Từ xưa đến nay có rất nhiều người đã cầu nguyện Thần Phật để được giàu có. Mặc dù vậy, người xưa vẫn có câu: “Người nghèo càng thờ Phật thì càng nghèo, người giàu càng thắp hương thì càng giàu”. Phải chăng Thần, Phật cũng có tâm phân biệt, khinh thường người nghèo và yêu người giàu?
Tại sao người nghèo càng thờ Phật càng nghèo?
Khi người ta nghèo đói, mong muốn lớn nhất chắc chắn là thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó càng sớm càng tốt. Có câu nói rằng: “Đói rét sinh ra trộm cắp”, ý chỉ rằng, trong tình trạng khó khăn, người ta có thể dễ dàng trở nên tuyệt vọng và sẵn lòng làm mọi cách để thoát khỏi tình thế đó; tương tự như cách mà người bệnh khi quá lo lắng thường tìm đến đủ các phương pháp chữa trị mà không cần xem xét cẩn thận, bao gồm cả việc lạy Phật để cầu tài, tìm kiếm sự may mắn. Mặc dù phương pháp này có vẻ không thực tế và mơ hồ, nhưng vẫn có vô số người sẵn lòng thử nghiệm, với hy vọng rằng điều đó có thể mang lại giải pháp để cứu vớt cho khó khăn của họ.
Chỉ là, khi một người đặt hy vọng vào sự bảo hộ của Thần Phật thường sẽ giảm bớt nỗ lực thực tế và chuyển sự tập trung vào sự sắp đặt của số phận hoặc vận may. Tâm lý của người nghèo thờ Phật thực chất là ảo tưởng, khi cầu Phật họ thường xin nhiều, ước nhiều, và toàn là vì lợi. Từ cầu cho gia đình bình an, cầu cho con cái cưới vợ sinh con, đến cầu mong được giàu có hơn… Và sau khi lễ Phật xong họ không có làm gì khác hơn, họ nghĩ rằng mình đã lễ Phật nhiều, rồi một ngày nào đó, Thần Phật sẽ bất ngờ cảm động trước lòng thành của mình, và Thần Phật sẽ phù hộ cho mình bỗng chốc trở nên giàu có.
Do đó, hầu hết đều thất bại và rơi vào cảnh nghèo đói hơn, cuối cùng sẽ tự an ủi rằng đó là số phận, thậm chí là đặt dấu hỏi về mức độ thành tâm của mình trong việc cầu nguyện và lạy Phật. Dưới tâm trạng như vậy, họ lại mang theo hy vọng lớn hơn, lại cầu nguyện và lạy Phật nhiều hơn, đó có lẽ là lý do vì sao “người nghèo càng thờ Phật càng nghèo”.
Vì sao người giàu càng thắp hương càng giàu?
Thắp hương và thờ Phật thực chất là một. Khi chúng ta nhìn vào tâm lý của người giàu, đầu tiên chắc chắn là họ cầu an lành, sau đó là cầu có thể giữ vững tài sản hiện tại. Nếu có nhiều tham vọng thì cũng muốn tiến xa hơn, nhưng dù là loại nào, mong muốn của họ đều rất thực tế, không giống như người nghèo luôn mong muốn làm giàu sau một đêm.
Hơn nữa, những người giàu tôn kính Thần Phật, cùng với việc họ hiểu biết sâu sắc về việc có được của cải khó như thế nào, nên hầu hết trong cách hành xử và ứng xử của họ thường sẽ tự kiềm chế hơn, họ cũng thường xuyên làm từ thiện để tích luỹ phúc đức cho mình. Do đó, so với ảo tưởng của người nghèo về việc giàu có qua một đêm, người giàu dễ dàng hơn trong việc thực hiện mong muốn bảo vệ sự an lành và thành công của mình.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho chúng ta biết rằng của cải luôn luôn thay đổi, người nghèo nếu cố gắng việc chăm chỉ sẽ có thể đổi đời; còn người giàu có thể trở nên nghèo khó nếu phung phí. Thờ Phật và thắp hương chỉ là một nghi thức cầu an tâm. Tất cả các ước mơ trong cuộc sống, cuối cùng đều phải dựa vào nỗ lực của bản thân để đạt được.
Tâm tính quyết định vận mệnh, chỉ có thay đổi suy nghĩ mới có thể trở nên giàu có. Dù giàu hay nghèo, ai cũng có những niềm vui và nỗi buồn của mình, chúng ta nên tôn trọng niềm tin của người khác, không nên dùng những lời lẽ không hay làm tổn thương người khác thì sẽ tích được nhiều công đức hơn.
Bảo Châu biên dịch
Nguồn: Secretchina (Ngưu Lan Khắc)