Blog
Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, con không dám tổn thương
Hiếu Kinh giúp chúng ta hiểu rõ: Trời đất là cái rễ của chúng ta, cha mẹ là cái gốc của chúng ta. Làm người không thể mất gốc, uống nước phải nhớ đến nguồn. Làm được một chữ Hiếu, cả gia tộc yên vui.
Văn hoá Á Đông khởi nguồn từ Kinh Dịch, mà thành tựu bởi Kinh Hiếu, Hiếu là cái gốc của Đức.
Trong các Kinh điển Nho gia, Hiếu Kinh là bộ kinh có ít chữ nhất. Phần kinh văn chỉ có 1778 chữ. Nhưng ngay từ thời Hán, Hiếu Kinh đã trở thành kinh sách nhập môn học Kinh văn. Vì đạo Hiếu là quan hệ luân lý chủ yếu trong gia đình, do đó rất dễ đem đến sự cộng hưởng về tình cảm của mọi người. Từ đó trong tình thân luân lý đã dẫn xuất ra quan niệm Hiếu trị (quản lý xã hội bằng chữ Hiếu), đó là đưa đạo Hiếu mở rộng đến cảnh giới trị quốc, bình thiên hạ.
Từ xưa đến nay, “Vạn ác dâm vi thủ, bách hạnh hiếu vi tiên” (Vạn điều ác thì tà dâm là đứng đầu, trăm cái nết thì hiếu kính là trước hết), câu nói này là trung tâm của văn hóa Á Đông, có sức mạnh chi phối cực kỳ mạnh mẽ, nó cũng có tác dụng rất to lớn. Nhưng hiện nay rất nhiều người chẳng còn rung động gì với “Bách hạnh hiếu vi tiên” nữa.
Xung quanh chúng ta có không ít người bất hiếu. Chú ý quan sát, chúng ta có thể phát hiện ra, cuộc sống của những người bất hiếu này luôn luôn xấu xa tệ hại. Người hiểu đạo Hiếu đều biết, nếu như một người có lòng hiếu thuận thì bất kể việc gì đối với họ mà nói cũng có thể trở thành việc tốt. Cái gì gọi là hiếu thuận? Đó là hiếu, có hiếu thì sẽ thuận.
Hiếu Kinh giúp chúng ta hiểu rõ: Trời đất là cái rễ của chúng ta, cha mẹ là cái gốc của chúng ta. Làm người không thể mất gốc, uống nước phải nhớ đến nguồn. Có giá trị quan này thì mới có thể công chính vô tà, mà tu dưỡng đạo đức mới có thể ngày càng tinh tấn. Một chữ Hiếu, cả nhà yên vui.
Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương
Nguyên văn: Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương.
Thân thể tứ chi, lông tóc da thịt, đều là cha mẹ phú cho, nên không dám làm nó bị tổn hại hoặc thương tật, đó là bắt đầu của chữ Hiếu.
Sinh mệnh của chúng ta là sự kéo dài sinh mệnh của cha mẹ. Cha mẹ khổ nhọc nuôi dưỡng chúng ta, thấy chúng ta hạnh phúc, khỏe mạnh, thì mới cảm thấy vui vẻ. Do đó, đúng như Hiếu Kinh nói ở câu trên, tức là xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận của cha mẹ, cần cẩn trọng trân quý sinh mệnh.
Để không mất gốc, để bảo trì thân thể mà chúng ta dựa vào nó để phát triển này, chúng ta đương nhiên phải dụng tâm bảo vệ, không được hủy hoại, làm tổn thương thân thể mình.
Hiếu là kinh của Trời, là nghĩa của Đất
Nguyên văn: Phù hiếu, thiên chi kinh, địa chi nghĩa.
Hiếu là việc của Thiên kinh Địa nghĩa (Kinh của Trời, nghĩa của Đất)
Chúng ta đều biết chuyện con quạ con đưa thức ăn trong diều của nó ra cho quạ mẹ già không bay được, chuyện dê con mỗi lần bú đều quỳ cảm ơn dê mẹ. “Thú vật còn như thế, con người sao có thể không?”. Chỉ có hiểu được cảm ân, mới có thể hiểu được sự tốt đẹp của cuộc sống, mà cha mẹ là người chúng ta cần phải cảm ân nhất.
Đạo Hiếu là việc Thiên kinh Địa nghĩa, là tình cảm chân thành nhất tồn tại ngay sau khi con người sinh ra. Người thiện sẽ thuận theo tình cảm chất phác nhất này để làm lên sự nghiệp lớn.
Ở vị trí cao nhưng không kiêu thì mới không nguy hiểm; Tiết chế điều độ thì dẫu đầy cũng không tràn
Nguyên văn: Tại thượng bất kiêu, cao nhi bất nguy; Chế tiết cẩn độ, mãn nhi bất dật.
Người ở vị trí cao không kiêu ngạo, thì mới có thể không nguy. Hiểu được tiết chế, nắm được mức độ, thì mới có thể như nước đầy mà không tràn ra ngoài.
Xưa nay những kẻ tầm thường trong thiên hạ, đều bởi một chữ Lười mà thất bại. Xưa nay những bậc anh tài trong thiên hạ, đều bởi một chữ Ngạo mà thất bại.
Con hiếu thờ mẹ cha, cư xử hết mực thành kính với cha mẹ, nuôi dưỡng hết mực để cha mẹ vui vẻ, cha mẹ bệnh thì hết mực lo lắng, tang lễ cha mẹ thì hết mực đau buồn, thờ cúng cha mẹ thì hết mực nghiêm trang
Nguyên văn: Hiếu tử chi sự thân dã, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm.
Khi con cái đối đãi với cha mẹ, trong cuộc sống thường nhật cần bảo trì cung kính. Khi dưỡng lão cha mẹ, thì phải làm cho cha mẹ tâm tình vui vẻ. Khi cha mẹ bệnh tật thì phải chân thành lo lắng cho cha mẹ. Khi cúng tế cha mẹ thì phải theo lễ nghi tiến hành trang nghiêm.
Đây chính là nội hàm “thờ mẹ kính cha”, có hai điểm:
Thứ nhất là: Thực hành đạo Hiếu phải thỏa mãn nhu cầu trên hai phương diện cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của cha mẹ, nhất là nhu cầu về tinh thần, cần biểu đạt lòng kính yêu chân thành đối với mẹ cha.
Thứ hai là: Thực hành đạo Hiếu là việc làm cả đời của con cái. Khi cha mẹ mất, cần phải cả đời không quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Lễ chỉ là cung kính mà thôi
Nguyên văn: Lễ giả, kính nhi dĩ hỹ.
Cái gọi là Lễ, chính là thái độ cung kính mà thôi. Nếu cho rằng Lễ là một bộ các lễ nghi, trong nội tâm không cung kính, người như thế này dù có thực hiện các lễ nghi, hành lễ thì cũng là kẻ vô lễ vậy.
Trong Luận Ngữ giảng: “Kẻ hiếu ngày nay, nếu chỉ nói là có thể nuôi dưỡng cha mẹ, thế thì ngay cả chó ngựa đều có thể nuôi dưỡng. Nếu không cung kính với cha mẹ thì có gì khác?”
Là kẻ làm con, nếu chỉ phụng dưỡng cha mẹ về phương diện vật chất ăn mặc thì cách đạo Hiếu rất chi là xa. Hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ, quan trọng nhất là phải có lòng cung kính.
Một bậc trí giả nói: “Hết thảy phúc báo đều từ lòng cung kính mà sinh ra”. Nếu thực sự trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta cung kính người khác, thì chúng ta mới có thể nhìn ra được người thực sự cung kính người khác là như thế nào.
Làm việc cho cấp trên thì tận trung, làm xong việc thì suy nghĩ bổ sung, bù đắp những chỗ đã làm sai. Nên thuận theo hoàn thành các việc tốt đẹp của cấp trên, sửa chữa uốn nắn, ngăn chặn các việc sai của cấp trên, do đó trên dưới đều thân thiết
Nguyên văn: Tiến tư tận trung, thoái tư bổ quá, tương thuận kỳ mỹ, khuông cứu kỳ ác, cố thượng hạ năng tương thân dã.
Quân tử phụng sự quân chủ, người dưới làm việc cho người trên, khi làm việc thì phải suy nghĩ làm thế nào dốc toàn tâm toàn ý. Sau khi làm xong việc cần phải suy nghĩ xem có mắc lỗi lầm không, làm thế nào để sửa chữa bù đắp. Thực hiện, làm việc theo ngôn hạnh tốt đẹp của quân chủ, của cấp trên, sửa chữa, ngăn chặn hành động sai lầm của quân chủ, của cấp trên, do đó vua tôi, cấp trên cấp dưới đều thân thiết hòa thuận.
Đây là nguyên tắc làm việc của kẻ dưới, của người làm quan. “Tiến tư tận trung, thoái tư bổ quá” hoàn toàn giống như câu nói của Tăng Tử “Nhật đãn tựu nghiệp, tịch nhi tử tỉnh” (Ban ngày dốc sức làm việc, tối về tự phản tỉnh xem xét lại bản thân mình). Làm việc và tu thân kết hợp với nhau. Người làm chính trị, làm quan, không chỉ tự mình phải “Làm việc cho cấp trên thì tận trung, làm xong việc thì suy nghĩ bổ sung, bù đắp những chỗ đã làm sai”, mà đối với quân chủ, đối với cấp trên cũng không được nhất nhất tuân theo, cần phải “Nên thuận theo hoàn thành các việc tốt đẹp của cấp trên, sửa chữa uốn nắn, ngăn chặn các việc sai của cấp trên”.
Cho nên kẻ không yêu cha mẹ mình mà yêu cha mẹ người gọi là kẻ vô đức. Kẻ không kính cha mẹ mình mà kính cha mẹ người gọi là kẻ vô lễ
Nguyên văn: Cố bất ái kỳ thân nhi ái tha nhân thân giả, vị chi bội đức. Bất kính kỳ thân nhi kính tha nhân thân giả, vị chi bội lễ.
Nếu có người không yêu thương cha mẹ, người thân, đồng bào mình, mà lại yêu thương người ngoài, thì đó là kẻ vô đức.
Nếu có người mà không kính trọng cha mẹ, người thân, đồng bào mình, mà lại kính trọng người ngoài, thì đó là kẻ vô lễ. Người quản lý nước nhà nên thuận theo đức mà giáo hóa, khiến nhân dân biết yêu thương, biết kính trọng như thế nào cho đúng. Nếu làm trái ngược lại, vô đức vô lễ, nhân dân làm sao có thể học theo, sao có thể tuân theo phép tắc, pháp luật được?
Trái với phép tắc thì không nói, trái với đạo lý thì không làm. Mở miệng nói không phải lựa chọn lời mà vẫn hợp phép tắc, mọi hành vi đều không cần cân nhắc lựa chọn mà vẫn hợp đạo lý, thế thì lời nói khắp thiên hạ biết cũng không có chỗ sai trái, hành vi khắp thiên hạ biết cũng không có oán hận, ghét bỏ
Nguyên văn: Phi pháp bất ngôn, phi đạo bất hành. Khẩu vô trạch ngôn, thân vô trạch hành. Ngôn mãn thiên hạ vô khẩu họa, hành mãn thiên hạ vô oán ác.
Không hợp với phép tắc lễ nghi thì không nói, không hợp với phép tắc lễ nghi thì không làm. Mở miệng nói không cần lựa chọn lời đã hợp với phép tắc lễ nghi rồi, mọi hành vi không cần suy xét cũng đã hợp với phép tắc lễ nghi rồi. Thế thì lời nói ra khắp thiên hạ biết cũng sẽ không có chỗ sai trái, sự việc đã làm truyền khắp thiên hạ cũng sẽ không bị oán hận, ghét bỏ.
Một người ưu tú thì có thể tuân thủ phép tắc trên mọi việc làm, nói năng hợp với ngôn luận của đức hạnh, làm mọi việc có đức hạnh, như thế này mới khiến mọi người tín phục, sùng bái, mới có thể thực sự được coi là người ưu tú.
Dùng cái đạo của Trời, chia cái lợi của Đất, cẩn trọng, tiết kiệm để phụng dưỡng cha mẹ, đây là cái hiếu của thứ dân. Cho nên từ thiên tử đến thứ dân, đạo Hiếu không có khởi đầu không có kết thúc, có người lo không làm được đạo Hiếu, không có chuyện đó
Nguyên văn: Dụng thiên chi đạo, phân địa chi lợi, cẩn thận tiết dụng, dĩ dưỡng phụ mẫu, thử thứ dân chi hiếu dã. Cố tự thiên tử chí ư thứ dân, hiếu vô chung thủy, nhi hoạn bất cập giả, vị chi hữu dã.
Tận dụng các mùa tự nhiên, nhận rõ đất đai cao thấp, tốt xấu khác nhau, hành vi cẩn thận, tiết kiệm tằn tiện, dùng những điều này để phụng dưỡng cha mẹ, đây là đạo Hiếu của bách tính phổ thông. Do đó, trên từ thiên tử, dưới đến bách tính phổ thông, bất kể tôn ti cao thấp khác nhau, đạo Hiếu không có khởi đầu không có kết thúc, tồn tại vĩnh hằng. Có người lo bản thân không thể thực hiện được đạo Hiếu, không có việc đó.
Hiếu đễ tối thượng thông với Thần linh, chiếu sáng bốn biển, không nơi nào mà không tới
Nguyên văn: Hiếu đễ chi chí, thông ư thần minh, quang ư tứ hải, vô sở bất thông.
Cái đạo hiếu đễ, nếu đạt đến trình độ tối cao, thì sẽ cảm động đến các Thần trong Trời Đất, người và Trời nhất thể, cảm ứng lẫn nhau. Đạo Hiếu vĩ đại khắp nơi trong thiên hạ, mênh mông khắp bốn biển, là đạo lý ở khắp bốn biển đều là chuẩn mực.
Đối với hiếu, không thể hỏi nó có lợi gì, chỉ có thể hỏi: Chúng ta có hiếu kính cha mẹ không? Nếu không, thì đó là người đã mất gốc. Ngay cái gốc làm người cũng mất rồi thì còn có tiền đồ gì nữa? Một cái cây, rễ cây mục nát rồi, thì cái cây có cao thế nào đi nữa cũng chẳng đứng lâu được, nó nhanh chóng sẽ gục đổ, sẽ nát rữa, sẽ mục nát, sẽ chết khô.
Do đó tại sao rất nhiều người thăng tiến rất nhanh, mất chức còn nhanh hơn? Đó là vì bất hiếu. Chúng ta biết họ là đứa con bất hiếu. Họ nhất định có chỗ nào đó khiến cha mẹ tức giận. Chúng ta thường nói, hiếu thuận, hiếu thuận, tức là nói: hiếu thì sẽ thuận.
Nguồn: Dkn