Chúng ta thường nói một số người có phúc, thực ra trong cái “phúc” này có rất nhiều kiến thức và chân lý, nếu nắm vững được những quy luật này thì bản thân chúng ta cũng sẽ trở thành người có phúc.
Có một câu nói nổi tiếng trong “Kinh Dịch”: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, nghĩa là: Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật.
Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng “đồ vật” ám chỉ của cải vật chất hữu hình như tiền bạc, nhà cửa, ô tô… Thực ra không chỉ có những điều này, tất cả những gì chúng ta mong mỏi trong lòng như sức khỏe, trường thọ, bình an, niềm vui, con cháu, hiếu thảo… đều thuộc về đồ vật.
Cái gọi là “hậu đức tải vật” có nghĩa là chỉ có tích đức mới có được những “thứ” này. Nói cách khác: thiếu đức thì bị thiếu vật; thiếu đức thì bị tước đoạt của cải.
“Đức hạnh” là gì? Theo cách nói hiện nay của chúng ta, đó là “năng lượng”. Mỗi chúng ta là một cơ thể năng lượng, giống như một cục pin, có người có năng lượng cao, có người có năng lượng thấp.
Chúng ta đều biết rằng năng lượng điện có thể được chuyển đổi thành năng lượng ánh sáng, năng lượng nhiệt, năng lượng âm thanh, động năng. Đức hạnh của con người cũng vậy, có thể chuyển hóa thành phúc lành cho chúng ta, trong đó có năm phúc lành mà người xưa đã nhắc đến: trường thọ, phú quý, an khang, thiện đức và chết an lành, cụ thể là tiền bạc, xe cộ, địa vị, sức khỏe, yên bình, con cháu hiếu thảo.
Trong “Đạo Đức Kinh” có câu nói: “Phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng”, nghĩa là: Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu [trở lại gốc], diệu dụng của đạo là khiêm nhu.
Đó là để cân bằng mọi thứ trên thế giới và giữ mọi thứ ở trạng thái cân bằng âm dương.
Khi một người có nhiều “đức” hơn “được”, “đức” sẽ tự động chuyển thành “được”, dù thế nào đi nữa, bạn vẫn sẽ được, kể cả khi bạn muốn từ chối.
Khi cái “được” của một người cao hơn “đức” của mình thì chắc chắn sẽ bị mất đi thứ gì đó và sẽ xảy ra tai họa không thể cưỡng lại được.
Người xưa có câu: “Đức không tương xứng thì sẽ gặp họa”. Vì đạo đức không đủ nên không thể chở được nữa, nó giống như chiếc xe tải chỉ đủ chở một tấn nhưng lại chất đầy năm tấn vàng, sẽ không thể nào kéo được.
Vì vậy, chúng ta thường thấy một số người sau khi làm giàu thường gặp tai họa bất ngờ, đó là do đức hạnh và năng lực không đủ. Còn người trí, khi có được của cải, họ sẽ chủ động đóng góp một phần tài sản của mình, làm một số việc từ thiện, chỉ để tích đức, bù đắp những chỗ đức và khả năng còn thiếu, điều chỉnh nhân cách. Khi “đức” và “được” của mình cân bằng thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Một số người chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, sau khi giàu có, họ thường ốm đau, gia đình bất hòa, bởi vì họ đã chuyển hóa tất cả “đức hạnh” của mình thành tiền bạc và các khía cạnh phúc đức khác. Vì vậy, người xưa có câu “ngũ phúc lâm môn”, ngũ phúc phải cân bằng, không thể tập trung vào một cái, nếu không những cái còn lại sẽ mất đi.
Tóm lại, dù là tiền bạc hay ngũ phúc thì chúng đều được chuyển hóa từ “đức hạnh” của chúng ta, muốn tăng thêm phúc thì chỉ có một cách là tích đức.
Trong “Kinh Dịch” nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, bất tích thiện chi gia, tất hữu dư ương”, nghĩa là: Nhà tích thiện, ắt phúc có dư, nhà không tích thiện, ắt họa có dư. Đức hạnh không chỉ mang lại phúc phận cho chính bản thân mình mà còn có thể để lại cho con cháu được hưởng phúc.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)