Từ xưa đến nay, những người làm nên đại nghiệp đều phải có tính cách đạm bạc, kiềm chế ham muốn dục vọng, không phải là kẻ chỉ biết đến bản thân, mà phải xem sự nghiệp to lớn của thiên hạ là trách nhiệm của mình.
Gia Cát Lượng, một kỳ tài thời Tam quốc đã không màng danh lợi, ẩn cư ở Long Trung, sau này ông mới tuân theo thiên mệnh phò tá Lưu Bị xây dựng cơ nghiệp nước Thục. Là người trong cùng thời kỳ, Tào Tháo cũng đã sống một cách đạm bạc, từ bỏ sự hưởng thụ vật chất.
Hơn nữa ông còn hết mực khiêm tốn, chịu lắng nghe những lời can gián, chiêu nạp hiền tài, chăm lo đời sống nhân dân, mang theo chí hướng to lớn thống nhất phương Bắc, bình định thiên hạ.
Xa xỉ là đại ác, tiết kiệm là mỹ đức
Sự tiết kiệm của Tào Tháo rất nổi tiếng trong lịch sử. Trong bài thơ “Độ quan sơn” ông viết rằng: “Xa xỉ là đại ác, tiết kiệm là mỹ đức”.
Bởi vì Tào Tháo suy nghĩ như vậy, nên tự nhiên bản thân ông cũng cố gắng thực hiện điều này. Những năm cuối thời Đông Hán, Tào Tháo đã ban ra “Nội giới lệnh”, nhằm khuyên răn gia đình và những người trong phủ của mình phải thực hành tiết kiệm.
Trong “Nội giới lệnh”, ông nói, chính mình không thích “tiên sức nghiêm cụ”, chính là nói rằng ông không thích những chiếc rương có màu sắc tươi sáng, chỉ thường dùng những chiếc rương chế tác từ đồ da cũ trộn lẫn đồ da mới.
Sau này bởi vì hoàn cảnh chiến tranh, ngay cả những chiếc rương như vậy cũng không có, chỉ có thể dùng rương đan bằng tre trúc, bên trong lót vải thô. “Nghiêm cụ” là hộp để đựng các vật dụng cần thiết hàng ngày như lược, bàn chải v.v…
Tào Tháo còn nói: “Quần áo, chăn màn của ta đều đã dùng được hơn mười năm. Hàng năm, ta đều tháo ra giặt lại, may vá rồi dùng tiếp”.
Hơn nữa, đối với mền gối, đệm giường, Tào Tháo chỉ coi trọng sự ấm áp khi dùng, không cần thêu hoa văn trang trí trên đó; màn trướng, bình phong khi hư hỏng thì phải mang đi sửa chữa, không thể dễ dàng thay cái mới.
Trong “Nội giới lệnh”, Tào Tháo nói rằng mình mắc một loại bệnh “nghịch khí”, cần phải “thường xuyên dùng nước để ngâm đầu”. Nghịch khí là loại bệnh do khí xung lên trên, dẫn đến đau đầu, chính là bệnh đau đầu của Tào Tháo.
Vì để giảm bớt cơn đau khi phát bệnh, ông thường phải chuẩn bị một chậu nước lạnh để ngâm đầu. Tào Tháo dùng thau đồng để đựng nước, nhưng lâu ngày thau đồng sẽ bị gỉ, có mùi hôi, vì vậy ông muốn đổi sang dùng thau bạc.
Nhưng Tào Tháo sợ người khác không hiểu, sẽ cho rằng ông thích dùng đồ bằng bạc, sinh ra tâm muốn hối lộ. Vì vậy, Tào Tháo dứt khoát dùng thau bằng gỗ.
Tào Tháo không chỉ rất tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày mà còn rất chú trọng đến chế độ ăn uống. Sau khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ lên ngôi, Thượng Thư Vệ Ký viết trong tấu sớ rằng: “Khi Vũ đế còn sống, hậu cung không bao giờ ăn quá một món thịt“, chính là nói, trong bữa cơm ăn hằng ngày của Tào Tháo cũng chỉ có một món thịt.
Tào Tháo còn tự chuẩn bị quần áo để mặc sau khi chết, trong đó chỉ có bốn bộ quần áo xuân, hạ, thu, đông, được gói gọn trong bốn chiếc hộp. Ông còn hạ lệnh không được an táng long trọng.
Tào Tháo tuy ở địa vị cao quý nhưng rất nghiêm khắc với bản thân. Trong “Nội giới lệnh” ông nói: “Xưa khi mới dẹp yên thiên hạ, ta cấm xông hương trong nhà”.
Chính là là sau khi bình định Hà Bắc, ông không cho phép việc xông hương trong nhà, thậm chí để túi thơm trong quần áo hoặc đeo trên người cũng không được, nếu trong phòng không sạch, chỉ có thể đốt nhựa cây phong hoặc cỏ thơm.
Dưới tấm gương của Tào Tháo, tiết kiệm đã trở thành một việc phổ biến lúc bấy giờ. Điều này cũng tạo nền một nền tảng vững chắc để Tào Tháo thống nhất phương Bắc.
Rộng rãi đối đãi người, thiên hạ quy tâm
Tuy rằng bản thân Tào Tháo rất tiết kiệm nhưng ông không keo kiệt với thuộc hạ và những hiền tài mà ông mong muốn họ đi theo. Theo sử sách ghi lại, sau khi đánh thành, chiếm ấp, những đồ tốt thu được ông đều ban hết cho những người có công, thưởng cho những người gắng sức, không tiếc tiền bạc, nhưng nếu không có công thì một tơ một hào cũng không được phép cho.
Bốn phương dâng vật gì, ông đều cùng bầy tôi chung hưởng. Đây là điều hoàn toàn khác so với các thế lực đương thời như Đổng Trác, Viên Thiệu. Có được điều này cũng là vì Tào Tháo xem nhẹ vật chất, ông mới có thể vứt bỏ tham dục, chung hưởng với cấp dưới.
Tào Tháo biết rõ rằng, muốn thành đại nghiệp không thể thiếu nhân tài. Vì vậy, ông đã liên tiếp ban hành ba đạo “cầu hiền lệnh”. Điều này thì những người đương thời khác cũng không làm được. Trong “Cầu hiền lệnh”, Tào Tháo đề xuất rằng “chỉ tiến cử người có tài, người có tài ta ắt sẽ dùng”, biểu hiện tấm lòng khao khát cầu hiền của ông.
Ví như, để Quan Vũ theo mình, ông đã tổ chức ba ngày một bữa tiệc nhỏ, năm ngày một bữa tiệc lớn, hết lòng hậu đãi, đáp ứng cả những yêu cầu quá đáng của Quan Vũ, thậm chí còn mang ngựa Xích Thố tặng cho Quan Vũ. Không những thế, Tào Tháo còn xin Hán Hiến Đế phong cho Quan Vũ là Hán Thọ Đình Hầu.
Sau này, khi Quan Vũ biết được tin tức của Lưu Bị liền rời khỏi Tào Tháo, Tào Tháo cũng không ngăn cản, cũng không truy cứu việc Quan Vũ qua năm ải, chém sáu tướng. Từ đó có thể thấy được tấm lòng yêu mến hiền tài và giữ lời hứa của ông.
Tào Tháo vốn rất quý trọng nhân tài, điều này đã khiến Quan Vũ cảm kích, vì vậy có nghĩa cử chịu vi phạm quân lệnh tha cho Tào Tháo ở Hoa Dung Đạo.
Một ví dụ khác, trước trận Quan Độ, Hứa Du đến nương tựa chỗ Tào Tháo. Nghe được tin này, Tào Tháo vui mừng khôn xiết, chạy ra nghênh đón mà quên mang cả giày, vỗ tay cười nói: “Việc của ta được trợ giúp rồi”.
Đúng là sau khi nghe xong đề nghị của Hứa Du, Tào Tháo cho thiêu hủy quân lương của Viên Thiệu. Đây là hành động có ý nghĩa quyết quyết định đến sự thắng lợi của cuộc chiến.
Đối với Điển Vi, vị tướng đã hy sinh trong chiến trận để bảo vệ mình, Tào Tháo đã ra lệnh an táng long trọng.
Sự chân thành và độ lượng của Tào Tháo đã thu hút rất nhiều anh hùng các nơi đến, họ đều trung thành và tận tâm với Tào Tháo. Theo thống kê, cho đến khi Tào Tháo qua đời, ông đã có 102 mưu sĩ trung tâm, mưu quan trọng và các quan lại phò tá.
Xem nhẹ vật chất chính là đại trí huệ
Cổ ngữ có câu “Đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để tiến xa“. “Đam bạc” không phải là xuất thế ẩn dật nơi núi non, “yên tĩnh” không chỉ đơn giản là sống ung dung giữa núi rừng một cách an nhàn, mà chính là có được sức mạnh từ sự đam bạc và yên tĩnh, để đạt được những mục tiêu cao cả rộng lớn trong cuộc đời.
Việc xem nhẹ vật chất của Tào Tháo đã thể hiện trí huệ tuyệt vời, là sự hiện thực hóa thế giới thái bình lý tưởng của ông: “Quan lại không nhũng nhiễu dân, vua chúa hiền lương anh minh, tể tướng, đại thần đều là bậc trung lương.
Cùng nhau nhường kính, tranh chấp không xảy ra. Ba năm cày cấy, chín năm tích trữ, lúa gạo đầy kho… công hầu khanh tướng đều yêu thương dân, hạ cấp người kém thăng cấp người tài. Đối xử với người dân như với cha mẹ, anh em mình. Kẻ phạm lễ pháp, tùy nặng nhẹ xử hình.
Ngoài đường của rơi không ai nhặt. Trong lao tù vắng tanh, mùa đông không có án. Người già cả sống trọn tuổi trời. Cả thảo mộc côn trùng, ân đức đều đến muôn nơi”.
Thời Đông Hán, mọi người đều thích xông hương, ví như mưu sĩ của Tào Tháo là Tuân Úc, được mệnh danh là “Tuân lệnh hương”, hay là “Lệnh quân hương”, bởi vì Tuân Úc rất thích xông hương.
Trong “Tương Dương ký” có chép, mỗi khi Tuân Úc ngồi đâu, mùi hương sẽ lưu lại nơi đó tới ba ngày. Tào Tháo địa vị cao hơn Tuân Úc, hiển nhiên không phải vì Tào Tháo không đủ tiền xông hương mà ban lệnh cấm. Trong lịch sử có chép, ba người con gái của Tào Tháo vì gả cho Hán Hiến Đế làm quý phi nên mới có thể được xông hương.
Tào Tháo rất không hài lòng với phong cách xa xỉ của việc cưới xin. Lúc ba người con gái của ông được gả vào cung đều rất đơn giản, màn trướng trong phủ đều là màu đen, tùy tùng đi theo cũng rất ít. Lúc bấy giờ, quan lại và hoạn quan rất chuộng “y phục thêu hoa”, “giày lụa nhiều màu rực rỡ”.
Tào Tháo cũng mua một ít từ Giang Nam về chia cho gia đình, nhưng trong “Nội giới lệnh”, ông cũng quy định “Sau khi dùng hết những chiếc giày này, không được chế tác theo nữa”.
Cuộc sống của thê thiếp của Tào Tháo cũng rất giản dị. Đồ dùng hàng ngày hư hỏng thì phải sửa lại, thậm chí còn phải tự mình trồng trọt, dệt vải
Từ đó có thể thấy rằng, Tào Tháo hoàn toàn không quan tâm đến việc hưởng thụ vật chất, hơn nữa ông còn xem chúng rất nhẹ.
Làm gương cho thiên hạ, thay đổi phong khí
Những năm cuối thời Đông Hán, chiến tranh nổ ra liên miên, cuộc sống sinh hoạt sản xuất bị ảnh hưởng rất nhiều, dân chúng phải phiêu bạt khắp nơi.
Tào Tháo là thừa tướng, trong tay nắm giữ đại quyền, ông mang theo chí hướng muốn tế thế an dân, tự lấy mình làm gương, nghiêm khắc thực hành tiết kiệm, làm gương cho thiên hạ. Tào Tháo còn coi tiết kiệm trở thành một trong những yếu tố hàng đầu để tuyển chọn và đánh giá phẩm chất của quan lại.
Theo NTDVN