Tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, lại để Tư Mã Ý về với Tào Tháo, Thủy Kính tiên sinh có ý gì?
Liệu rằng chân tướng phía sau việc ông để cho người họ hàng xa đầy tiềm năng của mình tới phụng sự Tào Tháo là gì?
Giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc thường được nhắc tới như thời kỳ loạn thế sinh anh hùng của lịch sử Trung Hoa. Trong những năm tháng chẳng thiếu anh tài ấy, thứ không thiếu nhất lại chính là mưu sĩ.
Nói tới một số mưu sĩ nổi danh của thời kỳ này, tên tuổi đầu tiên mà hậu thế thường hay nhắc tới không ai khác ngoài Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng.
Năm xưa, có rất ít người có thể được xem là đối thủ xứng tầm của Gia Cát Khổng Minh. Thế nhưng vào những năm cuối thời Tam Quốc, nhân vật này đã gặp được kỳ phùng địch thủ của đời mình. Và đó không ai khác ngoài Tư Mã Ý.
Cũng bởi vậy nên có người không khỏi đặt ra câu hỏi: Nếu năm xưa ở vào thời điểm Lưu Bị gây dựng sự nghiệp, giả sử người được Thủy Kính tiên sinh tiến cử cho vị quân chủ này là Tư Mã Ý chứ không phải Gia Cát Lượng thì liệu rằng lịch sử sau này có được viết lại hay không?
Dốc lòng tiến cử Ngọa Long, Thủy Kính tiên sinh giúp Lưu Bị viết nên lịch sử
Vào những năm cuối thời Đông Hán, Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy được biết tới là một trong những danh sĩ nổi danh bậc nhất thời bấy giờ. Cũng bởi vậy mà không ít con cháu xuất thân từ danh gia vọng tộc thời bấy giờ đều tới chỗ ông để xin học.
Thế nhưng Tư Mã Huy lúc sinh thời thu nhận học trò vốn không xem trọng xuất thân mà chỉ chú trọng thiên phú.
Chính nhờ điều này mà ông mới có thể cống hiến cho thời đại bấy giờ nhiều học trò lưu danh sử sách như Khổng Minh, Bàng Thống hay Từ Thứ. Và người họ hàng xa từng được ông chỉ dạy không ít là Tư Mã Ý cũng không phải ngoại lệ.
Về phần Lưu Bị, năm xưa sau khi bị Tào Tháo đánh bại ở Nhữ Nam, vị quân chủ thất thế này buộc phải dẫn bộ hạ tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu và được lưu lại ở vùng biên cương Tân Dã.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi tới đây, Lưu Bị liền vội vã thăm hỏi các danh sĩ cùng sĩ tộc môn phiệt tại địa phương này để hy vọng nhận được sự tương trợ.
Tiếc rằng những danh gia vọng tộc ở vùng đất ấy đều hết sức thực dụng, cho rằng Lưu Bị khó còn cơ hội trở mình nên chẳng hề ngó ngàng tới.
Danh sĩ hiếm hoi trong số đó thực sự quan tâm và có lòng giúp đỡ Lưu Bị chỉ có Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy.
Năm đó, Tư Mã Huy sau khi trò chuyện cùng Lưu Huyền Đức hồi lâu thì đã tỏ tường về ý chí chiến đấu cũng như lý tưởng của ông, sau đó liền tiến cử Khổng Minh cho vị quân chủ này. Ông tin rằng, Khổng Minh có đại tài cái thế, chắc chắn có thể giúp Lưu Bị dẹp yên thiên hạ.
Vị quân chủ họ Lưu ấy vô cùng tin tưởng vào mắt nhìn người của Thủy Kính tiên sinh, liền hỏi thăm nơi ở của hiền tài, sau đó 3 lần hạ mình tới lều cỏ mời Khổng Minh rời núi.
Tấm lòng thành này của ông cuối cùng cũng cảm động Gia Cát Lượng, khiến ông chính thức gia nhập tập đoàn chính trị của mình và trở thành nhân tài cốt cán, quân sư đầu não của Thục Hán sau này.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra lại nằm ở chỗ: Lý do nào khiến Thủy Kính tiên sinh quyết định tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị chứ không phải là người họ hàng xa cũng sở hữu tài năng xuất chúng không kém như Tư Mã Ý?
Lý do thực sự khiến Thủy Kính tiên sinh tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị chứ không phải Tư Mã Ý
Theo quan điểm của Qulishi, trong mắt Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng cần một người chủ công hoàn toàn tín nhiệm mình thì mới có thể phát huy tài năng.
Trong khi đó, bất luận là Tào Tháo hay Tôn Quyền đều đã có trong tay tập đoàn cố vấn hùng hậu của riêng mình. Khổng Minh nếu tới Tào Ngụy hay Đông Ngô cũng chưa chắc đã được coi trọng.
Thế nhưng Lưu Bị lúc đó đang ở vào giai đoạn túng quẫn, đương nhiên sẽ vô cùng xem trọng người mới, thậm chí có thể nói là hết sức khát cầu có nhân tài tương trợ.
Do đó, Khổng Minh nếu dấn thân vào tập đoàn chính trị này đương nhiên sẽ được ủy thác nhiều trách nhiệm, từ đó có cơ hội phát huy tối đa bản lĩnh của mình.
Cũng theo Qulishi, sở dĩ Tư Mã Huy không tiến cử Tư Mã Ý cho Lưu Bị là bởi Lưu Huyền Đức khi ấy đang trong cảnh thất thế, mà Tư Mã Ý vốn xuất thân từ danh gia vọng tộc ở đất Hà Đông.
Khởi điểm của hai người này không hề giống nhau, thậm chí sẽ không là quá lời nếu nói họ lúc bấy giờ không phải là người cùng một thế giới. Vì vậy, dù có được Thủy Kính tiên sinh tiến cử, Lưu Bị cũng không mời nổi Tư Mã Ý, mà Tư Mã Ý cũng sẽ không để mắt tới Lưu Bị.
Hơn nữa, đất Hà Đông lúc bấy giờ đang là lãnh địa chịu ảnh hưởng của Tào Tháo. Tào Mạnh Đức mặc dù đa nghi, toan tính, nhưng biết rõ tầm quan trọng của nhân tài, lại nắm trong tay địa bàn rộng lớn, vì vậy sẽ ra sức chiêu mộ những mưu sĩ có xuất thân danh giá như Tư Mã Ý.
Trên thực tế, bản thân Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy cũng vô cùng coi trọng Tào Tháo, không chỉ bởi vì nhân vật này sở hữu xuất thân danh môn mà còn bởi ông đã đạt được những thành công vô cùng đáng nể.
Tư Mã Ý vốn là họ hàng của Tư Mã Huy, do đó việc ông tiến cử người trong họ tới cho một vị quân chủ đầy tiềm năng như Tào Tháo cũng là điều dễ hiểu.
Bởi nếu Tư Mã Ý gây dựng được chỗ đứng trong tập đoàn chính trị này, ông hoàn toàn có thể chăm lo và tạo dựng tiền đồ cho những người trong gia tộc. Đó chính là một bước đi an toàn mang đầy tính đảm bảo mà ai cũng nên toan tính cho dòng họ của mình trong thời đại loạn thế khi ấy.
Quyết định này cũng nói lên một điều rằng: Rất có thể một danh sĩ có tầm nhìn như Tư Mã Huy từ sớm đã biết Lưu Bị có thể tạo nên nghiệp lớn, nhưng cuối cùng vẫn không thể đấu lại Tào Tháo.
Vì vậy, ngay tới một danh sĩ tưởng như chẳng màng danh lợi như Tư Mã Huy cuối cùng vẫn quyết định để cho người họ hàng xa đầy tiềm năng của mình đầu quân cho họ Tào.
Thực tế lịch sử cũng đã cho thấy, những quyết định tiến cử nhân tài của ông cho các vị quân chủ thời bấy giờ đa số đều đúng đắn.
Bởi lẽ, nếu Thủy Kính tiên sinh để Khổng Minh tới Đông Ngô hay Tào Ngụy thì thời đại Tam Quốc chưa chắc đã có được một Gia Cát Lượng lưu danh sử sách.
Tương tự như vậy, nếu ông đưa Tư Mã Ý tới với trận doanh của Lưu Bị, rất có thể gia tộc Tư Mã sẽ không có cơ hội trở thành người chiến thắng sau cùng và chấm dứt cục diện tam phân thiên hạ khi đó.
Nguyệt Hòa
Theo Soha