Tai hoạ khởi nguồn từ tâm. Hối lỗi sửa sai, chuyển hoạ thành phúc
Nếu có một ngày, tai hoạ và bệnh tật bỗng dưng “từ trên trời rơi xuống”, bạn sẽ phản ứng ra sao?
Những năm cuối đời Thanh đầu thời Dân Quốc có một vị là Vương Thiện Nhân mở trường nghĩa học (trường học do tư nhân quyên tiền, miễn học phí) ở vùng Đông Bắc. Ông có đạo đức rất cao. Trương Nhạn Kiều người Sơn Đông đã học ông biết xem tính tình, giảng chữa bệnh.
Trương Nhạn Kiều trở về quê giảng chữa bệnh giúp người dân, hiệu quả rất kỳ diệu. Người đến xin giảng chữa bệnh nườm nượp không dứt. Ông nói với dân làng rằng: “Một người có cái tâm như thế nào thì sẽ có tính tình như thế ấy. Tính tình tốt thì sẽ hiển quý, giàu có. Tính tình xấu thì phiền não sinh bệnh”.
Trương Nhạn Kiều bảo bệnh nhân nói lớn ra lỗi lầm của mình, thực sự hối lỗi, bệnh rất mau chóng liền khỏi.
Bệnh khỏi rồi về nhà đầu tiên nhận lỗi, sau đó phải làm tốt luân thường đạo lý như hiếu đễ v.v. Như thế Thượng Thiên sẽ không trách tội người đã hối lỗi.
Một hôm, có người mời Trương Nhạn Kiều đến thôn trang họ trị nạn châu chấu. Ông nói có người bị bệnh thì ông xem được chứ bị nạn châu chấu thì ông không xem được. Mọi người không tin, cứ khẩn cầu ông mãi, ông đành phải đi.
Đến thôn trang đó, ông thấy châu chấu khắp nơi. Cái khó ló cái khôn, ông nói với châu chấu rằng: “Các ngươi phụng Thiên mệnh đến đây bởi vì người ở đây bất trung bất hiếu, trái với luân lý đạo đức, do đó Thượng Thiên giáng tai họa xuống trừng phạt họ. Ta cũng phụng Thiên mệnh đến để giảng đạo, khuyên con người hiếu thuận cha mẹ, yêu thương anh em, làm trọn đạo luân thường. Họ đều quyết định sẽ học làm người tốt, các người chớ làm tổn hại lúa mạ của họ nữa”.
Ông hỏi mọi người: “Sau khi châu chấu đi rồi mọi người có thể tận hiếu không?”
Mọi người đồng thanh trả lời: “Được”.
Không ngờ châu chấu bay đi hết. Trương Nhạn Kiều cũng vì vậy mà thành danh.
Cổ nhân tin rằng trên đời này không có việc gì xảy đến ngẫu nhiên hay vô duyên vô cớ. Sách “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có viết:
“Họa phúc không có cửa, người ta tự vời đến cho mình. Thiện ác có báo ứng, như bóng với hình. Cho nên trong tâm nuôi dưỡng cái thiện, chưa làm việc thiện, cát Thần đã đến rồi. Trong tâm nảy sinh cái ác, dù chưa làm việc ác, hung Thần đã theo rồi. Nếu đã từng làm việc ác mà sau hồi tâm ăn năn hối cải, lâu dài ắt sẽ được cát lành, ấy gọi là chuyển họa thành phúc”.
Trên đời này, dù là bậc Thánh hiền đi nữa thì cũng khó có thể không mắc lỗi lầm. Điều quan trọng nhất, trân quý nhất là biết sai mà dũng cảm sửa chữa. Như trong “Tả truyện” viết: “Con người ai không có lỗi lầm? Có lỗi mà có thể sửa thì chẳng gì tốt đẹp bằng” (nguyên văn: “Nhân thùy vô quá. Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên”).
Ngược lại, nếu có lỗi mà không muốn sửa thì chính là phạm thêm một tầng sai lầm trầm trọng. Đúng như lời Khổng Tử nói: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ”, đã sai mà không chịu sửa, vậy mới gọi là sai.
Các bậc Thánh hiền không phải là người chưa từng mắc lỗi, chỉ là họ biết tìm lỗi ở bản thân, vui lòng nghe lời góp ý của mọi người, tích cực tu chỉnh tâm tính, lời nói hành vi của bản thân, và cuối cùng trở thành một người có đạo đức cao thượng. Nhờ tu tâm, họ có thể chuyển hoạ thành phúc, cảm hoá mọi người xung quanh theo về chính đạo.