Thần tích nước Nam: Chuyện đức Lạc Long Quân diệt Ngư tinh
Trận chiến nghiêng sông dốc biển giữa đức Lạc Long Quân và bầy Ngư tinh ở biển Đông phải chăng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng dân gian? Câu chuyện hé mở những bí ẩn kỳ lạ trong lòng nước…
Lời tựa:
Trong Sấm ký, bản quốc ngữ Hương Sơn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bằng câu thơ: “Nước Nam thường có thánh tài” như một lời khẳng định nước Nam là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ Trung Hoa có câu “Sơn Tiên Thủy Long” tạm hiểu là: “núi không cần cao vẫn có tiên ở nên danh nổi, nước không vì sâu vẫn có rồng nằm nên hóa linh”, cũng có thể dùng để nói về nước Nam ta vậy.
Bởi thế, nội dung của loạt bài này sẽ là về những Thần tích nước Nam. Đây là những câu chuyện dẫu có lúc chẳng phải chính sử, mà dựa trên huyền sử, dã sử… vẫn bàng bạc sắc màu của văn hóa thần truyền. Dẫu là tác phẩm phóng tác, đôi lúc hư thực khó phân… vẫn thấm đượm tinh thần và hào khí nước Nam.
Đó vẫn là những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt và nhân loại nói chung, mà chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé để truyền tải và lưu giữ.
Chuyện đức Lạc Long Quân diệt Ngư tinh
Từ câu chuyện rồng biển tại vịnh Hạ Long…
Đã từng có những thủy thủ nước ngoài kể về những lần chạm trán với con vật khổng lồ kỳ lạ ngoài khơi vịnh Hạ Long từ hơn một thế kỷ trước. Con vật này có thân hình “trông như rắn, di chuyển uốn lượn dưới mặt nước, dài khoảng 20m, thân to đến 2-3m”, “da màu xanh rêu, có đốm vàng nhạt”, “đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi”, rồi thậm chí là: “vô cùng to lớn, có đầu như cá heo, thân màu vàng nhạt, mắt to như 2 cái bát”… Đó là hai lần chạm trán vào tháng 7/1897 và ngày 15/02/1898 của đại úy Hải quân Pháp Lagresille và đồng đội trên con tàu Avalanche của anh ta. Một lần khác là với đại uý hải quân Pháp Peron, chỉ huy tàu Chateau Renault đang tuần tra khu vực hòn Con Cóc, Vịnh Hạ Long vào ngày 12/2/1904. (Xem tại đây)
Những câu chuyện này vào thời đó đã được đăng trên một tờ báo tiếng Pháp có tên ‘Haiphong Nouvelles’ với tựa đề “Dragon apparaît sur la baie d’Halong” (Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long).
Sang đến thế kỷ 21, một người ngoại quốc khác có biệt danh Steve0606 cũng chứng kiến một con thủy quái khi du lịch ở vùng biển Vịnh Hạ Long, câu chuyện được đăng trên tờ tạp chí của Anh là Fortean Times vào tháng 3/2010.
Chính người dân địa phương cũng đã nhiều lần chứng kiến con thủy quái này, đến mức họ đặt cho nó một cái tên là “Rồng biển”. Nhân chứng là ông Nguyễn Đình Hùy, một ngư dân, đã chạm trán con thủy quái này vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước trong một chuyến đánh cá ở gần đảo Đại Thành.
Nói về việc này, một nhà khoa học, nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam là cố GS. Võ Quý từng nhận định: “Từ trước, khoa học đã phát hiện được nhiều điều kỳ bí của thiên nhiên mà ban đầu cũng chỉ dựa vào những thông tin ở dạng đồn thổi. Về giả thuyết loài rắn biển trên là biến thể của loài ngư long tồn tại từ thời tiền sử cũng có phần nào cơ sở.
Có thể có những loài động vật mà tổ tiên chúng đã bị tuyệt chủng cách đây hàng chục triệu năm, giờ cũng còn đang tồn tại ở đâu đó trong thiên nhiên mà khoa học chưa phát hiện được, đặc biệt là dưới đại dương. Khoa học càng phát triển bao nhiêu thì sự phát hiện càng bất ngờ bấy nhiêu.”
Loài sinh vật kỳ lạ này, đang sống cùng thời đại với chúng ta, dường như là bằng chứng để chúng ta tìm về với một Thần tích thuộc loại xa xưa nhất của nước Nam, và nhìn nó với một nhãn quan mới gần gũi hơn: Chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư tinh trên Biển Đông
… Đến huyền thoại Lạc Long Quân diệt Ngư tinh
Một chiều hồng hoang. Ánh sáng ban ngày đang lịm dần. Mặt trời to tướng đỏ bầm như máu đang lừ đừ chìm xuống bên kia mặt bể, hắt lại muôn nghìn những vệt đỏ vệt tía loang lổ trên mặt biển phẳng lì như gương. Không gian lặng ngắt, không một tiếng sóng vỗ, không một hơi gió thổi, chỉ có tiếng mái chèo khua nước oàm oạp từ một con thuyền độc mộc khổng lồ đang tiến lại một dãy đá lớn giăng ra nhọn hoắt, lởm chởm ở một đoạn eo biển chia cắt mặt bể ra hai phần.
Ngồi trên phía đầu con thuyền gồm hai chục tay chèo đó là một người đàn ông vóc dáng khôi vĩ, hai cánh tay trần cuồn cuộn cơ bắp khoanh trước ngực, khuôn mặt màu đồng vuông vức cương nghị với đôi mắt to sáng rực không chớp, đôi mắt ấy đang trầm tư nhìn về phía dãy đá lớn trước mặt.
Một người đàn ông ở trần bận khố, dáng vẻ nhanh nhẹn, sau khi chỉ huy đám thủy thủ hướng mũi thuyền tiến về phía hòn núi cao nhất của dãy đá, anh ta đi lên phía trước, rồi khom mình vái người đàn ông đang ngồi ở mũi thuyền:
– Thưa cha, chúng ta sắp đến nơi rồi. Cha có dặn dò gì chúng con xin chuẩn bị.
Ngồi đàn ông ngồi ở đầu thuyền gật đầu, nói:
– Hãy mang cho ta người sắt lên đây. Khi ta ném người sắt xuống, đồng thời cũng nhảy xuống theo, thì các con phải quay thuyền chèo thật nhanh trở về, ở lại khó toàn mạng.
Người đàn ông đó chính là đức Lạc Long Quân – quốc tổ của tộc Lạc Việt. Người dân Lạc Việt này, ai cũng gọi ngài là cha.
Họ đang trên đường đi diệt Ngư tinh.
…
Hồi ấy, ở biển Đông có con yêu quái, gọi là Ngư tinh. Ngư tinh thân dài hơn năm chục trượng, chân nhiều như rết. Nó còn giỏi thuật biến hóa, linh dị phi thường, thường hay nổi sóng gió trên biển để ăn thịt ngư dân.
Nó lại nghĩ cách dùng đá chẹn ngang eo biển để khiến ngư dân phải bơi thuyền qua chỗ nó ở, chính là một hang cực sâu nằm dưới chân hòn núi lớn mà con thuyền độc mộc chở đức Lạc Long Quân đang tiến đến. Lúc đó, nó chỉ cần nổi sóng gió lật thuyền, rồi há miệng chờ sẵn là có mồi ngon rơi vào trong miệng.
Vì sóng gió hiểm trở, lại không có đường đi khác, dân muốn mở lối thông nhưng loại đá do Ngư tinh hóa ra rất rắn chắc, khó đẽo gọt. Tiên trên trời thương tình, một đêm kéo nhau đến để mở lối giúp dân. Lối mở sắp xong thì Ngư tinh hóa ra một con gà trống trắng đậu trên đỉnh núi gáy vang. Quần tiên tưởng trời sắp sáng bèn kéo nhau về trời. Việc thất bại. Ngư tinh tiếp tục hoành hành như xưa.
Tiếng than của dân nổi lên ai oán, làm kinh động đức Lạc Long Quân lúc này đang ngự dưới Long cung ở Biển Đông. Ngài quyết tâm tiêu diệt Ngư tinh trừ hại cho dân lành. Ngài cho sửa soạn một chiếc thuyền độc mộc lớn. Ngài hóa lửa thần đúc ra một người bằng sắt kích thước như người thật, rồi cùng với hai chục tay chèo, ngài mang theo người sắt lên thuyền độc mộc tới tận hang ổ của yêu quái như ta đã chứng kiến. Và trước khi lên đường, ngài ra lệnh cho thủy thần biển Đông phải giữ cho sóng im, gió lặng.
…
Mặt trời đã gần như khuất hẳn, bóng chiều nhập nhoạng. Con thuyền độc mộc đã gần tới chân ngọn núi. Đức Lạc Long Quân ra lệnh cho thuyền dừng lại và lặng yên quan sát. Bỗng trong không gian im phắc, bật lên có tiếng ho khô khốc của một thủy thủ chèo thuyền. Thấy động, cả một đàn dơi khổng lồ đen ngòm từ trong hang núi tối om kêu ré lên, bay ùa ra che kín cả bầu trời. Đức Lạc Long Quân bình thản đứng dậy nhìn vùng nước tối sẫm mênh mông trải ra bên dưới thuyền. Dường như, dưới đó đang có những sinh vật rất lớn hình rắn lượn đi lượn lại.
Bỗng “ầm” một tiếng cực to, cả một vùng nước khổng lồ dâng cao như núi, từ trong con sóng vĩ đại ấy là một đám thủy quái hùng hậu đang đâm bổ xuống con thuyền mong manh. Ngư tinh không chỉ đi một mình mà còn có những tay chân gớm ghiếc hộ vệ (1). Có con như cá sấu đuôi đỏ, vẩy hồng, mõm đỏ khè; có con thân rắn xanh xanh vàng vàng dài hàng chục trượng; có con thân cá mặt người; có con thân người mặt cá… con nào con nấy cũng cực kỳ to lớn, mặt mũi hung ác, nhe nanh, múa vuốt, chực ăn sống nuốt tươi mấy chục mạng người trên thuyền. Dẫn đầu chúng là Ngư tinh to lớn hung dữ nhất, miệng ngoác rộng đỏ như máu, răng dài nhọn hoắt trắng ởn.
Đức Lạc Long Quân cúi xuống thuyền, hai tay nâng người sắt lên quá đầu, vận thần công nung cho người sắt trong chớp mắt bỗng đỏ rực như than lửa, rồi ngài nhằm miệng Ngư tinh đang há hoác mà ném thẳng vào.
“Xèo” một tiếng lớn, mùi thịt cháy bốc lên khét lẹt, Ngư tinh rú lên một tiếng đau đớn rồi lặn bổ xuống nước. Đám thủy thủ trên thuyền cứ đứng đờ ra nhìn vì sợ hãi.
Đức Lạc Long Quân nhìn đám thủy thủ quát lớn: “Quay về”. Rồi ngài vụt biến mất. Từ trên không trung, xuất hiện một con Bạch Long thân màu trắng bạc cực kỳ lớn và dũng mãnh nhằm giữa đám thủy quái lao vụt xuống.
Vùng nước tối như sôi lên, những thân hình khổng lồ cuộn vào nhau bất phân, nhưng nổi bật là thân thể Bạch Long trắng lóng lánh cứ vùn vụt tiến lui giữa đám xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng. Rồi từng đám bọt máu cứ nổi ngầu lên, thi thể của lũ thủy quái cũng nổi bềnh lên mặt biển. Từng con một.
Đám thủy quái đã bị đánh tan, chết gần hết. Một số con còn sống sót vội lẩn đi biệt tăm biệt tích. Chỉ còn lại Ngư tinh vẫn ngoan cố chưa chịu hàng phục.
Nhưng rồi bị vướng khối sắt nóng bỏng miệng, lại bị Bạch Long tức đức Lạc Long Quân dùng phép thần phá hết yêu phép, sau ba ngày ba đêm đã kiệt lực, Ngư tinh bèn xoay mình chạy trốn. Đức Lạc Long Quân đuổi theo, dùng vuốt rồng cắt Ngư tinh ra làm ba đoạn. Đoạn đuôi bị lột lấy da rồi căng ra, phơi lên một hòn đảo ở Biển Đông mà nay gọi là Bạch Long Vĩ. Khúc giữa của Ngư tinh trôi đến xứ Mạn Cầu, ngày nay gọi là Mạn Cầu Thủy hay Cẩu Đầu Thủy. Còn khúc đầu của Ngư tinh vẫn còn một chút tà phép, hóa thành con chó ngao lớn lội vào bờ trốn. Bạch Long bay lên khỏi mặt nước đuổi theo rồi xà xuống xòe móng ra quắp lấy con chó ngao bay vút lên cao rồi thả xuống cho chết hẳn. Rồi đức Lạc Long Quân hiện thân người cắt lấy đầu nó vứt đi. Chỗ cái đầu chó rơi xuống thành một ngọn núi, nay gọi là Cẩu Đầu Sơn.
Cả dãy đê dài mà Ngư tinh dùng yêu phép hóa ra để chắn biển sụp xuống, trả lại vùng biển thông thoáng như xưa.
Người dân Nam sung sướng mở hội ba ngày ba đêm liền để ăn mừng Ngư tinh và bè lũ đã bị tiêu diệt. Đức Lạc Long Quân sau đó cũng từ biệt để trở về thủy phủ.
Cái nhìn mới về chuyện huyền sử “Lạc Long Quân diệt Ngư tinh”
Trong cuộc chiến của Lạc Long Quân với Ngư tinh, có thể vẫn còn sót lại những sinh vật kỳ lạ. Biết đâu chúng và hậu duệ của chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay như một bằng chứng sống cho thời đại oanh liệt của quốc tổ Lạc Long Quân. Hiện tượng “rồng biển” xuất hiện ở vịnh Hạ Long giống như một manh mối mới cho phép chúng ta liên hệ, nhìn nhận câu chuyện “Lạc Long Quân diệt Ngư tinh” này dưới một góc độ khác gần gũi hơn. Nếu thực sự có những sinh vật như “rồng biển”, thì biết đâu cũng có Ngư tinh, và biết đâu chuyện đức Lạc Long Quân diệt Ngư tinh không phải hoàn toàn là huyền sử? Dường như bên trong lớp vỏ màu sắc do dân gian dệt thành của những truyền thuyết, huyền sử, những Thần thoại Thánh tích… phải chăng có “cái lõi sự thật” nào đó mà thời gian đang giúp chúng ta dần khám phá ra? Những câu chuyện và khám phá tương tự đã và đang xảy ra trên khắp thế giới. Như có người từng nói: “Những điều con người chưa biết dưới đáy biển còn nhiều hơn những gì người ta khám phá được trên mặt trăng.”
Nguồn: ntdvn (Nguyên Phong)