Nữ Oa tạo ra thân người nhưng không biết Thiên mệnh
“Phong Thần Diễn Nghĩa” có nội hàm vô cùng uyên thâm. Bạn có thể chỉ coi là Thần thoại, nhưng câu chuyện trong đó lại là những gì đang phát sinh hiện nay.
Chúng ta đang sống giữa thời đại “Phong Thần” trong sự giằng co giữa chính với tà, người và yêu quái, Thần và ma. Bài viết này sẽ bàn về một số nhân vật trong câu chuyện Phong Thần, qua đó gửi gắm thông điệp tới con người thế gian.
Nữ Oa
Nữ Oa là ai?
Hồi thứ nhất kể về Nữ Oa. Vậy Nữ Oa là ai?
Con người là anh linh vạn vật, có được thân người thật đáng quý biết bao! Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có ba nhân vật vô cùng đặc biệt, Nữ Oa là một trong số đó. Trên Nữ Oa là Lục Áp (Lục Yểm), dưới Nữ Oa là Khương Tử Nha.
Khương Tử Nha là đệ tử chưa tu thành của Nguyên Thủy Thiên Tôn, là sư thúc của Dương Tiễn Nhị Lang Thần, do đó vai vế của ông khá cao, ông được biết đến là đệ tử của “vị Thần tối cao của Đạo gia”. Tuy nhiên, ông lại chưa tu thành.
Sau khi Nguyên Thủy Thiên Tôn phá trận Vạn Tiên của Thông Thiên Giáo Chủ, sư phụ của hai vị giáo chủ này là Hồng Quân Lão Tổ bất ngờ xuất hiện. Hồng Quân Lão Tổ lên tiếng khiển trách ba đồ đệ của Ngài là Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ. Sau đó Hồng Quân Lão Tổ đưa cho mỗi đệ tử một viên hoàn đơn và nói: “Bất cứ ai trong các con cũng không được oán hận sư đệ của mình nữa, nếu vẫn ôm giữ tâm oán hận thì thân thể các con sẽ nổ tan tành”.
Lão Tử bèn nói với Nguyên Thủy Thiên Tôn: “Sư đệ à, không nên nấn ná chốn hồng trần, xong việc rồi thì đi thôi”. Hồng trần là nơi nhơ nhớp, hai vị giáo chủ bất đắc dĩ mới phải hạ xuống, hạ xuống hồng trần chỉ là để hoàn thành Thiên mệnh mà thôi.
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, ý chỉ của Nguyên Thủy Thiên Tôn được gọi là “Pháp chỉ”, còn trong “Tây Du Ký”, ý chỉ của Phật Như Lai được gọi là “Phật chỉ”. Vì sao lại gọi là Pháp chỉ, vì sao gọi là Phật chỉ? Bởi vì ở đây có giới tuyến vô cùng minh xác giữa các sinh mệnh.
Nói về Lục Áp, có người cho rằng ông là du Thần tản Tiên. Ông nên là ở cùng tầng thứ với Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử, do đó ông có thể khuất phục được Triệu Công Minh – một vị Tiên gia đã đạt tới cảnh giới rất cao có thành tựu.
Khương Tử Nha là ở cảnh giới người tu luyện, còn Nữ Oa ở cùng tầng thứ với Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên. Cá nhân tôi cho rằng, họ là các vị Thần tối cao trong Tam giới. Họ không cùng nhóm sinh mệnh với Ngọc Hoàng Đại Đế, nhưng lại có quan hệ với nhau. Nếu như Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên thiên về Thần tính, thì Ngọc Hoàng Đại Đế lại thiên về Nhân tính, do đó Ngọc Đế mới trực tiếp cai quản nhân gian.
Xác thịt của con người và yêu ma là tương đồng, vì vậy cả người và yêu đều thể hiện ra các yếu tố sắc dục. Nhục thân của con người và yêu ma quy về một vị Thần cai quản, đó chính là Nữ Oa.
Sau khi thân người được tạo ra, ai sẽ đến chưởng quản cái thân thể này? Nữ Oa không thể quản vận mệnh con người, bà cũng không thể quyết định sự hưng suy của xã hội nhân loại. Đó là điều Nữ Oa không biết, cũng không nhìn rõ được.
Hồi thứ nhất “Trụ Vương dâng hương đền Nữ Oa” kể rằng: Nữ Oa thấy bài thơ Trụ Vương đề trên tường, bà có cảm giác như đang bị trào phúng bỡn cợt. Dùng sắc tâm để đối đãi với Thần đã là bất kính, mà dùng ngôn ngữ của con người để khen ngợi vị Thần sáng tạo ra nhân loại thì lại càng vũ nhục đối với Thần, bởi vì ngôn ngữ của con người rất thấp kém!
Đạo gia giảng Vô, Phật gia giảng Không, không cần ngôn ngữ, chỉ cần ngộ tính. Khoa học thực chứng cần rất nhiều báo cáo, dẫn chứng và luận thuật, nhưng sinh mệnh thì không. Cảm ngộ của sinh mệnh không thể dùng ngôn ngữ mà nói rõ ra được. Pháp cũng vậy, Đạo cũng vậy, cảnh giới càng cao càng không dùng đến ngôn ngữ.
Trong “Thánh Kinh” phương Tây có câu chuyện về tháp Thông Thiên (tháp Babel). Con người trên mặt đất xây dựng tháp Thông Thiên với tham vọng sẽ chạm tới trời. Tháp Thông Thiên càng cao thì con người cũng càng mất đi lòng thành kính với Thần, họ bắt đầu ngạo nghễ, cho rằng bản thân chính là Thần. Vì họ kiêu ngạo, tâm tính bại hoại, nên mới bị Thượng Đế trừng phạt. Đức Jehovah đã xáo trộn ngôn ngữ của nhân loại, khiến họ không hiểu được lời đối phương nói. Họ không cách nào giao tiếp được với nhau, bèn phân tán khắp nơi, không còn xây dựng tháp Thông Thiên được nữa.
Bạn xem, ngôn ngữ hiện đại thật là nông cạn, nhưng trong các tác phẩm cổ văn thuở ban sơ, mỗi một chữ trong từng hoàn cảnh khác nhau lại đại biểu cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Cùng một chữ có nhiều hàm nghĩa khác nhau, con người từ 2000 năm trước đều phân biệt được rõ, nhưng người ngày nay lại không nói ra được, càng không hiểu ý nghĩa là gì. Dùng thứ ngôn ngữ thấp kém ấy để ca ngợi Thần, chẳng phải chính là bất kính hay sao?
Tạo ra thân người nhưng không biết Thiên mệnh
Nữ Oa rất phẫn nộ bèn đi giáo huấn Trụ Vương. Nhưng khi bà vừa đến Triều Ca thì bất ngờ bị hào quang của Ân Giao và Ân Hồng cản lại. Hào quang của Ân Giao và Ân Hồng có thể cản đường Nữ Oa là bởi vì nguyên thần của họ đến từ tầng thứ rất cao. Đến lúc này Nữ Oa mới phát hiện: “Ồ, thì ra Trụ Vương còn 28 năm nữa mới tận số”.
Mãi đến khi gặp hào quang của Ân Giao và Ân Hồng thì Nữ Oa mới biết Trụ Vương còn dương số. Đây chính là tính cục hạn trong cảnh giới của bà, do đó hào quang của Ân Giao và Ân Hồng mới đủ sức cản đường. Nếu cảnh giới của họ không cao, tầng thứ thấp hơn thì đương nhiên không thể khởi tác dụng, không đủ khiến Nữ Oa phải dừng chân.
Việc thay triều đổi đại không quy về Nữ Oa quản, Nữ Oa chỉ quản việc tạo ra thân thể người, tạo ra tảng thịt này. Ham muốn xác thịt của con người và yêu quái là cùng một tầng thứ. Do đó, hồ ly tinh mới có thể chiếm cứ thân thể Đát Kỷ.
Trở về, Nữ Oa đã dùng phướn chiếu yêu để triệu hồi các yêu ma trong thiên hạ. Yêu ma có kẻ có nhục thân, có kẻ chỉ là hồn phách, Nữ Oa có thể quản hồn phách của yêu tà.
Trong toàn bộ “Phong Thần Diễn Nghĩa”, hai lần Nữ Oa lộ diện sau này đều là để trừ yêu. Lần thứ nhất là giúp Nhị Lang Thần hàng phục con vượn tinh trong “Mai Sơn thất quái”, lần thứ hai là để bắt ba con yêu bên cạnh Trụ Vương. Lúc ấy Lôi Chấn Tử không sao hàng phục được Đát Kỷ, Nữ Oa liền xuất hiện cản đường ba con yêu.
Công lực của Đát Kỷ vô cùng cao, nhưng dù cao thế nào thì vẫn phải phục tùng Nữ Oa.
Bài học lớn nhất đối với chúng ta là: Cần nhận thức rõ vì sao thân người có thể bị tà linh chiếm hữu! Vì sao trong con người có những thứ loạn bát nháo như thế? Chính là vì thân thể của chúng ta là xác thịt.
Nữ Oa có vai trò ấy, nhưng bà cũng có thể đạt đến tầng thứ của Phục Hy và Thần Nông – vốn là các vị Thần tối cao trong Tam giới. Tuy nhiên, Nữ Oa lại quản thân người, quản yêu ma, trên dưới đều thông. Sứ mệnh của bà chính là thực hiện những điều đó.
Khương Tử Nha là “nửa người, nửa Tiên”, ông có thể trực tiếp diện kiến Nguyên Thủy Thiên Tôn, chính là liên hệ này. Lục Áp đạo nhân cũng vậy, ông khi thì ở đông Côn Luân, khi sang tây Côn Luân, ông không ở cùng chỗ với Nguyên Thủy Thiên Tôn nhưng thứ bậc lại là đồng đẳng. Ông có những thứ vô cùng đặc thù, thoắt ẩn thoắt hiện, đến vô tung, đi vô ảnh. Ông cũng giống như Nữ Oa rốt cuộc là quy về đâu? Khương Tử Nha quy về đâu? Nơi đâu cũng không quy về được!
Khi Khương Tử Nha giao chiến, ông vừa dẫn theo nhóm người Hoàng Phi Hổ lại vừa có thể chiến đấu cùng với các chư Thần. Điều này biểu hiện tính phức tạp của sinh mệnh, loại tính phức tạp này là quan hệ liên thông giữa trên và dưới, giữa trời và đất.
Trụ Vương
Trụ Vương chỉ đơn thuần là một quân vương, ở cùng tầng thứ với con người chúng ta. Tôi cho rằng ông là nhân vật ít quan trọng nhất. Điều ấy có ý nghĩa gì?
Trong tác phẩm, Trụ Vương chỉ làm nền cho các nhân vật khác. “Phong Thần Diễn Nghĩa” giảng về thiên tượng rộng lớn, trên có thể truy ngược về tầng thứ của các bậc Phật Đạo như Nguyên Thủy Thiên Tôn, Lão Tử, Thông Thiên Giáo Chủ, và Chuẩn Đề Đạo Nhân. Những nhân vật tham dự vào cuộc đọ sức chính tà còn có Quảng Thành Tử, Từ Hàng Đạo Nhân (Quan Âm Bồ Tát), Văn Thù Đạo Nhân (Văn Thù Bồ Tát). Đồng thời, chúng ta cũng thấy được quá trình tu luyện xuất thế của các nhân vật huyền thoại như Nhị Lang Thần và Na Tra. Kỳ thực chính là nói: Mỗi người tu hành đều là có lai lịch, có sứ mệnh.
Na Tra là người có sứ mệnh: Đến một chuyến làm quan tiên phong, trải qua quá trình thành tựu bản thân, kết quả cũng thực sự tu thành. Thời đầu tu luyện Na Tra luôn ở bên cạnh sư phụ, nhưng cậu vẫn cần phải tự lập bản thân, do đó mà xuống núi phò tá Khương Tử Nha. Tất cả những người tu luyện đến cuối cùng đều phải thực hiện sứ mệnh trong kiếp nạn hồng trần, chính là ý nghĩa này.
Tuy nhiên, Trụ Vương lại không có những yếu tố nói trên.
Trụ Vương chỉ là người
Trụ Vương chỉ là một cá nhân trong hoàn cảnh con người, ông cũng có nhục thân và vận mệnh như một người bình thường, giống như mỗi cá nhân chúng ta đều có “định số”. Trụ Vương không thể thoát khỏi kiếp Trời định, ông không thể khống chế được điều gì.
Khi còn là hoàng tử, Trụ Vương có hai người anh trai tài đức, nhưng cuối cùng ông lại lên kế vị. Ông được chọn làm vua là bởi vì ông đã thể hiện bản lĩnh siêu thường. Lúc ấy khi đang cùng phụ vương ở ngự hoa viên, đột nhiên cây cột xà trong đại điện bị gãy, Trụ Vương (lúc ấy là hoàng tử Ân Thọ) liền nhanh tay đỡ cây xà, phụ vương thấy vậy liền phong cho ông làm Thái tử kế vị.
Chẳng phải cột xà gãy là điềm báo triều Thương sắp sụp đổ rồi sao? Trụ Vương một tay đỡ cột xà, người bình thường nhìn thấy thì cho ông là kẻ mạnh, nhưng kỳ thực chuyện cây xà đổ về phía Ân Thọ ám chỉ rằng tai họa lớn sắp giáng xuống đầu ông.
Bảy năm sau khi Trụ Vương lên ngôi, vào ngày 15 tháng 3 tức ngày vía bà Nữ Oa, Thừa tướng Thương Dung tâu: “Xin ngài hãy đi bái Nữ Oa”.
Ông hỏi lại: “Vì sao trẫm phải bái Nữ Oa?”.
Rất hiển nhiên, trước đây ông chưa từng dâng hương bái Nữ Oa, nếu không sao lại hỏi Thương Dung câu ấy? Sẽ không cần hỏi, phải vậy không?
Trụ Vương làm vua được 7 năm rồi mới đi bái Nữ Oa, sau đó lại tùy tiện buông lời cợt nhả với Thần. Nữ Oa muốn trừng phạt ông, nhưng xem xét lại thì thấy Trụ Vương còn 28 năm nữa. Con số “28” là bốn lần bảy. Ông mới qua được một lần bảy, cũng từ đây ông dần dần đi về hướng suy bại.
Ngũ Hành có Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, cộng thêm Nhật và Nguyệt thì chính là bảy. Một đời người bị chi phối bởi bảy yếu tố này, đó cũng là những yếu tố chi phối vạn sự vạn vật. Vạn vật trong tuế nguyệt xoay vần mà trở nên bại hoại, với con người thì là quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa đời. Triều đại cũng như vậy, rồi cũng đến lúc diệt vong. “Phong Thần Diễn Nghĩa” dùng phương thức này để ẩn dụ về quá trình bại hoại của vật chất.
Trụ Vương có phần cuồng vọng và kiêu ngạo, tâm cuồng vọng cùng với sắc tâm quá mạnh khiến ông bất kính với Thần. Do đó, từ một vị quân vương anh minh sáng suốt, sau bảy năm đầu trị vì ông bắt đầu suy bại, một mạch cho đến hết 28 năm (bốn lần bảy) thì toàn bộ sinh mệnh cũng kết thúc. Trong mắt tôi kỳ thực là có ẩn dụ: chính là định số.
Nhưng mặc dù vậy, Trụ Vương vẫn không biết bản thân đã sai. Ở trong cung 7 năm, ông tài giỏi như vậy, là quân chủ thống lĩnh các chư hầu, vậy mà lại không biết Nữ Oa là ai! Câu nói: “Vì sao ta phải đi bái kiến Nữ Oa?” cũng đồng thời phản ánh sự kiêu ngạo và vô tri của ông.
Nếu ông có tâm kính Thần thì đã không viết bài thơ ấy. Ông cho rằng mình là ở trên “vương” nên mới đi dâng hương bái Thần. Nhưng đến Thần miếu, ông lại dám đề bài thơ phản cảm này! Kỳ thực ông chỉ là dùng ngôn ngữ của con người để ca ngợi sắc đẹp của Nữ Oa – đó chính là khinh nhờn Thần.
Vậy tại sao ông lại viết bài thơ này?
Bất kính Thần Phật, gần gũi yêu tà
Sau khi dâng hương, ông dạo bước thưởng lãm trong miếu điện, bỗng một làn gió âm vén mở tấm màn trướng, ông tình cờ thấy Thần tượng của Nữ Oa. Bức tượng Nữ Oa với vẻ đẹp thanh cao thoát tục khiến ông trầm trồ kinh ngạc. Kỳ thực lúc ấy Nữ Oa không hề ngự trên tượng, bà đang ở trên cung Hỏa Vân chầu ba Thánh là Phục Hy, Thần Nông và Hiên Viên.
Vì Thần nữ đã rời đi nên đó chỉ là một bức tượng, tại nhân gian bức tượng ấy mang vẻ đẹp tuyệt mỹ không gì diễn tả được. Vẻ mỹ mạo ấy vô tình dẫn khởi sắc niệm của Trụ Vương. Nếu Trụ Vương không có tà niệm thì sẽ không có cơn gió âm đó, mà cơn gió âm này đến từ tầng thứ cao hơn ông, từ đó diễn dịch cho nhân gian truyền thuyết Phong Thần.
Sau 7 năm Trụ Vương trị vì nhà Thương, sinh mệnh của ông dần dần đi về hướng suy bại, mà làn gió âm kia rất có khả năng có quan hệ với cây cột xà bị gãy lúc ban đầu. Trước và sau đối ứng, đều dẫn ra vấn đề này. Do vậy, con mắt ông nhìn thấy tượng nữ Thần, từ đó viết bài thơ ca ngợi nhan sắc, kết quả là Nữ Oa tặng cho ông ba con yêu tinh.
Cả ba con yêu đều là nữ, chẳng phải vậy sao? Trụ Vương mơ về Thần Tiên, nhưng lại ăn nằm với yêu tinh. Sau đó ông lại vì yêu tinh mà giết hại ba người vợ hiền đức của mình – Chính cung Khương hoàng hậu, Đông cung Dương quý phi, Tây cung Hoàng quý phi. Kỳ thực ở đây chính là giảng Thiên, Địa, Nhân, chính là điều mà chúng ta thường gọi là “Tam tài”. Vạn vật đều là ba.
Sắc tâm của Trụ Vương đã chiêu mời ba con yêu, điều ấy có thể lý giải là: Trụ Vương đang làm hao mòn thời gian trong sinh mệnh thuộc Thiên, sinh mệnh thuộc Địa, sinh mệnh thuộc Nhân của mình. Quá trình bớt thời gian ấy chẳng phải chính là quá trình suy bại của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đó sao? Mà bản thân việc bớt thời giờ cũng cần phải có thời gian, với ông là 28 năm, cũng chính quá trình diệt vong. Tôi cho rằng câu chuyện ẩn dụ trong đó có rất nhiều điều thú vị!
Cùng với thói hoang dâm vô đạo, đắm chìm trong nữ sắc là quá trình bị yêu tinh mê hoặc, cũng chính là đã đánh mất “bản lai sinh mệnh” của mình. Trụ Vương lúc ban đầu còn có lý trí, cũng từng lắng nghe lời khuyên của Thừa tướng Thương Dung. Nhưng dần dần theo thời gian, càng ở lâu với yêu tinh thì các nhân tố suy bại của ông càng lớn, mãi cho đến cuối cùng là triệt để kết thúc.
Trong cuộc sống hiện thực, khi con người có tà niệm, rời xa Thần, thì cũng là đang đi về hướng suy bại. Trụ Vương là diễn dịch câu chuyện này.
Trụ Vương có thể lắng nghe lời Đạo nhân khuyên nhủ, nhưng ông lại không chịu được khi bị cám dỗ. Vân Trung Tử đến khuyên ông, giảng ra những lời đạo lý, ông lắng nghe chăm chú và thuận lòng treo cây kiếm lên trừ tà. Nhưng rồi ông quay mặt nhìn Đát Kỷ, thế là xong!
Ba con yêu tinh mê hoặc Trụ Vương là cảnh báo cho con người hiện đại: Một khi tin theo tà ma thì nhân loại sẽ kết thúc. Làm người thì nên tránh xa những thứ tà ma quỷ mị như cáo, chồn, quỷ, rắn. Sinh mệnh rời xa Thần thì cũng đồng dạng với yêu, tinh, quỷ, quái, thú…
Do đó ở góc độ của Trụ Vương, cá nhân tôi cảm thấy rất giản đơn: Rời xa Thần, sắc dục quấn thân, tâm niệm nhiễm tà, từ đó càng lún càng sâu, khiến cho bản thân kiệt quệ, cuối cùng kết thúc.
Minh Tâm – ntdvn