiếp tục lên đường.
Trong sách cũng nói, một nạn này là do ma tính của bốn thầy trò sinh ra: Cái tâm ngông cuồng của Tôn Ngộ Không, cái tâm mê muội không phân thật giả của Đường Tăng, cái tâm đố kỵ của Trư Bát Giới, Sa Tăng, cái tâm ngờ vực lẫn nhau giữa mấy huynh đệ thầy trò…
Quốc trượng nước Tỳ Khưu
Trong hồi thứ 79, quốc trượng của nước Tỳ Khưu vốn là yêu tinh biến thành. Vì để luyện thuốc trường sinh, yêu tinh đã bắt giữ một nghìn đứa trẻ để mổ bụng lấy tim, sau lại đòi lấy tim của Đường Tăng. Tôn Ngộ Không đã nhanh trí biến thành hình tượng của sư phụ, rồi lên điện diện kiến quốc trượng. Trong sách viết rằng:
“Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem, thấy toàn là những quả tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim đố kỵ, tim mưu mẹo, tim hiếu thắng, tim hãnh tiến, tim khinh mạn, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ sệt, tim tà vọng, tim vô danh, tim mờ ám… toàn là các loại tim xấu xa, chẳng thấy có một quả tim đen nào”.
Tôn Ngộ Không biến thành Đường Tăng giả là ví rằng Đường Tăng và Ngộ Không lúc này đã hợp hai thành một; y mổ cái bụng của mình, rơi ra một đống trái tim, cũng tượng trưng cho “đa tâm”.
Chúng ta thường nói “trong lòng hươu chạy”, người có “hai lòng” sẽ sinh ra tai họa, huống hồ là nhiều tâm như vậy. Chỉ khi thu phục yêu tinh này thì trong lòng mới không có hươu chạy loạn xạ nữa, “đa tâm” đã trở thành “nhất tâm”, một lòng một ý mới có thể thành công.
Cửu Linh Nguyên Thánh
Ba huynh đệ Ngộ Không thích làm thầy thiên hạ, ở Ngọc Hoa châu đã thu nhận ba vị hoàng tử của quốc vương làm đồ đệ, dạy cho họ võ công. Thích làm thầy thiên hạ, không khiêm tốn, bởi vậy đã chiêu mời sư tử tinh, vốn là cháu nuôi của Cửu Linh Nguyên Thánh.
Cửu Linh Nguyên Thánh là một con sư tử 9 đầu, vốn là thú nuôi của Thái Ất Thiên Tôn ở cung Diệu Nham. Đây là một trong những yêu quái lợi hại nhất trên đường sang Tây Thiên, có thể dễ dàng bắt được Tôn Ngộ Không.
Sư tử 9 đầu tượng trưng cho “cửu tư” (9 điều suy nghĩ). Khổng Tử nói: “Bậc quân tử có chín điều suy nghĩ”. Một người nếu như làm được “chín điều suy nghĩ” chính là có thể trở thành bậc Thánh, “cửu tư thành Thánh”, vậy nên mới có tên gọi là Cửu Linh Nguyên Thánh.
5. Khắc phục ma tính của tự thân mới có thể thấy được Linh Sơn
Cuối cùng, Tôn Ngộ Không (Tâm) được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật — cho dù chúng ta bắt tay vào việc gì, chỉ cần có thể ước thúc nội tâm của tự thân thì mới đạt được thành công.
Đường Tăng (Thân thể) được phong là Chiên Đàn Công Đức Phật — làm người cần phải thân tâm hợp nhất, mới có thể lấy được Chân Kinh.
Trư Bát Giới (Tình cảm dục vọng) được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả — dục vọng không trừ bỏ được, vậy nên cuối cùng chỉ được phong làm sứ giả.
Sa hòa thượng (Bản tính) được phong làm Kim Thân La Hán — cũng là nói, bản tính trân quý giống như vàng ròng vậy.
Bạch Long mã (Ý chí) được phong làm Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp — cần phải thời thời khắc khắc bảo vệ ý niệm của mình, vậy nên được phong làm Hộ pháp.
Sau cùng Phật Tổ cho nhóm thầy trò kinh không chữ, chính là vì kinh không chữ mới là Chân Kinh.
“Kinh” trong vô tự kinh, là ý chỉ những việc đã trải qua. Những việc trải qua trên suốt chặng đường này mới là “Kinh” chân chính, vượt xa những văn tự nơi thế gian con người. Một người, sau khi trải qua hết thảy mọi việc nơi thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tây Thiên thì trong lòng sớm đã thành Phật rồi.
Nội hàm của Tây Du Ký vô cùng uyên thâm. Cùng là một người nhưng đọc vào những lúc khác nhau thì thể hội cũng khác nhau. Ví như khi đọc vào thời niên thiếu và khi đọc vào thời trai trẻ đều có những thể hội hoàn toàn khác nhau. Hơn 20 năm sau đọc lại, lại có thể hội mới.
Một bộ thiên thư bác đại tinh thâm như thế, cả đời người dẫu dày công nghiên cứu cũng khó có thể hiểu cho tỏ tường. Vậy nên, có cả trăm ngàn người lần giở Tây Du Ký, thì những người thật sự đọc hiểu lại chẳng có mấy ai…
Theo bannedbook.org, daikynguyenvn.con