“Thiên tượng biến hoá” không phải là ngẫu nhiên, chúng đã được chứng nghiệm trong lịch sử
Những dị tượng xuất hiện trên bầu trời như: nhật thực, nguyệt thực, sao chổi, mưa bão, sấm sét,… không phải là hiếm thấy. Trong thư tịch cổ gọi những hiện tượng này là “thiên biến” (thiên tượng biến hoá). Nếu tìm hiểu tận cùng nguồn gốc thì tất cả đều là sự đối ứng giữa thiên tượng và sự biến dị nơi nhân gian. “Thiên biến” vốn là điềm hung mà Ông Trời báo trước cho con người. Còn có nhiều hiện tượng tương đối hiếm thấy, hoặc ít người chú ý, như bầu trời nứt ra hoặc có âm thanh kỳ quái, đây đều là đại sự dị thường đối ứng ở nhân gian.
Căn cứ theo thuyết pháp của Lưu Hướng: “Thiên liệt, dương bất túc; địa động, âm hữu dư”, nghĩa là bầu trời nứt ra đối ứng với hiện tượng dương khí nhân gian không đủ; động đất là do âm khí nhân gian quá thịnh. Trong Thiên văn chí của “Tấn thư” do nhóm Phòng Huyền Linh cũng có một số ghi chép về hiện tượng kỳ lạ này.
Trời nứt, phát ra âm thanh thời Tây Tấn và những ứng nghiệm lịch sử
Trời nứt vào năm Nguyên Khang thứ hai
Vào Tháng 2 năm Nguyên Khang thứ hai (năm 292), thời Tấn Huệ Đế còn đang trị vì, trên không trung bầu trời phía Tây bắc xuất hiện một vết nứt lớn.
Trong “Tấn Thư – Chí Đệ Nhị – Thiên Văn Trung Thất Diệu – Tạp Tinh Khí – Sử Truyện Sự Nghiệm” ghi chép: “Tháng Hai năm Nguyên Khang thứ hai đời Huệ Đế, bầu trời phía Tây Bắc nứt lớn. Theo thuyết Lưu Hướng nói: ‘Thiên liệt, dương bất túc; địa động, âm hữu dư.’ Là thời mà người làm chủ ngu muội vô tri, phi hậu chuyên chế.”
“Tấn Thư – Liệt Truyện Đệ Ngũ Thập Cửu” nói rằng: “Nhà Tấn từ sau thời Nguyên Khang, chính sự rối loạn, triều đình ngu muội, họa nạn liên miên.” Sau khi Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung ngu muội vô tri đăng cơ, mê muội vô năng, triều chính hỗn loạn; thời kỳ Nguyên Khang, họa loạn liên tiếp không ngừng phát sinh, bên trong có Giả hậu cùng quyền thần Giả Mật nắm quyền làm loạn triều chính, bên ngoài có quân Nhung Địch xâm phạm, dân chúng lầm than.
Trong “Tấn Thư – Chí Đệ Thập Tứ – Ngũ Hành Thượng” có ghi lại: “Giả hậu hung ác phóng túng, Giả Mật tự tiện việc triều chính, tội ác chồng chất.” Sau khi Tấn Võ Đế băng hà, Tấn Huệ Đế không có năng lực quản lý triều chính, tôn thất, ngoại thích tranh quyền đoạt lợi, Giả Nam Phong (Giả hậu) đắc ý chuyên quyền. Giả Mật là quyền thần và là ngoại thích nhà Tây Tấn, vốn họ Hàn, được nhận làm con thừa tự của Giả gia, tiếp tục kế thừa tước vị Lỗ công của ngoại tổ phụ Giả Sung, dì là Giả hậu Giả Nam Phong.
Năm đầu niên hiệu Vĩnh Khang (năm 300), Giả hậu và Giả Mật liên thủ sát hại Hoàng Thái tử Tư Mã Duật (sau xưng là Mẫn Hoài Thái tử, mẹ là Tạ Cửu), con trai duy nhất của Tấn Huệ Đế vốn đã bị phế truất. Từ đó, Giả hậu chuyên quyền triều chính trong 8 năm.
Hoàng Thái tử bị phế truất khiến triều thần bất mãn. Sau này, Triệu Vương Tư Mã Luân lấy cớ báo thù cho Thái tử, tru diệt toàn bộ gia tộc họ Giả. Triều Tấn rơi vào thời kỳ hỗn loạn, giai đoạn lịch sử “Loạn Bát Vương” bắt đầu diễn ra.
Trời nứt vào năm Thái An thứ hai
Ngày Canh Ngọ tháng Tám, năm Thái An thứ hai (năm 304) thời Tấn Huệ Đế, bầu trời nứt làm hai, trên trời phát ra tiếng tựa như sấm sét liên tục 3 lần.
Trong cuốn “Tấn thư – Chí đệ nhị – Thiên văn trung thất diệu – Tạp tinh khí – Sử truyện sự nghiệm” ghi chép: “ Ngày Canh Ngọ tháng Tám năm Thái An thứ hai, giữa trời bị nứt làm hai, có âm thanh như ba tiếng sấm. Đây là dấu hiệu của việc quân chủ suy yếu, bề tôi chuyên quyền. Ngày hôm đó, Trường Sa Vương phụng mệnh Hoàng đế xuất quân chống lại Thành Đô Vương và Hà Gian Vương. Sau Thành Đô Vương và Hà Gian Vương, Đông Hải Vương lại thay phiên nắm giữ uy mệnh, là ứng với tượng đó vậy.”
Hiện tượng bầu trời nứt nẻ hoặc phát ra âm thanh, căn cứ vào lời giải thích của quẻ bói thì đây là điềm báo “nhân chủ thất vị, binh khởi”, biểu thị quốc quân sẽ mất địa vị, bề thần dấy binh tác loạn.
Cùng ngày đã xảy ra chuyện Trường Sa Vương phụng mệnh An Đế thảo phạt Thành Đô Vương và Hà Gian Vương. Vào năm sau phát sinh việc Triệu Vương Tư Mã Luân soán vị, thay đổi niên hiệu; về sau lại bị Tề Vương Quýnh hưng binh thảo phạt lật đổ. Tề Vương Quýnh nắm giữ binh quyền nhưng không xưng thần với triều đình, chuyên quyền hoang dâm xa xỉ, vào năm sau thì bị xử tử. Sau đó, Thành Đô Vương, Hà Gian Vương, Đông Hải Vương lần lượt chuyên chính. Hiện tượng bầu trời nứt tương ứng với sự kiện lịch sử này.
Trời nứt vào năm Thăng Bình thứ 5
Đêm Kỷ Mão tháng Tám, năm Thăng Bình thứ năm (năm 361) thời Tấn Mục Đế, chính giữa bầu trời nứt ra, chiều rộng phải đến 3 – 4 trượng, phát ra âm thanh như sấm sét, chim trĩ hoang trên đồng ruộng đều tương ứng cất tiếng kêu.
Trong cuốn “Tấn Thư – Chí Đệ Nhị – Thiên Văn Trung Thất Diệu – Tạp Tinh Khí – Sử Truyện Sự Nghiệm” ghi chép: “Đêm Kỷ Mão tháng Tám, năm Thăng Bình thứ năm thời Mục Đế, giữa bầu trời nứt ra, rộng ba, bốn trượng, có âm thanh như sấm, chim trĩ đều cất tiếng kêu. Hoàng hậu đau buồn Hoàng đế phóng túng dâm tật, Hải Tây thất đức. Hoàng thái hậu lâm triều, nhưng phần lớn đều nghe theo các đại thần, Hoàn Ôn chuyên quyền, uy chấn trong ngoài, âm thịnh dương suy.”
Ngày Đinh Tỵ tháng Năm, năm Thăng Bình thứ 5 (năm 361), Tấn Mục Đế băng hà. Hoàng thái hậu ra lệnh đưa Tấn Ai Đế, dòng dõi chính thống của Lang Gia Vương (con trai Tấn Thành Đế) lên kế vị. Ai Đế bản tính thanh nhã, yêu thích thuật trường sinh, đoạn cốc. Năm Hưng Ninh thứ hai (năm 364), Tấn Ai Đế bị trúng độc do uống thuốc trường sinh quá nhiều, hoàn toàn không thể lo liệu chính sự, Sùng Đức Thái hậu lại phải lâm triều nhiếp chính. Đó là sự việc phát sinh sau khi trời nứt hai năm. Tháng Hai năm Hưng Ninh thứ ba (năm 365), Ai Đế băng hà, không có con nối dõi, Hoàng thái hậu ban ý chỉ để Lang Tà Vương Tư Mã Dịch lên kế vị.
Lúc bấy giờ, Hoàn Ôn giữ quyền triều chính, uy thế của ông cả trong và ngoài triều đình đều rất lẫy lừng. Mặc dù ông không giữ đạo quân thần, có dã tâm soán vị, nhưng bởi vì Hoàng đế không phạm lỗi lầm nào nên ông ta không dám công khai hành động, sợ bị mọi người chỉ trích. Thế là, Hoàn Ôn chọn dùng thủ đoạn âm thầm phỉ báng, phát tán bịa đặt chuyện giường chiếu trong cung, nói Hoàng đế không thể sinh con, cũng vu cáo hãm hại ba hoàng tử (con trai của Điền phi tần và Mạnh mỹ nhân) là do nam sủng của Hoàng đế sinh ra. Ông ta dùng chuyện này để đạt được quỷ kế phế nhục Hoàng đế.
Hoàn Ôn và Sùng Đức Thái hậu thông đồng với nhau. Vào năm Thái Hòa thứ 6 (năm 371), ông ta tuyên đọc chỉ lệnh của Sùng Đức Thái hậu: “Có ba nghiệt tử này, không biết con của ai. Đạo nhân luân bị mất, tiếng xấu lan xa” rồi phế Hoàng đế Tư Mã Dịch làm Đông Hải Vương, rồi lại giáng làm Hải Tây Huyện Công, dời đến Tây Sài Lý ở huyện Ngô, đồng thời xử tử hai phi tần họ Điền và họ Mạnh cùng ba hoàng tử.
Trong lịch sử, người ta gọi Tư Mã Dịch bị phế là Phế đế. Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính, Hoàn Ôn chuyên quyền, trong triều đình âm thịnh dương suy.
Năm Thái Hưng thứ 2, trời phát ra âm thanh
Ngày Mậu Tuất tháng Tám, năm Thái Hưng thứ 2 (năm 319) thời Tấn Nguyên Đế, tiếng kêu vang lên từ bầu trời phía Đông Nam, âm thanh giống như gió mạnh thổi dữ dội trên mặt nước.
Quyển “Tấn Thư – Chí Đệ Nhị – Thiên Văn Trung Thất Diệu – Tạp Tinh Khí – Sử Truyện Sự Nghiệm” ghi chép: “Ngày Mậu Tuất tháng 8, năm Thái Hưng thứ 2, đời Tấn Nguyên Đế, trời phát tiếng kêu ở phía Đông Nam, có âm thanh như gió nước xô vào nhau. Trong ‘Dịch yêu chiêm’ của Kinh Phòng có viết: ‘Trời có âm thanh, Quốc chủ lo buồn.’ Ngày Nhâm Thìn tháng Mười năm thứ 3, trời lại phát tiếng kêu, đến ngày Giáp Ngọ thì dừng. Sau đó, Vương Đôn tiến vào Thạch Đầu, quân nhà vua bại trận. Nguyên Đế khuất phục, bị bề tôi áp chế, rồi băng hà, nỗi nhục lớn không thể rửa sạch.”
Trong “Dịch Yêu Chiêm” của Kinh Phòng có nói: “Trời có âm thanh, Quốc chủ lo buồn.” Ngày Nhâm Thìn tháng 10 năm thứ 3, trời lại phát ra âm thanh, liên tục ba ngày, mãi đến ngày Giáp Ngọ mới dừng. Tháng Tư năm Vĩnh Xương thứ 2, Vương Đôn tiến vào thành Thạch Đầu (tuyến phòng ngự trọng yếu gần sông, xây dựng trên núi Thạch Đầu bên sông Trương Giang, nay thuộc nội thành Nam Kinh), kết quả quân nhà vua đi thảo phạt Vương Đôn bị đánh bại. Nguyên Đế bị khuất nhục, bị hạ thần lộng quyền áp chế, không lâu sau thì băng hà, chưa rửa được nỗi nhục lớn.
Long An năm thứ 5, trời phát tiếng kêu
Tháng Quý Sửu nhuận, năm Long An thứ 5 (năm 401) thời Tấn An Đế, phía Đông Nam bầu trời phát ra tiếng kêu. Ngày Mậu Tý tháng Chín năm thứ 6, bầu trời lại phát ra tiếng kêu giống như thế ở phía Đông Nam.
Trong cuốn “Tấn Thư – Chí Đệ Nhị – Thiên Văn Trung Thất Diệu – Tạp Tinh Khí – Sử Truyện Sự Nghiệm” ghi chép: “Tháng Quý Sửu nhuận, năm Long An thứ 5, đời Tấn An Đế, phía Đông Nam bầu trời có tiếng kêu. Ngày Mậu Tý tháng 9 năm thứ 6, trời phía Đông Nam lại kêu. Sau đó Hoàn Huyền soán ngôi, An Đế lưu vong, không có điều gì đau buồn hơn.”
Trong “Dịch Yêu Chiêm” của Kinh Phòng có nói: “Trời phát âm thanh, Quốc chủ lo buồn.”
Vào năm Long An thứ 3 (năm 399) thời Tấn An Đế, Tôn Ân (hậu duệ của Trung thư lệnh Tôn Tú) khởi binh phản Tấn. Trong năm Long An thứ 5, Tôn Ân ba lần tấn công Giáp Khẩu (nay là Trấn Hải Khẩu), năm sau đó thì tử vong do thua trận, tàn binh do em rể Lư Tuần lãnh đạo, người đời gọi là “Loạn Tôn Ân – Lư Tuần”.
Sau 2 năm kể từ năm Long An thứ 5, ngày Nhâm Thìn tháng 12, năm Nguyên Hưng thứ 2 (năm 403), Hoàn Huyền soán ngôi, An Đế bị giáng làm Bình Cố Vương. Ngày thứ 20, An Đế lưu vong đến Tầm Dương. Ngày Kỷ Sửu tháng Năm nhuận năm Nguyên Hưng thứ 3 (năm 404), Hoàn Huyền vây hãm Dương Vũ tướng quân Hoàn Chấn ở Giang Lăng, An Đế bị bắt đến doanh trại quân địch làm con tin, triều Tấn lâm nguy.
Năm đầu niên hiệu Nghĩa Hi, trời phát âm thanh
Tháng Tám năm Nghĩa Hi thứ nhất (năm 405) thời Tấn An Đế, bầu trời phát ra âm thanh từ hướng Đông Nam.
Trong “Tấn Thư – Chí Đệ Nhị – Thiên Văn Trung Thất Diệu – Tạp Tinh Khí – Sử Truyện Sự Nghiệm” ghi chép: “Tháng 8 năm Nghĩa Hi thứ nhất, trời phát âm thanh ở phía Đông Nam.” Lúc đó, An Đế tuy đã quay về chính nghĩa, nhưng binh đao liên miên, dân chúng lầm than.
“Dịch truyền” của Kinh Phòng viết: “Vạn tính lao, quyết yêu thiên minh.” Ý rằng, trời phát tiếng kêu là dấu hiệu yêu quái làm loạn, bách tính lao khổ. Lúc này, mặc dù Tấn An Đế đã dẹp yên Hoàn Ôn làm loạn, nhưng binh đao không ngừng, người dân khốn khổ, quốc gia vẫn rơi vào vòng rối ren.
Triết học xử thế “Thiên nhân hợp nhất”
Văn hóa Trung Hoa tuân theo triết học sinh mệnh “Thiên nhân hợp nhất,” truy tìm con đường mà Thần chỉ thị cho con người. “Trời” mà cổ nhân nói đến là trời của tự nhiên, nhưng không chỉ dừng mang tính biểu tượng bên ngoài, mà chính là Thiên ý ở bên trong chỉ dẫn cho con người.
Những vị quan chép sử thời cổ đại thường quan sát thiên tượng, quy nạp ra các loại điềm báo đối ứng với con người và sự vật, bao gồm cát hung, sau đó trình cho Đế vương để theo đó thi hành chính trị, chứng thực được nội hàm mà trong “Dịch – Hệ từ thượng” và “Sử ký” từng nói: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung” (Trời xuất hiện các hiện tượng có báo trước điềm lành dữ, chỉ có bậc Thánh có thể đoán được việc đó, thấy rõ điềm cát hung).
Từ các ghi chép thiên văn của “Tấn thư” nói trên, có thể thấy được điềm dữ mà các dị tượng thể hiện ra đều có thể được chứng nghiệm trong lịch sử. Từ những câu chuyện lịch sử này, chúng ta cũng có thể thấy rằng, từ khi xuất hiện sự biến hóa dị thường của thiên tượng cho đến khi sự kiện dị thường xảy ra tại nhân gian, thường kéo dài từ 1 – 2 năm. Đây cũng là cơ hội để con người thế gian hối lỗi và sửa đổi bản thân mình.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Epochtimes (Vương Du)