Mọi người đều muốn thành công nhưng rất tiếc đại đa số không thể kiên trì đến cuối cùng, buông bỏ lúc nửa đường. Nếu bạn cũng đang muốn từ bỏ, hãy xem ba câu chuyện ngắn này, có thể bạn sẽ tìm được cho mình niềm cảm hứng.
Câu chuyện thứ nhất
Nhà tâm lý học người Mỹ Walter Mischel đã tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng vào năm 1968 đối với một nhóm trẻ 4 tuổi. Ông đưa cho mỗi đứa trẻ một viên kẹo và cho chúng 2 lựa chọn.
1. Đứa trẻ có thể ăn kẹo ngay nhưng sẽ không được thêm một viên nào nữa.
2. Nếu đứa trẻ có thể nhịn ăn trong 20 phút thì có thể nhận thêm một viên kẹo đường.
Kết quả cho thấy nhóm trẻ được chia thành ba loại: Một là ngay lập tức ăn kẹo, hai là cố gắng chờ sau 20 phút nhưng không thể và bỏ cuộc giữa chừng, ba là các em có thể chờ 20 phút và lấy được phần thưởng.
Sau thí nghiệm, Mischel tiếp tục theo dõi sự phát triển của những đứa trẻ này. Kết quả khảo sát cho thấy những đứa trẻ có thể kiên trì đến cuối đạt điểm cao hơn trong kỳ thi tuyển sinh đại học Mỹ (SAT) và sau khi trưởng thành, sự nghiệp của họ cũng tốt hơn.
Thông qua thí nghiệm này và trải nghiệm của bản thân có lẽ bạn cũng nhận ra kiên trì là một phẩm chất quý. Trau dồi, rèn luyện phẩm chất này sẽ giúp chúng ta đi gần đến thành công hơn.
Câu chuyện thứ hai
Một ngày nọ, Socrates, triết gia nổi tiếng người Hy Lạp, nói với các sinh viên: “Hôm nay, chúng ta chỉ làm một việc rất đơn giản. Các em hãy cố gắng vung tay về phía trước càng nhiều lần càng tốt, sau đó lại duỗi tay về đằng sau”.
Sau khi làm mẫu, Socrates nói: “Từ hôm nay, hãy làm như vậy 300 lần một ngày, các em có làm được không?”.
Sinh viên cười lớn: “Làm như vậy có khó khăn gì chứ?”.
Ngày hôm sau, Socrates hỏi có bao nhiêu người đã thực hiện động tác vung tay được 300 lần và tất cả sinh viên đều giơ tay phấn khích.
Một tháng sau, ông lặp lại câu hỏi, 80% người đã giơ tay.
Một năm sau, ông lại đưa ra vấn đề này một lần nữa. Lúc này cả lớp im lặng, mọi người nhìn nhau và cảm thấy xấu hổ.
Tại thời điểm này, chỉ có một học sinh giơ tay và ông chính là Plato, sau này trở thành nhà triết học được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực.
Xem ra chỉ là một điều đơn giản, nhưng từ những việc đơn giản, có thể kiên trì thường hằng mới thấy được phẩm chất và sự nỗ lực của một người.
Câu chuyện thứ ba
Một người từng hỏi nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Trương Tuyết Phong: “Tôi biết mình không thể vượt qua kỳ thi nghiên cứu sinh năm nay, tôi có nên từ bỏ không?”.
Tuyết Phong trả lời: “Nhất định vẫn phải đi. Bởi vì kiên trì là một loại thói quen, từ bỏ cũng là một loại thói quen. Nếu cảm thấy chắc chắn đi thi không đậu, như vậy sang năm có lẽ cũng sẽ nghĩ như vậy, năm sau cũng có thể nghĩ như vậy, vì vậy cả đời cũng không thi đậu”.
Khi chúng ta, đối với những mục tiêu muốn theo đuổi có thể thực hiện mỗi ngày, ngày hôm nay làm không tốt, ngày mai sửa cho tốt hơn, không bởi những khó khăn chướng ngại trước mắt mà bỏ cuộc, hướng đến những mục tiêu lâu dài hơn thì kiên trì sẽ trở thành thói quen, một “cơ chế” giúp bạn nâng cao năng lực bản thân.
Hãy nhìn xung quanh và suy nghĩ về bản thân mình, có bao nhiêu người tuyên bố tập thể dục, nhưng cuối cùng lại bỏ cuộc, và vẫn luôn than vãn mình “quá khổ”. Có bao nhiêu người hôm nay theo đuổi mục tiêu này, ngày mai theo đuổi mục tiêu khác, cuối cùng lại đứng núi này trông núi nọ, không đạt được gì cả khiến bản thân khổ não.
Thất bại không phải là bi kịch, nhưng dễ dàng bỏ cuộc thì có. Khi người khác bỏ cuộc, nếu chúng ta có thể kiên trì thêm một chút và nhẫn chịu, thì trong tương lai, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình khác với bản thân xưa kia rất nhiều.
Thành công đối với mỗi người có định nghĩa khác nhau, có người cho rằng có gia đình hạnh phúc hòa thuận là thành công của đời người, có người muốn đạt được làm chủ về tài chính, lại có người coi sự nổi tiếng, danh vọng là điều đáng theo đuổi. Tuy nhiên cho dù định nghĩa thành công của bạn là gì, một khi đặt ra một mục tiêu, thì kiên trì chính là yếu tố quan trọng giúp bạn đạt tới mục tiêu ấy.
Theo Secret China
Ngọc Mai biên dịch
Ảnh: Shutterstock
Video xem thêm: Những người trí thức của xã hội phương tây nói gì về lợi ích tốt đẹp của Pháp Luân Công
videoinfo__video3.dkn.tv||ef96b2930__