Thời xưa không có lò sưởi, làm thế nào mà người cổ đại tránh được cái lạnh khắc nghiệt?
Trong xã hội phong kiến cổ xưa, hầu hết mọi người đều sống trong nghèo đói, đặc biệt là thiếu các thiết bị sưởi ấm hiện đại, vậy làm thế nào mà họ có thể sống sót qua mùa đông giá rét? Trên thực tế, ngoài việc mặc thêm quần áo hay nhóm lửa để chống lạnh, họ còn có thể sử dụng một loại “nguyên liệu” trong nấu ăn để giữ ấm.
Theo Sohu.com, trong thời đại không có lò sưởi, chăn điện, áo khoác lông, điều hòa, người xưa chỉ có thể mặc áo khoác ngoài vào mùa đông, hoặc là trong nhà thiết kế chứa chậu than, giường sưởi để giữ ấm, đặc biệt là ở miền Bắc, hầu hết các ngôi nhà của cư dân đều được lắp đặt giường sưởi, tạo ra nhiệt khí thông qua quá trình đốt cháy và làm tăng nhiệt độ trong phòng.
Tuy nhiên, ngoài việc nhóm lửa để giữ ấm, hoàng gia quý tộc còn có một vũ khí thần kỳ để chống rét đó là xây một phòng sưởi ấm bằng “Zanthoxylum bungeanum”, là loài Xuyên tiêu hay còn gọi là Hoa tiêu Trung Quốc, đồng thời làm tường cách nhiệt xung quanh nhà nên còn gọi là “Phòng tiêu”.
Trên thực tế, Zanthoxylum bungeanum là một loại cây cho nhiều sợi, cấu trúc sợi của nó có tác dụng giữ ấm, vì vậy sau khi trộn với bùn và trát lên tường có thể tạo thành một lớp cách nhiệt, có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của không khí lạnh một cách hiệu quả và giữ cho căn phòng luôn ấm áp. “Bản thảo cương mục” còn ghi rằng: “Tiêu là vật thuần dương, vị cay nồng, tính nóng”. Zanthoxylum bungeanum có tác dụng làm ấm, giảm đau, cầm tiêu chảy, diệt côn trùng, giải độc ngứa ngáy, xây nhà có thể sưởi ấm phòng ngủ, mà còn có mùi thơm và xua đuổi sâu bướm.
Kỳ Mai biên dịch
Triệu Lệ – aboluowang