Hạnh phúc ở đâu, hình dáng ra sao, làm thế nào có được? Đó luôn là những câu hỏi bất diệt của con người. Ở đời, không ai là không mưu cầu hạnh phúc. Nhưng đôi khi, có vẻ như hạnh phúc lại rất kiêu kỳ, không dễ chiều lòng tất cả.
Có lần, người ta tiến hành một cuộc khảo sát để xem: Trên đời này, người nào là hạnh phúc nhất?
Đã có trên hàng vạn câu trả lời, trong đó có 4 người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là: Nhà nghệ thuật huýt sáo thưởng thức tác phẩm vừa mới hoàn thành của mình; người mẹ tắm cho con; đứa trẻ đang xây đắp lâu đài trên bãi cát và bác sĩ hàng mấy giờ đồng hồ vất vả đã cứu sống được một bệnh nhân.
Hạnh phúc thật ra chỉ đơn giản như vậy, chỉ cần dùng tấm lòng để cảm nhận thì điều bình dị nhất cũng sẽ trở thành niềm hạnh phúc lớn nhất.
Lại có một câu chuyện thế này, một thi nhân tài hoa hơn người, gia cảnh giàu có, vợ đẹp con khôn nhưng dù thế nào cũng không cảm thấy hạnh phúc. Anh thiết tha cầu xin Thượng Đế giúp mình cảm nhận được hạnh phúc.
Thượng Đế trước tiên lấy đi tài sản của anh, rồi khiến vợ con rời xa anh, cuối cùng lấy đi tài hoa của anh. Chàng thi nhân đau đớn không còn thiết sống nữa.
Một tháng sau, Thượng Đế lại đem những thứ này trả lại cho anh. Chàng thi nhân ôm chầm lấy vợ con, quỳ mọp dưới chân Thượng Đế hồi lâu, trong lòng biết ơn sâu sắc, cảm ơn Người đã cho mình hiểu hạnh phúc là gì.
Một câu chuyện khác kể rằng, có một anh nhà nghèo phải sống chen chúc cùng cả gia đình trong gian nhà chật chội. Anh quỳ xuống cầu xin Thượng Đế giúp mình thoát khỏi cảnh túng quẫn này.
Thượng Đế bảo: “Con hãy đem gà và vịt cùng nhốt vào trong nhà, để chúng ở chung với con, một tuần sau hãy đến tìm ta”. Một tuần sau, anh nhà nghèo đã chịu đủ dày vò, khổ sở không nói nên lời, lần nữa cầu xin Thượng Đế.
Thượng Đế lại bảo anh hãy cùng nhốt trâu và dê ở trong nhà và sống cùng với mình, một tuần sau nữa hãy lại đến tìm ngài. Lại qua một tuần nữa, chàng trai nghèo đau khổ không thôi, sống không bằng chết, van xin Thượng Đế cứu giúp.
Thượng Đế lại bảo anh hãy đuổi hết số động vật này ra ngoài rồi tìm đến gặp ngài sau một một tuần nữa. Đúng hẹn, chàng trai nghèo tìm đến Thượng Đế và quỳ mọp dưới chân ngài, đội ơn sâu sắc vì ngài đã cho anh có được niềm vui đã đánh mất từ rất lâu.
Kỳ thực, Thượng Đế nào có ban cho những người kia bất cứ thứ gì. Chỉ đơn giản là ngài cho họ trải nghiệm sự mất mát rồi có lại được. Từ trong đau đớn, người ta lập tức tìm được cảm giác hạnh phúc.
Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở chính ngay những thứ tưởng chừng đơn giản bạn đang sở hữu. Khi mất đi chúng, người ta mới hiểu giá trị đích thực của hai từ hạnh phúc.
Điều ấy chính như câu thơ này của Tô Đông Pha:
“Bất thức Lư sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”
Lời thơ có ý tứ rằng, ta không biết được bộ mặt thật của núi Lư Sơn, chỉ vì thân ta đang ở trong núi ấy. Điều duy nhất mà Thượng Đế làm chính là giúp những anh chàng kia nhảy thoát ra để có được cái nhìn đúng đắn nhất.
Đôi khi chúng ta khổ não vì không tìm ra được hạnh phúc nhưng nó vốn không ở quá xa chúng ta, không phải là điều xa vời tưởng chừng ngoài tầm với. Chỉ là chính bản thân chúng ta đã tự đánh mất phương hướng, đứng núi này trông núi nọ mà thôi.
Bởi tự thân chúng ta trở nên tê dại, nên hạnh phúc ngay trước mắt mà nhìn như không thấy. Nhưng bạn hãy yên lòng, hạnh phúc trước sau vẫn âm thầm đi cạnh bạn.
Một ngày kia khi ta hoàn toàn tỉnh ngộ, chợt ngoảnh đầu nhìn lại sẽ thấy hạnh phúc vẫn đang đứng ở chỗ rẽ, mỉm cười với chúng ta, lặng lẽ chờ đợi cùng ta trở về nhà.
Trong phút chốc, ta sẽ không cầm được nước mắt, cảm khái vô cùng, và mới hay rằng:
Cuộc sống thật tươi đẹp biết bao, cảm ơn trời đất về tất cả những gì ta có được.
Người thông minh chưa chắc đã hạnh phúc nhưng người trí huệ sẽ luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Người khôn khéo chưa hẳn đã hạnh phúc nhưng người có tấm lòng rộng rãi, khoáng đạt sẽ luôn tìm được bến bờ bình yên. Hạnh phúc phải được nhìn thấy bằng tấm lòng rộng mở.
Có thể trên cõi đời này, bạn chưa hẳn là người hạnh phúc nhất, nhưng chắc chắn bạn cũng không phải là người bất hạnh nhất. Hạnh phúc giống như những bông hoa, mỗi một bông đều sẽ nở rộ rồi cũng đều héo tàn. Tuy không thể ở mãi trong hạnh phúc nhưng hẳn bạn đã từng biết được hạnh phúc là gì, ít nhất một lần.
Ông Trời để cho mỗi chúng ta trở thành một bông hoa là để ta làm phong phú thêm cuộc đời này. Chúng ta sống chẳng phải chỉ vì để kéo dài chu kỳ hoa nở, tăng thêm mùa hoa của riêng mình mà thôi. Mỗi một mùa hoa đều có vẻ đẹp riêng, không thể nói là ai hay ai dở được.
Đời người cũng giống đời hoa. Mỗi giai đoạn đều có chỗ đáng để ta trân quý và hồi tưởng lại. Chúng ta nhớ làm sao cái hồn nhiên của tuổi thơ, nhiệt huyết thời thanh xuân, cái trầm ổn tuổi trung niên hay sự ung dung lúc tuổi già.
Ta chỉ nên nhớ đến những điều ấy. Bạn tuyệt đối đừng chỉ nhìn thấy những khoảng màu xám xịt, đừng nghĩ về sự vô tri lúc còn nhỏ dại, thói lỗ mãng của thời niên thiếu, tính dại khờ của tuổi thanh niên, thói sành đời của tuổi trung niên hay sự chậm chạp, trì trệ của tuổi già.
Có câu nói như vậy: “Vận mệnh một nửa ở nằm ở trong tay của mình, một nửa còn lại ở trong tay của ông trời”. Con người luôn không ngừng nỗ lực, vươn lên chế ngự số mệnh của mình nhưng dẫu gì đi nữa người ta cũng chỉ có thể nắm giữ được một nửa nó mà thôi.
Còn ý trời, sự an bài của Thần Phật mới quyết định một nửa vế sau. Chẳng phải người xưa hay nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” đó sao?
Vậy thì khi thân mình ở trong nghịch cảnh, bạn hãy luôn nghĩ rằng: “Ông Trời giao trọng trách lớn cho ta, ắt phải khiến ta nhọc sức, lao tâm khổ tứ. Có nhọc sức, mệt trí như vậy rồi mới đắc được những điều vinh diệu, hạnh phúc”.
Dù thế nào đi nữa, bạn hãy còn có một nửa vận mệnh nắm giữ trong tay mình, không thể bị sóng cuốn theo dòng, không thể tự mình sa ngã. Chỉ cần bản thân không tự gục ngã, thì không người nào có thể đánh đổ bạn được.
Còn khi đắc ý, ở trong cảnh tượng sung túc, phồn hoa ta lại càng phải thanh tỉnh mà tự răn mình. Sở dĩ người ta có thể thành công, hạnh phúc một nửa là nhờ vào năng lực, nửa còn lại là do cơ hội quyết định
Khi cơ hội đều ngang nhau, năng lực tất nhiên sẽ chiếm thượng phong. Rất nhiều người tạm thời chưa thành công vốn không phải tài năng thua kém mà chỉ là thiếu mất một cơ hội mà thôi.
Vậy thì rốt cuộc hạnh phúc đang nằm trong tay ai?
Đáp rằng những ai biết tự hài lòng chính là người hạnh phúc nhất. Ở đời, bạn chỉ cần một mái nhà nhỏ đủ sống, một gia đình ấm êm, một công việc chẳng quá cao sang nhưng đủ trang trải kế sinh nhai, một thú vui giản dị, một người bạn tri âm và một ước mơ. Như thế chẳng phải đã là hạnh phúc đó sao?
Có người cả một đời là truy đuổi tiền tài, danh vọng, bạc vàng, mỹ nữ. Họ cho rằng đó mới chính là thứ hạnh phúc đáng theo đuổi nhất đời. Nhưng khi càng lún mình sâu hơn vào vũng lầy danh, lợi, tình, người ta càng khó thoát ra dù có vùng vẫy thế nào đi nữa. Đó có thực sự là hạnh phúc không? Rất khó trả lời.
Thiên lý mã trên đời này lúc nào cũng có sẵn nhưng người có tài nhận biết được ngựa hay như Bá Nhạc thì lại quá hiếm hoi. Không phải cuộc sống của chúng ta thiếu đi cái đẹp, mà là bởi ta đang thiếu đi một đôi mắt để nhìn ra chúng.
Hãy làm một người có đôi mắt biết nhìn ra hạnh phúc, biết cảm nhận hạnh phúc. Và chỉ có tích phúc, hành thiện, sống một đời không tham lam mới có thể lưu giữ được hạnh phúc được lâu dài vậy.
Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm
videoinfo__video3.dkn.tv||2902105be__