Chỉ sau 12 giờ, khi đêm càng tĩnh mịch, tôi mới có thời gian gác lại mọi công việc và suy ngẫm. Giờ đây khi tuổi trung niên đang ngày càng đến gần, tôi nhận ra, biết ít một chút, ngây thơ một chút mới là hạnh phúc.
Chắc hẳn ai cũng từng như tôi, từng là một cô bé, cậu bé với trái tim ngây thơ, thuần chân, thuần thiện. Nhưng rồi ai cũng đều trưởng thành lớn lên, xảy ra biết bao việc trong đời đã bất tri bất giác hình thành trong chúng ta những quan niệm về thế nào là hạnh phúc, làm sao để được hơn người, làm sao mới có danh có tiền, không phải chịu thiệt thòi… Nhưng rồi mệt nhoài theo đuổi những điều đó, tôi nhận thấy rằng mình đã thực sự quên mất chân ngã (bản chất chân thực), bản tính ngây thơ, thiện lương của chính mình.
Người ta thường nói câu này: “Đó là do bị dòng đời xô đẩy!” khi muốn nói về một việc bản thân không muốn nhưng vì các yếu tố khách quan nên mới trở thành như vậy. Tôi tự ngẫm, bản thân mình cũng không ít lần như vậy! Ví như có lần tôi định giúp đỡ một người, nhưng ngại ánh mắt kỳ thị của người khác, nên lại thôi. Hoặc có khi muốn từ chối điều gì đó nhưng cuối cùng vì “cả nể” nên lại làm. Có lẽ vì quá nhiều lần “bị đưa đẩy” như vậy, đã khiến tôi hình thành một tính cách không còn giống với bản chất của chính mình.
Càng có nhiều kinh nghiệm, người ta càng cảm thấy mình có chút tự đắc, đáng tự hào. Nhưng chẳng phải kinh nghiệm ấy cũng khiến nhân sinh quan thay đổi, khiến chúng ta càng ngày càng rời xa phần thuần chân của bản thân?
Nhất là trong cuộc sống hiện đại này, rất nhiều khái niệm đã bị đảo lộn. Người đứng lên vì chính nghĩa thậm chí bị chê cười và tránh xa, người có đức tin bị nói là mê tín, nhưng những kẻ nhiều tiền, thậm chí không cần biết tiền được lấy từ đâu, lại có không ít người nịnh bợ, sùng bái… Đứng trước những thứ tiền tài, quyền lực, danh lợi; những nguyên tắc về đạo đức và lòng tốt dễ dàng bị quên lãng… Đương nhiên không loại trừ khả năng vẫn còn có những người tốt nhưng chẳng phải theo đuổi vật chất đã là trào lưu lớn của xã hội?
Nhưng đó không phải bản chất thực sự của chúng ta. Chúng ta đến thế gian này vốn thuần khiết, thiện lương, chỉ bởi vì nhân thế nào khác chi thùng thuốc nhuộm lớn của dục vọng, nhiều người sớm đã quên sự thuần chân thuần thiện trong tâm hồn rồi.
Tuổi tác càng lớn, càng thấu hiểu thế nào là đối nhân xử thế nhưng điều mang tới không phải là hạnh phúc mà phiền não nhiều hơn. Có lẽ những suy nghĩ phức tạp dễ khiến người ta mất đi niềm vui đơn thuần.
Nhớ lại hồi còn đi học tiểu học, lúc đang băng qua đường tôi thấy mọi người bận rộn trên đường phố, hoàn toàn không quan tâm đến con bé đang run run trước những chiếc xe phóng vèo vèo cứ như “tránh đạn” vậy. Chà, vất vả một lúc rồi cũng sang được bên kia, lúc ấy tôi đột nhiên cảm thấy thế gian này thật phức tạp, trưởng thành là vậy ư? Lúc nào cũng bận rộn tới lui, rốt cuộc là vì gì?
Lúc ấy đột nhiên có tiếng nói trong tâm: Hãy cứ mãi thế này đi, không muốn trưởng thành nữa!
Tất nhiên điều đó là không thể. Chúng ta phải lớn lên, phải trưởng thành nhưng chúng ta có thể chọn không phức tạp, hoặc nói đúng hơn là, càng đơn giản càng tốt, hết sức không nên lấy sự thoả mãn, thoải mái làm mục đích sống. Bởi vì người ta càng thoải mái càng muốn thoải mái hơn, dục vọng là cái động không đáy, là cơn lũ đang xói mòn phần thuần chân, thuần thiện của chúng ta. Đơn giản, dễ thỏa mãn và không gây hại cho người khác vì lợi ích của mình mới là chân ngã thực sự của chúng ta, mới là diệu dược cho sự bình yên và hạnh phúc của tâm hồn.
Ở một góc nào đó của tâm hồn, tôi thấy mình vẫn là cô bé hồn nhiên đó. Mặc dù khuôn mặt đã có những dấu vết của thời gian, nhưng tôi vẫn thích lưu giữ góc nhỏ trong sạch và thuần khiết đó – một góc tâm hồn lặng lẽ nhưng mang đến sự bình yên và hạnh phúc.
Video xem thêm: Tại sao chúng ta lại tức giận?
videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__
Xem thêm:
- Hoa hậu Ngọc Hân: “Thiên nhiên và truyền thống là nguồn cảm hứng để mình luôn giữ được sự cân bằng và bình yên”
- Ta ước một lần về tuổi thơ, với miền quê xanh thắm năm nào
- Lắng nghe tiếng gió qua rừng trúc