Vì sao chúng ta càng muốn cha mẹ hạnh phúc, càng cung phụng cho cha mẹ một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng cha mẹ vẫn cách chúng ta ngày càng xa?
Môn tâm lý học người già cho rằng, sự thay đổi lớn nhất trong tâm lý người già là cha mẹ thường cảm thấy cô đơn và xa cách. Biểu hiện trong cuộc sống bình thường chính là cảm giác thấy mình vô dụng, không có giá trị, từ đó sinh ra cảm giác lạc lõng ngay giữa những người thân yêu.
Khi tuổi tác ngày một tăng thêm, sức khỏe ngày một kém đi, bất giác cha mẹ sẽ cảm thấy hoảng sợ. Các chuyên gia cho rằng sự hòa thuận trong gia đình là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của người già.
Giỏ trứng gà và ánh mắt buồn của người mẹ
Tôi còn nhớ trên ti vi có một tình tiết như sau: Cậu con trai tốt nghiệp đại học và ở lại thành phố dựng nghiệp, mua nhà rồi lấy vợ. Khi vợ cậu sinh em bé, mẹ cậu đã đi tàu hỏa từ thôn quê xa xôi chỉ để mang cho con trai, con dâu một giỏ trứng gà, để tẩm bổ cho con dâu.
Cậu con trai lại không hài lòng mà oán trách mẹ già: “Sao mẹ phải vất vả như vậy? Trứng gà ta trong thành phố cũng bán mà. Mà nhà con chỉ ăn trứng gà ta có nhãn mác thôi. Mẹ mang về cha mẹ tẩm bổ cho khỏe”. Mẹ cậu thất vọng trở về.
Kỳ thực vào thời khắc đó, điều cậu con trai từ chối không chỉ là một giỏ trứng gà mà là tấm lòng của người mẹ muốn được chăm lo cho con mình. Điều khiến mẹ cậu đau lòng là con trai giờ khôn lớn và không cần đến mình nữa.
Chúng ta yêu thương cha mẹ nhưng lại không hiểu nỗi lòng của những người đã ở tuổi xế chiều
Ngẫm lại cha mẹ vất vả nuôi chúng ta khôn lớn nên con cái cũng thường mong cha mẹ mình được sống những ngày tháng thanh nhàn. Chúng ta cũng không muốn cha mẹ luôn phải lo lắng cho mình.
Hay những ông bố bà mẹ ở nông thôn, từ nơi xa xôi ngàn dặm gửi cho con chục cân lạp xưởng hoặc vài chiếc bánh nướng mà cha mẹ tự tay làm. Nhưng đa số chúng ta đều khuyên cha mẹ đừng làm khổ bản thân và nói rằng những thứ này đều có thể mua được ngoài chợ hay trong siêu thị.
Có những người lại không muốn dựa dẫm và gây thêm phiền toái để cha mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi. Thế là chúng ta “mời” cha mẹ ra khỏi căn bếp đã gắn bó với mẹ quá nửa đời người. Chúng ta tự mình làm cơm cho cha mẹ ăn nhưng kết quả cha mẹ lại cảm thấy mình vô dụng.
Người già thường mong mỏi trong những năm còn sống có thể làm một vài việc cho xã hội. Nhưng đa số người già chỉ có thể trông trẻ, giúp con cái làm việc nhà. Điều này rất có ích cho sức khỏe và tâm lý của cha mẹ.
Rốt cuộc chúng ta cũng là cha mẹ, dẫu vất vả nhưng khi thấy những đứa con thân yêu vui mừng đón nhận món ăn ta trao, món quà ta tặng thì dường như mọi mệt nhọc đều tiêu tan. Thay vào đó là niềm hạnh phúc lâng lâng, ngọt ngào và ấm áp. Cha mẹ cũng vậy, khi cha mẹ chưa già đến mức không thể động chân động tay thì vẫn luôn hy vọng có thể làm hết sức mình cho con cái.
Mẹ tôi thường nói: “Giờ mẹ còn có thể giúp con nấu cơm, trông con. Đợi sau này già đi, điều mẹ sợ nhất là thành người vô dụng, trở thành gánh nặng của các con”.
Những lời này nghe có đôi chút chạnh lòng, nhưng đó là sự thực những điều cha mẹ chôn chặt trong tim.
Rất nhiều người già sở dĩ không muốn sống cùng con cái là vì cảm thấy không thoải mái khi mình chẳng thể giúp ích được gì, chỉ như khách qua đường mà thôi.
Vậy nên từ hôm nay trở đi, hãy đón nhận sự quan tâm cha mẹ dành cho chúng ta dẫu chỉ là làm những việc nhỏ bé, dẫu đôi khi chúng ta cảm thấy phiền phức.
Bởi lẽ sự hiếu thuận thực sự chính là để cha mẹ cảm thấy mình vẫn có ích và rất quan trọng với các con, với gia đình.
Vì sao chúng ta lo cho cha mẹ một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cha mẹ vẫn không vui?
Mỗi khi chúng ta hỏi cha mẹ cần gì, câu trả lời thường mãi mãi là: “Cha mẹ không thiếu thứ gì cả”. Nhưng trong lời nói vẫn có một chút mủi lòng.
Vì sao chúng ta càng muốn cha mẹ hạnh phúc, càng cung phụng cho cha mẹ một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng cha mẹ vẫn cách chúng ta ngày càng xa?
Kỳ thực là do chúng ta chưa thực sự hiểu cha mẹ cần gì ở mình. Sự cô đơn của cha mẹ chủ yếu là do con cái không còn cần đến mình nữa.
Từ đó có thể thấy rằng, cung cấp đời sống vật chất cho cha mẹ hoàn toàn không thể đảm bảo rằng cha mẹ sẽ hạnh phúc những năm cuối đời. Chỉ khi cha mẹ cảm thấy mình có ích thì trong tâm mới thật sự vui vẻ, đây mới là bí quyết để cha mẹ khỏe mạnh.
Vậy thì, là con cái, làm thế nào mới có thể khiến cha mẹ cảm thấy mình có ích đây?
Tiếp nhận sự chăm sóc và giúp đỡ của cha mẹ với mình
Mỗi năm tết đến xuân về, điều cha mẹ hạnh phúc nhất là làm một mâm cơm thịnh soạn, sau đó nhìn chúng ta ăn thỏa thích. Thời khắc đó cha mẹ sẽ cảm thấy con cái vẫn ở bên cạnh mình, vẫn chưa đi xa. Cha mẹ cũng sẽ cảm thấy tự hào vì mình vẫn có thể nấu cơm cho các con ăn.
Nam kể mỗi năm về quê cậu đều ăn một bữa thật no nê như khi còn nhỏ, dẫu rằng cậu sớm đã không còn khẩu vị ngày xưa. Bởi vì cậu biết rằng đó là điều duy nhất mẹ có thể tự hào trước con cái mình.
Một lần nọ Nam buột miệng khen khoai lang mẹ làm rất ngon. Kết quả là từ đó cha mẹ thường nhờ người mang cho cậu vài bao khoai lang. Khi làm những việc này, cha mẹ không những không cảm thấy phiền phức mà còn thấy rất hạnh phúc.
Vậy nên tiếp nhận sự giúp đỡ và quan tâm của cha mẹ, nhờ cha mẹ giúp đỡ một cách thích đáng mới là người con hiếu thuận.
Hướng dẫn cha mẹ sử dụng những sản phẩm công nghệ hiện hành
Xã hội ngày nay phát triển rất nhanh, hầu như hàng ngày đều xuất hiện những điều mới mẻ, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ.
Nếu có thể kịp thời hướng dẫn cha mẹ sử dụng các sản phẩm công nghệ sẽ khiến cha mẹ cảm thấy mình có thể theo kịp trào lưu của thời đại.
Rất nhiều người lo lắng cha mẹ đã quá già để học những điều mới mẻ. Kỳ thực đa phần cha mẹ dù tuổi đã cao nhưng đều có khả năng học tập rất cơ bản, và luôn có khát vọng luôn theo kịp sự phát triển của xã hội và thời đại. Vậy nên chúng ta đừng đánh giá thấp năng lực học hỏi của cha mẹ.
Trước đây cha mẹ tôi chỉ sử dụng những chiếc điện thoại “cục gạch” chỉ dùng để nghe gọi. Sau này chúng tôi mua cho cha mẹ chiếc điện thoại thông minh. Ban đầu tôi còn lo lắng cha mẹ không biết sử dụng. Nhưng sau khi tôi làm mẫu vài lần là cha mẹ đã biết tự mày mò. Sau đó chúng tôi lên mạng lập nhóm gia đình, mọi người đăng ảnh lên đó là cha mẹ có thể ngay lập tức có thể thấy được.
Kỳ thực, đôi khi chúng ta chỉ cần thêm chút nhẫn nại là có thể khiến cha mẹ cảm nhận được lòng hiếu thuận của mình.
Để cha mẹ tạ từ thế gian trong sự tôn nghiêm
Chúng ta thường nhắc tới 2 chữ “Tự tôn”, chúng ta cũng đang nỗ lực duy trì sự tôn nghiêm của mình. Kỳ thực sự tôn nghiêm của cha mẹ cũng cần được duy hộ, đặc biệt là trước mặt chúng ta.
Nếu để tâm bạn sẽ phát hiện ra rằng, ngày nay cha mẹ nói chuyện với con cái đều rất cẩn thận. Đặc biệt khi cha mẹ nói chuyện với bạn rất cẩn thận thì đã không còn sự tôn nghiêm nữa.
Dẫu thế nào thì cha mẹ cũng là bậc trưởng bối, chúng ta đều phải tôn trọng, không nên chỉ chân chỉ tay hay nói những lời bất kính như “Bà già lẩm cẩm”, “Các cụ lạc hậu, cổ lỗ sỹ”…
Ngoài việc ngày thường tôn kính cha mẹ ra thì điều quan trọng hơn chính là để cha mẹ tạ thế trong vòng tay những người thân yêu.
Ngày 24/11 tại Chiết Giang có một cụ ông được phát hiện đã chết trong nhà riêng. Nhưng ông chết như thế nào, chết vào khi nào thì không một ai hay biết. Những bi kịch như thế này hầu như đều đang diễn ra hàng ngày khi cha mẹ và con cái không còn ở chung một mái nhà.
Vậy nên khi cha mẹ già đi chúng ta cần phải tận tâm chăm sóc cha mẹ, không nên để cha mẹ ở một mình. Nếu cha mẹ muốn có không gian riêng mà chẳng thể ở cùng thì con cái cũng cần thường xuyên lui tới thăm nom, gọi điện hỏi han sức khỏe cha mẹ.
Hiếu thuận với cha mẹ là để cha mẹ được hưởng những năm cuối đời trong sự vui vẻ, hạnh phúc. Vậy nên ngoài những thứ bạn dành cho cha mẹ ra, hãy để tâm tìm hiểu xem cha mẹ thực sự mong muốn điều gì. Hãy để cha mẹ luôn cảm thấy mình có ích.
Trong xã hội xưa người già luôn được mọi thành viên trong gia đình vô cùng trọng vọng.
Người xưa quan niệm tiền bạc, danh lợi chỉ là vật ngoài thân. Điều cốt yếu mang lại vinh quang cho một gia đình là nền tảng đạo đức và những nét đẹp truyền thống độc đáo. Người già đã trải qua những thăng trầm, bể dâu trong cuộc sống. Đến khi già đi, các cụ đã tích lũy được một vốn kinh nghiệm vô cùng đáng quý. Đó chính là những bài học làm người, những trải nghiệm nhân sinh về nhân quả và những lời răn dạy được đánh đổi bằng bao tâm huyết, mồ hôi và nước mắt.
Vậy nên dẫu người già sức tàn lực kiệt nhưng lại là người nắm giữ những giá trị đạo đức được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Xưa kia mỗi dịp tết đến xuân về, con cháu lại thi nhau bái lạy các cụ bô lão để tỏ lòng thành kính. “Yêu trẻ thì trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”.
Trân trọng người già cũng thể hiện nhân phẩm và giá trị của một con người. Chính vì vậy người xưa lại càng coi trọng lòng hiếu thuận của con cái dành cho cha mẹ già. Thời ấy người già không cảm thấy cô đơn, trống vắng như trong xã hội theo đuổi vật chất, tiền tài danh vọng như ngày nay.
Thời thế đổi thay, lòng người cũng đổi khác, không còn coi trọng những giá trị đạo đức như xưa. Vậy nên kho báu vô giá mà cha mẹ nắm giữ mới vô tình bị bụi thời gian phủ đầy. Khi tìm lại những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp mà ông cha truyền lại, chúng ta mới có thể thực sự hiểu và biết cách bày tỏ sự hiếu thuận với cha mẹ.