Thiếu hụt vitamin D sẽ gây những bệnh gì?

avatar1727750661565-1727750661899296763311
Vitamin D là một chất dinh dưỡng rất quan trọng, giúp xương, cơ khỏe mạnh, tăng cường chức năng tim mạch…. Do đó, khi thiếu hụt vitamin D trong cơ thể có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe.

TS. Mary Byrn, Đại học Loyola ở Chicago, người nghiên cứu về vitamin D cho biết: “Chúng tôi thấy có nhiều mối liên hệ giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D và tình trạng sức khỏe kém”.

1. Ai dễ bị thiếu vitamin D và dấu hiệu cảnh báo khi thiếu hụt

Các triệu chứng thiếu hụt vitamin D bao gồm đau xương, yếu cơ , mệt mỏi và thay đổi tâm trạng. Mặc dù nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng này, nhưng một trong những nguyên nhân là dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Vitamin D không có trong nhiều loại thực phẩm và việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể bị hạn chế tùy thuộc vào nơi bạn sống, do đó, nên kiểm tra mức vitamin D của mình khi khám sức khỏe định kỳ.

Một số nhóm bao gồm những người có làn da ngăm đen, người mắc một số bệnh lý tiềm ẩn hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định và những người sống xa đường xích đạo, có thể dễ bị thiếu vitamin D hơn.

Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn

2. Những nguy cơ nào xảy ra khi không bổ sung đủ vitamin D?

Không nhận đủ vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh và tình trạng sức khỏe liên quan, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Dưới đây là 10 tình trạng sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến thiếu vitamin D:

2.1 Vitamin D và các bệnh về đường hô hấp

TS. Byrn cho biết, vitamin D đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch và khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Tình trạng thiếu hụt vitamin D làm tăng khả năng mắc bệnh nhiễm trùng.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thực phẩm bổ sung vitamin D có thể có lợi trong việc ngăn ngừa hoặc kiểm soát COVID-19, cho thấy vitamin D có thể giúp bảo vệ mọi người khỏi các bệnh về đường hô hấp.

Một đánh giá xem xét dữ liệu từ 25 thử nghiệm lâm sàng (trên 11.321 người), nhằm kiểm tra tác động của vitamin D đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm phế quản và viêm xoang… các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người dùng vitamin D có khả năng mắc bệnh đường hô hấp thấp hơn 12% so với những người không dùng.

2.2 Thiếu hụt vitamin D và loãng xương

Theo Harvard Health Publishing, một trong những vai trò chính của vitamin D là duy trì sức khỏe của xương. Nồng độ vitamin D thấp sẽ dẫn đến lượng canxi dự trữ trong xương thấp, làm tăng nguy cơ gãy xương.

TS. Byrn cho biết, vitamin D đóng vai trò lớn trong sức khỏe xương, bao gồm cả bệnh loãng xương . Nồng độ vitamin D thấp làm giảm sự hấp thụ canxi và sự hấp thụ canxi rất quan trọng đối với sức khỏe xương.

2.3 Thiếu hụt vitamin D và trầm cảm

Thiếu hụt vitamin D có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. TS. Byrn cho biết: Thiếu vitamin D có thể đóng một vai trò trong bệnh trầm cảm. Nếu bạn đang biểu hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm, chẳng hạn như cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng, cáu kỉnh, mệt mỏi, thay đổi khẩu vị và ý định tự tử… nên đi khám kiểm tra mức vitamin D của mình, để xem liệu tình trạng thiếu hụt có thể góp phần gây ra các triệu chứng của bạn hay không.

2.4 Vitamin D và nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một rối loạn não nghiêm trọng. Các triệu chứng của tâm thần phân liệt, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 16 đến 30, bao gồm ảo giác, nói năng không mạch lạc, xa lánh người khác và khó tập trung hoặc chú ý.

Các nhà khoa học đã xem xét các phát hiện từ 19 nghiên cứu quan sát, phân tích mối quan hệ có thể có giữa bệnh tâm thần phân liệt và tình trạng thiếu hụt vitamin D và quan sát thấy mối liên hệ giữa hai yếu tố này. Những người thiếu vitamin D có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp đôi so với những người có đủ lượng vitamin D.

2.5 Mất trí nhớ liên quan đến thiếu hụt vitamin D

Một nghiên cứu trên tạp chí Neurology phát hiện ra rằng, tình trạng thiếu hụt vitamin D ở mức độ vừa phải và nghiêm trọng ở người lớn tuổi có liên quan đến nguy cơ mắc một số dạng chứng mất trí nhớ tăng gấp đôi, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

So với những người có mức vitamin D bình thường, những người có mức vitamin D thấp có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do mọi nguyên nhân cao hơn 53%, trong khi những người bị thiếu hụt nghiêm trọng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do mọi nguyên nhân cao hơn 125%, các nhà nghiên cứu quan sát thấy.

Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có mức vitamin D thấp hơn có khả năng mắc bệnh Alzheimer cao hơn khoảng 70% và những người bị thiếu hụt nghiêm trọng có khả năng mắc chứng rối loạn thoái hóa thần kinh này cao hơn 120%.

Theo Hiệp hội Alzheimer, chứng mất trí nhớ liên quan đến sự suy giảm về khả năng suy nghĩ, hành vi và trí nhớ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bệnh Alzheimer là dạng chứng mất trí nhớ phổ biến nhất, chiếm tới 80% các trường hợp mất trí nhớ.

2.6 Thiếu hụt vitamin D và bệnh tiểu đường

Mối liên hệ giữa mức vitamin D thấp và bệnh tiểu đường là rõ ràng. Theo TS. Byrn, mối liên hệ này có liên quan đến vai trò của vitamin D trong độ nhạy và kháng insulin. Một khả năng khác liên quan đến vai trò của vitamin D trong tình trạng viêm, vì những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng có tình trạng viêm mạn tính cao hơn.

Một đánh giá cho thấy, khi thiếu vitamin D, nhiều quá trình tế bào trong cơ thể bắt đầu bị phá vỡ và điều này tạo điều kiện cho các bệnh như tiểu đường khởi phát.

2.7 Ung thư tuyến tiền liệt và thiếu vitamin D

Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến tiền liệt, làm tăng nguy cơ ung thư. Mặc dù những phát hiện này chỉ mang tính quan sát, nhưng nghiên cứu cho thấy có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách đảm bảo hấp thụ đủ vitamin D.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu xảy ra ở nam giới lớn tuổi, với độ tuổi trung bình được chẩn đoán là khoảng 66. Ngoài ung thư da, đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ hai ở nam giới Mỹ, theo ACS.

2.8 Rối loạn cương dương nghiêm trọng liên quan đến tình trạng thiếu vitamin D

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy, nam giới bị rối loạn cương dương (ED) nghiêm trọng có nồng độ vitamin D thấp hơn đáng kể so với nam giới bị ED nhẹ.

Các tác giả nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể góp phần gây ra ED bằng cách cản trở khả năng giãn nở của động mạch – một tình trạng gọi là rối loạn chức năng nội mô và là dấu hiệu của bệnh tim có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin D trong các nghiên cứu khác.

Một nghiên cứu trên Tạp chí của Học viện Tim mạch Hoa Kỳ cho rằng, thiếu vitamin D có liên quan đến tình trạng cứng động mạch ở những người khỏe mạnh. Một trong những yêu cầu để đạt được sự cương cứng là chức năng thích hợp của các động mạch, chịu trách nhiệm cung cấp máu cho dương vật để nó có thể cương cứng.

2.9 Thiếu hụt vitamin D và bệnh tim

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa nồng độ vitamin D trong máu thấp và bệnh tim cùng các biến chứng liên quan bao gồm xơ vữa động mạch, huyết áp cao, tiểu đường và đột quỵ… Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa chứng minh rõ ràng rằng, việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm những rủi ro này.

2.10 Thiếu hụt vitamin D và ung thư vú

Không chỉ ung thư tuyến tiền liệt có liên quan đến mức vitamin D thấp, TS. Byrn cho biết: “Chúng tôi cũng thấy mối liên quan với tình trạng thiếu hụt vitamin D và ung thư vú”.

Hầu hết các nghiên cứu về vitamin D đều ủng hộ mối liên hệ nghịch đảo giữa mức vitamin D và nguy cơ ung thư vú. Điều đó có nghĩa là tình trạng thiếu hụt vitamin D có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.

3. Nguồn cung cấp vitamin D

Việc bổ sung vitamin D hoặc phơi nắng theo cách an toàn để tăng vitamin D tự nhiên. Đây là những cách dễ dàng để cải thiện sức khỏe và giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm, nhưng lựa chọn sẽ bị hạn chế hơn. Vitamin D có trong một số loại thực phẩm tự nhiên, như cá hồi (là một trong số ít nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D). Mặc dù lượng vitamin D có thể thay đổi tùy theo loại – cá hồi hoang dã thường có nhiều vitamin D hơn cá hồi nuôi.

Ngoài ra, vitamin D có trong lòng đỏ trứng, sữa, ngũ cốc và nước cam tăng cường…

Chia sẻ bài viết: