Thiên cổ Thần tướng Nhạc Phi: Mưu lược vô song, trị quân có phương pháp
Năm 12 tuổi buộc tóc tòng quân, 19 tuổi đã lên bậc tướng; một đời chinh chiến kinh qua hơn 120 trận đánh, chưa từng thất bại. Nhờ tài năng quân sự trác việt cùng kinh nghiệm thực chiến phong phú, Nhạc Phi trở thành vị thống soái nổi tiếng nhất trên chiến trường Nam Tống. Ông cùng đội quân dưới trướng-Nhạc Gia Quân, đã trở thành truyền kỳ bất hủ trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc.
Tại sao Nhạc Nguyên Soái bách chiến bách thắng, tại sao quân Nhạc Gia thế thắng như chẻ tre? Tất cả những điều đó đều không thể tách rời khỏi linh hồn của quân đội Nhạc Gia- Nhạc Phi, mưu trí phi phàm cùng phương thức trị quân hoàn thiện. Từ thời niên thiếu ông đã say mê học binh pháp, tinh thông võ nghệ, vào quân ngũ rèn luyện lên kỹ năng tác chiến lấy ít địch nhiều, dùng mưu diệt mạnh. Tuy ông không để lại binh thư cho hậu thế, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn vào ngôn hành của ông mà thấy được lý niệm trị quân, cho đến những bí quyết của đội quân bất bại- ‘Lay núi dễ, khó lay Nhạc Gia quân.’
Chỉ vài từ mà hiển lộ tận sự vi diệu của binh pháp
Khi mới tòng quân, Nhạc Phi đã được các bậc danh tướng lão luyện đánh giá cao. Chỉ qua vài câu đối thoại, cậu thiếu niên Nhạc Phi đã hiển lộ trí mưu phi phàm cũng nhãn quan quân sự sắc bén. Ví dụ: “Tông Gia Gia” Tông Trạch thấy Nhạc Phi có tài nghệ trí dũng vượt xa những lương tướng đi trước, nhưng đánh trận còn thiếu chút ‘Chương pháp’, nên đem trận đồ mà ông thu thập được truyền lại cho Nhạc Phi. Nhưng Nhạc Phi nói: “Trận nhi hậu chiến, binh pháp chi thường, vận dụng chi diệu, tồn hồ nhất tâm.” (tạm dịch: bày trận rồi mới đánh, là điều thường thấy trong binh pháp, nhưng chỗ vi diệu của phép dụng binh, lại nằm hết ở tâm này!)
Chỉ 16 chữ, nhưng nói ra được chỗ tinh túy của binh pháp, mà không câu nệ vào binh pháp thời xưa, cần căn cứ vào tình huống chiến trường cụ thể mà chế định chiến thuật tương ứng, cũng là nắm vững yếu lĩnh: “biến cơ linh hoạt, binh vô thường pháp”. Nhạc Phi nhận định, bày xong trận rồi mới đánh, đó chỉ là cách dụng binh thông thường; nếu muốn vận dụng một cách xảo diệu đích đáng, thì điểm mấu chốt lại do âm thầm suy xét, tùy cơ ứng biến. Sự hiểu biết sâu sắc như vậy khiến vị lão tướng kinh ngạc, thán phục khôn xiết.
Sau đó, Nhạc Phi đầu quân cho Chiêu Thảo Sứ Trương Sở ở Hà Bắc, được đón tiếp bằng lễ nghi ‘Quốc sĩ’. Trương Sở muốn khảo nghiệm bản lĩnh tác chiến của Nhạc Phi nên hỏi: “Một mình ông thì có thể địch được bao nhiêu người?”
Nhạc Phi không trả lời thẳng vào câu hỏi: “Dũng bất túc thị, dụng binh tại tiên định mưu.” (chỉ dựa vào uy dũng là không đủ, dụng binh đầu tiên phải hoạch định ra mưu lược)
Ông đưa ra quan điểm dụng binh, dựa vào cái dũng thất phu là không đủ, mà phải vận dụng mưu lược cùng chiến thuật, thì mới có thể giành thắng lợi bất ngờ, thậm chí có thể xuất hiện kỳ tích không đánh mà thắng trận.
Ông còn đưa ra những dẫn chứng chiến trận thời cổ đại để giải thích. Thời Xuân Thu Tấn – Sở giao tranh, Tấn Đại Phu Loan Kỳ cho buộc cành cây sau xe, lệnh quân Tấn thoái lui, cành cây sau xe cuốn lên lớp bụi, trông cứ như đội hình đại loạn, dụ địch vào sâu nơi hiểm yếu mới ra tay đại bại quân Sở.
Ví dụ khác: Khi quân Sở đánh quân Giảo, Sở Vũ Vương cho quân vây cổng thành, cho các tiều phu dụ quân Giảo ra ngoài, đồng thời cho đặt phục binh trong rừng. Quân Giảo quả nhiên trúng kế xuất thành, tranh nhau đuổi bắt tiều phu, còn áp giải họ vào rừng để phục dịch. Quân Sở thừa cơ đánh chặn phía sau,thuận lợi tiêu diệt quân Giảo.
Hai dẫn chứng này thấy rõ mưu lược phải đặt lên trên, thể hiện lý niệm hành quân tác chiến của Nhạc Phi. Trương Sở nghe xong sinh lòng kính trọng nói: “Quân đãi phi hàng ngũ trung nhân!” (ông là người hiếm trong quân ngũ đó!).
Nhạc Phi còn đề xuất 5 điểm quan trọng trong phép dụng binh: Nhân, Tín, Trí, Dũng, Nghiêm, cũng tương đồng như “Binh pháp Tôn Tử”, nhưng Nhạc Phi căn cứ tính quan trọng mà sắp xếp lại tứ tự, khái quát lại thành thuật dụng binh dùng cho các tướng soái thống lĩnh quân binh. Ông nhấn mạnh nhân đức đặt hàng đầu, dùng người cần tin tưởng, trí mưu quan trọng, anh dũng tác chiến, trị quân phải nghiêm.
Tận trung báo quốc, khôi phục giang sơn, đó là hùng tâm mà Nhạc Phi ôm giữ trong suốt quãng đời chinh chiến, đó cũng là đại nhân đại nghĩa của ông đối với nước với dân. Trước khi xuất quân, Nhạc Phi cũng lấy đó làm điều răn tướng sĩ: “Miễn chi dĩ trung hiếu, giáo chi dĩ tiết nghĩa” (Dùng trung hiếu để khích lệ, dùng tiết nghĩa để dạy bảo). Mỗi khi nhắc đến nỗi nhục nước nhà, ông đều nghẹn ngào tiếng nấc, nước mắt tuôn rơi. Tất cả quân sĩ họ Nhạc đều bị ảnh hưởng bởi khí tiết bi tráng khảng khái của ông, nguyện một lòng xung trận vì đại nghĩa.
Về phương diện dùng người, Nhạc Phi không câu nệ cứng nhắc. Vô luận như Dương Tái Hưng mang huyết hải thâm thù với ông, hay là tướng lĩnh quân địch tới đầu hàng, ông đều đối đãi chân thành, không kể oán thù lúc trước mà vẫn trọng dụng. Thử hỏi, được theo sau một thống soái đức cao vọng trọng lại túc trí đa mưu như thế, tướng sĩ ai mà chẳng cảm phục trong tâm, mà lại không xả thân chiến đấu để lập lên công tích?
Trị quân nghiêm minh, kiến tạo lên tường chắn vững chắc cho nhà Tống
Nhạc Phi không chỉ can đảm trung nghĩa, mà đội quân họ tộc bất bại Nhạc Gia Quân cũng được người đời kính trọng ca ngợi. Cánh quân này, vào thời đỉnh thịnh lên tới 10 vạn người, có thể nói toàn là ngọa hổ tàng long, anh hùng một thuở. Thành công của Nhạc Gia Quân là nhờ vào phong cách trị quân nghiêm minh, quân lệnh như sơn của Nguyên Soái Nhạc Phi, đó cũng là chữ ‘Nghiêm’ mà ông đề cập tới trong ‘Dụng binh ngũ sự.’ (5 điều cốt yếu của việc dùng binh).
Liên quan tới nội hàm chữ ‘Nghiêm’, Nhạc Phi từng giải thích: “Hữu công trọng thưởng, vô công trọng phạt, hành lệnh nghiêm giả thị dã” (có công thì trọng thưởng, không công thì phải phạt, đó là người thi hành lệnh nghiêm minh). Cụ thể, Nhạc Phi còn có ‘Lục pháp’ ngự quân (sáu pháp luyện quân), là bí quyết để ông đào tạo lên một đội quân bất khả chiến bại: Lựa chọn kỹ, tập huấn kỹ, thưởng phạt công minh, rõ hiệu lệnh, kỷ luật nghiêm, biết đồng cam cộng khổ.
Lựa chọn kỹ, việc lựa chọn quân sĩ cần chú trọng về thực chất, không cần số lượng nhiều (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Nhà Tống từng điều động mấy nghìn binh sĩ già yếu cho Nhạc Phi. Nhạc Phi chọn lựa lấy nghìn người có thể sử dụng, còn lại chuyển chỗ khác. Nghìn người này ngày đêm khổ luyện, rồi sau mới trở thành thành viên của Nhạc Gia Quân.
Chú trọng huấn luyện quân đội cũng là một đặc trưng trị quân của Nhạc Phi. Sử thư ghi lại, vào thời kỳ ngừng chiến, Nhạc Gia Quân mỗi người đều mang giáp nặng, luyện tập cưỡi ngựa xuống dốc, nhảy lên xuống hào v.v. “Thị vô sự thời như hữu sự thời” (xem lúc vô sự như lúc hữu sự- ý nói không lười nhác buông thả), luyện binh cũng hệt như lúc lâm trận sát địch, nếu sĩ binh xuất hiện sai sót sẽ bị Nhạc Phi trách phạt nghiêm khắc. Ví dụ: Con trai cả của ông là Nhạc Vân, trong một buổi tập luyện sơ sểnh ngã ngựa, Nhạc Phi quát mắng: “Khi gặp phải đại địch, ngươi như thế được chăng?”, suýt nữa thì bị lôi ra chém, sau đổi thành đánh phạt trăm gậy.
Thông qua sàng tuyển cùng luyện tập khắc khổ, sức chiến đấu của Nhạc Gia Quân vượt xa các đội quân khác, ai ai cũng tinh thông võ nghệ, xung trận bách chiến bách thắng, uy danh vang xa. Trận kịch chiến sông Tiểu Thương, Dương Tái Hưng cùng ba trăm dũng sĩ, chiến đấu với mười mấy vạn quân Kim, giết chết hơn hai nghìn địch; trận chiến Dĩnh Xương, tám trăm Bối Ngôi quân đối địch chủ lực quân Kim, triển hiện cảnh chiến trận bi hùng ‘Nhân vi huyết nhân, mã vi huyết mã’ (người nhuốm máu người, ngựa nhuộm máu ngựa).
Thưởng phạt công minh, ‘Đãi sổ thiên vạn nhân như nhất nhân’ (đối đãi nghìn vạn người như một). Thuộc hạ của danh tướng Trương Hiến có một vị vô danh tiểu tốt, lập được công đầu trong trận chiến Mạc Tà Quan, Nhạc Phi lập tức tháo vàng bạc bên mình trọng thưởng, đồng thời thăng chức quan; nhưng phó tướng Vương Quý tại đại chiến Dĩnh Xương có lúc sợ hãi không dám đánh, nhờ chúng tướng khẩn cầu nên mới được ông tha chết. Nhạc Phi đối đãi với tướng sĩ, vô luận thứ bậc cao thấp, quan hệ thân sơ, đều công bình, ân uy cùng thực thi, làm cho quân sĩ trên dưới một lòng, tâm phục khẩu phục.
Rõ hiệu lệnh, nghiêm kỷ luật, cũng là đi đứng theo lệnh, ra lệnh phải tuân. Ngoài việc luyện binh đánh trận, đối với đức hạnh của tướng sĩ ông cũng có yêu cầu nghiêm khắc, không được tơ hào mạo phạm dân chúng, nếu ai làm tổn hại canh nông, mậu dịch, nhất định bị nghiêm trừng không tha. Ví dụ, có một binh sĩ lấy của người dân một sợi dây gai, dùng dể buộc lương thảo, Nhạc Phi biết chuyện lập tức hạ lệnh xử trảm. Thảo nào bách tính đều hết sức kính mến Nhạc Gia Quân, khi bán củi cho quân đội thì tự nguyện giảm giá, quân thu mua cũng cự tuyệt không nhận: “Sao chúng tôi có thể vì chút tiền này, mà mạo hiểm cái đầu của mình cơ chứ?”
Thế là, các nơi mà Nhạc Gia Quân đi qua, bách tính không biết là có quân binh, cuộc sống sinh hoạt vẫn như thường. Do vậy mà nhân gian lưu truyền một câu nói, ca tụng quân kỷ của Nhạc Gia Quân: “Đông sát bất sách thất, ngạ sát bất đả lỗ.” (lạnh chết không dỡ nhà, đói chết không cướp bóc)
Nhạc Phi thiết diện vô tư, trị quân cực nghiêm, trong cuộc sống ông là người tiết kiệm, tự ước thúc bản thân nghiêm khắc, cùng tướng sĩ đồng cam cộng khổ. Ông thường cùng dùng cơm với các binh sĩ phổ thông, thấy rượu không đủ chia, ông lấy nước pha thêm để mỗi người đủ chén; khi quân đội hạ trại nơi hoang dã, nếu còn người phải nằm ngoài trời thì ông tuyệt không nằm trong doanh mà nghỉ.
Không chỉ như vậy, ông còn chăm sóc đến cả thân nhân của binh sĩ. Có tướng sĩ đánh trận biên thùy xa nhà lâu chưa được về, ông phái vợ con ông đến tận nhà, tặng tài vật cùng khao thưởng thân thuộc; có người nhiễm bệnh, ông tự tay khám bệnh, bốc thuốc cho. Nếu có người không may tử trận, ông thường thương xót mà rơi lệ bỏ cơm, trợ giúp người ta nuôi mẹ già con nhỏ, chu toàn đến từng chi tiết nhỏ.
Người thời Tống đánh giá, trong các danh tướng anh dũng hiển hách thời Nam Tống, thì duy nhất có Nhạc Phi luôn đứng tuyệt đối hàng đầu, có thể gọi là Trung Hưng Đệ Nhất Danh Tướng. Ông thống lĩnh 10 vạn Nhạc Gia Quân, đều là những chiến binh dũng mãnh, một người địch trăm người. Chúng ta cùng điểm qua những chiến tích của Nhạc Phi: Năm Kiến Viêm thu phục Kiến Khang, quân Kim từ đây không dám nhòm ngó Giang Nam nữa. Lần đầu Bắc phạt thu phục sáu quận Tương Hán, là chiến dịch đầu tiên mà Nam Tống thu về được một diện tích đất đai bị chiếm lớn nhất. Lần Bắc phạt thứ hai đuổi quân Kim chạy dài, hoàn thành chiến dịch phản công đại quy mô của Nam Tống lần thứ nhất. Lần Bắc phạt thứ tư, tại Yển Thành, Dĩnh Xương lại bẻ gãy chủ lực quân Kim, giấc mộng thống nhất giang sơn đã ngay trước mắt.
Tài năng quân sự của Nhạc Phi cùng với phương thức trị quân nghiêm minh của ông, không chỉ bồi dưỡng lên một đội quân cực kỳ hùng mạnh, mà còn tạo lên những công tích bất hủ trên chiến trường kháng Kim. Thần tướng Nhạc Phi, thật xứng danh Thần Hộ Mệnh của nhà Tống, là nhân vật thiên cổ anh hùng của dân tộc Trung Hoa. Cho tới ngày nay, thế nhân luôn tưởng nhớ ca ngợi tinh thần tận trung báo quốc cùng công lao hiển hách của ông, đồng thời những câu chuyện về ông vẫn tiếp tục lưu truyền như sông dài chảy mãi.
Nguồn: ntdvn (Thái Bình biên dịch)