Tìm chút bình an – Câu chuyện ý nghĩa về suộc sống và tình người cao cả

ffgr-2

“Bà già khó chịu”.

Đó là biệt danh hàng xóm đặt cho bà. Bà biết hết chớ. Nhưng họ chỉ dám gọi sau lưng bà, nên bà cũng miễn chấp. Nguyên tắc sống của bà vẫn không thay đổi. Bà không muốn động chạm đến ai, và cũng không muốn ai động chạm đến mình.

Chiều muộn bà ra sân sau gom lá đốt. Đang lơ mơ nhìn những sợi khói quyện bay theo gió, chợt bà phát hiện ra cành cây thông nhà bên cạnh chỉa qua vườn nhà bà. Trời ơi, đáng lẽ bà phải thấy sớm hơn mới phải.

Nhánh cây đã dài cả khúc rồi còn gì..Bà ngó nghiêng qua sân nhà họ, không thấy chiếc xe nào. Chắc họ đi đâu đó chưa về. Thôi, để sáng mai nhắc nhở cũng chưa muộn.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

 

 

Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng suốt cả buổi tối bà cứ bồn chồn khó chịu. Sáng ra, nhác thấy bóng người trước thềm nhà hàng xóm, bà vội nhấc điện thoại than phiền: ” Ông bà xem tỉa giúp cành thông chìa qua nhà tôi nhé. Trái thông khô và lá rớt đầy cả góc sân nhà tôi đây nè. Phiền quá!”

— Xin lỗi bà, tôi sẽ gọi người tới chặt ngay. Bên kia đầu dây, người hàng xóm nhã nhặn đáp. Nhưng bà đã kịp nghe thoáng tiếng thở dài rất nhẹ trước khi cúp máy.

Thật ra, khu phố bà đang ở, nhà nào cũng có khoảng vườn khá rộng. Nên việc cây cối chìa cành sang nhà bên cạnh, là lẽ thường. Riêng đối với bà, chuyện đó không bình thường chút nào. Vì nó “vi phạm nguyên tắc” của bà.

Ngay sáng hôm sau, chiếc xe dịch vụ cắt tỉa cây đã đến. Đang hút bụi phòng khách, bà bỏ dở ra sân đứng canh chừng họ. Một người đứng trên thang dùng cưa máy để cắt cành cây, một người nắm sợi dây thừng chuẩn bị kéo cành về hướng an toàn.

Độ rung của máy cưa làm lá và trái thông khô rớt tung toé. Bà lại gọi điện yêu cầu bên hàng xóm phải sang sân vườn bà quét dọn sạch sẽ “những tàn tích” đó. Chưa kịp vào nhà, bà lại thấy hai chiếc xe bốn chỗ và một chiếc U-hall đỗ trước sân nhà hàng xóm bên trái.

Nhiều người bước xuống, rồi khuân khuân vác vác. À, thì ra họ dọn nhà đến. Chủ mới căn nhà là đôi vợ chồng trẻ và đứa con gái nhỏ. Còn có con chó nữa chứ. Đã có trẻ con, còn thêm chó nữa. Thật phiền quá đi mất. Bà lẩm bẩm và đi vào nhà, không đáp lại lời chào niềm nở của cặp đôi hàng xóm mới.

Buổi trưa ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, bà thấy con bé hàng xóm đang lúi húi nhặt những trái Lê rụng quanh gốc cây. Cây Lê này, khi vừa mới mua nhà, chính tay chồng bà đã trồng, vì ông biết bà rất thích ăn Lê.

Mỗi mùa thu đến, bà chờ đợi cây đơm hoa kết trái, háo hức như trẻ con. Kể từ ngày chồng mất, bà không còn cảm giác đó nữa. Thậm chí, trái Lê chín vàng bị dơi ăn rồi rơi rớt đầy sân, bà cũng chẳng màng.

Nhưng như thế, không có nghĩa là ai muốn lấy những trái Lê của bà cũng được. Nguyên tắc sống của bà vẫn bất di bất dịch. Bà nhủ thầm, khoan hẵng ra. Cứ đợi con bé đem Lê về, bà sẽ gọi điện mắng vốn nhà họ. Rằng, con nít cần phải được dạy dỗ cẩn thận, không được qua nhà hàng xóm lấy trộm. Rằng, cha mẹ cần phải quản lý con chặt chẽ …

Ô, lạ lùng chưa kìa. Con bé không ăn mà cũng không mang Lê về. Nó chạy lẫm chẫm đến bên thềm, đặt quả Lê xuống, rồi lại chạy gốc cây, nhặt quả Lê khác xếp ngay ngắn bên cạnh. Con chó cũng chạy theo nó, liếm mép và hít hít mũi vì mùi Lê thơm phức.

Một lúc sau, con bé dừng lại, vỗ vỗ đầu con chó và bảo: “Về nhà thôi Pom. Đi chơi lâu mẹ la cho đấy!” Rồi Con bé vạch lỗ rào chui trở về nhà, cái lỗ nhỏ xíu. Con chó cũng lách mình chui qua theo. Bà mở cửa, bước ra. Một thoáng bần thần, bà cầm quả Lê lên tay. Bây giờ thì bà biết tên con bé là Katy. Và con chó là Pom.

Ngày của bà bây giờ không đơn điệu nữa. Bà có cảm giác bồn chồn, hay nhìn ra sân. Mắt bà ánh lên tia sáng, khi thấy Katy và con chó Pom xuất hiện ở sân nhà. Vừa chui ra khỏi lỗ rào, bao giờ con bé cũng cẩn thận giũ lại váy áo.

Con chó Pom cũng lắc lư mình giũ giũ bộ lông xù. Rồi hai đứa chạy đến gốc Lê. Katy vừa lúi húi nhặt trái, vừa dặn dò Pom: “Không được ăn vụng nhé Pom. Lê của bà thơm quá phải không? Có thèm thì cũng không được ăn nhé!”

Ừ, mùi lê chín thơm thật, nên Pom nhà ta cứ thè lưỡi liếm liếm mép.

Mấy ngày lễ, cả gia đình Katy đi vắng. Chắc họ lại có reunion ở đâu đó. Tự nhiên bà nghe buồn và cô đơn vô cùng. Lễ hội là thời gian vui vẻ, đoàn tụ của mọi người.

Nhưng với bà, đó là khoảng thời gian sầu thảm nhất. Tháng mười một, ngày chưa qua mà trời đã âm u. Một vạt mây xám che ngang bầu trời ảm đạm. Bà đứng khuất sau cây Lê, nhìn sang nhà đối diện.

Ánh sáng lấp lánh từ những ngọn đèn treo ngoài mặt tiền lẫn những ngọn đèn rực rỡ từ bên trong hắt lên màu hạnh phúc. Tiếng nói cười vang lên tưởng chừng như có thể sưởi ấm cả không gian.

Gió thông thốc thổi những chiếc lá khô bay xạc xào quanh sân bà. Mắt bà thoáng cay cay. Bà dụi dụi mắt nói vu vơ “Chắc tại bụi vương thôi mà”.

Bà vào nhà, kéo rèm cửa sổ xuống và với tay bật điện. Ánh đèn vàng hắt bóng phủ một màu đìu hiu soi căn phòng cũ kỹ. Bà nhận ra một điều, ở ngôi nhà này, tất cả đều cũ kỹ và già nua theo năm tháng, giống như bà.

Bà ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành to, lấy quyển albums đã sờn đặt trên đùi. Tay bà run run vuốt ve từng tấm ảnh. Đây là hình của Paul mặc quân phục khi còn chiến đấu ở Việt Nam. Đây là ảnh cưới của ông bà. Đây là …

Không biết duyên nợ gì mà ông bà gặp rồi yêu nhau. Vượt qua những định kiến của xã hội và gia đình, bà đã chấp nhận làm vợ của ông, để theo ông về đất nước xa lạ cách quê hương bà một bờ đại dương thăm thẳm.

Hai người đã sống những tháng ngày hạnh phúc, cho dù không có con cái, vì ông bị nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh. Nhưng bất hạnh không dừng lại ở đó. Thân thể to cao vạm vỡ như cây tùng cây bách của ông bị chất độc ấy gặm nhấm từng ngày.

Xót xa bà nắm lấy bàn tay gầy guộc của chồng và bất lực nhìn ông trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn. Bà đã ngất đi không biết bao nhiêu lần trước thi thể bất động của chồng. Cũng không biết bao nhiêu lần, bà ngước nhìn trời cao, oán trách thượng đế sao quá bất công với bà.

Từ cái chết của ông, bà sống khép kín. Nụ cười tắt trên đôi môi.

Người phụ nữ có mái tóc dài đen nhánh, suốt ngày ca hát ríu rít như chim không còn nữa. Bà chẳng buồn giao tiếp với ai, nhốt mình trong ngôi nhà bằn bặt tiếng nói cười. Lẳng lặng bà đi ra đi vào một bóng. Nỗi đau khổ không vơi, mà chồng chất với thời gian, khi chỗ nào cũng phảng phất hình bóng của ông.

Đêm im ắng. Có thể nghe được tiếng dơi vỗ cánh chao chác và tiếng gió rin rít lùa qua những cành khô. Đồng hồ gõ từng nhịp uể oải. Khuya lắm rồi mà bà vẫn còn chong mắt. Những trái Lê bà đã nhặt để đầy chiếc rổ nhỏ trên bàn. Bà nhủ lòng, khi Katy về, bà sẽ cho con bé. Lâu lắm rồi, bà mới có cảm giác mong ngóng một ai đó.

Vừa chui qua cái lỗ nhỏ, Katy đứng thẳng lên giũ lại chiếc váy ren hồng. Xong, con bé chạy vội đến gốc cây Lê. Nhưng, ơ kìa, sao không có trái Lê nào hết vậy. Con bé ngơ ngác nhìn lên cây rồi lại nghiêng nghiêng người nhìn chung quanh. Đôi mắt xanh biếc ngạc nhiên tròn xoe như hai hòn bi ve.

– Bà bước ra. Tiếng cửa mở làm Katy giật mình. Pom sủa lên một tiếng, rồi im ngay, khi con bé đưa ngón tay lên môi suỵt suỵt.

– Bà nói: “Lúc cháu đi vắng, bà đã nhặt hết trái rồi.”

– Con bé tiu nghỉu: “Thôi cháu về vậy.”

— Khoan đã, đợi bà một chút. Bà trở ra với rổ trái cây: “Katy mang về mà ăn này”.

– Đôi mắt xanh biếc lại mở to: “Sao bà biết cháu tên là Katy? Cháu còn chưa quen bà mà?”

— Ừ, bà còn biết con chó của cháu tên là Pom nữa kìa. Bà cũng biết cả việc hai đứa rất thích Lê, nhưng chưa bao giờ ăn vụng Lê của bà.

– Hai bím tóc đung đưa khi con bé gật gù: “Dạ, mẹ bảo ăn vụng của người khác là xấu lắm”.

— Cháu ngoan lắm. Mai lại sang nhặt lê giúp bà nhé. Khi mở cổng rào cho Katy và Pom về, bà dặn dò: “Muốn sang nhà bà thì đi bằng lối này. Đừng chui qua lỗ rào, kẻo bị gai đâm xước đấy!”.

Vừa chạy vào nhà, Katy vừa gọi mẹ: “Mẹ ơi, Mẹ ơi!” Con Pom phóng theo Katy, sủa gâu gâu inh ỏi, như muốn nói, con cũng về rồi nè mẹ ơi!

– Đang dở tay gói quà chuẩn bị cho người thân trong dịp Giáng Sinh, Megan giật mình ngước lên: “Katy, coi chừng té đó”. Ở đâu mà con có nhiều lê thế?

– Katy khệ nệ giơ rổ lê ra phía trước, liến thoắng: “Là của bà cho con đó!”

– “Của bà à?”, Megan ngạc nhiên hỏi lại. Chuyện này là thế nào.

– “Thật mà, mẹ”, Katy cười tươi, quả quyết.

– Megan ái náy nhìn vào gương mặt rạng rỡ của con: “Con không được sang nhà bà nữa, nghe không?”

— Ơ … Bà tốt lắm . Con thích bà lắm.

– Megan nghiêm nghị: “Không được cãi. Mẹ đã bảo không là không!”

– Không dưng bị mẹ la, Katy phụng phịu chực khóc. Con bé mếu máo trông thật tội nghiệp.

Megan nhẹ nhàng kéo con vào lòng. Cô không thể nói cho con bé nghe về cái “ bà già khó chịu “ mà cả xóm đều không muốn dây vướng để tránh phiền hà. Cái “bà già khó chịu “ mà cô đã được trải nghiệm ngay ngày đầu tiên dọn đến đây với cái quay ngoắt bất lịch sự khi cô lên tiếng chào hỏi. Với cô, hàng xóm là một điều rất quan trọng.

Nếu sớm biết mình sẽ là láng giềng của “bà già khó chịu”, chắc gì cô quyết định mua ngôi nhà này, cho dù cô rất ưng ý nó. Thôi thì đành cấm con bé vậy. Đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra …

Nhớ lời mẹ dặn, Katy không dám qua nhà bà, mà chỉ quanh quẩn trong sân nhà. Chốc chốc, con bé len lén nhìn những quả Lê chín vàng trên cây, rồi lại cụp mắt xuống.

Con Pom chắc cũng nhớ mùi thơm những quả Lê, nên cứ cắn gấu váy của Katy mà kéo ra cổng. Giằng co mấy lần như thế, Katy đành chịu thua con Pom. Cả hai đứa chạy ù sang nhà bà.

– Vừa nhác thấy bóng Katy và con chó Pom, bà vội bước ra ngoài.

– Con bé hớn hở chào bà, rồi chạy đến gốc cây nhặt lê.

– Bà gom những quả lê, rửa sạch, lấy dao gọt vỏ, cắt ra đặt vào đĩa, gọi: “Katy lại ăn Lê với bà này”.

– Con bé cầm lấy miếng Lê, cảm ơn bà và không quên xin phần cho con Pom: “Bà ơi, bà cho con Pom ăn nữa nhé?”

– Bà gật đầu: “Ừ, cho con Pom ăn nữa”.

Lần đầu tiên được ăn lê của bà, con Pom sướng lắm, ngoe nguẩy đuôi mãi. Ba bà cháu cùng ăn Lê với nhau thật vui vẻ. Vị lê ngọt mát tan trong miệng bà. Đã bao nhiêu năm rồi, ngôi nhà mới vang ấm tiếng con người.

Hôm nay Katy chẳng thấy bà đâu. Con bé nhặt Lê xong rồi, mà vẫn không thấy bóng bà. Chần chừ một chút, Katy đành quay về. Con Pom cũng lẻo đẽo theo Katy. Hai đứa buồn xo vì không gặp bà và không được ăn Lê.

Ngày hôm sau, Katy lại dẫn con Pom sang. Con bé ngạc nhiên thấy những quả Lê hôm qua còn xếp ngay ngắn trên thềm. Sao bà không cất đi? Nhìn thấy cửa sổ mở, Katy nhón chân nhìn vào. Không thấy bà, con bé lên tiếng gọi: “Bà ơi!”

Con Pom cũng sủa gọi bà gâu gâu gâu một tràng dài. Nhưng bà vẫn không ra? Lạ lùng chưa. Katy lại nhón chân gọi to hơn: “Bà ơi, bà ơi!”

Con Pom hít hít mũi như nghe thấy gì. Nó dùng chân cào cào tường và sủa lớn. Trong nhà, nghe loáng thoáng tiếng Katy và tiếng sủa giật giọng của con Pom

– Megan vội chạy ra. Nhìn sang sân hàng xóm, thấy hai đứa, cô hết hồn la lên: “Katy về ngay!”

– Con bé hớt hải chạy về, níu tay cô: “Mẹ ơi, mẹ sang gọi bà đi”.

– Megan giận lắm: “Bây giờ còn muốn mẹ sang đó nữa hả? Đi vào nhà mau!”

– Con bé mếu máo theo sau mẹ, nhưng vẫn không chịu thôi, cứ nằng nặc xin mẹ sang gọi bà.

– Megan nén giận, hỏi lần hồi mọi chuyện. Thì ra, con bé vẫn lén mẹ sang chơi nhà hàng xóm. Hai bên bà cháu thân thiết nhau lắm. Nhưng từ hôm qua con bé không thấy bà.

Hôm nay con bé và con Pom nháo nhào như vậy, mà bà vẫn không ra. Sực nhớ bà ấy ở một mình, cô cũng thấy lo. Nhưng cô cũng không dám tự ý vào nhà đó. Megan đi sang nhà đối diện xin số điện thoại của bà.

– Khi đưa cho cô số, họ thắc mắc hỏi: “Cô lại có chuyện gì với ‘bà già khó chịu’ đó à?”

– Megan kể chuyện cho họ nghe. Mọi người cùng tán thành việc gọi điện cho bà ấy.

Chuông điện thoại gióng lên từng hồi, mà không có ai bắt máy. Bây giờ mọi người thật sự lo lắng:

— Chắc có chuyện gì rồi.

— Phải gọi báo cho 911 thôi.

Các nhà đối diện và lân cận đều tập trung trước cửa nhà bà. Lúc này mọi người không còn nhớ đến những phiền hà bà đã gây cho họ. Tất cả đều chung một tâm trạng thắc thỏm. Xe cảnh sát trờ đến. Mọi người dạt sang một bên.

Nhân viên cảnh sát phá cửa nhà xông vào. Họ tìm thấy bà đang trong tình trạng mê man. Một lúc sau, xe cấp cứu chạy đến. Người ta khiêng bà lên xe đưa vào nhà thương. Sau ba ngày hôn mê, bà tỉnh lại. Bác sĩ quyết định chuyển bà sang khoa nội để theo dõi.

Từ giường bệnh, bà có thể nhìn thấy bầu trời ngoài kia. Vẫn là cuối thu với màu mây xám mênh mang, nhưng bà không cảm thấy buồn man mác như những cuối ngày ngồi trong nhà nhìn ra khoảng sân nhà hiu quạnh.

Có vài người hàng xóm đến thăm bà mang theo lời nhắn gửi của những người hàng xóm khác.

— Megan, mẹ của Katy cũng đến. Cô ấy bảo cây lê không còn ra trái nữa, mà Katy biết bà thích ăn Lê lắm , nên con bé cứ nằng nặc đòi mẹ phải đi chợ mua Lê vào cho bà.

— Bà cảm thấy ấm áp vô cùng. Sự ấm áp tràn ngập cả tâm hồn, mà không có một loại máy sưởi nào làm được. Đó là sự quan tâm, là tình người. Bao nhiêu năm nay bà đã hoang phí đời mình trong những dằng dặc buồn phiền, khắc khe và ích kỷ. Chưa lần nào bà mở lòng ra với mọi người. Lần này ra viện, trở về, bà chắc chắn sẽ sống khác.

— Megan giúp bà làm thủ tục xuất viện.

Khi xe vừa dừng lại trước nhà, vài người hàng xóm trông thấy, chạy ra đón bà.

Những ngày vắng bà, mọi người đã ngồi lại trao đổi với nhau. Ai cũng cảm thấy áy náy, vì chỉ muốn xa lánh bà để tránh phiền hà, mà không hiểu được sự cô đơn của bà.

Nếu hôm nọ không có Katy và con chó nhỏ, chắc gì mọi người đã phát hiện để kịp đưa bà đi cấp cứu. Cuộc sống thật phù du. Cố chấp nhau làm chi, khi cuối cùng cũng chỉ còn là tro bụi. Sao không mở lòng ra với nhau lúc mình còn có thể.

– Peter, chủ nhà đối diện, lúc này mới nhìn thấy sự đối nghịch của hai nhà. Bên này sân, là đèn hoa rực rỡ. Bên kia là ngôi nhà rêu phong ẩm mốc. Anh quyết định giăng đèn phía mặt tiền và mua vòng hoa đỏ treo trước cửa nhà bà.

– Nhà hàng xóm có nhánh thông chìa qua nhà bà lúc trước, cũng mua vài chậu cây trạng nguyên đỏ thắm đặt trước thềm nhà bà.

Mọi người còn bàn nhau sẽ mở một “block party” vào Giáng Sinh này. Đây cũng là dịp để hàng xóm gần gũi, cảm thông nhau hơn.

Bà bước xuống xe, bở ngỡ nhìn ngôi nhà rồi nhìn mọi người chung quanh. Mắt bà rưng rưng vì cảm động. Câu cảm ơn run run trên môi không thốt thành lời. Katy chen mọi người để được nắm lấy tay bà.

Con bé cười toe toét bày hàm răng vừa rụng mất một chiếc hôm qua. Con Pom cũng cố luồn lách qua chân mọi người. Giây phút quan trọng thế này làm sao thiếu được sự hiện diện của nó chứ?

Bài & ảnh sưu tầm.

Nguồn: Trần Hương Thủy – South Carolina

Chia sẻ bài viết: